Phúc Lai - Vài gạch đầu dòng về cuộc xâm lược Ukraine của Nga Putox ngày 12/02/2023

Thứ Hai, 13 Tháng Hai 20232:36 CH(Xem: 1336)
Phúc Lai - Vài gạch đầu dòng về cuộc xâm lược Ukraine của Nga Putox ngày 12/02/2023

pl_425 

1. Điểm một số tin tức chiến sự

Tin mới nhất trưa hôm nay 12/02 theo giờ Hà Nội là “Wagner “giải phóng” Krasnaya Gora”.

Và bọn Milblogger Nga viết rằng truyền thông Ukraine cũng đưa tin là: chỉ có 30 người sống sót trong toàn bộ lực lượng đồn trú của Lực lượng Vũ trang Ukraine, hàng trăm người đã thiệt mạng...” (trong những trận đánh kéo dài hàng tuần lễ vừa qua). Có một cuộc tấn công mạnh mẽ vào Artyomovsk (Bakhmut) từ mọi phía.”

Bình loạn: Krasna Hora bị quân Nga (Wagner) tấn công trong thời gian qua theo hai hướng: đường T-0513 và M-03 nên bị khép trong gọng kìm (xin xem bản đồ) nên việc quân Nga khép vòng vây không quá khó. 

pl_424

Tin trên hoàn toàn có thể là sự thật, vì nếu xem trên bản đồ kèm theo bài này, chúng ta sẽ thấy Krasna Hora nhô ra giữa hai trục đường giao thông, quả là quá bất lợi để giữ nó. Chúng ta hãy điểm thêm tin của Tây xem sao:

Kể từ ngày 7 tháng Hai năm 2023, các lực lượng Nga có thể đã đạt được những thành tựu chiến thuật trong hai lĩnh vực then chốt:

• Ở vùng ngoại ô phía bắc thị trấn Bakhmut của Donbas, lực lượng của Tập đoàn Wagner đã tiến thêm 2 – 3 ki-lô-mét về phía tây, kiểm soát vùng nông thôn gần tuyến đường chính M-03 vào thị trấn. Lực lượng Nga ngày càng chiếm ưu thế trên các hướng tiếp cận phía bắc tới Bakhmut.

• Ở phía nam, các đơn vị Nga đã tiến công xung quanh rìa phía tây của thị trấn Vuhledar, nơi họ tái khởi động các chiến dịch tấn công vào cuối tháng Một năm 2023.

Đánh giá của tình báo Anh về diễn biến chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine: các đơn vị Nga có thể đã phải chịu thương vong đặc biệt nặng nề xung quanh Vuhledar do các đơn vị thiếu kinh nghiệm đã tham gia. Quân đội Nga có thể đã bỏ chạy và bỏ lại ít nhất 30 đơn vị thiết giáp hầu như còn nguyên vẹn trong một sự cố duy nhất sau một cuộc tấn công thất bại.

Bình loạn: Về những “thành tựu” của Wagner được tình báo Anh báo cáo trên đây, tui xin trình bày các bình loạn ở mục dưới. Còn riêng về trận Vuhledar vừa qua, có báo nước ngoài còn gọi đó là một vụ “tàn sát”, so sánh nó với vụ quân Nga cố vượt sông Siverskyi Donets hồi tháng Năm và bị người Ukraine pháo kích.

Vậy là ngoài khỏang 13 xe tăng bị tiêu diệt, còn có 30 xe tăng và bọc thép Nga bị bắt sống.

Quá uất hận về kết quả này, tên khủng bố Igor Girkin “Strelkov” viết:

Bọn tướng tá đều là những tên khốn, họ để người Ukraine bắn những người lính trong đội hình tấn công “như bắn tập”. Cụ thể hắn viết như sau:

“Thất bại tại Ugledar (Vuhledar) đã được lan truyền rộng rãi. Có vẻ như tất cả các sự kiện trong năm qua đã được các tướng lĩnh của chúng ta nắm vững thông suốt... Toàn là những điều tồi tệ - tất cả những sai lầm đã mắc phải trước đây đều được lặp lại một cách nghiêm túc. Cuộc tiến công bằng xe tăng theo đoàn quân cơ giới hóa dọc theo những con đường hẹp trên địa hình hoàn toàn bằng phẳng (vì có bãi mìn ở hai bên) đã kết thúc thất bại. Hơn 30 đơn vị xe bọc thép đã bị mất, riêng số lượng lính tăng bị thiệt mạng có đến hàng tá. Thủy quân lục chiến, lực lượng đặc biệt và bộ binh cơ giới thì chết nhiều hơn nhiều. Bọn Ukraine đã bắn những người lính xung kích của chúng ta như bắn tập.”

Đây là sự kết thúc của “cuộc tấn công của quân đội Nga trên toàn bộ mặt trận Donetsk”, được thông báo rộng rãi bởi “các chỉ huy quân đội cổ vũ”.

Xin xem lại tin của bọn Milblogger trên đây, chính chúng cũng xác nhận về quân số của người Ukraine bị đóng “nồi hầm” nhưng mấy bố Lee Yutong với Trạng sư Trạm Biến Áp nhà ta sẽ tố lên tầm vóc hàng nghìn đến hàng chục nghìn, như trường hợp của tay bệnh lý tâm thần Dịch giả Lolita.

2. Nga có thể thắng trong cuộc quyết đấu sắp tới hay không, nếu có thì sẽ theo kịch bản như thế nào và như thế nào thì sẽ thua?

Đây là một bài báo của Politico viết rất hay về những đặc điểm chính vừa qua của cuộc chiến và bắt đầu đưa ra những dự báo về trận đánh sắp tới.

Đáng chú ý là trong bài báo này người ta viết: Nga khắc phục được phần lớn điểm yếu về hậu cần. Vậy họ khắc phục như thế nào và khắc phục được đến đâu?

Bình loạn: Một trong những điểm yếu cố hữu của cách điều hành kiểu Nga là quan liêu một cách kỳ lạ. Tui đã từng kể chuyện mua hàng hóa từ Nga mà họ bắt lên tận Bộ Công thương với Chính phủ xác nhận đủ thứ, mà nhẽ ra việc đó mình là người mua phải chịu trách nhiệm với pháp luật nhà mình, nhưng với những yêu cầu của họ cứ như họ bắt mình chịu trách nhiệm với pháp luật La-tư vậy. Về sau họ giải thích làm như thế để họ tránh trách nhiệm của họ với pháp luật La-tư dù cái thứ đó không phải thứ cấm xuất khẩu. Tui bẩu: Sang mà học Trung Quốc, cái gì cấm xuất khẩu nó cấm luôn khỏi mua, còn đã không cấm thì không phải xác nhận cái gì hết.

Vì thế nếu V. Gerasimov muốn thay đổi cái gì, trước tiên cần thay đổi cơ cấu tổ chức nhất là trong hệ thống hậu cần của quân đội, cơ chế cấp phát theo mệnh lệnh trước đây phải bỏ. Tui thì cho rằng cái này là thâm căn cố đế, thay đổi được cũng rất khó. Ví dụ chuyện ông nguyên soái không quân Liên Xô A. Pokryskin kể về vụ cấp phát ủng cho phi công chẳng hạn. Những đặc điểm đó nó tồn tại đến trăm năm nay rồi, chẳng biết Gerasimov thay đổi được đến đâu?

Về vấn đề xe tải, tui tin rằng nếu họ huy động khắp toàn quốc thì cũng có thể đáp ứng được nhu cầu vận tải thôi. Dưới đây là một chút dông dài về vấn đề hậu cần nói chung của quân đội, như trong lịch sử là vấn đề “lương thảo.” Về vấn đề hậu cần trong lịch sử, chúng ta thường chỉ đọc thấy “Trương Văn Hổ vận đoàn thuyền chở lương thảo sang cho Thoát Hoan...” Ngày xưa hậu cần chủ yếu là gạo nấu cơm cho lính và cỏ cho ngựa ăn, chấm hết. Vũ khí thì lính mang theo (giáo mác), có thể phải chở theo tên để bắn và vũ khí bổ sung. Về sau thì có thể phải cung cấp cho quân đội cả dầu đốt (cho các trận hỏa công), đá cho máy bắn đá khai thác trực tiếp. Tất nhiên quần áo, giáp trụ... cũng phải được mang theo bổ sung. Đại khái thế.

Hệ thống hậu cần quân sự luôn có mục đích chủ yếu là cung cấp cho lực lượng quân sự những vật chất cần thiết để sống (thực phẩm, nước, quần áo, nơi trú ẩn, vật tư y tế), để di chuyển (xe cộ và vận chuyển động vật, nhiên liệu và thức ăn gia súc), liên lạc (toàn bộ phạm vi thiết bị thông tin liên lạc) và để chiến đấu (vũ khí, đạn dược nói chung). Trong tất cả các danh mục này là các vật phẩm chẳng hạn như quần áo, xe cộ và vũ khí được sử dụng nhiều lần và do đó chỉ cần được thay thế khi bị mất, bị phá hủy hoặc bị hao mòn. Còn các vật liệu khác như thực phẩm, nhiên liệu và đạn dược, được sử dụng hoặc tiêu thụ thường xuyên, chỉ được sử dụng một lần và do đó phải được cung cấp lại liên tục hoặc định kỳ.

Từ những đặc điểm trên, các phân loại cơ bản được đặt ra, tuy có khác nhau giữa các nước và lực lượng quân sự. Ví dụ, quân đội Anh phân ra hai loại chính: (1) những thứ được cung cấp thường xuyên bao gồm tất cả những thứ có thể tiêu hao ngoại trừ đạn dược, và (2) dự trữ lâu dài bao gồm đạn dược và khí tài quân sự.

Quân đội Hoa Kỳ trong Thế chiến II và trong nhiều năm sau đó đã sử dụng cách phân loại ra 5 nhóm chính: (1) Nhu yếu phẩm sinh hoạt và thức ăn gia súc, (2) thiết bị và các mặt hàng khác thường xuyên được cấp cho các đơn vị và cá nhân quân nhân, (3) nhiên liệu, (4) thiết bị và vật liệu không thường xuyên như vật liệu xây dựng và cuối cùng (5) đạn dược. Năm nhóm này sau đó đã được mở rộng thành 10 bằng cách chỉ định thành các nhóm riêng biệt thành một số nhóm lớn nhất định chẳng hạn như xe cộ, vật liệu y tế, bộ phận sửa chữa... mà trước đây được phân vào các nhóm nhỏ hơn.

Trong lịch sử, thực phẩm và cỏ ngựa chiếm phần lớn số lượng lớn và khối lượng của nguồn cung cấp cho đến thế kỷ XX khi quá trình cơ giới hóa và sự xuất hiện của hoạt động không trợ, nhiên liệu dần thay thế cỏ ngựa và trở thành thành phần cung cấp chính. Tuy nhiên, nhu cầu về thực phẩm vẫn không ngừng tăng và là lĩnh vực không thể bị hạn chế hay điều chỉnh trong bất cứ hoàn cảnh nào, nói chính xác nó là “một hằng số của hậu cần.” Khẩu phần hàng ngày của một người đàn ông chỉ là một gói nhỏ khỏang hơn 3 kg nhưng nhu cầu thực tế một người ăn thường ít hơn nhiều. Tuy nhiên một đội quân 50.000 người có thể tiêu thụ trong một tháng tới 4.500 tấn lương thực thực phẩm các loại.

Như vậy nếu quân Nga chuẩn bị cho một chiến dịch 500.000 quân, họ sẽ cần cung ứng 45.000 tấn lương thực thực phẩm cho 1 tháng, tương đương 1.500 tấn một ngày. Đó mới là lương thực thực phẩm, còn với một chiến dịch quân sự thì họ sẽ cần cung ứng một số lượng đạn dược, nhiều nhất và nặng nhất là đạn pháo có thể gấp 100 lần khối lượng trên đây – 150.000 tấn 1 ngày, chưa nói đến việc phục vụ 1.800 cái xe tăng hoạt động – cứ cho là cùng lúc chỉ 1.000 chiếc hoạt động thôi và mỗi ngày đánh nhau chừng 5 giờ, mỗi giờ 1 xe tăng ngốn 700 lít dầu, ta tính 500 đi cho có lợi cho Nga (không các cháu dư luận viên lại bảo chỉ tài dìm hàng) thì họ sẽ cần 2.500.000 lít dầu 1 ngày, tương đương 2.500 mét khối. Như thế họ sẽ cần 208 cái xe bồn loại 12 khối chạy quần quật trong ngày để phục vụ cho xe tăng, còn về đạn dược và nhu yếu phẩm họ sẽ cần bét ra 15.000 xe tải.

Trông con số thì ghê nhưng hiện nay nếu tính chiều dài mặt trận từ Kharkiv đến Kherson là 1.400 ki-lô-mét, cũng chỉ hơn 10 xe tải trên một ki-lô-mét chính diện mặt trận thôi, thực sự con số đó là quá ít. Nhưng nếu họ có đủ con số 15.000 xe tải thì lại không đủ phục vụ cho 500.000 quân, không bao giờ đủ (1 xe tải phục vụ ba mươi mấy người trong khi tiêu chuẩn của quân đội Hoa Kỳ là 4 đến cùng lắm là 5 người). Vì vậy có thể sẽ có những cách tiếp cận:

- Nga phải chuẩn bị nhiều xe tải hơn – chẳng hạn 30, 35, 40 đến 50.000 xe tải. Đến đây hỏi tui thì tui sẽ trả lời: không biết là có thực hiện được hay không. Nếu cái tàu thủy anh gì thuê về sơn lại vẽ chữ V lên trên mới chở được 999 cái xe điện bé tí sang Mỹ mà nó đã to như thế, vậy để chở xe tải bét ra phải cần 100 cái tàu thủy như thế.

- Nga phải điều chỉnh giảm quân số, chẳng hạn 200.000 quân. Nhưng nếu 100.000 tay súng và 100.000 hậu cần kỹ thuật, thì lại chẳng đủ cho một chiến dịch lớn với cách thi hành chiến tranh của họ.

Muốn thủ thắng, họ lại cần 500.000 quân, 250.000 đánh nhau và 250.000 hậu cần kỹ thuật. Chúng ta cần hình dung là Donbas có chiều dài chiến tuyến đã là 600 ki-lô-mét (trước đây tui chỉ dám đo trên bản đồ và ước tính 400 ki-lô-mét thôi) và nếu ở Zaporizhzhia thêm một mặt trận nữa chừng 300 ki-lô-mét, thì ở Donbas sẽ cần tung vào đó 150.000 quân còn ở mặt trận miền nam là 100.000 quân.

Quay lại với vấn đề “Nga khắc phục được những vấn đề về hậu cần” – ví dụ như những trận đánh ác liệt với hàng núi xương thịt vừa qua họ tiến hành ở Soledar và Bakhmut, tại sao họ khắc phục được?

- Tấn công với nhiều nhóm nhỏ hơn so với trước đây.

- Giảm tính chất cơ động, cơ giới hóa cao độ của chiến thuật tấn công theo lý thuyết kiểu Nga mới cải tổ (cũng vẫn trên cơ sở lý thuyết của quân đội Xô-viết) mà chuyển sang tiến chậm, tiến chắc, tiến bằng chân với tốc độ vài trăm mét 1 ngày.

- Giảm mức độ hỗ trợ hỏa lực bằng pháo binh (vì đã phân tán các kho đạn đi xa hơn) và yêu cầu các phân đội tấn công chủ động hơn, tự túc hơn trong hỏa lực: sử dụng súng cối cấp trung đoàn trở xuống, đặc biệt súng cối cấp tiểu đoàn, đại đội và trung đội được trọng vọng. Ngoài ra nhu cầu của súng cối liên thanh tự động đưa về các trung đội cũng được nâng lên rất cao. Sử dụng hỏa lực xe tăng để bắn cầu vồng và bắn thẳng hỗ trợ bộ binh, nhưng hạn chế tấn công bằng xe tăng để bảo toàn lực lượng.

Do không tiến xa, nên nhu cầu vận tải trực tiếp cho chiến trường giảm thiểu, và đó chính là cách người Nga đã làm trong thời gian qua.

Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh, chúng ta đã chứng kiến các đội hình Nga tiến rất nhanh và xa, sau đó thì họ đứng chờ xe bồn chở dầu cho xe tăng đuổi kịp họ trong vô vọng, còn lính Nga thì đi xin ăn trong các làng Ukraine, có người xin được một nắm hạt hướng dương ăn cho đỡ đói lòng.

Hồi đó tui đã dự đoán rằng diễn biến của chiến dịch sẽ ra như thế vì đó là cách tấn công trong lý thuyết của người Nga và người Nga sẽ áp dụng đúng như vậy; và người Ukraine sẽ để cho người Nga tiến sâu, rồi tiêu diệt bộ phận đi sau của đoàn quân. Tui còn nhớ tui viết một câu xanh rờn: rồi sẽ đến ngày lính xe tăng Nga sẽ phải chôn xe xuống đất để đánh nhau – chính xác là chôn xe xuống đất để phòng ngự vì không đủ dầu mà chạy xe nữa, chỉ đủ để chạy máy phát điện quay tháp pháo.        

Nếu như bây giờ họ sẽ lại tấn công như vậy – nghĩa là tiến nhanh tiến ào ạt, chỉ cần tiền quân cách hệ thống cung ứng một khỏang cách vài chục ki-lô-mét là vấn đề lại nảy sinh, không thể khác. Đó cũng là lý do mà chúng ta thấy có rất nhiều lời khuyên với người Ukraine, cả V. Zelensky rằng hãy bỏ thành phố này, bỏ thành phố kia... Nhưng tui nghĩ: họ không bỏ cũng có cái đúng của nó.

Với những đặc điểm của Soledar vừa qua và Bakhmut, để thủ thắng người Nga đã phải dùng lực lượng nhân lực gấp 10 lần phía Ukraine và chúng ta có thể hình dung thấy rất rõ cái vòng luẩn quẩn: do người Ukraine phân tán và lợi dụng các công trình, địa hình địa vật để phòng thủ, quân Nga lại càng cần nhiều hỏa lực (như câu đúc kết của cuộc chiến: để diệt được một người lính Ukraine, người Nga cần đến 100 quả đạn pháo và ngược lại từ khi có đạn pháo thông minh, người Ukraine chỉ cần bắn một quả duy nhất diệt được từ 100 đến 200 người lính Nga). Đến giai đoạn bị giảm khả năng hỗ trợ hỏa lực, người Nga bù lại bằng quân số, đem lại lượng thương vong cực lớn... Cứ như thế tính bế tắc này người Nga không thể thoát ra nổi.

Ngoài lề: Trong một diễn biến khác, đại tá đã về hưu Lee Shimuo vẫn ngoan cố với lý thuyết cho rằng người Nga tiến chậm do... sợ bắn vào dân lành. Nghĩ ra lý do gì thông minh hơn tí đê đại tá.

Vậy người Ukraine có gì đúng khi không chịu rời bỏ các “thị xã thị trấn” như trước là Soledar và bây giờ là Bakhmut? Vì mục đích của Nga là chiếm làng mạc, thị trấn, thị xã, thành phố... và đó chính là lựa chọn chiến lược của họ: gặm nhấm dần và cố đấm ăn xôi, chấp nhận nướng quân. Để họ chiếm được những điểm đó một cách dễ dàng, thì không tiêu hao được lực lượng của họ và không tranh thủ được thời gian. Một đặc điểm nữa là theo bác Discovery, Donbas các điểm dân cư liền liền chi chít nhau, vì vậy quân Nga sẽ không tiến ào ạt với tốc độ cao như trước nữa mà phân tán để chiếm các điểm dân cư.

Đơn giản đây là những đặc điểm mới của giai đoạn mới của chiến tranh. Chọn phương án này, người Nga sẽ chấp nhận cái giá phải trả là thương vong cực lớn, nhưng nó đem lại khả năng kéo dài chiến tranh một cách lì lợm.

• Theo những thông tin ngoài lề chưa xác minh được, cho đến nay các vùng và cộng hòa của Liên bang Nga đã nộp lên “trung ương” được 430.000 cái xe tải để phục vụ cho chiến dịch mới. Vì vậy các milblogger Nga đã đáp trả thích đáng lão xe ôm ở tận Tây Phi rằng nói bọn tao không có xe tải là láo toét. Vậy thông tin này có căn cứ không? Theo số liệu chính thức của Rosavtodor (Федеральное дорожное агентство), có khoảng 1,5 triệu xe có trọng tải trên 12 tấn được đăng ký tại Nga. Ngoài ra, khoảng 400.000 phương tiện có trọng lượng trên 12 tấn, đăng ký ở các nước khác và thực hiện giao thông quá cảnh, lưu hành trên lãnh thổ Nga.

Bình loạn: Nếu quẳng đến 400.000 xe tải đi phục vụ chiến trường thì có lấy theo lũ lái xe không nhỉ? Và đường đâu ra mà đi? Riêng tắc đường bị một cú HIMARS cũng đủ chết cụ nó hết.

3. Leopard-1 sẽ là một chiếc xe tăng hữu ích trong cuộc chiến Ukraine – Nga? Sau đây là ý kiến của Roland Bartetzko, một người Ukraine và hiện đang ở Kyiv.

Tôi (Roland Bartetzko) biết Leopard-1 khá rõ từ thời còn là xạ thủ trong đơn vị trinh sát bọc thép của Quân đội Đức. Đức hiện sẽ giao 88 xe tăng loại này cho Ukraine. Một số người có thể nghĩ rằng những chiếc xe tăng tương đối cũ này (từ những năm 1960) đã lỗi thời và vô dụng nhưng tôi không đồng ý vì một số lý do.

“Leo-1”, giống như hầu hết các Xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) được nâng cấp liên tục và đã phục vụ trong Quân đội Đức cho đến năm 2010 (Ukraine sẽ nhận được phiên bản “A5” nâng cấp năm 1987).

So với các xe tăng chiến đấu chủ lực mới hơn của phương Tây sẽ được chuyển giao cho Ukraine, Leopard-1 tương đối nhẹ (khoảng 40 tấn) và có cùng trọng lượng với các xe tăng mà Quân đội Ukraine đang vận hành (so với Challenger-2 của Anh nặng 64 tấn). Do đó, nó sẽ không gặp vấn đề gì khi được xếp trên cùng một trailer hoặc semi-trailer (tiếng Việt Nam gọi là “tạp-phoọc” chắc gốc từ “transporter”), sử dụng cùng hệ thống cầu đường với T-72 hoặc T-80 của Ukraina. Điều này làm cho việc đưa nó vào phục vụ trong Lực lượng Vũ trang Ukraine dễ dàng hơn nhiều.

Mặc dù đã nhiều lần được cải tiến và nâng cấp nhưng vỏ giáp của “Leo-1” quá yếu để có thể chịu được đòn tấn công trực tiếp từ MBT của Nga, và đây có lẽ là nhược điểm lớn nhất của nó. Tuy nhiên, nó bảo vệ đủ tốt trước mìn và hỏa lực pháo binh và các vũ khí chống tăng cá nhân khác, do đó nó hoàn toàn phù hợp với vai trò hỗ trợ bộ binh. Nếu cần, nó thậm chí có thể chở một nhóm nhỏ lính bộ binh vì không gian bên trong của nó rộng hơn so với Leopard-2 hoặc Abrams.

Pháo 105 mm của “Leo-1” vẫn có sức cạnh tranh, đặc biệt khi bắn các loại đạn hiện đại. Hệ thống bắn được sử dụng trong các phiên bản A5 nâng cấp giống với hệ thống trên Leopard-2. Do khả năng bắn trúng phát đầu tiên cao, Leopard-1 thậm chí còn có cơ hội chống lại xe tăng hiện đại của Nga. Tuy chắc chắn không có được ưu thế tuyệt đối của xe tăng Leopard-2 nhưng một tổ lái có kinh nghiệm sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với bất kỳ MBT nào của Nga.

Các ưu điểm khác của xe tăng này là phạm vi hoạt động (600 ki-lô-mét), độ tin cậy và dễ dàng sửa chữa.

Nói túm lại, những chiếc xe tăng Leopard-1 này là một sản phẩm đã được kiểm chứng qua thực chiến ở Afghanistan và nó chắc chắn là một bước tiến đáng kể với lực lượng xe tăng của Ukraine.

Bổ sung hay Bình loạn:: Ở đây còn một ý nữa cũng thú vị. Tại sao pháo chính xe tăng của Nga và Liên Xô trước đây luôn luôn cố gắng làm... to hơn của Tây một tí? Ngày xưa hồi trẻ con có anh thanh niên giải thích là trong trường hợp thu được đạn 120 mm của NATO, cho vào pháo xe tăng Liên Xô 125 mm thì vẫn bắn được còn ngược lại thì không. Thế mà tui cũng tin. Thực tế thì không hiểu vì lý do gì, do cấu trúc của đầu đạn hay do thuốc phóng, liều phóng... mà sơ tốc của đạn Liên Xô bao giờ cũng thấp hơn sơ tốc của đạn Tây.

Ngay trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai, đạn pháo Đức bao giờ sơ tốc cũng cao hơn. Điều này cũng đúng luôn cả với vũ khí cá nhân như đạn súng trường tấn công. Để giải quyết thường người Nga tăng cỡ nòng và cỡ đạn, ví dụ xe tăng T-34-76 (pháo chính 76 mm) thua pháo xe tăng Panzer 75 mm nên họ phải đưa lên pháo 85 mm lấy từ súng phòng không 85 mm. Khi các xe tăng Cọp, Báo ra đời pháo chính của chúng chỉ 88 mm nhưng để nói chuyện sòng phẳng, người Nga phải cho ra pháo tự hành diệt tăng SU-100 (pháo chính 100 mm) hoặc xe tăng IS-2 pháo chính 122 mm.

Trong đoạn viết trên đây, tác giả rất đúng khi viết vỏ giáp của Leopard-1 yếu – đúng vậy: không gian nó rộng rãi, xe nhẹ như xe tăng Nga, vỏ thép đứng... làm cho nó không thể chống nổi đạn xe tăng Nga nếu trúng đạn. Tuy nhiên nếu nó có cơ hội bắn trúng thì các loại đạn 105 mm mới của nó có sơ tốc tốt, không hề thua kém đạn 125 mm của xe tăng Nga. Có một điểm hơn của nó vượt xa xe tăng Nga: độ cơ động. Xe nhẹ, động cơ đủ mạnh cho tỉ số công suất trên khối lượng tương đương T-72 “Ural” nhưng ăn uống ít hơn nhiều và riêng về điều khiển thì dễ hơn hẳn. Điều đó làm cho tính cơ động của nó rất cao vượt quá tốc độ xoay tháp pháo của xe tăng Nga.

Tuy nhiên cá nhân tui vẫn không cho rằng người Ukraine sẽ đem xe tăng để đấu với xe tăng. Riêng xe tăng Nga chỉ cần đốt xăng dầu là đủ.

Ảnh: Anh tuy già, nhưng vẫn có thể tung ra một cú đấm: Leopard-1 của “Panzerbattalion 2” của Quân đội Đức trong một cuộc tập trận ở Lüneburger Heide trong những năm 1990. (Nguồn ảnh: Pzbtl 2)

4. Hôm qua tui có hẹn với các bác về nhận xét: có thể được coi là, cuộc tấn công lớn của Nga đã bắt đầu rồi.

Điều này trùng với nhận xét của một vài bác bạn Facebook nhắn cho tui: Hình như nghe tin Nga đã tấn công hàng loạt điểm, hàng loạt mũi...

Nghe cũng có lý. Hôm qua Nga (11/02) mất 13 cái xe tăng và 900 quân. Hôm kia (10/02) là 9 xe tăng và 1.140 lính. Hôm 09/02 là 3 xe tăng và 730 lính. Hôm trước nữa là 8 xe tăng và 910 lính. Ôi trời ơi cứ nướng quân như thế này thì kinh quá. Tui cũng không rõ con số 13 xe tăng hôm qua được báo cáo có phải là của vụ thảm sát Vuhledar hay không nữa, cơ mà nếu tấn công mạnh lên theo kế hoạch của một chiến dịch lớn thì số lượng xe tăng đốt 1 ngày như thế sẽ là con số nhỏ nhất. Trong giai đoạn Nga tấn công mạnh có những ngày con số xe tăng của họ bị đốt cao hơn thế nhiều và có lẽ, thường xuyên là như vậy.

Tui cũng để ý rằng cái gọi là “một trận Kursk mới” (phiên bản 2023, để kỷ niệm 80 năm trận đánh này) được rất nhiều thành viên mạng xã hội Nga nói đi nói lại trong cả tháng qua, từ khi có những thông tin về “xe tăng Đức Leopards sẽ được dùng để tấn công người Nga, lăn xích trên đất Nga...” Bọn milblogger Pro-Putox hiếu chiến còn ví kế hoạch của người Ukraine (nếu có) sẽ là một “Chiến dịch Thành trì mới” và tuyên bố sẵn sàng đón tiếp xe tăng Đức.

Rõ ràng là người Nga phe diều hâu đang hy vọng lịch sử lặp lại, đúng theo mô típ của thằng, à ông Trạng sư Trạm Biến Áp vẫn làm là ngụy biện lịch sử. Chúng hy vọng trận đấu tăng sẽ làm cho người Ukraine cháy ráo cả xe cộ và cứ thế là thua cuộc.

Nhưng nếu người Ukraine không đem xe tăng ra để tấn công quân Nga thì sao, nghĩa là trận đấu xe tăng của thế kỷ XXI sẽ không diễn ra, hoặc không diễn ra như ý người Nga muốn? Nếu như vậy người Nga sẽ buộc phải tấn công, và có vẻ những nhận định cho rằng cái gọi là “chiến dịch tấn công mới” đã diễn ra rồi, cũng có lý.

Nhưng nếu điều đó đúng, thì phải có những lý giải cho việc tại sao chúng ta chờ đợi một trận đánh thật to “bom tấn”, mà nó lại diễn ra như pháo xịt vậy?

- Thứ nhất, không thể chuẩn bị đủ lực lượng nhân lực, kỹ thuật, hậu cần cho một chiến dịch lớn.

- Thứ hai, thiếu mục tiêu chiến lược. Chẳng hạn mục tiêu chiến lược của vụ bắn tên lửa là rõ ràng: tấn công hạ tầng năng lượng của Ukraine khiến Chính phủ và người dân của họ nản chí. Ở đây không rõ họ tấn công để làm gì, ví dụ có điều dễ hiểu một chút là cố chiếm bằng được phần còn lại của Donbas, cụ thể là hai thành phố Slovyansk và Kramatorsk nhưng dù thành công thì điều đó có buộc người Ukraine ngồi vào bàn đàm phán không? Không. Người Ukraine lúc đó có khi còn được củng cố quyết tâm đánh nhau đến... lâu dài. Phiền thế.

Vậy đó, chưa nói đến có chuẩn bị nổi hay không, mà ngay hiện nay Nga Putox đã đang hết sức bế tắc. Không có cách nào đánh quỵ ý chí của người Ukraine. Không có cách nào đánh gãy xương sống lực lượng vũ trang Ukraine. Không có cách nào làm phương Tây nản chí trong công cuộc hỗ trợ người Ukraine bảo vệ Tổ Quốc và tự do. Tất cả mọi cách Putox đã thử hết cả rồi: tấn công “shock” rồi, dầm dề rồi, bắn tên lửa rồi... đúng là chỉ còn thiếu có mỗi vũ khí hạt nhân hoặc vũ khí hóa học.

Vì vậy mà vừa qua nếu chúng ta thấy họ chưa đề-pa được một chiến dịch tấn công dạng “shock” thì cũng không quá khó hiểu. Có một phương án cho họ có vẻ khả thi hơn: áp dụng chiến dịch có những mục tiêu hỗn hợp và không nhất thiết phải quá rõ ràng. Chẳng hạn, ở Donbas giới hạn mục tiêu ở Bakhmut và không cần chiếm nhiều hơn, sau đó bổ sung quân để giữ những vùng chiếm được. Ở Zaporizhzhia, tập trung một nhóm quân mạnh tấn công cố chiếm bằng được thành phố Zaporizhia và đem kết quả đó ép người Ukraine vào bàn đàm phán. Cách tiếp cận này cũng có thể thay đổi, ví dụ cố giữ Kherson – Zaporizhzhia như hiện nay và cố chiếm Bakhmut sau đó là hai thành phố Slovyansk và Kramatorsk rồi lại ép người Ukraine vào bàn đàm phán.

Những cách tiếp cận trên đều tốn rất nhiều quân, xe tăng, đạn dược...

Tuy nhiên trong mọi trường hợp cứ hễ ra đòn, là dễ ăn phản đòn. Cách kịch bản Kharkiv – Izyum và cả Kherson cũng vẫn có thể lặp lại. Vậy thôi.

Khi tui viết xong bài này thì càng có nhiều tin Wagner chiếm Krasna Hora rồi.

PHÚC LAI 12.02.2023

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn