Ngụy Quân Tử, Một thực tại sống?_ Nguyễn Vinh Căn (Nguyễn Bá Chổi chuyển )

Thứ Bảy, 13 Tháng Năm 20236:39 CH(Xem: 1255)
Ngụy Quân Tử, Một thực tại sống?_ Nguyễn Vinh Căn (Nguyễn Bá Chổi chuyển )
NguyQuanTu

Ngụy Quân Tử, Một thực tại sống?

Xét cho cùng, những kẻ bất nhân có tính tàn ác bản năng như: Âu Dương Phong, Tần Thuỷ Hoàng, Hitler, Pôn Pốt.... đều có cái điểm chung: Dám nói, dám làm, và dám nhận, chứ không phải như NQT: luôn giấu kín cái tà tâm của mình như  “mèo giấu cứt”.Tần Thuỷ Hoàng đốt sách chôn Nho vì cho rằng: Mọi hiểm họa nổi loạn đều do sách vở và bọn hủ nho mà ra. Còn Hitler thì không ngần ngại diệt chủng các dân tộc hạ đẳng để toàn cầu hóa  “chủng tộc siêu đẳng Arien”.

Điều đặc biệt của những kẻ độc tài gian ác, bản năng, chỉ tồn tại trong những giai đoạn lịch sử nhất định nào đó, chứ không như NQT luôn tồn tại trong suốt lịch sử loài người

Xem sách sử kim cổ mà luận cho ra chính nhân Quân tử, quả không dễ dàng chút nào. Để hội đủ 4 tiêu chí: Trí, Nhân, Trung, Dũng không phải ai cũng có thể đạt tới. Ngay cả Khổng Tử, gần như là cha đẻ ra Nho giáo với đạo Trung dung, dạy con người thành những chính nhân Quân tử, chắc gì Khổng Tử đã có nổi dũng khí qua cuộc đời du thuyết và chiêu sinh học trò trong thời Đông Chu Liệt Quốc. Đem trí đi các nước để cầu chút danh vọng cũng chẳng thành. Đem nhân đi rao giảng nhân nghĩa cho thiên hạ cũng bị xua đuổi và bị vây khốn ở đất Khuông. Xét về đạo trung thì cũng chẳng có quân thần vua tôi nước nào để mà thờ. Và rồi đi cầu danh khắp các nước, chẳng là nhân dân của đất nước nào để mà hiếu với dân.

Nhưng chẳng lẽ lịch sử kim cổ, lại không đốt đuốc tìm nổi chính nhân quân tử hay sao?

Nói là khó, nhưng đâu phải không có những chính nhân quân tử như: Quan Vân Trường , Trương Phi, Triệu Vân, Quách Tĩnh, Socrate, Trần Bình Trọng, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Trãi.. và hơn ai hết chính là Nhạc Phi là Đại chính nhân quân tử, vì hội đủ: Trí, Nhân, Trung, Dũng. Sống tận trung với Vua, đến nỗi phải chết: Vì Quân xử Thần tử.

 Sau rốt, chúng ta cũng không quên luận đến những kẻ sống ngông nghênh: chẳng thiện, cũng chẳng tà, mà cứ phây phây sống:Tản Đà, Cao Bá Quát, Lý Bạch, Red Butler, Trần Tế Xương, Hồ Xuân Hương...mà đáng mặt đại diện cho hạng người này, Đông Tà Hoàng Dược Sư - sống phong lưu hào hoa thì không ai bằng. Suốt ngày thổi sáo và tiêu dao với cỏ hoa. Ai bảo thiện cũng được, ai bảo ác cũng không từ chối; Những hạng người này sống theo cá tính của riêng mình, dám sống như dám suy nghĩ.

Khái quát qua một số nhân vật lịch sử và văn học để luận về: Quân tử, Tiểu nhân và Ngụy quân tử, qua đó, nhận diện ra một khuôn mặt tiêu biểu cho một cách thế sống, một thực tại sống thời đại.

Ngày xưa - xã hội phong kiến - Nho giáo phân chia con người ra làm 2 đẳng cấp :Tiểu nhân và Quân tử.

Quân tử: “Trí,  Nhân, Trung, Dũng. Tiêu chí đề ra cho con người vươn tới: Trung với Vua, vì Vua là Thiên Tử (con trời), và hiếu với dân, và khi đó mới xứng đáng làm con người sống trong Trời Đất”.

Trí là phân biệt được lẽ thị phi, thấy rõ được cơ đắc thất Kẻ nhân. Có trí thì thiên hạ được nhờ, và trái lại. (Quách Tấn – Những tấm gương xưa-NTGX)

Nhân là đức hạnh của tâm hồn. Là sự rộng lượng, bao dung, nhân ái mở ra với hết mọi người”.

Trung, theo sách Trung Dung: “lấy điều mong ở con mà thờ cha, lấy điều mong ở tôi mà thờ vua, lấy điều mong ở em mà thờ anh. Về sau quan niệm này bị bó hẹp trong nghĩa vua tôi. Nói tóm lại: Trung là hết lòng mình đối với người - Tận kỷ chi vị trung. Tận trung báo quốc”.

Dũng là mạnh. “Nhưng không chỉ mạnh về thể chất mà còn phải mạnh về tinh thần, mới được gọi là dũng sĩ”. (NTGX)

Đây là bốn đức tính cơ bản của đạo quân tử. Nhưng thực ra, không phải ai cũng có thể đạt tới đỉnh điểm của bốn đức ấy. Người ta có thể ca ngợi Quan Công: Trung can nghĩa khí, nhưng lại kém xa Trương Phi về Trí. Một Lưu Huyền Đức được gọi là Chính nhân Quân tử, cũng chỉ có Trung và Nhân mà thôi. Đến như Khổng Minh, chỉ có Trí là siêu phàm, Trung không thể qua nổi Vân Trường.

Dũng là mạnh, chẳng ai bằng Khánh Kỵ, sức khỏe muôn người khôn địch, chạy nhanh hơn ngựa, thế mà bị Yêu Ly nhỏ bé, gió thổi đủ ngã, vậy mà sau khi bị Yêu Ly đâm chết Khánh Kỵ. Trước khi chết, Khánh Kỵ khen Yêu Ly là dũng sĩ, can không cho giết.

Tiểu nhân: Hẹp hòi, ích kỉ, ham lợi và bất nhân - xưa nay chẳng mấy ai thích thú và tự nhận mình là Tiểu nhân.

Ngày nay, nói đến đạo Quân tử, chẳng mấy ai mặn mà gì cho lắm, thậm chí còn tỏ vẻ dè bỉu và mỉa mai: dại dột, ngây ngô, anh hùng rơm, sĩ diện hão, lý tưởng ảo, quân tử tàu, để  rồi sống thanh bần thiệt thòi giữa cái xã hội phồn hoa, đô hội và lợi danh. Xem sự giàu sang, thịnh vượng và sự thành đạt trong xã hội là tiêu chí của con người văn minh thời đại .

Trong khi những giá trị đạo đức và luân lý đang bị xói mòn, thoái hoá và biến chất thì tưởng chẳng còn ai dại gì mà làm học trò của  “sân Trình cửa Khổng” nữa!

Ngụy quân tử :Trí trá, mị dân, đạo đức giả, núp bóng Quân tử. Ngư ông đắc lợi, một xu hướng ra đời như để dung hợp và trung hoà 2 thái cực: Quân tử (quá cao) và Tiểu nhân (quá thấp).

Thực ra, NQT đã thành hình từ khi có loài người, chứ không phải đến bây giờ mới có. Nhưng để chính thức gọi thành danh: Ngụy quân tử, có lẽ phải đợi đến KimDung - Đại văn hào Trung Quốc- mới được khai sinh ra tên gọi vậy .

Ngày trước, khi đọc đến Ngụy quân tử Nhạc bất Quần, độc giả ai cũng tỏ ra chê ghét và khinh bỉ nhân vật này ghê gớm lắm!

Bây giờ thử xét lại? mỗi con người chúng ta, ai cũng ít nhiều có chất “Ngụy quân tử “ nó ẩn hiện bàng bạc trong cuộc sống chúng ta: Làm ăn, giao tiếp, đối nhân xử thế và trong các  lĩnh vực xã hội cũng như tôn giáo. Điều trớ trêu là khi đụng đến NQT ai cũng dị ứng và giãy nảy lên, chẳng ai nhận mình là NQT và mỹ từ này, chỉ muốn dành tặng cho kẻ khác mà thôi.

Muốn biết chúng ta, ai có chất NQT hay không, xin hãy xem hội chứng của NQT dưới đây:

- Lập lờ giữa cái thiện và cái ác, giả mù sa mưa, trí trá, lươn lẹo, ngụy biện, ba phải, mị dân, im lặng và đồng lõa với điều sai trái, ngư ông đắc lợi, giả nhân giả nghĩa, đạo đức giả,...Biết sai mà không dám tố cáo, biết đúng mà không dám bênh vực. Cốt nhất là làm đẹp lòng mọi người, hòng tranh thủ tình cảm và từ đó, mưu lợi cho bản thân: Danh vọng, thành đạt, lợi nhuận và kể cả được sự kính nể nơi mọi người .

Xem ra phạm trù của Ngụy quân tử bao hàm một cách rộng rãi và tinh tế trong cuộc sống. Giờ đây các nhà Đạo đức học khó tính cách mấy cũng không thể loại trừ được những kẻ “Ngụy quân tử” ra khỏi cuộc sống được nữa rồi .

Và phải chăng, NQT là một thực tại sống? Một cách thế sống của thời đại hôm nay? Điều chúng ta dễ nhận thấy: Những người càng NQT, càng dễ thành đạt và làm được việc. Vì họ được lòng kẻ dưới và vừa lòng người trên. Còn như người Quân tử, may lắm, được lòng kẻ dưới, chứ vừa lòng kẻ trên thì quả là hơi khó. Vì họ bộc trực, khẳng khái và chân thật quá nên khó sống trong xã hội xô bồ, đầy tính chất thực dụng.

Ở  đây, tôi muốn đề cập đến một thứ Ngụy quân tử tích cực: một thái độ sống như cha ông chúng ta đã nói: khôn chết, dại chết, biết sống.

Một Ngụy quân tử tích cực mà Trang Tử đã bày tỏ một cách thế sống: “Răng cứng thì gãy, lưỡi mềm thì còn”, cho thấy một triết lý sống thích nghi, mềm mỏng để tồn tại và vươn lên trong cuộc sống

Và phải chăng, ngay trong Kinh Thánh, cũng dạy chúng ta: “Hãy sống thơ ngây chân thật như con trẻ và khôn ngoan như con rắn” đã phác họa một hình tượng sống trong cõi vô thường này, một tính chất vừa tinh tế và vừa phải trung thực

Ngụy quân tử chắc chắn là không thể thiếu trong cuộc sống đầy dâu bể này nữa rồi. Hơn bao giờ hết, Ngụy quân tử là một chất vắc-xin đề kháng cần thiết cho cuộc sống. Ngụy quân tử là một chất phụ gia, xúc tác cho cuộc sống được thăng tiến và vươn cao hơn.

 Đọc đến đây, có lẽ, nhiều người không đồng quan điểm với tôi, về sự hiện diện của “Ngụy quân tử” trong cuộc sống, và nghĩ rằng tôi cổ suý cho NQT. Thực ra, tôi không hề có ý đó. Nhưng là dám nhận chân một thực tại hiển nhiên mà, cho dẫu chúng ta có phủ nhận thì nó vẫn cứ tồn tại.

Sự nhận diện này, cũng rất cấp bách và thiết thực, để chúng ta có liệu pháp ngăn ngừa và chữa trị sự quá trớn của NQT. Chúng ta cũng đừng mãi lẩn tránh, để rồi đội lốt đạo đức giả làm băng hoại đời sống đạo đức nơi bản thân chúng ta và xã hội.

Và tôi, cũng chỉ muốn theo gương của nhà vật lý Galilê để nói: “Nói gì thì nói, trái đất vẫn cứ quay xung quanh mặt trời”. Và Ngụy quân tử vẫn cứ bàng bạc sống quanh ta, và cả chính chúng ta mà, chúng ta không hề hay biết.

Cái khó nhất nơi Ngụy quân tử là, sự chuẩn mực và giới hạn của nó giữa cái thiện và cái ác là rất mong manh và khó phân định nổi ranh giới giữa Quân tử và Tiểu nhân. Muốn chuẩn mực được giới hạn của NQT, cần phải có một cái tâm đạo vững vàng và bản lĩnh đạo đức, có thế thì mới vượt qua được những tham vọng mù quáng, và những phồn vinh làm loá mắt tâm người. Và như thế, thiết tưởng chúng ta không nên lạm dụng chất vắc-xin NQT một cách thái quá, làm tổn hại cái “tâm đạo”. Ngụy quân tử là một chất xúc tác cần thiết cho cuộc sống nhưng, chưa đủ để tạo thành con người nhân bản được. Chúng ta hãy nghe lời cảnh báo của Kim Dung: “Một trăm tên tiểu nhân, không đáng sợ bằng một Ngụy quân tử”

Ngày nay, chúng ta thấy NQT, sống đầy dẫy quanh ta. Nó đội lốt ở nhiều nhân dạng: Các quan viên chức cao cấp, những xếp lớn, những thủ trưởng, xúng xính trong các bộ lễ phục, thắt cà vạt được mọi người nể phục và kính trọng. Nhưng khi phanh phui ra sự thật, là những tên đục khoét, sâu mọt, làm thâm thủng của đất nước cả hàng ngàn tỷ đồng. Những Giám đốc, Chủ tịch HĐQT… nghi vệ, nhưng trong thương trường là những kẻ mưu mô xảo quyệt, không từ một hành động tội ác nào để hạ bệ đối thủ.

Không còn nghi ngờ về sự hiện hữu của Ngụy quân tử trong mỗi người chúng ta nữa rồi. Hơn bao giờ hết, chính mỗi người chúng ta phải tỉnh thức để gạn đục khơi trong cái chất Ngụy quân tử tích cực ra khỏi cái bản chất Ngụy quân tử man trá, đang nương náu trong cái thiện ở mỗi tâm hồn chúng ta.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến Chí Phèo - kẻ đã được dẫn nhập vào bài viết, chẳng lẽ, lại nỡ bỏ quên số phận nó sao đành.

Xin lấy lời thoại cuối truyện Chí Phèo, để làm lời kết thúc bài viết, như một lời tự sự và cảm thông sâu sắc cho một số phận.

Hãy xem cái kết cục của một tên tiểu nhân Chí Phèo, để xem nó đáng ghét hay đáng thương, đáng chê trách hay đáng cho chúng ta nể phục?

 Hãy nghe những lời thoại cuối của Chí Phèo với Bá Kiến:

- Tao đã bảo tao không đòi tiền

- Giỏi! hôm nay mới thấy anh không đòi tiền, thế anh cần gì?

Hắn dõng dạc:

- Tao muốn làm người lương thiện

Bá Kiến cười ha hả:

Ô tưởng gì! tôi chỉ cần anh lương thiện cho thiên hạ nhờ.

Hắn lắc đầu:

- Không được, ai cho tao lương thiện...tao không thể lương thiện được nữa rồi, biết không?

Nói xong, Chí Phèo nhảy vào đâm chết Bá Kiến rồi tự kết liễu đời mình luôn.

Đọc đến đoạn cuối này, tôi cảm động suýt bật khóc. Không cảm động sao được khi một tên du thủ du thực, cầu bơ cầu bất như Chí Phèo mà cũng còn nghĩ đến: “Tao muốn sống lương thiện”. Nghe vậy, tôi tự cảm thấy lương tâm mình hổ thẹn với nó, bởi đã bao giờ mình dám đặt vấn đề: “Ta sống có lương thiện không?”

Chí Phèo hơn chúng ta, vì hắn tự biết hắn bất lương, còn chúng ta đã bao giờ chúng ta tự hỏi: chúng ta đã hơn một lần sống trí trá, lọc lừa, im lặng và đồng lõa với những điều sai trái và tội ác? Chúng ta bất lương, nhưng chúng ta hơn Chí Phèo là biết trí trá, để khoác lên người chúng ta cái áo khoác đạo đức giả.

Chí Phèo tự kết liễu đời mình là vì hắn biết chắc rằng: “Hắn bất lương”, và khi biết không còn lương thiện được nữa, cũng kịp lúc giết chết tên ác ôn Bá Kiến để trừ tai hoạ cho xã hội, âu cũng là cứu cánh biện minh cho phương tiện vậy

Xét cho cùng, trên cõi đời này chưa mấy ai làm được như Chí Phèo: Thiết tha muốn sống làm người lương thiện và khi biết không thể làm người lương thiện thì tự kết liễu đời mình.

          Chí Phèo - Kẻ tuẫn đạo - muôn năm!!!

Xin các bạn đọc quan tâm và bày tỏ quan điểm của mình về “Nguỵ quân tử, một thực tại sống?” để vấn đề được thêm sáng tỏ.

Nguyễn Vĩnh Căn

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn