Thà khóc trong Mercedes còn hơn cười trên xe đạp

Chủ Nhật, 12 Tháng Ba 202310:00 SA(Xem: 1657)
Thà khóc trong Mercedes còn hơn cười trên xe đạp
rfa.org

Thà khóc trong Mercedes còn hơn cười trên xe đạp

Bình luận của Trần Mai

Mặt trời ở đâu không thấy nổi vì khắp trời chỉ toàn ánh nắng trắng lóa như muôn vàn vụn thủy tinh sắc nhói. Đôi kính mát đen ngòm cũng không cản hết tia tử ngoại đâm như kiếm vào tròng mắt khiến nó chói lòa đến nỗi chỉ muốn nhắm kín lại để bảo vệ. Áo khoác dày, găng tay, tất chân và giày, mũ bảo hiểm dày cộp cũng không cản được bao nhiêu sức nóng dữ dội. Những trận gió Lào nóng khủng khiếp như trong luyện ngục thỉnh thoảng tràn tới khiến không khí rung rinh và gây ra những ảo ảnh như mặt đường phía trước có những vũng nước nhấp nhoáng. Nắng nóng rút cạn sinh lực tận từng lỗ chân lông, cảm tưởng như các chất dịch trong cơ thể đều đông đặc lại. 

Miền Tây Nghệ An, chó ăn đá gà ăn sỏi

Từ 6h 30 sáng, chúng tôi cố gắng chạy xe được dài thêm chút nào hay chút nấy để sớm tới được điểm đến trong hành trình, nhưng khí hậu của vùng miền Tây Nghệ An mùa gió Lào khiến chỉ đến 13h 30 thì cả bọn kiệt sức. Lao xe vào chiếc quán đầu tiên trông có vẻ mát mẻ bên đường, cởi tháo hết khăn áo găng mũ chống nắng, uống liền một lúc hai ly nước mía đầy mới có cảm giác máu trong người đã loãng và chảy trở lại. Không thể nhìn ra ngoài trời, chúng tôi gục ngay bên chiếc bàn nhựa nho nhỏ màu xanh của quán, thiếp đi ngay tại trận.
Chủ quán không nói gì mà để mặc chúng tôi ngủ gục đến mấy tiếng. Chắc bà đã quá quen với cảnh những người nơi khác đến, không biết lượng sức mình mà dang đầu chạy xe đường dài giữa trưa trong thời tiết này. 

Mãi đến gần 4 giờ chiều, nắng dịu bớt, chúng tôi mới lại có thể leo lên chiến mã tiếp tục hành trình. Vậy mà xa xa trên những ngọn đồi tròn thấp ủm như bát úp, vẫn lấp ló những chiếc nón trắng di động giữa những luống chè cùm cụm xanh biếc. 

Nhà máy, xí nghiệp ở vùng này rất ít. 

Chẳng hiểu sao người ta có thể sống nổi quanh năm ở nơi đây, giữa những trận gió Lào mà chỉ nếm một lần đã đủ khiếp đến già.

Tôi hỏi bâng quơ với bạn mình như thế. Bạn tôi trả lời đơn giản nhưng ngẫm lại thật đúng là chân lý:
-Họ sinh ra lớn lên, quê hương bản quán dòng họ ở đây. Bảo đi đâu khó lắm!

Đi luôn thì đúng là khó, nhưng để cho những người đang ở lại có một điều kiện sống tốt hơn, như buổi trưa gió Lào có thể chui vào phòng bật máy lạnh nằm ngủ đến tận chiều tối, khi mặt trời đã chui về sau núi ngủ và bớt thiêu đốt mặt đất, thì những người trẻ khỏe không còn cách nào khác là phải đi làm ăn xa. Phổ biến là họ đi biền biệt vài chục năm, đến già mới quay lại về quê cha đất tổ.

“Được” tiếng là vùng có những làng tỷ phú giàu nhất Việt Nam, nơi kiều hối mỗi năm những người lao động xa xứ gửi về lên tới hàng trăm triệu USD (Nghệ An khoảng 500 triệu USD năm 2022, chiếm hơn một nửa tổng thu ngân sách toàn tỉnh 2022), nhưng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… không bao giờ là vùng đất có thể thu hút người ngoài đến làm ăn sinh sống, do khí hậu quá khắc nghiệt, đất đai khô cằn. 

Bức ảnh dưới đây có thể giúp quý bạn hình dung một phần về sự mâu thuẫn này:

lang-ty-phu-cua-xu-nghe-1.jpeg
Một góc làng tỷ phúc Đô Thành, huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An. Hình: VietnamNet


Một thành phố nhỏ san sát biệt thự chen chúc, nhưng chỉ đi mấy bước ra ngoài làng thì vẫn là ruộng lúa không phì nhiêu, ngay sát đó là núi. Đó chính là làng tỷ phú của Việt Nam, làng Đô Thành huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An, nơi tất cả các gia đình trong làng đều có ít nhất một người đi lao động xa xứ, cá biệt có những nhà tất cả con trai, con gái, dâu, rể… đều đi, đến 10 người.

Ở tất cả các vùng trọng điểm xuất khẩu lao động, những gia đình có nhiều con cái đi lao động nước ngoài bất kể hợp pháp hay không hợp pháp, đều có đời sống kinh tế khá hẳn lên sau một thời gian. Họ có thể đập ngôi nhà lụp xụp xây nhà mới khang trang, mua sắm tất cả các vật dụng sinh hoạt cần thiết và đắt tiền. Người lớn tuổi có thể ngừng công việc làm ruộng hay đi biển vất vả mà ít tiền để ở nhà nghỉ ngơi. 

Và nuôi dạy cháu chắt thay cha mẹ chúng-họ đều đã ở nước ngoài.

8 tiếng làm ở Việt Nam được 200.000 đ-300.000 đ, ở Nhật nhân lên 6 lần

“Một ngày mất 8 tiếng làm ở Việt Nam chỉ có thể đem về 200.000 – 300.000 đồng còn ở Nhật con số này được nhân lên hơn 6 lần”.

Đó là quảng cáo của một doanh nghiệp chuyên đưa lao động xuất khẩu dạng thực tập sinh kỹ thuật sang Nhật (tức không có tay nghề, sẽ được đào tạo trước khi đi, hoặc chỉ làm những việc chân tay như phụ hồ, bốc vác, làm việc ở nông trại..v.v). Nó đánh thẳng vào trọng tâm và rất thực tế. Cạnh đó là bức ảnh về những thắng cảnh đặc chất Nhật, như dòng kênh hai bên rợp hoa anh đào hồng như thế ngoại đào viên, những khu làng cổ be bé xinh xinh như bức tranh anime ngoài đời thực, ngọn Phú Sĩ tuyết trắng xóa như những tấm poster quảng cáo du lịch, những đường phố nhà cao tầng san sát và ánh đèn đủ màu lấp lóe như một hộp ngọc xếp đặt ngăn nắp… 

Cả về vật chất lẫn tinh thần, chúng đều khiến dậy lên trong lòng hàng ngàn thanh niên khao khát được đặt chân đến nơi ấy. Vừa được đi nước ngoài, trải nghiệm cuộc sống xứ lạ, vừa có một khoản dành dụm để xây nhà, lấy vợ, hoặc làm ăn sau khi về nước… còn gì bằng nữa chứ? 

Hãy gõ vào Google “Tuyển lao động sang Nhật”, quý vị sẽ hình dung được một phần cơn sốt hừng hực này.

Nếu ở lại Việt Nam thì đi đâu?

Con đường phổ biến nhất là vào Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang… làm công nhân trong khu chế xuất, khu công nghiệp. Nhưng hai năm dịch dã đã khiến doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt. Hậu COVID, chiến tranh Nga-Ukraine lại khiến một loạt doanh nghiệp nữa cắt giảm lao động vì không tìm được đơn hàng mới. 

Chỉ từ tháng 9/2022 đến tháng 1/2023 đã có gần 550.000 lao động tại 1.300 doanh nghiệp bị giảm giờ làm hoặc ngừng việc (số liệu từ Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam). Số này tập trung ở ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ, chủ yếu ở phía Nam. Đây là những ngành thâm dụng lao động, thu hút rất nhiều lao động phổ thông hoặc tay nghề thấp ở các tỉnh. Những doanh nghiệp còn đang… ngáp ngáp cũng bị cắt đơn hàng rất nhiều khiến không có công việc cho công nhân tăng ca, trong khi lương tăng ca vốn là khoản thu nhập rất đáng kể mà công nhân mong đợi.

Tính chung hai tháng đầu năm 2023, cả nước có 51.400 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể hoặc hoàn tất thủ tục giải thể. Bình quân một tháng có 25.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. 

Ở chiều ngược lại, chỉ có gần 38.000 doanh nghiệp thành lập mới hoặc quay trở lại hoạt động trong hai tháng đầu năm (Tổng cục Thống kê tháng 2/2023). 

Doanh nghiệp “chết” thì lấy đâu ra việc cho công nhân làm?

Cái chết bi thảm của 39 người Việt trong container bịt kín ở Anh năm 2019 khi cố vượt biên sang Anh tuy  không đủ sức ngăn cản toàn bộ những ai đang phải đau đáu mưu sinh nhưng chắc chắn vẫn làm nản lòng một số người muốn chọn con đường phi chính thống sang nước ngoài. 

000_1MN2RF.jpg
Đám tang của hai nạn nhân người Nghệ An chết trong xe container đông lạnh bị phát hiện tại Anh năm 2019. AFP

Những yếu tố đó cộng lại khiến người dân nhiều nơi vô cùng mừng rỡ đón tin Chính phủ đặt mục tiêu xuất khẩu 110.000 người lao động trong năm 2023. Thiếu điều họ “reo lên một mình như nói cùng dân tộc/Hạnh phúc là đây cơm áo đây rồi” (bài thơ của Chế Lan Viên tả tâm trạng Hồ Chí Minh khi tiếp nhận được Luận cương Lê-nin. Trong nguyên bản, chữ đầu tiên là “Bác”).

Đó là những cảnh đời thực khi nỗi lo buồn và niềm vui ngấm ngầm đan xen: cha mẹ cầm cố nhà cửa đóng tiền thế chân cho con ra đi, biết chắc ít nhất ba năm nữa không gặp mặt; vợ bế con tiễn chồng, nước mắt giàn giụa; người ra đi cố nện bước mạnh hơn và không quay đầu lại. Nhưng trong tim ai cũng lấp lánh tia hy vọng về ngôi nhà kiên cố khang trang, trong tủ đầy sữa cho con, tết đến có thể sắm cho mình chiếc áo mới, biếu bố mẹ món quà…    

Bất chấp bao nhiêu cười cợt, thương hại hay khinh rẻ về việc đem bán sức lao động phổ thông cho người khác làm giàu trên đất nước họ, bị gọi là “nô lệ lao động” hay “lao nô”, thì những chàng trai cô gái thanh xuân vẫn ra đi. Ai dám nói trong trái tim và trí óc của họ đang chứa những gì? Tiền bạc, đời sống cho hiện tại, sự đảm bảo cho tương lai, kỹ năng, kiến văn, lối sống, kiến thức, ý chí quyết thay đổi cuộc đời… có thể là tất cả.

Họ quần quật bốc vác sắt thép, phụ hồ trộn bê tông khuân cột xi măng trên công trường. Trồng trọt trong trang trại. Tận tụy chăm sóc người già, chăm chút bữa ăn cho gia đình người khác trong khi chính con cái mình ở nhà thèm đến đứt ruột một bữa cơm mẹ nấu. Nước mắt, mồ hôi, máu, cả tủi nhục. Nhưng họ chịu đựng tất cả để có một ngày thực hiện được những gì đã ước mơ. Cho dù ước mơ đó chỉ là miếng cơm manh áo cho gia đình, nhưng ai dám cười nó không cao cả và vĩ đại? 

Sự khinh bỉ và căm phẫn nếu có, phải dành sự căm phẫn cho những kẻ đã gián tiếp đẩy hàng trăm ngàn thanh niên vào kiếp “lao nô”. Cũng chính là những kẻ đã ăn sập cái đất nước Việt Nam thảm thương bằng tham nhũng, hối lộ, ăn trên những xác người.

Ai đẩy hàng triệu thanh niên Việt Nam vào kiếp “lao nô”?

Theo Kết quả điều tra PCI năm 2021 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, có đến 41,4% doanh nghiệp phải “bôi trơn” cho bộ máy thẩm tra xét duyệt khi đầu tư hoặc kinh doanh, như đăng ký doanh nghiệp, tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh. 

Con số giai đoạn 2010 -2015 là 60%.

Tỉ lệ bôi trơn cao nhất là trong thanh tra xây dựng (khoảng 67,22%) và cấp giấy phép kinh doanh có điều kiện (khoảng 61,36%), cụ thể là quản lý thị trường, thanh tra môi trường, thuế, thanh tra phòng cháy chữa cháy và đất đai.

Còn Báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về chống tham nhũng, tiêu cực cho biết qua thanh tra, kiểm toán năm 2022 đã kiến nghị xử lý tài chính thu hồi gần 82,6 ngàn tỷ đồng và gần 1.000 ha đất. 539 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái. Kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý; 2 phó thủ tướng, 3 thứ trưởng và tương đương bị cho thôi chức, miễn nhiệm 3 chủ tịch HĐND, UBND tỉnh…

Số tiền trên mới chỉ là phần rất nhỏ của hiện trạng tham nhũng lộng hành khắp đất nước, trong mọi lĩnh vực, mọi cấp. Doanh nghiệp không thể làm ăn nếu không biết hối lộ, chịu hối lộ. Người ta nói trong số vốn chi xuống để làm đường giao thông, chỉ có 40% là ra tới mặt đường, tức 60% đã bị các cấp các ngành liên quan thi nhau ăn hết trước khi biến thành nhựa đường, xi măng… Nhưng doanh nghiệp không thể làm ăn không có lời, vậy chỉ có cách tìm mọi cách cắt giảm các khoản chi cho người lao động. 

Tiền lương công nhân thấp đến mức chỉ đủ tồn tại. Hàng chục năm hết liên đoàn nọ đến ngành kia lên tiếng về tăng lương, phúc lợi, chỗ ở miễn phí cho công nhân, nhưng mãi mãi chỉ là ba xạo, hứa hão. Trong thời buổi này, không còn câu gì dối trá, khốn nạn như câu “Giai cấp công nhân là giai cấp tiên phong của cách mạng”. Cái giai cấp tiên phong đó mấy chục năm nay lay lắt tồn tại, hiện tại tối tăm và tương lai mù mịt. 

Làm thùng nhân sang Anh trồng cần. Làm thuyền nhân trên thuyền cao su vượt eo biển Manche bất chấp sóng to gió lớn và nước lạnh. Làm “lao nô” ở khắp các nước. 

Hên thì đổi đời. Xui thì đổi kiếp.

Người dân còn có chọn lựa nào nữa không? Sao họ phải chọn con đường lương thiện khi khắp nơi trên đầu họ là bọn quan chức tham nhũng sâu dân mọt nước?

Thà khóc vì buồn trong xe Mercedes còn hơn khóc vì đói trên xe đạp.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn