Bông Lau - Người hành khách chung thủy

Thứ Bảy, 25 Tháng Ba 20238:00 SA(Xem: 1408)
Bông Lau - Người hành khách chung thủy

ana_04 

Năm 2017 xạ thủ Bông Lau đi Hà Thành để tìm mua tranh sơn dầu. Nơi bán tranh là một đại lý môi giới bán giùm tranh cho các họa sĩ và họ lấy huê hồng, dĩ nhiên là không ít. Còn họa sĩ thì lúc nào cũng nghèo.

Cửa hàng bán tranh ấy tọa lạc ở Phố Cổ, hàng ngàn tranh sơn dầu lớn nhỏ dựng đứng lớp lớp dọc hai bên tường của bốn năm tầng gác xép. Đi lựa tranh mất thời gian và công phu. Đôi khi phân vân vì thấy bức nào cũng đẹp nên phải đi đâu đó chơi rồi quay lại quyết định.

Mười mấy bức tranh sơn dầu lựa đợt “bán kết” được dựng riêng ra để ông khách khó tánh có thời gian suy nghĩ cho phần “chung kết”. Tiêu chuẩn của sự chọn lựa phải là sự hỗn hợp của lối vẽ trừu tượng và tả chân về con người và thành phố Việt Nam. Nhưng nếu có một chi tiết nhỏ trên tranh vẽ xác định khung cảnh ấy là Việt Nam là sẽ bị loại bỏ ngay. Ông khách muốn bạn bè của mình khi nhìn vào bức tranh sẽ hỏi đây là đâu, hay người trong tranh là dân tộc nào.

Kỳ lạ một điều là các bức tranh tuy được lựa chọn từ những tầng gác khác nhau, và người bán tranh đã ngạc nhiên cho biết anh xạ thủ đã lựa các bức sơn dầu ấy cùng một họa sĩ. Có phải những nét vẽ mạnh bạo khác thường ấy đã cuốn hút và đó là cái duyên mua nhiều tranh của một họa sĩ.

Cuối cùng cũng chọn được ba hay bốn bức. Tấm lớn nhứt có kích thước 1,2 m x 1,5 m. Đại lý bán tranh cẩn thận bọc plastic và cuộn các bức tranh lại, rồi bỏ vào một ống bằng giấy các-tông lớn và dài như một nòng pháo 105 mm.

Đem các nòng pháo ấy từ Hà Nội vào Sài Gòn qua Hàng Không Việt Nam đã khó rồi. Nhưng cái nòng đại bác ấy đem lên máy bay để về lại nước Hoa Kỳ thì hỏng đơn giản chút nào.

Tình cờ chuyến đi ấy xạ thủ đặt vé của hãng ANA (All Nippon Airways). Ở quầy kiểm soát vé và gởi hành lý, nhân viên Việt Nam làm cho hãng ANA hỏng biết xử trí sao vì sợ cái nòng pháo sẽ bị hư hại nếu cho lên băng dây chuyền rồi chất vào hầm máy bay. Họ hỏi ý kiến quản lý, rồi quyết định bán cái vấn đề nan giải cho các tiếp viên phi hành ở cửa vào máy bay.

Thế là anh xạ thủ được phép vác cái nòng pháo 105 ly đến nơi chờ lên máy bay. Khi đến cổng chờ và đang đứng xớ rớ với cái nòng pháo cao hơn đầu người, thì một cô tiếp viên phi hành người Nhật nhỏ nhẹ dễ thương tiến đến. Có lẽ đã được thông báo trước, nên cô ấy mời chàng xạ thủ đến ngồi ở dãy ghế dành riêng cho người già và phế nhân sát cổng hành lang vào máy bay.

Ngồi vào hàng ghế dành cho người già và tàn tật đã thấy nhột rồi. Cô tiếp viên phi hành người Nhật lại quỳ bên cạnh làm tên xạ thủ cộc cằn chỉ quen bắn đại liên và hò hét, thấy lòng mình nhũn ra như một con thỏ đế rụt rè.

Có lẽ đó là cung cách lễ phép của phụ nữ Nhật. Họ không đứng rồi nhìn xuống nói chuyện với hành khách đang ngồi mà quỳ gối xuống thấp hơn để tỏ sự kính trọng. Giống phong cách quý phái cổ điển của Âu Châu là khi có khách quý đến phòng tiệc thì mọi người đứng lên.

Cô tiếp viên Nhật hỏi bên trong nòng pháo có những thứ gì. Xạ thủ nói cho cô Nhật biết bên trong có những bức tranh sơn dầu mà tôi rất quý. Hình như khi nói những bức tranh quý thì cô ấy rất chú ý.

Khi đến giờ lên máy bay, cô tiếp viên lịch sự xinh xắn ấy đến mời chàng xạ thủ vào máy bay đầu tiên. Trời ơi, mua vé “economy ticket” dành cho dân nhà nghèo lúc nào lên máy bay cũng cầm cờ đỏ đi sau cùng. Bi giờ được ngồi ghế dành cho người già và lên máy bay trước đám kinh doanh đại gia. Sao mà long trọng quá zậy nè.

Vào trong khoang máy bay thì các cô tiếp viên Nhật đã được thông báo trước, nên họ đón lấy cái nòng pháo rồi dựng trong một kho nhỏ chứa hành lý của tiếp viên phi hành. Thì ra họ đã biết cách giải quyết hành khách với hành lý cồng kềnh bất thường như nòng pháo. Để nó vác cái nòng đại bác đi sau quơ qua quơ lại trúng người khác thì nguy to.

Về đến nhà xạ thủ viết thơ cho hãng ANA miêu tả cách xử thế tử tế ân cần – kindness của người nữ tiếp viên hàng không trong chuyến bay ấy và hứa sẽ trở thành một người hành khách thủy chung.

Cách đây không lâu, trong một chuyến đi Việt Nam xạ thủ bị dính Covid nên bị kẹt lại Việt Nam hơn một tuần. Khi bị dương tính Covid và không được phép lên máy bay thì thấy cả một sự đảo lộn lo âu canh cánh trong lòng, vì trách nhiệm và công việc phải đảm trách ở nhà. Đi lâu quá thì ai sẽ làm việc cho mình.

Tuy nhiên hãng ANA có văn phòng ở Sài Gòn và một cô gái Việt Nam tên T cũng nhỏ nhẹ ân cần như các cô tiếp viên hàng không ANA. T nói ANA có quy chế nhân đạo dành cho hành khách nên T sẽ đặt vé máy bay miễn phí để anh về lại Mỹ.

Sau khi về nhà chàng xạ thủ lại viết thơ cho sếp của cô T ở văn phòng ANA Sài Gòn, miêu tả sự tích cực giúp đỡ hành khách đang gặp khó khăn của cô ấy. Khi người nào làm điều gì tốt cho mình thì phải biết cám ơn. Không chỉ cám ơn cô ấy mà phải cám ơn sếp của cô ta nữa. Lá thơ cám ơn ấy sẽ giúp ích cô ấy tiến thân trong sự nghiệp và ít ra sẽ làm cô ấy sung sướng khi biết nỗ lực của mình không phải là điều vô ích.

Trong một chuyến bay khác, xạ thủ đang ngồi coi xi nê thì một cô tiếp viên ANA bước đến, trân trọng đưa bằng hai tay một gói nylon lớn hơn bàn tay chút xíu. Nhìn cái gói phân vân hỏng biết chiện gì. Bỗng giựt mình hết hồn vì thói quen bảo mật đã bị bật mí hu hu. Chúng tôi biết anh xạ thủ là ai nhé. Thì ra đó là gói quà mừng sinh nhựt của hàng không ANA. Cô tiếp viên mỉm cười cúi đầu chào và bước đi, để lại thoáng bâng khuâng trong lòng của một người chỉ biết rạo rực với đồ chơi nóng.

Ngồi miên man suy nghĩ về sự nhân văn của con người. Gói quà sinh nhựt ấy phản ảnh sự quý trọng khách hàng của một đại công ty. Làm điều này không khó vì hãng hàng không biết ngày sanh tháng đẻ của hành khách. Chỉ cần một sự cố gắng tối thiểu là làm một gói quà nhỏ trị giá một hay hai đô la, và một người tiếp viên khả ái trao tặng với một nụ cười. Hành động tưởng màu mè dư thừa nhưng có thể nắm được trái tim của nhiều hành khách. Và hành khách xạ thủ này đã là thủy chung từ lâu lắm rồi, từ năm 2017 khi vác nòng pháo 105 lên máy bay.

Cảm giác thiệt dễ chịu và hạnh phúc khi con người biết trân trọng lẫn nhau, dù được lãnh lương để làm những điều ấy. Xạ thủ đã không vội vàng cất gói quà sinh nhật ấy đi mà cầm nó trên tay và đặt trên đùi của mình để chờ đợi bày tỏ sự biết ơn. Một lát sau cô tiếp viên đã trao quà đi ngang, cô thấy anh xạ thủ vẫn còn cầm gói quà sinh nhật nên mỉm cười cúi đầu chào. Cô vỗ nhẹ hai tay vào nhau ra dấu chúc mừng sinh nhật anh. Xạ thủ đáp trả “Arigato” – Cám ơn.

BÔNG LAU 24.03.2023

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn