Nguyễn Phú Yên - Con tàu nhỏ cuối cùng rời thương cảng

Thứ Hai, 01 Tháng Năm 20238:00 SA(Xem: 1434)
Nguyễn Phú Yên - Con tàu nhỏ cuối cùng rời thương cảng

npy_01 

Trưa ngày 30-04-1975. Chiếc xe tăng với lá cờ xanh đỏ và ngôi sao vàng húc đổ cánh cổng Dinh Độc lập. Giờ phút này đó là tiếng chuông báo tử cho số phận của miền Nam.    

Giữa lúc mọi người chen nhau trên đại lộ Thống Nhất với ánh mắt ngơ ngác, hiếu kỳ nhìn những chiếc xe tăng và nón cối thì cách đó không xa, trên bến Bạch Đằng, hàng trăm con người đang hoảng loạn trong tuyệt vọng, dáo dác tìm nhau, gọi nhau í ới.

Ngoài xa, trên dòng sông vàng úa, những chiến hạm, những thương thuyền hôm nào tụ tập về đây, giờ đã rời xa tự lúc nào, để lại mặt sông buồn hiu hắt. Giữa đám đông thẫn thờ, mệt mỏi, sầu úa ấy bỗng xuất hiện một anh chàng áo lính tuổi trung niên để râu mép, điển trai bước vội về một chiếc tàu nhỏ trống trải đang neo đậu bên bờ sông. Anh bước xuống tàu và nhận ra đó là chiếc tàu tuần duyên bị hư hỏng, đang nằm chơ vơ chờ sửa chữa, trên tàu chỉ có một anh thượng sĩ già cùng một anh binh nhì trẻ tuổi.

- Có thuyền trưởng ở đây không?

- Dạ thưa sếp, thuyền trưởng bỏ đi đâu không rõ.

- Tàu chạy được không?

- Tàu chỉ còn một máy, máy kia hỏng.

- Trên tàu còn gì?

- Chỉ còn một thùng dầu. Thức ăn không, nước uống không, la bàn không, máy truyền tin hết pin…

- Được rồi, ta cứ đi.

Anh chàng liều mạng ấy chính là thiếu tá hải quân Trần Thiện Hiệp, người anh thúc bá của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Anh chàng loay hoay cho nổ máy thật vụng về, vì tuy là lính hải quân nhưng bao nhiêu năm anh chỉ ở… trên bờ! Mù tịt về chuyện lái tàu, nhưng một liều ba bảy cũng liều, anh chàng cựu học sinh Phan Bội Châu, Phan Thiết ngổ ngáo, đáo để ấy thời điểm năm 1957 từng chạy xe đạp xuyên Việt từ Bến Hải đến Cà Mau. Lần này giây phút cuối cùng anh chỉ đi một mình vì vợ con đã nhảy tàu trước đó, không biết giờ lưu lạc nơi đâu.

Nghe tiếng máy tàu, cả đám người chuyển động, vội vã chen nhau xuống tàu. Chẳng mấy chốc, hơn 200 con người gồm lính tráng, thanh niên, phụ nữ, trẻ con nằm ngồi la liệt, yên vị trên chiếc tàu nhỏ bé không biết sẽ đưa họ đến bến bờ nào. Người ta thoáng thấy trong đám người ấy có hai nhân vật quan trọng: Trung tướng Trần Văn Trung và Trung tướng Vĩnh Lộc. Không biết ông Vĩnh Lộc khi ấy có đem theo cô ca sĩ Minh Hiếu không? Cuối cùng con tàu nặng nề ấy cũng quay mũi thuyền hướng về phía biển, buồn bã rời bến sông Sài Gòn, băng qua những đám lục bình trên dòng sông Lòng Tảo rồi đi giữa xanh um Rừng Sác, lặng lẽ giã từ phố phường thủ đô vàng son một thuở.

Đó là chiếc tàu cuối cùng trên sông Sài Gòn mang theo những người ra đi trong buồn tủi, trong ánh mắt rối bời âu lo. Họ mong ước sẽ đến được bến bờ tự do trong lời nguyện cầu may mắn. Nhưng cuộc đời có chiều lòng người không đây? Nhất là chuyến tàu này không được ai chuẩn bị hành trang cho cuộc hải hành dài ngày. Nó đang bơ vơ, lạc lõng, hiu hắt giữa đại dương mênh mông khi ra tới hải phận quốc tế lúc hoàng hôn xuống dần.

Rồi màn đêm phủ lên con tàu tội nghiệp. Có người báo cho thuyền trưởng - vị thiếu tá liều lĩnh - rằng có một số người đang bàn bạc dưới hầm tàu. Anh ta vội đi xuống để xem tình hình. Thì ra có một số người đề nghị tàu nên quay trở lại Sài Gòn vì đây thật sự là cuộc phiêu lưu khi trên tàu không có thực phẩm, nước uống, không có la bàn định hướng thì mọi người rồi sẽ chết đói thôi, chưa kể sóng gió bão bùng.

Thuyền trưởng ra lệnh thu hết vũ khí có trên tàu, đem cất vào kho rồi yêu cầu mọi người tiếp tục hành trình. Tuy vậy tàu không biết còn đi đâu nữa vì không biết phương hướng. Thuyền tắt máy, dập dềnh trên sóng biển và chờ đợi một phép mầu giữa những tiếng thở dài sầu muộn. Từ xa xuất hiện một chiếc thuyền lớn với ánh đèn sáng choang. Mọi người mừng thầm. Chiếc tàu lớn ngày mỗi đến gần nhưng khi gặp tàu vượt biển, mọi ngọn đèn trên tàu lớn bỗng tắt ngấm. Thì ra đó là chiếc tàu buôn, họ không muốn giúp đỡ nên tắt đèn rồi lẳng lặng bỏ đi. Tuyệt vọng và thảm sầu.

Có ai đó tìm được một hai pháo sáng lăn lóc ở một góc tàu. Thuyền trưởng huy động mọi người đóng góp pin vuông nếu có, để cho máy truyền tin hoạt động. Cuối cùng cũng đủ pin cho máy chạy được nhưng không ai biết tần số. Thuyền trưởng mày mò tìm kiếm, cuối cùng cũng gặp được tần số của một hạm đội Mỹ, họ cho biết sẽ đến ngay. Mất mấy tiếng đồng hồ để tàu chiến xuất hiện, thiếu tá thuyền trưởng cho tung pháo sáng để làm dấu hiệu cho biết vị trí. Nhưng rồi tàu chiến đến ra dấu hiệu bằng ngón tay chỉ xuống biển, ám chỉ phải ở yên tại chỗ, họ sẽ liên lạc với một hạm đội Hải quân Việt Nam đến giúp đỡ. Lại trải qua một đêm dài thẫn thờ chờ đợi.

Bình minh đến trong niềm mong ước vô biên. Thế rồi mọi người thoáng thấy từ nơi xa xăm xuất hiện tháp cao của một chiến hạm, nhưng cũng phải mất gần năm tiếng đồng hồ chiến hạm mới đến gần. Điều đầu tiên mọi người được chiến hạm giúp đỡ cấp thời là một ít lương thực và nước uống. Nỗi vui mừng tràn ngập trên những khuôn mặt ngái ngủ. Chiến hạm sẽ giúp đỡ bằng cách dùng dây kéo chiếc tàu tuần duyên chạy theo họ về vịnh Subic của Philippines và phải mất mấy ngày đêm mọi người mới đến được trại tị nạn ở đây.

npy_04

 

Ơn Trời, vị thuyền trưởng cùng đám người vượt biển gặp được nhiều may mắn và hạnh phúc. Chuyến đi để lại một dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn nhà thơ lính này. Sau này khi đến được bến bờ tự do, Trần Thiện Hiệp hồi tưởng kỷ niệm ấy trong bài thơ “Cõi Sầu Còn Đó” thấm đẫm cảm xúc của một ngày rời xa quê hương:

“Con tàu nhỏ cuối cùng rời thương cảng

Trưa ba mươi mưa bụi khóc Sài Gòn

Đường ven sông cây lá bỗng héo hon

Từng góc phố dâng cao triều uất hận.

          Chưa tử chiến phải đành cam bại trận

          Thẹn mấy mươi năm ân sủng quốc gia

          Mười lăm năm tay súng giữ quê nhà

          Trong cuộc chiến ba mươi năm chống cộng.

Nhìn thủ đô đầu hàng như ảo mộng

Mà đành cam đào ngũ bỏ quê hương

Con tàu trôi trong tủi nhục đoạn trường

Ta cúi mặt để tự mình khinh miệt.

          Sông Đồng Nai bỗng thành dòng vĩnh biệt

          Nước đỏ ngầu tựa máu vỡ buồng tim

          Chí làm trai nghe bão tố nhận chìm

          Ta bật khóc giữa ngày đầu quốc nạn.

Trời Rừng Sác gợn mây buồn bảng lảng

Như xẻ chia niềm đau xót người đi

Đồn bên sông còn đó lá quốc kỳ

Vọng gác vắng người trai hùng giữ nước.

          Kênh Lòng Tảo nước hai dòng xuôi ngược

          Lục bình trôi, nắng hiu hắt cuối trời

          Như phận người vô định hướng ra khơi

          Nghe cay đắng thấm dần trong xương tủy.

*

Mỗi tháng Tư ta hướng về cố lý

Qua màn sương mờ mịt đất tạm dung

Nỗi đớn đau vẫn thăm thẳm vô cùng

Thân chiến mã đã mang thương tàn phế.

          Nhớ ngày nào vũ đình trường ngạo nghễ

          Cao tay thề vì Tổ quốc tận trung

          Dưới quân kỳ quyết chiến đấu đến cùng

          Đặt danh dự lên vai người lính chiến.

Nay còn đây trong cõi sầu miên viễn

Đếm lá rơi khi nắng úa thu tàn

Đốt lửa hồng soi bóng lúc đông sang

Và tự vấn nghìn câu không giải đáp”.

Khoảng năm 2003, sau một thời gian ở Mỹ nhà thơ bỗng nhớ quê hương da diết, anh bỏ về với nước Việt. Hai vợ chồng bay về Sài Gòn, chọn mua một miếng đất ở Thủ Đức, xây căn nhà ba tầng, có vườn hoa trước sau. Anh sống ung dung thư thái với những ngày cuối đời nhẹ nhàng như gió với 7 tập thơ được in, vui với bạn bè rồi đi làm từ thiện cũng được 12 năm. Thế rồi hai cơn đột quỵ ập đến khiến những đứa con ở Mỹ lo lắng, chạy về Việt Nam đưa cha mẹ trở lại Mỹ để chữa bệnh. Thế là năm 2015 anh lại xa quê một lần nữa.

Khi sức khỏe ổn định trở lại, máu giang hồ lãng tử lại nổi lên. Cuối tháng 3-2023 hai anh chị lại âm thầm có mặt ở Sài Gòn, khi nhà thơ ở vào cái tuổi 89. Thế mà không chỉ ở đây, anh chị lại còn đi Đà Lạt, Phan Thiết, dự định đi Hà Nội nữa. Phải chống gậy bước đi, thế mà một buổi sáng chuông điện thoại của bạn bè lại reo lên. Nhà thơ đang đợi ở một quán cà phê ở quận 1. Không chỉ mừng mà thương anh, thương cái tình luyến tiếc quê nhà, tha thiết với người xưa cảnh cũ. Vài hôm nữa anh lại lên máy bay về bên kia nửa địa cầu. Không biết anh có còn yêu quê hương để rồi ao ước về thêm một lần nữa hay không, hỡi nhà thơ lãng tử?

NGUYỄN PHÚ YÊN 30.04.2023

Ý kiến bạn đọc
Thứ Năm, 04 Tháng Năm 20239:17 SA
Khách
Khang Nguyen
Tác giả bài viết này không phải là một thiếu tá Hải Quân vì cách dùng chữ diễn tả của ông ấy. Không ai có thể từ trên bờ bước chân xuống một con tàu "đang neo trên sông" được cả. Dù cho chiến hạm cập cầu thì phải có hạm kiều bắc từ boong tàu xuống cầu tàu để lên xuống chiến hạm. Vị sĩ quan cấp tá tuy là nhà thơ với những vẫn thơ óng ả nhưng kể chuyện di tản đầy những tình tiết hư cấu. Câu chuyện hai vị trung tướng Vĩnh Lộc và Trần Văn Trung xuống Bến Bạch Đằng ra đi sáng 30/04/1975 khi Dương Văn Minh chưa tuyên bố đầu hàng trên một chiếc Tuần Duyên Hạm và không thể chứa trên 200 người. Ngân Thu Phan Thái
Hong Huynh hihi !!! Chuyện phi công Nguyễn văn Bảy 😆😆😆 Những người trên đây họ ko tin và họ nghỉ phịa..tôi chỉ chuyển nguyên văn mà thôi .Than viet
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn