Phúc Lai - Một số nhận xét về tình hình chiến sự ở Ukraine mấy ngày qua (27/05/2023)

Thứ Bảy, 27 Tháng Năm 20231:01 CH(Xem: 1258)
Phúc Lai - Một số nhận xét về tình hình chiến sự ở Ukraine mấy ngày qua (27/05/2023)

pl_74 

1. Trận đánh Bakhmut chưa kết thúc

Hay có thể nói cách khác, trận đánh Bakhmut chưa “lên đỉnh” – nó mới trải qua giai đoạn “cà rầm cà rề” suốt 9 tháng của Nga, và hình như cả hai bên đều cho rằng họ đạt được những thắng lợi nhất định.

Đầu tiên xin các bác quá bộ xem bản đồ số 1 kèm theo bài này, đó là bản đồ theo báo cáo chính thức của Đại bản doanh các lực lượng vũ trang Ukraine cập nhật đến ngày 23/05 (cách đây 4 ngày) và theo đó, quân Nga đã chiếm được hoàn toàn vùng nội đô của thị xã Bakhmut.

Bình loạn : Nào, bây giờ bác nào hay các cháu dư luận viên còn cho rằng người Ukraine thích “tố” lên những thắng lợi của mình và cả những thiệt hại của Nga hay không? Với kinh nghiệm ngồi mò tin từ hơn một năm qua, tui nhận thấy càng ngày phía Ukraine càng kín bưng, và đặc biệt là những thiệt hại của quân Nga về nhân lực luôn không bị phóng đại lên bao giờ.

Quay lại với Bakhmut, như vậy nó có hoàn toàn bị chiếm không? Nếu các bác xem trên bản đồ Google thì Ivanivske mới là vùng ngoại ô của thị xã về phía tây, và hiện do quân Ukraine làm chủ. Còn cái chỗ tây nam của thị xã có tọa độ hay cái đuôi thò xuống ấy, ai đang giữ?

pl_75

Theo bản đồ mới nhất cập nhật đến cuối ngày 26/05 của ISW thì chỗ đó Nga chưa chiếm được, tức là vẫn còn cỡ khoảng một nửa phường gì đó – xin các bác xem bản đồ số 2, chỗ tui khoanh chấm chấm màu xanh. Đồng thời vùng phản công vừa qua của quân Ukraine vẫn kết nối với khu vực này (chỗ mũi tên xanh) do đó nếu chúng ta nhìn về phía người Ukraine thì vẫn có thể cho rằng Prigozhin tuyên bố thì cứ tuyên bố, nhưng chưa chiếm được hết thì vẫn chưa chiếm được hết.

Về chiến lược của The Battle of Bakhmut tui xin tua lại một chút: Ai cũng nhận ra rằng trận đánh đã hút của quân đội Nga, hay nói chung là lực lượng vũ trang Nga cả hải quân và đánh thuê tư nhân, một lượng nguồn lực quá lớn cả người và thiết bị. Chẳng hạn con số mới nhất do Prigozhin công bố rằng chỉ trong 5 tháng Wagner của hắn đã chết đến 20.000 lính (4.000 một tháng và hơn 100 một ngày) tui nghĩ khá… thực tế, dù cũng rất khả năng là nó bị giảm cỡ… một nửa.

Ngay cả lãnh đạo Kyiv cũng không giấu diếm rằng, chiến thuật của họ trong trận chiến “máy xay thịt” là lôi kéo quân đội của Putox vào Bakhmut và làm suy yếu tuyến phòng thủ của họ ở những nơi khác…

Vậy nó chưa kết thúc, và một giai đoạn mới của trận đánh Bakhmut bây giờ mới bắt đầu.  

2. Thực trạng của lực lượng vũ trang Nga trên chiến trường Ukraine hiện nay

Khoảng chục ngày trước đây, cuộc phản công ở ngoại vi Bakmut bất đầu. Khoảng cách đây vài ngày khi tiến hành một số đợt phản công ở ngoại vi phía nam thị xã Bakhmut, các đơn vị của Lữ đoàn xung kích số 3 Ukraine đã sử dụng bộ binh có sự hỗ trợ của xe tăng, tiến 1.000 mét qua các phòng tuyến của quân Nga trên những cánh đồng nhận thấy sự hoảng loạn lan rộng trong quân Nga.

Điều đó cho thấy, ngay bản thân khu vực Bakhmut thôi, một khu vực diễn ra trận đánh nếu vẽ một vòng cung mà phần lồi hướng về phía đông, từ Pryvillya qua Soledar vòng xuống đến tận Klishchiivka thì vòng cung này cũng chỉ dài khoảng 50 ki-lô-mét. Còn nếu tính từ Pryvillya ở phía bắc xuống Odradivka ở phía nam theo trục đường M-03 – T-0513 thì chỉ là 30 ki-lô-mét thôi.

Nếu tính toán kiểu thô thiển một hình bán nguyệt đó có diện tích hơn 300 ki-lô-mét vuông một chút. Để đánh giá “quy mô” này, chúng ta có hai cách tiếp cận.

(a) Thứ nhất: Dìm hàng quân Nga. Trong quân sự người ta có cách tư duy hay tính toán căn cứ trên chiều dài chính diện mặt trận. Ví dụ hôm 03/04/2023 tui có đưa ra một trường hợp về chiến dịch Donbass của Hồng quân Liên Xô năm 1943, Phương diện quân Nam (từ ngày 20 tháng 10 năm 1943 là Phương diện quân Ukraina 3) do thượng tướng F. I. Tolbukhin làm Tư lệnh, đảm nhiệm một chính diện mặt trận dài 250 ki-lô-mét:

Khi đó Tolbukhin có trong tay 5 tập đoàn quân bộ binh và 1 tập đoàn quân không quân, còn các đơn vị xe tăng được cung cấp trực tiếp từ Đại bản doanh. Ước tính, Tolbukhin có trong tay khoảng 500.000 quân, nghĩa là mỗi tập đoàn quân có đến 100.000 người và 2.000 người / ki-lô-mét chính diện. Còn quân Nga ở Bakhmut có khoảng – cứ cho là 50.000 đi với chiều dài chính diện mặt trận 50 ki-lô-mét (20% so với Tolbukhin) – 1000 người / ki-lô-mét chính diện.

Trên thực tế, quân số của Nga sử dụng ở Bakhmut thường xuyên không phải là như vậy, vì họ phải bổ sung liên tục và rõ ràng, chết cũng là liên tục. Trận đánh kéo dài những 9 tháng cho nên nếu cứ so sánh như vậy thì không thể đúng, mà nó đã diễn ra “rầm rề” quá lâu, lúc thì Nga tấn công chỗ này, lúc thì chỗ khác; chẳng hạn ngay như trận đánh chiếm Soledar cũng đã rất đẫm máu. Hoặc giả, như tui nhớ không nhầm thì Ivanivske cũng đã từng bị chiếm và quân Ukraine mới đòi lại gần đây thôi.

Một trong cái điểm chắc chắn dẫn đến “thua” của Nga ở Bakhmut là nó được tiến hành vào thời điểm lực đã kiệt về mọi phương diện, kể cả thứ mà họ có thế mạnh nhất là… quân số. Nó giống kiểu như đánh nhau nhưng không dùng nắm đấm mà dùng bàn tay xòe: giật gấu vá vai, cứ bổ sung được tí nào quẳng ngay vào trận đánh tí ấy.

(b) Thứ hai, nâng tầm người Ukraine.

Nếu so sánh với Tolbukhin như trên đây, rõ ràng là người Nga của năm 2023 thua xa của 80 năm về trước, nhất là trong một trận đánh có quy mô bằng 1/10 so với tiền bối, họ cũng không làm được gì cho ra hồn. Với cách tiếp cận đó, chúng ta sẽ dễ sa vào việc hạ thấp vai trò của trận đánh.

Xét về mặt thực chất, Bakhmut ngay sai giai đoạn Serevodonetsk – Lysychansk cũng chưa phải là gì ghê gớm đặc biệt và Wagner vẫn đảm nhiệm ở đây, cầm chừng rất lâu. Nó chỉ thực sự trở nên quan trọng khi quân Nga phải bỏ chạy ở đông Kharkiv và sau đó là Kherson, để cho quân Ukraine giải phóng những vùng đất rộng lớn. Như vậy là đứng trước nguy cơ sụp đổ về chiến lược, Bakhmut vốn dĩ là một thị xã bé tí, bị nâng tầm lên thành một mục tiêu chiến lược.

Điều này thể hiện rõ ràng bế tắc của Putox, của lực lượng vũ trang Nga. Với tình thế đó, không rõ vô tình hay có cố ý hoặc cả hai, mà một trận đánh ở tầm cấp quận (Hoàng Mai nhà mình) được nâng lên cấp chiến lược, thậm chí nhiều chuyên gia (Tây hẳn hoi!) còn đánh giá rằng nó có khả năng quyết định chung cuộc của chiến tranh. Có những con số biết nói, ví dụ như riêng The Battle of Bakhmut người ta đánh giá quân Nga thiệt hại đến 100.000 quân, 1/4 đến 1/3 số xe tăng tổn thất của cả cuộc chiến tranh… cho thấy người Ukraine đã quá thành công trong mục tiêu làm suy kiệt nguồn lực, sinh lực của lực lượng vũ trang Nga.

Chúng ta thường nói ví von: Ukraine đã thành công trong “phi quân sự hóa Nga.” Hóa ra ngay từ hồi họ chuyển mục tiêu sang hạn chế hơn – chiếm nốt Donbas và đầu tiên nhắm vào Serevodonetsk – Lysychansk, nhìn kiểu đánh nhau như thế tui đã căn cứ trên một số thông tin khác nữa, ví dụ năng lực của nền sản xuất quốc phòng và khả năng khởi động được nền sản xuất công nghiệp nói chung để đưa vào phục vụ chiến tranh… Và hồi đó đã đưa ra dự báo rằng, bộ máy quân sự của họ (nước Nga) sẽ kiệt quệ trong một thời gian tới.

Đến thời điểm họ chuẩn bị cho lễ chiến thắng 09/05 năm nay thì rõ ràng là những dự đoán đó đã tỏ ra đúng. Còn có một điều nữa mà tui cùng với một số bác đã bàn từ năm ngoái, rằng dù có chiếm được cả Donbas nhưng người Ukraine vẫn không bị đánh gục về sức mạnh quân sự, bộ máy quân sự của Ukraine càng ngày càng mạnh thì Nga không thể trụ lại ở những vùng đất đã chiếm được. Để đối phó với hoàn cảnh đó, người Nga buộc phải duy trì thế tấn công – thì rõ ràng là như vậy: đi xâm lược nước người ta là phải tấn công liên tục, chứ dừng lại là chết.

Chuyện này chúng ta cũng đã bàn rồi: không có phương án khoanh gọn chiến tranh. Chẳng hạn, ở Kherson sau khi rút sang tả ngạn, con sông Dnipro là trở ngại lớn cho người Ukraine chiếm lại đất của mình, đó là một trong những phương án khoanh gọn. Ở những chỗ khác, khoanh gọn buộc phải chấp nhận việc xây dựng hệ thống phòng ngự, chẳng hề giống với một cuộc chiến tranh xâm lược tí nào.

Chúng ta cùng thử hình dung: Nếu như họ dồn cả 100.000 quân (đã quá cố) đó vào đánh cùng một lúc, thì không phải chỉ Bakhmut mà có thể họ đã chiếm được cả Slovyansk và Kramatorsk rồi. Tiếc cho họ đã không được như thế: bế tắc về chiến lược đi một nhẽ, đây còn toi luôn về chiến thuật, nghĩa là không đủ hỏa lực pháo binh và xe tăng, thì cũng không thắng nổi, do vậy càng “biển người” càng thiệt hại.

Đến bây giờ thì những chuyện kiểu như lính Nga đầu hàng trước cái drone thả đạn cối, cho chúng ta thấy một hình ảnh của một đội quân bạc nhược. Tất nhiên, bạc nhược vẫn có cái nguy hiểm của bạc nhược. Như tui đã viết, để duy trì thế tấn công hay tình trạng chiến tranh, không cho người Ukraine ăn ngon ngủ yên ngoài tấn công ở Bakhmut họ quay ra dùng không kích bằng tên lửa và UAV tự sát. Cơ mà cái đáng sợ là tên lửa thì càng ngày càng ít đi.

Cách đây cỡ một tuần có thông tin mà tui đã điểm một lần rằng theo cơ quan tình báo Ukraine thì riêng ở mặt trận miền nam – tức là phần lãnh thổ hai tỉnh Kherson và Zaporizhzhia bị tạm chiếm, có đến 150.000 quân Nga đóng giữ. Nếu mà như vậy thật thì đây là một con số khủng khiếp, vì chẳng cần nói bạc nhược hay không, riêng “phá cái đảo” đó đã là cả một vấn đề. Tất nhiên, đông quân nó có vấn đề của đông quân. Xin các bác xem hình số 3 đính kèm theo bài này: đường giao thông từ Dzhankoi lên Armiansk được quân Nga đóng đồn bốt dày đặc hai bên.

Không biết các chuyên gia quân sự nghĩ thế nào chứ tay mơ như tui cũng thấy kiểu giữ như thế này… như dở hơi. Điều đó cho thấy:

Thứ nhất: Đúng là quân Nga ở mặt trận miền nam đông thật, và hậu cần cho nó là một vấn đề cũng khủng bố không khác gì quân số. Vì vậy đường giao thông mới trở nên đại quan trọng như thế chứ.

Thứ hai, bắt đầu rơi vào tình trạng quẫn. Người Ukraine đâu có cần phải đổ bộ chiếm đường giao thông mà phải làm như thế? Cầu Kerch chỉ cần bị quại thêm phát nữa là đói rã họng cả lũ. Theo bản tin mới nhất của Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine thì:

• Các trường hợp không tuân thủ mệnh lệnh của chỉ huy và đào ngũ ngày càng được ghi nhận trong các lực lượng chiếm đóng của Nga. Vào ngày 25 tháng 5, khoảng 20 cựu tù nhân vừa trải qua khóa huấn luyện cấp tốc và đến tăng cường cho đơn vị nằm trong khu vực định cư Svatove, đã đánh cắp một chiếc ô tô KamAZ và bỏ đi theo một hướng chưa rõ. Hiện tung tích của họ vẫn chưa được xác định, công tác tìm kiếm vẫn đang được tiếp tục.

Đánh giá của Anh về diễn biến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine: Nghiên cứu đáng tin cậy của các nhà báo Nga độc lập cho thấy rằng từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2023, các tòa án quân sự Nga đã xét xử 1.053 trường hợp quân nhân vắng mặt không phép (AWOL) - nhiều hơn trong toàn bộ 2022. Đánh giá về tình hìn này của Tình báo Quốc phòng Anh: Quân đội Nga đang vật lộn để thực thi kỷ luật trong hàng ngũ của mình trong hoạt động ở Ukraine, nhưng các vấn đề của nó rất có thể trở nên tồi tệ hơn sau đợt họ phải bắt buộc huy động quân nhân dự bị từ hồi tháng 10 năm 2022.

Dữ liệu của tòa án cho thấy rằng hầu hết những người bị kết tội AWOL hiện đang bị tuyên án treo, nghĩa là họ có thể được tái triển khai cho “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Những nỗ lực của Nga nhằm cải thiện kỷ luật tập trung vào việc xử những người đào ngũ làm gương và thúc đẩy lòng nhiệt thành yêu nước hơn là giải quyết nguyên nhân gốc rễ khiến binh lính vỡ mộng.

“Nguyên nhân gốc rễ khiến binh lính vỡ mộng” là gì? Mục đích tối hậu của chiến tranh – họ chiến đấu cho cái gì? Bây giờ thì rất nhiều người lính Nga đã nhận ra họ đang chiến đấu cho một quân đội phát-xít, để thỏa mãn mong ước chiếm đất của một tên Hitler mới. Điều đó bộ máy tuyên truyền Nga đã bắt đầu tỏ ra thất bại.

Cơ mà, quân Nga họ vẫn tấn công với những trận đánh nhỏ lẻ mang tính chất cải thiện vị trí. Đến đây xin phép để đến phần cuối tui viết tiếp.

3. Vài hiểu nhầm về bộ máy quân sự Nga

Cho đến trước cuộc chiến tranh này, gần như cả thế giới sợ Nga, sợ đến mức hèn hạ và bạc nhược và họ trở thành chỗ dựa cho bọn dư luận viên Việt, bọn có tư tưởng khát máu đến bệnh hoạn. Đồng thời chúng ghét Mỹ nên chúng chỉ thích thấy nước Nga Putox đi đánh nhau, dạy cho cả cái thế giới này nhiều bài học.

Trong tương quan thế giới nói chung đó, Nga thường được đem ra so sánh và NATO về sức mạnh quân sự, và có lẽ người ta luôn tưởng rằng NATO chẳng tuổi gì so với Nga cả.

Mà nói kể cũng đúng, lâu nay NATO có thực sự tham gia cuộc chiến tranh nào tương tự như cuộc chiến tranh hiện nay ở Ukraine đâu, ở Kosovo là cử mỗi nước vài cái máy bay, ở Afghanistan thì cử những lực lượng bé tí mang tính… gìn giữ hòa bình là chính. Trong khi đó Nga của Putox làm mưa làm gió ở Syria, và tham gia cuộc nội chiến đông Ukraine suốt 8 năm.

Những kinh nghiệm thực chiến đó chưa bộc lộ điểm yếu, và vẫn cho thế giới thấy Nga, con gấu có sức mạnh đáng gờm. Không ai ngờ khi buộc phải tham gia một cuộc chiến tổng lực phi hạn chế, đòi hỏi huy động cả nền kinh tế và sản xuất công nghiệp vào phục vụ chiến tranh, thì họ thê thảm đến vậy.

Thực tiễn chiến tranh đã cho thấy hiện nay ngoài thế đối đầu trực tiếp giữa hai lực lượng vũ trang Nga và Ukraine trên chiến trường, thì còn có sự đối đầu gián tiếp, hay có một cuộc đua về tiềm năng tài chính, khả năng sản xuất và cuối cùng là năng lực tổ chức hệ thống hậu cần giữa một bên là Liên bang Nga, bên kia là liên minh phương Tây, từng nước NATO với Ukraine. Phần thắng đã nghiêng về phía các nước văn minh đang giúp đỡ Ukraine.

Tạm kết luận: Mặc dù chưa có đối đầu giữa NATO hoặc từng nước trong khối với Nga, nhưng sự giúp đỡ của họ - từng nước riêng lẻ cho thấy đã hơn một nước Nga to khổng lồ, còn tính cả khối thì không phải bàn cãi. Ngoài ra còn là vấn đề của hệ thống: Nga không thể tổ chức được một hệ thống bộ máy chiến tranh tử tể, mà trong đó hậu cần đóng vai trò quyết định.

Nhưng ngay thực tiễn chiến trường cũng cho thấy sự phá sản trong nhãn quan quân sự Nga: vũ khí Nga là đơn giản rẻ tiền, dễ sử dụng dễ sửa chữa và thay thế; hay là tiêu chuẩn cao, đắt tiền, hiệu quả uy lực? Chúng ta thường nghe thấy những bọn dư luận viên chúng làm những kênh YouTube, kiểu như Mắt Thần hay Bão lửa gì đó, ca ngợi sức mạnh vũ khí Nga: vừa rẻ tiền, vừa đơn giản, lại vừa hiệu quả, uy lực. Nôm na là cái gì cũng nhất.

Thật vậy không?

Chẳng hạn nếu lên mạng mà xem về xe tăng T-90 của Nga, thứ vừa nhập về làm cho các cháu dư luận viên hoắng hết cả lên, thì thấy Việt Nam nổ còn to hơn Nga ấy. Nhưng những gì nó thể hiện ra trên chiến trường Ukraine thì không hề như thế: cháy như diêm với số lượng lớn. Không chỉ vậy, số lượng bị quẳng lại trên chiến trường cũng nhiều không kém vì những lỗi cực kỳ vớ vẩn.

Để lý giải cho điều này, giới tình báo quân sự phương Tây thực sự đã biết bản chất của Nga từ chiến tranh thế giới lần thứ hai với chiếc xe tăng T-34 nổi tiếng và đã thành huyền thoại. Những mẫu thiết kế ban đầu của nó – từ công trình sư Mikhail Koshkin cha đẻ của nó, đã muốn đặt lên cho nó những trang thiết bị để làm sao, nó là một cái xe tăng tốt đúng nghĩa: tiêu chuẩn cao về điều kiện cho kíp chiến đấu, các trang thiết bị… Nhưng cuối cùng thì do Liên Xô không thể nào chế tạo được các điện đài cho nó, thời gian đầu tổ lái của nó mù dở và điếc đặc 100%, chỉ sau này có bộ đàm của Mỹ theo Lend-Lease thì T-34 mới có khả năng liên lạc với nhau. Đó là một ví dụ.

Có một ví dụ khác nữa, là do thiếu cao su nên xe tăng T-34 bị cắt tất cả những chỗ cần gioăng làm kín, điều đó làm cho trong cái xe tăng dột như ngoài sân mỗi khi trời mưa và do đó, hầu hết các trường hợp thời tiết xấu nó phải dừng lại, hoặc chạy khi được trùm một cái bạt to ra ngoài xe, như thế thì chẳng đánh nhau gì hết, chạy được thì đã là phúc tổ rồi.

Như vậy, không bao giờ nên nói rằng “vũ khí Nga được thiết kế đơn giản hiệu quả” – thực chất là tiêu chuẩn kỹ thuật thấp. Mà thực tế nhà thiết kế nào cũng muốn cho ra một sản phẩm tốt nhất, tối ưu nhất nhưng hóa ra, nền sản xuất công nghiệp của họ không bao giờ đạt được những tiêu chuẩn đó ở mức độ sản xuất dây chuyền quy mô lớn. Điều này dẫn đến tình trạng có sự khác biệt rất lớn giữa “hàng quảng cáo” và “hàng thương mại” (không phải là hàng trang bị cho quân đội Nga và hàng xuất khẩu đâu nhé, đến hàng cho quân đội Nga đã còn thua xa hàng quảng cáo rồi).

Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không làm được hàng chất lượng cao, tiêu chuẩn cao, xe tăng T-80 và máy bay tiêm kích MiG-25 là những ví dụ điển hình. T-80 với động cơ tua bin khí của máy bay trực thăng, làm cho nó trở thành vua tốc độ với mục đích chế tạo là tăng-đấu-tăng; nhưng với sức ăn uống của nó là khủng khiếp, thì cũng làm cho nó trở thành gánh nặng cho quân đội.

Hồi đầu cuộc chiến tranh của Putox ở Ukraine, một số xe tăng T-80 được đưa vào chiến đấu (nếu tui nhớ không nhầm là thuộc biên chế của Sư đoàn xe tăng cận vệ số 4 “Kantemirovskaya” thuộc Tập đoàn quân xe tăng số 1, Quân khu miền Tây và… vô nghĩa. Cái bị hạ, cái bị bỏ lại, cái hỏng… đã góp phần cho đám tàn quân của Sư đoàn này đi bộ về nước.

MiG-25 lại là một câu chuyện khác: Nó đắt kinh khủng và cũng ăn uống như một con quỷ.

Cả hai thứ vừa kể, đều đòi hỏi chi phí bảo trì, bảo dưỡng đắt thê thảm, có thể làm phá sản một quân đội con con.

Câu chuyện chưa dừng lại: để đạt những tiêu chuẩn như thế, họ đã đang và sẽ phụ thuộc cực nhiều vào công nghệ nước ngoài. Liên Xô trước đây đã thực sự tụt hậu trong các lĩnh vực mạch tích hợp (IC, hồi đầu là analog và sau này là digital) và phần mềm. Nói như vậy hơi oan: từ những năm 1970 Liên Xô đã rất nỗ lực trong phát triển hệ thống máy tính – tin học – điều khiển học nhưng vẫn đi sau phương Tây. Đã không có được một “Silicon Valley” ở Nga.

Tui đã từng chém gió rất nhiều lần về chất lượng luyện kim, liên quan đến độ bền của đồ Nga… Nhưng còn có những điều mà các bác đã bổ sung cũng nhiều lần chẳng kém, chẳng hạn đồ Nga rất to và thô… Đó là thiếu sự tinh tế, có lẽ điều này cũng dẫn đến sự thua kém trong lĩnh vực phát triển công nghệ cao của họ chăng.

Khi một đất nước không sản xuất được máy cái, thì đừng bao giờ cho rằng họ là cường quốc quân sự. Lúc tui nói ra điều này với mấy học viên sĩ quan của Học viện kỹ thuật quân sự cử sang Nga học, tui cũng hỏi thẳng là họ sẽ đánh nhau như thế nào khi bất cứ công nghệ nào cũng không tự chủ và chắp vá? Tịt mít.

Vì vậy đừng bao giờ nên tin các cháu Bão Lửa với Mắt Thần. Số liệu công bố về xe tăng T-90 thì rất kinh nhưng cái thứ vừa mua về, còn lâu mới được như thế.

4. Từ tình hình chiến sự vài ngày qua, cho phép chúng ta đoán mò điều gì?

Như trên đây tui đã viết dở: họ vẫn tấn công, chẳng hạn như các hướng Kupyansk hay Lyman, nhưng theo bản tin của Bộ Tổng tham mưu Ukraine sáng sớm nay (trưa nay giờ Hà Nội) thì những cuộc tấn công này chỉ nhằm cải thiện vị trí chiến thuật (củng cố phòng ngự, không có mục đích tấn công lớn).

Thậm chí ở Bakhmut họ cũng có những nỗ lực “phá chảo” – tấn công theo hướng Predtechyne nghĩa là có mục đích giải tỏa cánh phía nam Bakhmut, nhưng không thành công.

Trước mắt, cái chảo Bakhmut tưởng như còn hở cả phía sau, nhưng thực ra là:

Mũi phía bắc, quân Ukraine đã tiến đến gần Yahidne đến mức mà tiền duyên của họ chỉ cách đường T-0513 chưa đến 3 ki-lô-mét đường chim bay, do đó đường E-40 – M-03 cũng chỉ xa hơn 1 quãng tương đương.

Mũi phía nam, họ chỉ còn cách Klishchiivka dưới 1 ki-lô-mét đường chim bay, nên có thể địa danh này và sau đó cả Opytne nằm trên đường T-0513 chỉ là vấn đề thời gian.

Như trước đây chúng ta đã nói, bên nào giữ được lợi thế về pháo binh cho đến lúc này, bên đó chắc chắn sẽ thắng. Chưa cần nói đến tiền duyên gần những điểm trọng yếu của Nga như vậy, mà riêng cái điểm cao Chasiv Yar ở phía sau chỉ cách vài cây số đường chim bay khống chế cả khu vực, là đã đủ hình dung độ thê thảm của quân Nga ở Bakhmut như thế nào rồi.

Khốn nạn một cái, là quân Nga dù là quân đội hay Wagner đang ở trong chảo, không có phương án nào cả: không thể ở lại để chiếm giữ hay phòng thủ gì được, với cái “tác phẩm” toàn lò gạch nát bét của họ; còn khốn nạn hơn nữa là cũng không rút ra khỏi được. Theo thông tin mới nhất của một ông bình luận nước ngoài, dẫn lời một sĩ quan chỉ huy Ukraine: mỗi khi họ pháo kích hoặc ném bom vào nội đô của Bakhmut, là quân Nga chạy như lũ chuột ở trong lồng. Ước tính khoảng 23.000 – 25.000 con chuột các bác nhỉ?

Vậy các hướng khác thì sao?  Trên đây tui đã điểm tin hướng Kupyansk và Lyman. Chắc các bác còn nhớ, trước khi đưa ý kiến rằng có thể Ukraine sẽ phản công ở chính Bakhmut, thì tui luôn chú ý đến thành phố Donetsk, và cách đây 3 ngày, đến cuối ngày 24/05 đã bắt đầu có những tin tổng kết về một cú phản công của Lữ đoàn cơ giới hóa số 59 Ukraine ở phía bắc Avdiivka, gần như ngay sau khi cuộc tấn công bắt đầu đã ghi nhận 21 lính thuộc Lữ đoàn 110 của Lục quân Nga, đầu hàng ngay lập tức, và sau đó có thêm 7 chú nữa đầu hàng theo. Họ tấn công theo 3 mũi: đông nam, đông bắc và bắc… ngoài ra còn một mũi ở tây nam.

Theo tui thì cuộc tấn công này chỉ mang tính trinh sát chiến đấu, nhưng gặp “sức chống trả mãnh liệt” của quân đội Konashenkov, nên đã thu được những kết quả nhất định. Để khắc phục tình hình, bộ chỉ huy Nga đối phó bằng phương án pháo kích và cho máy bay tấn công. Kết quả đã làm chết kha khá lực lượng mặt đất của họ, đồng thời một máy bay Ka-52 bị hạ tại trận. (Xem bản đồ số 4).

Có vẻ như quân Ukraine cũng không quá hăng say tiến quân, vì vẫn theo thông lệ Nga sẽ tiếp tục pháo kích và oanh tạc chặn, do vậy chưa có những báo cáo về bước tiến của quân Ukraine ở đây. Nhưng trong 3 ngày vừa qua, quân Nga vẫn tiếp tục bắn chặn, bản tin Bộ Tổng tham mưu Ukraine viết:

• Theo hướng Avdiivka, kẻ thù đã tiến hành các hành động tấn công theo hướng Pervomaisky nhưng không thành công. Chúng tiến hành các cuộc không kích vào Avdiivka và Pervomaiske, tiến hành bắn pháo vào các khu định cư Avdiivka, Pervomaiske, Karlivka và Nevelske ở vùng Donetsk.

Đến đây xin các bác chuyển sang bản đồ số 5, các mũi tên đó là những cú phản kích của Nga trong những ngày qua, được ghi nhận trong bản tin mới nhất của Bộ Tổng tham mưu Ukraine trưa nay. Xin lưu ý tất cả những mũi tên đỏ đó, chỉ có một cuộc tấn công bằng lực lượng mặt đất là vào Pervomaisky, còn thì chỉ là pháo kích và ném bom. Điều này cho phép chúng ta đoán rằng: (1) Quân Ukraine đã giữ chắc chân và dần khoét sâu vào bắc thành phố Donetsk và (2) Mặc dù ở sát thành phố nhưng lực lượng Nga ở đây không đủ để tổ chức phản kích mặt đất. Nếu trong thời gian tới quá trình nện vào gạo đạn ở khu vực này hiệu quả hơn, thì chắc chắn sẽ có những chuyển biến ở hướng thành phố Donetsk.

Bản tin của Bộ Tổng tham mưu Ukraine viết tiếp về quá trình này:

* Trong ngày qua, Lực lượng Không quân Bộ đội Phòng vệ đã đánh vào 11 khu vực tập trung quân và khí tài của địch. Ngoài ra, 5 UAV trinh sát của đối phương thuộc loại “Orlan-10” và 2 chiếc loại “Zala” đã bị tiêu diệt.

* Bộ đội tên lửa và pháo binh đánh vào 3 cứ điểm có vị trí khống chế vùng, 3 khu vực tập trung vũ khí khí tài, 2 kho đạn, 2 hệ thống pháo binh đã vào vị trí bắn, 1 trận địa phòng không và 2 mục tiêu quan trọng khác của địch.

Tổng cộng, ngày hôm qua, quân phòng thủ của chúng ta đã loại bỏ 480 quân xâm lược Nga, phá hủy 3 xe tăng, 7 phương tiện chiến đấu bọc thép, 22 hệ thống pháo, 2 súng phòng không, 1 phương tiện phòng không, 31 UAV tác chiến-chiến thuật, 10 tên lửa hành trình, 11 phương tiện và 3 đơn vị thiết bị đặc biệt.

Bình loạn và đoán mò. Có một ông sĩ quan hưu trí người phương Tây trong một diễn đàn quân sự tui tham gia, khẳng định rằng cuộc phản công của người Ukraine đã bắt đầu rồi. Chẳng cần ông ta tui cũng khẳng định như thế từ trước, và hiểu rằng họ tấn công theo cách của họ, rất khôn ngoan chứ không vỗ mặt theo kiểu Nga.

Cái gì đem lại cho chúng ta hy vọng? Xin xem hình cuối cùng: thống kê số lượng hệ thống pháo binh Nga bị diệt theo tuần. Theo đó:

- Giai đoạn đầu của cuộc chiến, The Battle of Kyiv, Nga bị diệt 85 hệ thống.

- Trước cuộc phản công Kharkiv, “chiến dịch mùa thu,” một tuần bị diệt 103 hệ thống.

- Trước khi giải phóng Kherson 1 tháng, 1 tuần Nga bị diệt 130 hệ thống.

- Trước khi giải phóng Kherson 1 tuần, 1 tuần Nga bị diệt 69 hệ thống.

- Và chỉ trong một tuần qua, tính đến 24/05 số hệ thống pháo của Nga bị diệt lên đến 173.

Người thống kê đặt câu hỏi: phải chăng cuộc tổng tấn công và nổi dậy bắt đầu đến nơi rồi?

PHÚC LAI 27.05.2023

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn