THẢ RONG NỖI BUỒN - CAO MỴ NHÂN

Thứ Năm, 29 Tháng Ba 20186:00 SA(Xem: 7860)
THẢ RONG NỖI BUỒN - CAO MỴ NHÂN
zzzzzzzzzzzzzzz

THẢ RONG NỖI BUỒN  -   CAO MỴ NHÂN 

 

Sau ngày 30-4-1975, những người vốn sinh sống ở miền nam, thì vừa lặng lẽ quan sát cuộc sống mới,vừa âm thầm tìm kiếm những đường dây để đi tìm tự do nơi bất cứ quốc gia nào trên thế giới, thậm chí sang Lào hay Campuchia, sát nách Việt Nam, cho dẫu tình thế Lào hay Campuchia cũng chẳng hơn gì quê hương VN thủa ấy.

Để điền vào chỗ trống ở miền Nam và nhất là Saigon, hằng loạt dân miền Bắc XHCN bằng đủ mọi phương tiện chuyển đổ về phương nam, bởi ai cũng thấy miền nam rực rỡ, giầu sang...

Bấy giờ vào khoảng đầu thập niên 80 thế kỷ trước, ông hàng xóm lâu đời của tôi, nhà văn Thế Phong, đang làm việc trong ngành giao thông công cộng, tức ngành xe buýt. 

Ông ta, thoạt thì đi xe kiểu làm lơ xe, sau người ta khám phá ra, ông có biệt tài chữ nghĩa, đã đẩy ông vào bàn giấy, để phụ trách việc chuyên môn điều tra tất cả các tai nạn do xe buýt gây ra, trên tuyến đường dài nhất đô thành : Saigon- Thủ Đức. 

 

Một hôm Thế Phong rủ tôi đi chơi bằng xe buýt Thủ Đức đó, nhân thể xem cách làm việc của một nhà văn miền nam sau 1975. 

Tôi bỗng ngạc nhiên trước tính tháo vát, tự nhiên, đầy khả năng lao động chân tay, nói năng bén nhậy, bất kể thiên hạ sự của ông. 

Sự việc mà trước kia bạn văn Saigon cứ nghĩ Thế Phong cao bồi, lang thang, ngoại trừ thời gian làm việc trong Bộ Tư Lệnh Không Quân Tân Sơn Nhất là nghiêm chỉnh. 

Thấy tôi trầm ngâm, nhà văn Thế Phong hỏi, nhưng không bao giờ ông ta đợi câu trả lời: 

Suy nghĩ làm gì vậy bạn ? Lát nữa tới bến, tôi giao việc  cho người khác, sẽ chở bạn đi chơi như ngày xưa. 

Tôi vốn thuộc loại người luôn luôn để tâm hồn đi vắng, nên ơ hờ, hồn gởi mộng xa xôi...

 

Xe vô bến Thủ Đức, Thế Phong ào ào nhảy lên nóc xe, phụ hành khách lấy quang gánh, thùng giỏ, bao tời ...xếp trên nóc xe xuống, ông còn nói giọng thật lớn cho tôi nghe, vì tôi vẫn chưa chen ra được khỏi xe:

  • Mỵ cứ ngồi yên trong xe đi, lát nữa bà con xuống hết, thì ra, vội gì
  • Rác rến trên nóc xe được Thế Phong gạt hết xuống đường, bụi đất mờ mịt, Thế Phong bảo tôi:
  • Quay mặt vào trong, nín thở.

Rồi nghe ịch một cái, Thế Phong đã xuất hiện trước cửa xe buýt, ông cười khì khì: 

  • Xong rồi, mời bạn vô văn phòng      tôi chơi.

Đó là những gian nhà gỗ làm tạm, hay vốn có sẵn từ hồi nào, giờ được trưng dụng làm cơ sở xe buýt Saigon- Thủ Đức. 

 

Tôi thấy Thế Phong điềm nhiên ra vô, giọng nói vẫn oang oang như thủa 20 năm trước:

-Này bồ, chẳng biết bồ nào trong đó, chiều nay tôi nghỉ nghe, giờ có việc nhà rồi, cô em từ ngoải vô, chẳng biết ông định nói tôi từ ngoài Bắc hay từ miền Trung vô nữa, tôi phải đưa đi kiếm họ hàng đây. 

Mấy người nhìn ra ngoài sân trống, thấy tôi đang đứng lớ ngớ, quần đen, áo sơ mi ngắn tay mầu xanh lơ, tóc cắt ngắn, tay cầm nón lá.

Thế Phong cũng nhìn ra, biết tôi đang có vẻ nhăn nhăn, ông hất hàm cười toe: 

  • Vô đây Mỵ, đây là mấy bác làm chung xe.

Các ông ấy có lẽ sắp ăn trưa, nên cùng cười, vẻ chất phác, mời xã giao: 

  • Cô Hai ăn cơm luôn nha. 
  • Thế Phong cười tếu: 
  • Ấy, ấy, cô Tư cơ đấy. Sao cô Tư có muốn ăn cơm ở đây không nào ? 
  • Tôi lắc đầu ngay. Như trên tôi đã nói, với Thế Phong thì từ trong văn chương đến ngoài cuộc đời, chẳng bao giò ông ta chờ câu trả lời của ai cả,  bằng cách là chính ông chào tạm biệt họ: 
  • Thôi chào các ông, bọn tôi đi đây . 

 

Thế Phong đã ngồi trên yên xe đạp, để chân xuống đất,có ý chờ tôi tới ngồi lên yên sau. 

Nhưng dù đã mấy năm trong trại tù tập trung cải tạo, nay lại đang lao động ở nông trường Rạch Bắp, và đã qua 2 thập niên quen biết Thế Phong, tôi vẫn đi bộ đủng đỉnh ra khỏi vòng rào trạm liên lạc xe buýt, để rồi đứng lại bên đường, chờ Thế Phong rà xe đạp tới . 

Tất nhiên Thế Phong chẳng những biết tính tôi, ông còn biết quá rõ của hàng chục phụ nữ khác, là ai lại ngồi chễm chệ trước mặt mọi người đang dòm ngó , dị chết . 

Người hàng xóm lâu đời của tôi vẫn cười toe toét, như thủa xưa, dù có đói 3 ngày liên tiếp, ông vẫn cười ...

Huống hồ bây giờ, 1980, nhà văn Thế Phong, chế độ cũ, đang thực sự làm chủ cuộc đời ông. 

 

Sau trưa , Thế Phong đạp xe quanh đồi Thủ Đức, những dốc cao, và những lối đi có nhiều cây lớn, hoa lá quen xưa, tôi cảm thấy thanh thản lắm, bèn hát nhỏ nhỏ bài Quê Nghèo của Phạm Duy . 

Làng tôi không xa kinh thành sáng chói

Có những cánh đồng cát dài

Có lũy tre còm tả tơi...

Thế Phong nói trỏng, chẳng cần tôi hay ai nghe:  

  • Hát hay thế , sao không học làm ca sĩ ? 
  • Học làm ca sĩ à ? Tôi cũng nói bâng quơ. 

Hồi mới di cư vào nam, Hoài Bắc bảo tôi, Thế Phong tiếp:

  • Mày làm nhà văn làm đếch gì , đi làm ca sĩ nổi tiếng và có tiền ngay nữa . 

Thế Phong chợt nhớ, có một lần, nhạc sĩ Phạm Đình Chương tức ca sĩ Hoài Bắc nói với ông, khoảng 1955: 

Chứ viết văn làm đếch gì, chắc gì mày đã nổi tiếng, và làm gì có tiền để in tác phẩm, Phạm Đình Chương xiết tay Thế Phong thật chặt, mày còn làm thơ không? Mày có làm thơ hay, tao cũng đếch phổ nhạc được. Báo phê bình thơ mày đếch có điệu vần, thơ tự do hủ nút, làm đếch gì ông phổ nhạc cho được . 

 

Viết tới đây, tôi bắt đầu buồn, thực sự buồn ...

Những người yêu và làm văn chương đam mê chân chính như ca nhạc sĩ Hoài Bắc Phạm Đình Chương, hay như nhà văn, thơ Thế Phong, ông hàng xóm lâu đời của tôi, quý vị ấy sống bộc trực, phải thân thiết nhau lắm, mới có kiểu đối thoại dễ giận, nhưng chân tình. 

Tuy nhiên nếu cần biểu lộ phong cách hào hoa thì lập tức quý vị đó cũng thể hiện được ngay . 

Trong sinh hoạt văn nghệ, tôi không gần mà cũng chẳng xa Thế Phong...Tôi rơi vào tình trạng đứng chung trong đám đông ngó Thế Phong như một hiện tượng khác đời, ông ấy đã tự tách ra một chỗ đứng, rồi mặc niệm nỗi buồn nhân thế. 

 

Cách biệt cả một đại dương, nhưng giọng nói " lệnh vỡ " của nhà văn " quái đản " này, cứ đồng vọng bên tai tôi : 

" Mê thích thơ đã chết rồi, nay lại chính mình làm thơ, thì chỉ có nước đắp lên thơ một nấm mồ khổ lụy thôi..."

Mình muốn chuyển cho anh lời phê phán đó. 

Nhưng có thể chuỗi ngôn từ của anh còn bát ngát tình thơ hơn nữa, rằng anh sẽ là người thay hoa tươi trên bia thơ khắc ở mộ tình thi sĩ...

Cao Mỵ Nhân cứ an tâm viết nhé, vì một nửa vốn liếng 

"Thơ Mỵ" là của...anh rồi. 

 

CAO MỴ NHÂN (HNPD)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn