Bánh mì Việt : Cuộc viễn du từ hè phố vào từ điển thế giới _ Trần Văn Giang ghi lại

Thứ Năm, 13 Tháng Tư 202310:18 SA(Xem: 1286)
Bánh mì Việt : Cuộc viễn du từ hè phố vào từ điển thế giới _ Trần Văn Giang ghi lại


5112q
*

Tháng Chín năm 2022, cùng với 370 ngữ vựng mới khác trên khắp thế giới, hai chữ “Bánh Mì” của tiếng Việt được xuất hiện trong từ điển Merriam-Webster’s Dictionary, nguyên vẹn cách viết của chữ quốc ngữ. Đây là lần thứ ba chữ “Bánh mì” xuất hiện trong các từ điển Anh ngữ.

  

Cuộc viễn du chinh phục thế giới của ổ bánh mì nhỏ bé nhưng mang đậm màu đời sang, khó của người Việt Nam đã bắt đầu từ hơn hai thế kỷ trước.

* Từ tiếng rao trên đường phố

  

Đầu thập niên 1980, ai đã từng đi trên những chuyến xe đò xuôi về miền Tây hoặc miền Trung theo chiều dài đất nước, khó có thể quên hình ảnh những “cần xé” bánh mì (không) và những xe bánh mì thịt được bán dọc theo đường quốc lộ. Bánh mì vàng óng, giòn rụm, nóng hổi. Một ổ bánh mì to ăn kèm bất cứ thứ gì, từ chuối cho đến nem, chả, nước tương, muối tiêu… rồi uống một ly nước đầy, là có thể vỗ về cơn đói đến chiều tối. Bến xe, bến phà là “địa phận,” là “giang sơn” của bánh mì. Vì nơi đó là thế giới của người lao động tứ xứ. Họ đến rồi đi. Bánh mì là món ăn an toàn nhất và rẻ nhất có thể cho họ, những người buôn gánh bán bưng hay những tài xế chạy xe đường trường.

  

Những cần xế bánh mì đó theo thời gian, theo phận đời trôi nổi, vào tận những con hẻm nhỏ của Sài Gòn sau 1975, bắt đầu những năm mang phận đời lam lũ. Tiếng rao mặn chát mùi mồi hôi của người dân tứ xứ: “Ai… bánh mì nóng hổi… bánh mì mới ra lò… không…?” kéo dài từ bến xe, phố chợ, đến hang cùng ngõ hẻm. Sáng, trưa, chiều, tối đều có những chiếc xe chở bánh mì mang đi bán khắp các con hẻm. Chiếc xe chở cần xế bánh mì đó, hay chiếc tủ gỗ cũ kỹ bán bánh mì thịt đó là cả gia tài nuôi sống một gia đình Việt thời những năm 1980. 

 

Thật ra ở những ngày đầu “nhập cư” vào nước Việt, bánh mì không đại diện cho những mảnh đời cơ cực như vậy. 

 

Theo nhiều nguồn tài liệu lịch sử được ghi lại, như Wikipedia, trang ẩm thực uy tín The Culture Trip, South East Asia Back Packer đều cho rằng, cuộc viễn du của bánh mì vào Việt Nam bắt đầu từ hai thế kỷ trước, cuối thập niên 1850. 

 

Trong bài “Bánh mì Hà Nội xưa” ngày 26 tháng Năm 2019, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đã viết: 

 

“Năm 1874, triều đình nhà Nguyễn ký Hòa ước Giáp Tuất với Pháp, cho phép 100 lính Pháp đóng quân ở Đồn Thủy (tương ứng với khu vực từ Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 hiện nay). Điều đó cũng có nghĩa là bánh mì đã có mặt tại Hà Nội trong năm này vì đó là món ăn không thể thiếu đối với người Pháp. Nó giống như cơm của người Việt.”

  

Nhà văn, cây viết tự do Simon Stanley, một người Mỹ nhiều năm sống ở Việt Nam cũng đưa ra ý tương đồng trong truyện ngắn “Một loại sandwich đã nuốt chửng cả thế giới” của ông. Simon mô tả, khi chiến tranh nổ ra ở châu Âu, quân Pháp chiếm giữ nhà kho của hai công ty xuất cảng lớn của Đức. Họ xuất hàng sang các nước khác để bán, trong đó có Việt Nam. Vì thế, các chợ ở Sài Gòn lúc đó tràn ngập thực phẩm Tây với mức giá mà ai cũng có thể mua được. Từ giới lao động đến trung lưu ở Việt Nam cũng có khả năng mua thịt nguội, pho mát và bánh mì baguette (“bánh mì que”) của Pháp. 

 

Cũng theo tìm hiểu của nhà văn Simon Stanley, món bánh mì thịt của người Việt ngày nay chỉ xuất hiện sau thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ năm 1954. Lúc đó, người Việt Nam vẫn ăn bánh mì theo phong cách Pháp, nghĩa là một đĩa bánh mì, một đĩa thịt nguội, bơ và pho mát.

  

Sau khi người Pháp rời đi, người dân miền Nam biến tấu món ăn của Pháp bằng cách kết hợp với các nguyên liệu địa phương. Họ dùng sốt “mayonnaise” để thay thế bơ. Những miếng thịt nguội đắt tiền giờ không còn dễ tìm nữa, thay vào đó là rau. Bánh mì đã được người Việt Nam làm thành một món ăn địa phương phù hợp với điều kiện sống của mọi người, mọi hoàn cảnh. 

 

Rồi cuộc di tản vĩ đại đầu tiên của người Việt năm 1954 diễn ra. Trong khoảng một triệu người miền Bắc di cư vào Nam, có ông bà họ (những tài liệu chỉ ghi nhận được họ của ông bà). Năm 1958, vợ chồng ông bà mở tiệm bánh mì Hoà Mã, lấy tên theo một ngôi làng ở ngoại ô Hà Nội. Cửa tiệm đầu tiên ở đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3) chỉ với một chiếc tủ nhỏ. Hai năm sau, bánh mì Hòa Mã dời về đầu hẻm số 53 Cao Thắng, Quận 3 và yên vị cho đến nay, trở thành thương hiệu bánh mì đầu tiên và nổi tiếng khắp Sài Gòn

 

Tina Nguyễn, cư dân thành phố Chantilly, Virginia bày tỏ nỗi nhớ về những buổi sáng Sài Gòn được cha đưa đến trường, đi ngang tiệm bánh mì Hoà Mã. Bà kể:

  

“Cha tôi là người đưa tôi đến trường mỗi sáng. Tôi học trường Lương Định Của (ngày xưa là trường Rạng Đông). Một tuần có khi đến bốn ngày tôi đòi ăn bánh mì Hoà Mã. Những ngày đó, cha đưa tôi đi học sớm hơn, đến tiệm ngồi ăn. Tôi nhớ lúc đó ăn trong cái chảo nhỏ có hai trứng, một ít paté, một miếng chả, một dĩa dưa leo, đồ chua. Tiệm rất đông. Trường của tôi ở góc đường đối diện nên có thể ngồi ăn thoải mái, không sợ trễ giờ học.”

  

Sau này khi định cư ở Mỹ, nhớ về ký ức ngày xưa, bà Tina thường làm điểm tâm cho cả gia đình với món bánh mì trứng và paté. Bà nói: 

 

“Nhưng khó mà tìm lại đúng cái cảm giác ngày xưa. Hương vị cũng thế. Không biết người khác thế nào, chứ với tôi, không bánh mì nào ở đây thay thế được.”  

 

Đối với những người từng trải qua một thời ký ức với ổ bánh mì của Sài Gòn như bà Tina Nguyễn thì có lẽ như thế. Hương vị cũ mãi mãi là bất tử. Nhưng với những du khách như nhà văn Simon Stanley thì ông đã bị ổ bánh mì Việt chinh phục ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Thế nên, ông Simon Stanley mới gọi đó là món ăn “đã nuốt chửng cả thế giới (!)” 

 

Sài Gòn có bánh mì Hoà Mã, bánh mì Như Lan, bánh mì Huỳnh Hoa (đường Lê Thị Riêng), bánh mì Sáu Minh (đường Võ Văn Tần). Hội An có bánh mì Hội An từng được CNN xếp vào danh mục ngon nhất thế giới. Tất cả những dư vị này được người Việt Nam xếp vào hành lý, mang đi cùng với họ khi rời quê hương. Cũng giống như trường hợp của gia đình bà Andrea Nguyễn… 

* Bánh mì “tỵ nạn”

  

Trong ký ức của bà Andrea Nguyễn – chuyên gia về ẩm thực châu Á, tác giả cuốn sách “The Banh Mi Handbook” (“Cẩm nang Bánh Mì”), bánh mì (thịt) của những năm 1970, 1980 vẫn còn là một món ăn dường như của riêng người gốc Á. Nó chiếm một vị trí khiêm nhường, nhỏ bé trong những vùng đất của người Việt tỵ nạn. Bà Andrea Nguyễn nhớ lại:

  

“Nó từng là sự lựa chọn cho ai nếu muốn một món ăn rẻ, thực tế, không tốn thời gian và thuận lợi cho việc chạy đi làm.”

  

Ngày ấy, sau biến cố 30 Tháng Tư, gia đình bà Andrea trở thành thuyền nhân, định cư ở California. Như bao gia đình tỵ nạn khác, cha mẹ của bà góp nhặt những gì quen thuộc ở các cửa hàng tạp hoá, chợ, để nấu thành món ăn quen thuộc của người Việt Nam. Bà thú nhận họ chưa bao giờ thấy ngon miệng khi dùng những bánh mì công nghiệp giá rẻ do những doanh nghiệp nhập cư bán ra. Cho đến một ngày nọ, mẹ của bà Andrea quyết định:

“Tiền nào của đó. Chúng ta sẽ tự làm bánh mì để ăn.”

  

Từ đó cho đến nay, càng nhiều người Việt rời khỏi vùng đất thiểu số, bánh mì càng được phát triển khắp nơi. Cho đến năm 2010, “Bánh mì thịt” đã trở thành tên món ăn quen thuộc nói về loại bánh “sandwich” có paté, rau, thịt nguội, giò (chả lụa) và được bán ở khắp mọi nơi trên nước Mỹ. 

 

Hầu như tiểu bang nào cũng có ít nhất từ hai đến ba tiệm bánh mì do người gốc Việt làm chủ. Có những tên gọi theo thời gian đã trở thành “đặc điểm nhận dạng” của tiểu bang đó.

  

Ví dụ như nói đến California là nhắc đến “Lee Sandwich” hoặc “Bánh mì Ba Lẹ” (“Ba Le Bakery”). 

 

Khi đến Hoa Thịnh Đốn hay Virginia thì mọi người lại hỏi nhau về “Bánh Mì Số 1,” “Bánh Mì Sài Gòn,” “Bánh Mì Ba Lẹ” (chi nhánh ở thành phố Falls Church). Chỉ riêng Trung tâm Thương mại Eden Center, Virginia đã có ít nhất năm cửa tiệm bánh mì vang danh.

  

Về miền Viễn Tây Houston, Texas thì có tiệm “Bánh mì Hoàng,” là tiệm đầu tiên ở Houston vào khoảng đầu thập niên 1980. Ông Dzũng Huỳnh, cư dân của Houston, nhớ lại:

  

“Bánh mì Hoàng là nơi tập hợp ăn trưa của đời sinh viên của chúng tôi. Bánh mì rất ngon. Không biết lý do gì mà bây giờ tiệm đó không còn nữa.”

  

Cũng ở Houston,  có một tiệm khác tên là “Don Café & Sandwich.” Tiệm này được đồng hương Houston chọn là “ngon nhất vùng.” Mỗi khi có lễ hội, cộng đồng người Việt thường mua bánh mì ở đây.

* Bước vào từ điển Anh ngữ

  

Hơn 40 năm, bà Andrea Nguyễn nói riêng và cả cộng đồng người Việt hải ngoại nói chung đã được chứng kiến cuộc trỗi dậy ngoạn mục, kiêu hãnh của ổ bánh mì một thời nhuốm đầy sương gió lầm than của người Việt trong nước. 

 

Từ món ăn được quốc gia đô hộ bán với giá rẻ, cho đến những thùng bánh mì lam lũ giữa quốc lộ, rồi những chiếc tủ cũ kỹ, đơn sơ trụ qua bao mùa mưa nắng, cuối cùng là ổ bánh mì thịt thơm lừng, hấp dẫn trong cửa tiệm sáng loáng nơi xứ người.

  

Gần đây nhất là sự xuất hiện của hai chữ “Bánh mì” trong cuốn từ điển Merriam-Webster Merriam-Webster’s Dictionary là từ điển nổi tiếng được biết đến với vai trò củng cố, xếp hạng các ngữ vựng mới, “trendy” theo mỗi năm. Ông Peter Sokolowski, Biên tập viên đặc biệt của Merriam-Webster’s Dictionary nhận định với NBC News về sự xuất hiện của hai chữ “Bánh Mì” và những từ mới khác trong năm nay:

  

“Những chữ mới này là những chữ mà người dùng Anh ngữ thường hay nói. ‘Banh mi’ đã đáp ứng điều đó. Chúng đã được sử dụng nhiều trong thời gian dài. Bây giờ có thể được coi là ngữ vựng của tiếng Anh.” 

 

Trước đó, vào năm 2011, chữ “Banh mi” đã được từ điển uy tín lừng danh Oxford English Dictionary ghi nhận và ghi vào danh mục ngữ vựng. Năm 2014, chữ “Banh mi” lại kiêu hãnh hiện diện trong American Heritage Dictionary, chính thức gia nhập làng từ điển di sản của thế giới Anh ngữ. 

 

Qua nhiều thế hệ, bánh mì Việt đã có mặt trên khắp thế giới, từ Úc châu đến Pháp Quốc; từ Hoa Kỳ đến xứ Phù Tang. Riêng Hoa Kỳ, có thể nói rằng, nơi nào có cộng đồng người Việt tỵ nạn, nơi đó có sự hiện diện của bánh mì.

Ngô Ngọc Loan

Trần Văn Giang (ghi lại)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn