THÁNG BA HOA NỞ - CAO MỴ NHÂN

Thứ Ba, 27 Tháng Ba 20186:00 SA(Xem: 6429)
THÁNG BA HOA NỞ - CAO MỴ NHÂN
  zzzz11111

THÁNG BA HOA NỞ  -   CAO MỴ NHÂN 

 

Câu chuyện người kể cho tôi nghe về hoa đào, vào mùa xuân năm ấy, khi tôi chỉ biết ở Dalat có những cây đào mong manh thưa lá, và hoa không mấy rực rỡ, lại nhớ những cành đào Tết ở ngoài Bắc xưa ...

 

Cho đến một ngày tôi rời quê hương đi Mỹ, quá cảnh nước Nhật, cũng vào một mùa xuân, tôi bỗng rùng mình, 2 điểm nổi bật mà người kể: Hoa đào và Samurai tức Võ sĩ đạo, thì tất cả có thể đang ngờ ngờ ở trước mắt tôi...

Nhưng quý vị võ sĩ đạo bây giờ không phải lúc nào cũng " đắp y " võ sĩ, vì những thanh kiếm dài đã phải treo trên phòng thờ hay phòng khách nhà võ sĩ, như chứng tích, hầu nối dài truyền thuyết đang lui vào kỷ niệm nhiều hơn là hành xử thực tế. 

Người Nhật cũng như các dân tộc khác trên thế giới, đều đang hối hả đổi mới trong ý thức lẫn ngoài xã hội . 

 

Tôi vội vã đổi vé đi Mỹ sớm hơn, vì quá sợ cái không khí samurai, cho dẫu hoa anh đào mùa xuân lộng lẫy hơn bất cứ lúc nào, và bất cứ ở đâu.

Người hỏi sao tôi lại ...khiếp đảm trước hình ảnh vị cao niên võ sĩ đạo, ông ta đã không nâng nổi thanh kiếm bạc từ mấy năm nay rồi. 

Tôi lắc đầu: cái gì còn, cứ còn mãi trong tâm tư tình cảm con người, huống hồ hoa anh đào và Võ sĩ đạo không cách nào rời bỏ dân tộc Nhật. Và chỉ có người Nhật mới chung thuỷ với tư tưởng ấy. 

 

Tới Mỹ, mầu nắng lạnh hững hờ trên hoa lá, đủ sắc hoa từ tám hướng sông hồ, mỗi người xứ sở nào đến Mỹ đều ấp ủ một mầu hoa riêng biệt,  để thương để nhớ nơi mình đã ra đi tít tắp. 

Tôi tự hỏi lòng tôi, với rừng hoa tạp chủng lúc nào cũng nở chan hoà kia, tôi sẽ gọi hoa nào là hoa dân tộc tôi nhỉ? 

Phải là hoa sen, hoa súng,  hoa ngâu, hoa lài hay hoa dâm bụt đỏ vàng trắng tím đó, nó được gọi là loại cẩm quỳ, đẹp lắm chứ. 

Rồi năm sau, tôi cũng tới được miền đông nước Mỹ, vào mùa xuân, để gặp lại hoa anh đào Nhật, mà xa xưa người Nhật đã thân chinh chở 300 cây anh đào qua tặng nước Mỹ giàu sang, tiện nghi, hiện đại, cần chi có nấy.

Nhưng chắc chắn cần sự thảnh thơi, tinh khiết, thì người Mỹ phải chờ mùa đào rose peace tháng ba mỗi năm, và từ đó tôi liên tưởng đến sắc hoa hoà bình trong tâm thức lâu nay. 

 

Tôi nhớ miền rừng núi ở lâm nguyên Chapa, nơi có điểm hẹn mịt mù trên đường biên giới Việt Hoa ngày xa xưa lắm. 

Chapa, nơi tôi được sinh ra trong bão mây, mưa khói, gần như quanh năm, vì thế mầu hoa đào đã luôn tan vào nỗi nhớ. 

Mầu hoa đào này, thì cũng như " thảo dã đào" Đà Lạt, hay " anh đào hoa " Phú Sĩ, có khác gì sắc hồng phai chút gió sương đâu. 

Thế nhưng, tôi cũng giống người Nhật nêu trên, là khó có thể rời được sắc hoa dĩ vãng...

 

Năm nay cây đào ở vườn nhà hàng xóm, bên kia đường đang bắt đầu khởi sắc trong tiết Kinh Trập, đã giữa tháng ba dương lịch, vài hôm nữa thì vòm cây đào đó không còn một kẽ hở cho lá điểm một chút xanh tươi...

Bởi lẽ mầu hồng đào tuyệt tác phủ kín lá cành, nhìn xa cũng như gần, cây đào đó như chiếc nấm hồng tươi đầy thanh khí tinh hoa, thiền đạo. 

Song năm nay, mưa gió Cali lại cứ như cô đồng thăng giáng bất tử, chỉ còn ít ngày nữa là : 

Cỏ non xanh rợn chân trời 

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

    ( Đoạn trường tân thanh  Nguyễn Du ) 

Hội đạp cỏ xanh mùa xuân, sẽ tiếp theo mùa hoa sâu nở này, bấy giờ hoa đào cũng sẽ phai dần nỗi nhớ, niềm thương, và lại nhìn nhau ngậm ngùi hẹn sang năm tái ngộ. 

Để khách chuộng hoa đào khắp chốn khiến ngẩn ngơ...chắc là tôi trong cảm giác ấy, lại bâng khuâng  mê đắm ...một người, là anh trong cõi mơ hồ này .

Người đã dựng mùa xuân, đã vẽ nên tình sử thơ mộng đầy bướm đầy hoa trong huyền thoại êm đềm " Tháng Ba Hoa Nở " . ..

Và, trước một trời cảm luỵ hoa đào trên rặng núi Xuân Viên ( Sa Pa bây giờ), khiến lòng người phải mở ra bát ngát ...

 

        CAO MỴ NHÂN (HNPD)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn