Một lũ bội tình

Thứ Tư, 15 Tháng Hai 20238:00 SA(Xem: 1231)
Một lũ bội tình
rfa.org

Một lũ bội tình

Bình luận của Nguyễn Văn

“Tổ công tác tá túc trong ngôi nhà bỏ không của một gia đình trong bản. Đại úy Quyết ngồi trên chiếc "giường" được kê bằng hai viên gạch vồ chồng lên nhau, một tấm phản gỗ, trên cùng xếp đệm và chăn quân nhu. Chiếc quạt sưởi mượn được của người dân trong bản sáng đèn cả ngày. Nhiệt độ những ngày này ở biên giới chỉ 12 độ C. Đêm đầu tiên anh tăng cường lên đây cũng là đêm gió mùa từ phương Bắc tràn về, mưa phùn, rét 8 độ nên không ngủ nổi. Gió đập uỳnh uỳnh qua cánh cửa tôn. Anh Quyết mặc nguyên quân tư trang, áo bông để ngủ.

Đêm rừng biên giới và đêm trên biển vắng

"Cách đó 500 mét có một lán dã chiến khác. Lán nằm giữa rừng, chỉ có một chiếc sạp gỗ để nằm. Đại úy Kiều Duy Cường cho biết đây vốn là nơi ngủ nghỉ của các tổ công tác trên đường tuần tra biên giới. Mấy hôm trước không có điện, bộ đội phải dùng đèn pin chiếu sáng. Chiều qua, các chiến sĩ đã mang dây kéo nhờ điện từ trong thôn về lán vì xác định "sẽ ăn ngủ dài dài ở đây".

Chiều đông, đại úy Cường nhóm một đống lửa để anh em sưởi cho bớt rét. Chiến sĩ trẻ đùa: "Giá có con gà mà nướng". (trích báo Vnexpress ngày 6/2/2020).

bodoibienphongvnexpress.jpeg
Bộ đội biên phòng đốt lửa cho đỡ lạnh khi nhiệt độ khu vực biên giới. Hình: VnExpress

Có thể cũng khoảng ngày giờ ấy, ở cách biên giới Chi Ma gần hai ngàn cây số, các sĩ quan cao cấp của quân đội, những trung tướng, thiếu tướng, đại tá… là Tư lệnh, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng, Chính ủy, Vùng cảnh sát biển 3 và 4, Chỉ huy trưởng Biên phòng Trà Vinh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội biên phòng, cùng một lô một lốc sĩ quan khác là trưởng phòng thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển hoặc bộ đội biên phòng tỉnh đang xòe tay nhận hàng trăm tỷ đồng hối lộ từ một trùm buôn lậu xăng dầu.

Không biết khi đọc được trên báo chí thông tin ấy, chiến sĩ trẻ đang thèm được nướng một con gà giữa rừng đêm biên giới có muốn thay đổi đối tượng nướng của mình hay không.

Hay anh ấy sẽ chỉ ngồi thần ra một lúc, nghĩ về khoảng cách xa như từ địa ngục đến thiên đường giữa các sĩ quan chỉ huy thuộc loại cao cấp nhất trong quân đội với mình-một chiến sĩ quèn. Rồi tiếp tục tuyệt đối tuân lệnh của cấp trên, như kỷ luật cao nhất của người lính được rèn giũa nên thế.

Nếu cha mẹ, anh chị em, người thân, vợ con những người lính chạnh lòng trước thông tin tham nhũng, ăn hối lộ trên, họ có còn an lòng để động viên hoặc cam chịu hy sinh cho người thân của mình tiếp tục làm nhiệm vụ hay không?

Hài hay hèn?

Khi đối diện với án tù hơn mười năm hoặc chung thân, những tướng lĩnh vốn oai phong tột độ khi đối diện với binh lính của mình hầu hết đều bật khóc. Rồi như những đứa trẻ mẫu giáo hứa hẹn sau khi bị tước phiếu bé ngoan, họ viện lý do cha già, mẹ yếu, vợ ly hôn, con nhỏ dại hoặc đã lấy chồng xa, bản thân đã đóng góp nhiều cho quân đội giờ đang mang bệnh tật nhiều, lương thấp không đủ sống, nợ lãi vay, cực kỳ hối hận và tủi nhục… để xin pháp luật giảm hình phạt.

Nếu không bị phát hiện, họ có thấy tủi nhục không?

Hài hay hèn? Hay cả hai? Hay đó mới đúng là phản ứng của một con người bình thường?

“Một lũ bội tình” (từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn).

Trong đầu tôi cụm từ này đã nhảy ra đầu tiên khi đọc tin tức về vụ án này. Phải, những tướng tá ấy là một lũ bội tình. Họ phản bội tình cảm nguyên sơ chân thành của những người dân dù căm ghét bọn quan chức thối nát đến mấy vẫn yêu thương chú bộ đội. Họ phản bội sự ngưỡng mộ thơ ngây của những em bé tròn mắt nhìn chú bộ đội bồng súng ngẩng cao đầu diễu binh qua quảng trường. Phản bội sự cô đơn của người vợ trẻ một mình nuôi con để chồng xa nhà làm nhiệm vụ. Nỗi đau đáu mong con của người cha già, mẹ yếu khi con phải đồn trú nơi biên giới, hải đảo xa xôi, hiểm nguy và thiếu thốn đủ điều. Họ phản bội một cách tàn nhẫn xương máu của chính cha anh họ, của những người lính trẻ dưới quyền mà trong mắt các chú lính ấy, họ là hình tượng oai phong nhất, can đảm nhất. Trong cương vị những tướng tá đạo cao nhất của quân đội, họ đã bao nhiêu lần răn dạy, rao giảng các chú lính mới về trách nhiệm Tổ quốc giao phó, về niềm tự hào “bộ đội cụ Hồ”, “đi dân nhớ, ở dân thương”, về danh dự người lính, về sứ mệnh bảo vệ đất nước, về sự hy sinh thầm lặng khi ngày đêm canh giữ bình yên cho nhân dân…

Kinh khủng và tàn nhẫn nhất là vụ ăn chia tiền trang bị vũ khí, khí tài cho lực lượng Cảnh sát biển làm nhiệm vụ.

Ăn xương máu binh lính

Theo cáo trạng tại phiên tòa xử những tướng tá này, chính người đứng đầu, thủ lĩnh của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam là cựu Tư lệnh Nguyễn Văn Sơn đã bàn bạc với những người khác, gồm Chính ủy, Phó Chính ủy, Tham mưu trưởng, Phó Tư lệnh… nghĩa là gần như toàn bộ bộ sậu lãnh đạo, để buộc cấp dưới phải rút 50 tỷ đồng trong tổng cộng 150 tỷ vừa được duyệt cấp mua sắm vật tư, trang thiết bị cung cấp cho các đơn vị. Hơn 33%.

Cấp dưới của tướng Sơn phải tính toán nát óc để có tiền đem về cúng các sếp sòng. Họ bắt tay với các doanh nghiệp cung cấp để nâng giá, hoặc trích lại lợi nhuận để được bảo đảm trúng thầu.

“Tính chất đặc thù của nhiệm vụ Cảnh sát biển là thường xuyên và trực tiếp phải đối mặt với những diễn biến phức tạp trên mặt trận đấu tranh chống các hoạt động xâm phạm chủ quyền, tội phạm, vi phạm trên biển, trước những đối tượng khôn ngoan, liều lĩnh, TRONG ĐIỀU KIỆN MÔI TRƯỜNG SÓNG GIÓ NGUY HIỂM, THỜI TIẾT KHẮC NGHIỆT…” (trích trang web chính thức của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam).

50 tỷ đấm vào họng các tướng lĩnh lãnh đạo lực lượng Cảnh sát biển là gì? Đó chính là những chiếc tàu tuần tiễu, tàu tìm kiếm cứu nạn xa bờ, vũ khí chiến đấu để bảo vệ an ninh quốc gia trên biển, những trang bị liên quan đến thông tin, trinh sát, chỉ thị mục tiêu, sử dụng trong kỹ thuật tác chiến… bị thay thế bằng trang thiết bị kém chất lượng, thậm chí thiếu thốn, bị tém bớt số lượng.

Nói cách khác, 50 tỷ tham nhũng lần này của họ được đổi bằng xương máu của các chiến sĩ, sĩ quan đồng đội cấp dưới đổ ra trong cuộc chiến trên biển, với các đối tượng khôn ngoan, liều lĩnh, trong điều kiện môi trường sóng gió nguy hiểm, thời tiết khắc nghiệt!

Đau đớn thay! Được mệnh danh là thanh kiếm của chế độ, là lá chắn bảo vệ an ninh của quốc gia, nhưng thanh kiếm đó đã quay mũi vào đồng đội, còn lá chắn thì trở thành luật chung chi nhục nhã nhằm khép miệng những kẻ không theo đàn.

Phẫn nộ, nhờm tởm, đáng khinh biết nhường nào! Có sự phản bội nào trơ tráo, nhầy nhụa và độc ác hơn thế nữa không?

2014-05-16T120000Z_1479681895_GM1EA5G1GVS01_RTRMADP_3_VIETNAM-CHINA.JPG
Các sĩ quan Cảnh sát biển Việt nam đang giám sát tàu tuần tra của Trung Quốc ở Biển Đông hôm 15/5/2014 (minh họa). Reuters

Ai đã bắt những con người trở thành thánh sống?

Thế nhưng, một thực tế trần trụi là nếu không tham nhũng, họ sống ra sao?

Theo bảng lương chính thức, lương của cấp bậc trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam là 13,7 triệu đồng/tháng. Thiếu tướng: 12,8 triệu đồng/tháng. Họ có thể thêm được một ít nữa từ phụ cấp chức vụ, thâm niên, điều kiện công tác…

Nhưng ở thành thị, mức lương này chỉ đủ cho MỘT người sống tạm gọi là không phải vay mượn, với điều kiện đã có sẵn nhà cửa. Nếu phải tạo lập từ đầu và nuôi dưỡng cha mẹ, con cái, họ phải nhịn ăn hoàn toàn trong vài chục năm mới có thể mua được một căn hộ chung cư.

Lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu đảng viên phải trong sạch, bản lĩnh, không tham nhũng. Nhưng đảng viên lấy tiền đâu để ăn, để nuôi dưỡng gia đình một cách trong sạch, từ đó hình thành bản lĩnh cương quyết không tham nhũng… thì lãnh đạo không nói.

Cương quyết không nói!

Vậy nên để cho công bằng, trong phiên tòa xử các tướng lĩnh Cảnh sát biển, cần xử trước và xử nghiêm những kẻ nào đã đẻ ra cơ chế quái thai và khốn nạn đang tồn tại. Cái con quái vật miệng hò hét bắt những con người bằng xương bằng thịt phải trở thành thánh sống nhưng hai tay thì tạo ra muôn vàn cạm bẫy để xô họ lọt xuống bùn đen, nhơ nhuốc, nhục nhã cả một đời.

Những tướng lĩnh quân đội, những mái đầu bạc đang gục xuống tìm đủ lý do để xin giảm án là thủ phạm-đã rõ. Nhưng ở mặt khác, họ đồng thời cũng là nạn nhân, những nạn nhân đáng thương, thất thểu như con gà bị vặt sạch lông, chỉ còn biết khóc vì nhục nhã và oán hận. Và hơn hết, vì những lời không thể nói ra.

Còn thủ phạm đầu sỏ, con quỷ dữ đội lốt chính là những kẻ đẻ ra cơ chế đó và nuôi dưỡng nó sống khỏe mạnh. Ngày nào nó còn, ngày đó vẫn sẽ còn những thế hệ tướng lĩnh đem tuổi xuân cống hiến cả đời để đến khi bạc đầu bị tống ra trước vành móng ngựa.

Thậm chí, ra pháp trường.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn