Chiếc áo chật quen dần

Thứ Năm, 02 Tháng Ba 20236:00 SA(Xem: 1156)
Chiếc áo chật quen dần
rfa.org

Chiếc áo chật quen dần

Bình luận của blogger Tuấn Khanh

Sự kiện nhà thơ Thái Hạo bị “ai đó” đến gặp ban tổ chức một buổi ra mắt sách, ra lệnh ngăn chặn, chuyện bùng lên, rồi lại chìm đi trong sự lặng lẽ của xã hội Việt Nam. Mọi thứ dường như đã là quá quen thuộc của nhiều người, nhiều thập niên, vốn là chuyện cười và kháo nhau trong e ngại ở các quán cà phê, ở các buổi nhàn đàm. 

Nhà thơ Thái Hạo thuật lại trên trang nhà của anh, rằng nhân một buổi ra mắt sách của Cty sách Quảng Văn, Nhà xuất bản Phụ nữ và một trường học ở thành phố Thanh Hóa vào cuối tháng hai 2023, Thái Hạo được mời đến trò chuyện với phụ huynh và học sinh trong nội dung “cùng đọc để sống hạnh phúc và kiến tạo cuộc sống văn minh”. Mọi chuyện cứ tưởng là bình thường, cho đến khi một ai đó, xưng là “an ninh”, đến gặp Ban tổ chức và nói là không được mời Thái Hạo, vì đây là nhân vật “nhạy cảm”. Dĩ nhiên, những người tổ chức Hội sách Mùa xuân 2023 ở Thanh Hóa không còn biết gì khác hơn là đành gọi điện xin lỗi nhà thơ Thái Hạo.

Điều đáng quý ở đây, là những người trí thức chân yếu tay mềm ở Thanh Hóa không ngại nói thật về lý do. Nhưng xét cho cùng, việc dừng cuộc nói chuyện văn hóa bình thường giữa một nhà thơ và học sinh một cách bất ngờ, chỉ có thể là động đất hay mưa bão - nhưng giờ thì vì lý do “an ninh” - nghe cũng có sức nặng công phá không kém như vậy.

Xã hội Việt Nam từ lâu đã thế, và vẫn đang như vậy. Cuộc sống có vẻ rất minh bạch với một số thứ, và không minh bạch mặc định ở nhiều thứ. Ông bà ngày xưa hay thì thào với trẻ con không chịu ngủ yên về chuyện ông kẹ hay đi bắt trẻ quấy. Còn người dân Việt hôm nay thì xì xào với nhau về những câu chuyện “ông kẹ an ninh” vẫn xảy ra khắp nơi. Trong chuyện của nhà thơ Thái Hạo, “an ninh” không cần giấy tờ văn bản nào, không cần tốn sức nghiên cứu sâu sắc hay có khả năng thuyết trình quảng bá, nhưng ý kiến vì lý do mơ màng “an ninh”, nghe như chiếu chỉ đến, và phải nhất định thi hành.

Chuyện nhắc nhớ chuyến đi Hội An hồi năm 2018, một trường trung học có mời nhà văn Nguyên Ngọc và tôi đến thuyết trình về chuyện giới trẻ với không gian mạng. Buổi nói chuyện chỉ là cách ứng xử trên mạng lưới internet. Nhưng vài tiếng trước cuộc nói chuyện, tin nhắn giữa những người tổ chức và cơ quan địa phương qua lại không ngừng. Thoạt đầu, tin nhắn là “ở trên” yêu cầu không có tên ông Nguyên Ngọc trên băng-rôn. Rồi lát sau lại nói là không cho ông mở đầu cuộc nói chuyện. Cuối cùng, tin quyết liệt nhắn đến là “ở trên không muốn ông Nguyên Ngọc xuất hiện”. Cuộc sinh hoạt tri thức bình thường vốn vẫn có ở trăm quốc gia trên thế giới trở nên mất “an ninh” và hỗn loạn vì tranh luận ngớ ngẩn không có biên giới luật pháp. Rốt cuộc, vì buồn cười và cũng không quá tha thiết, ông Nguyên Ngọc không đến. Nhưng toàn bộ câu chuyện phác thảo rõ xã hội Việt Nam không khác gì trong một đền thờ tín ngưỡng lạ lùng và khổng lồ, mọi thứ duy ý chí và vô nghĩa, từ chiếu chỉ an ninh miệng, cho đến thần thánh quyền uy không có tên, được nhắc khéo như sợ phạm húy là “ở trên”.

Một ngày sau sự kiện nhà thơ Thái Hạo không được đến buổi ra mắt sách, duy nhất có nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công phản ứng công khai. Cùng là người được mời đến nói chuyện ở Hội sách Mùa xuân (24 &25 Tháng Hai 2023), ông Hoàng Tuấn Công đã từ chối và viết trên trang Facebook của mình, với sự bày tỏ là để phản ứng về chuyện ngăn chận trí thức và sinh hoạt văn hóa từ các cơ quan có trách nhiệm ở Thanh Hóa. Trên các trang mạng lấp đầy với các câu chuyện về tướng công an chạy án vài chục tỷ đồng, trưởng công an phường treo cổ tự tử, tân binh nhập ngũ chết bất thường ngoài doanh trại… Xã hội tri thức không có chỗ. Tri thức nhìn nhau chờ thế kỷ tàn phai.

Nhà thơ Thái Hạo kể anh nhận điện thoại của ban tổ chức hội sách, năn nỉ hạ tin tức xuống vì họ lại bị “ở trên” rầy rà. Vì thương những người có chữ mà không có quyền trên đất nước, Thái Hạo nhắn là anh sẽ rút tin xuống. “Ở trên” là ai vậy, khi có nhiều quyền lực đến vậy mà vẫn ngại ngùng khi bị nhắc đến? 

Lác đác trên các trang mạng, có vài người vẫn còn đưa tin, và nổi bật vẫn là duy nhất của ông Hoàng Tuấn Công. Xã hội chìm dần vào sự buồn chán và chịu đựng quen thuộc, và lãng quên như thời của Bùi Ngọc Tấn, Phùng Quán, Dương Tường… Mọi cánh cửa văn hóa của trí thức Việt Nam nhiều thập niên nay cứ phải đóng lại, hoặc chảy sang ngõ khác không là quê hương. Chiếc áo đời chật chội quá, nhưng cứ lại như được quen dần. Thật buồn khi trên đất của mẹ cha, văn hóa và nguyên khí quốc gia không được chia sẻ cho nhau, không được gửi đến thế hệ mới như lẽ thường; mà tràn vào cả những ngôi nhà, lấm lem trái tim từng con người là một loại văn hóa an ninh, khiến cả một dân tộc sợ hãi và cam chịu.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn