Ngày Tết muốn yêu nước mà khó quá

Thứ Hai, 06 Tháng Hai 20238:00 SA(Xem: 2206)
Ngày Tết muốn yêu nước mà khó quá
rfa.org

Ngày Tết muốn yêu nước mà khó quá

Bình luận của Vũ Thư

Là tôi đang nói chuyện ngày Tết đi mua bánh mứt và đồ ăn vặt về tiếp khách và nhâm nhi lai rai. Vốn yêu nước nên tôi nhất quyết vào siêu thị Việt Nam mua tuốt. Cố gắng đóng góp một phần nhỏ bé nhằm đưa nước ta tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội chứ!

Rứa là bỏ vào giỏ:

Các loại mứt ướt gồm mứt me, mứt tắc, mứt cà chua, mứt hoa hồng, hồng dẻo. 

Các loại mứt khô gồm mứt dừa, mứt sen, mứt bí, mứt gừng, mứt khoai (khoai lang, khoai tây, khoai môn, khoai mì), mứt đậu ngự, mứt đậu trắng, mứt đậu đỏ, mứt cà rốt, mứt vỏ cam, mứt vỏ bưởi.

Hí hửng mang về tưởng thế nào tết này khách đến nhà cũng khen đảm đang quá. Ai ngờ tết qua đi mà mứt còn ở lại. Đã thế mấy cô dì chú bác họ hàng và bạn bè của bố mẹ cứ bảo dọn nhiều mứt thế mà quên mất một món. Thiếu món ấy cô dì chú bác nhất quyết không ăn.

Nghĩ mãi không biết thiếu món gì, đần thối mặt thì cô chú bác dì ỡm ờ:

-Thiếu thuốc tiểu đường!

Món mứt 4.000 năm

Ối giời ơi hóa ra thế đấy! Một bàn toàn món ngọt lịm nên cô chú hãi. 

Đã thế, nhà sản xuất còn làm khó thực khách. Mứt me, mứt tắc, mứt cà chua… đều dẻo và có lớp đường sánh bên ngoài ướt chèm nhẹp. Tuy đã được gói hai lần nilon nhưng bóc ra vẫn rất dễ dính tay, nhất là khi các cô đang mặc đồ đẹp, móng tay sơn hoặc đính đá tỉa tót cầu kỳ. Mứt cà chua, mứt tắc thì tỉa, bóp dẹp rồi cũng sên luôn cả trái thành hình bông hoa. Me lột vỏ rất khéo, mứt thành hình vẫn nguyên trái vừa dài vừa to. Nhưng khó ăn dễ sợ. Ăn cả trái thì quá ngọt, ăn xong không còn ăn được món nào khác. Xơ của quả me còn nguyên, phải vừa cắn vừa rút ra rất dễ dính vào khóe miệng. Các cô tô son cẩn thận đi thăm nhau mà mời quả me thì thôi rồi, phấn son rất dễ tèm lem. 

Mứt khô cũng phiền phức y vậy. Mứt dừa non của thương hiệu Xuân Hồng (thuộc Coop mart, được mệnh danh là cái chợ của mọi nhà) cắt miếng hình tam giác cỡ ba ngón tay, muốn mời khách phải dùng kéo cắt nhỏ ra mới ăn được. Mứt dừa sợi dài thì quấn thành hình bông hoa, muốn ăn phải tháo, bẻ, dứt thành nhiều đoạn nhỏ. Đã vậy, cái dòng mứt khô này từ mứt truyền thống như mứt bí, mứt gừng, mứt sen… đến mứt đương đại như mứt đậu (đậu đỏ, đậu trắng, đậu ngự…), mứt khoai mì, mứt củ sen, mứt xoài… đều phải áo một lớp đường bột bên ngoài. Cầm lên là đường rớt trắng áo. Nếu dùng đĩa nhỏ và thìa nhỏ cho mỗi người khách để ăn thì kích rích quá.

Trái cây dẻo và ngon như hồng dẻo cũng phơi nguyên trái to bằng nửa bàn tay, còn cả cuống. Muốn ăn phải dùng dao sắc thái mỏng từng lát. Phiền ơi là phiền!

Và vì là mứt nên tất cả chúng đều ướp nhiều đường. Tất cả thanh, thơm, chua, mát, vị riêng của từng loại hạt hay trái cây đều đã bị đường lừ lừ cướp lấy, hòa tan tuốt tuột. 

Thực ra các món mứt theo tôi đều… chán tệ, trừ mứt gừng-mà phải mứt gừng nhà làm, không cạo vỏ, không vắt bỏ nước nên còn thơm và cay, với mứt hạt sen bùi bùi. Vì với công thức ướp đường thật ngọt rồi sên với bất cứ nguyên liệu nào thì kết quả đều cho ra một món dẻo dẻo hay sần sật nhưng độc vị ngọt sắc, nếu có tí chua cũng không phân biệt nổi chua của trái gì. Mứt xoài cũng như mứt khoai, mứt bí chẳng khác mứt mận, mứt kiwi y choang mứt bí. Tiến bộ của kỹ thuật chế biến không hề có mặt ở đây, không có sáng tạo nào trong món này dù mỗi dịp Tết nhà sản xuất lại cố gắng quảng cáo các loại mứt mới, còn nhà nhà lại thi nhau đi mua để bảo tồn truyền thống.  Nhưng thế mà mần thì chúng ta sẽ có mứt quả mướp, mứt mùng tơi, mứt thịt ba rọi, mứt cá chép, mứt cải xanh, mứt sườn sụn…! Bao độc lạ!

Răng nhiều để làm gì?

Về bao bì, đa số các loại thức ăn vặt của Việt Nam cũng hầu như không cải tiến gì theo hướng thuận tiện cho người ăn. Kẹo, bánh, khô bò, khô cá, khô mực, trái cây khô… tất tật nhét vô một túi nilon trong hoặc in màu sắc, có khi trong bịch nhét thêm tờ giấy nhãn ghi tên món ăn và nơi sản xuất cùng vài thông tin khác. Hoặc hộp nhựa trong hình trụ. Hoặc hộp nhựa hình viên kim cương. Hết. 

Túi nilon thì đã dai lại còn khằn rõ chắc, không có đường xé, không có zip, nhất quyết phải dùng kéo mới cắt được (một số  hãng tư nhân có bao bì zip, công ty nhà nước thì thường không). Nếu bạn đang ở sân bay mà tự dưng muốn ăn vặt thì khổ rồi đấy: thứ nhất là đóng gói quá to, thường từ 250 gr trở lên, trong khi bạn chỉ muốn nhâm nhi một chút món này và một chút món khác. Bạn phải nhờ người  bán hàng cắt miệng túi giùm, hoặc ghé răng nhằn, cắn, giật kỳ rách miệng túi mới lấy thức ăn được. Răng nhiều để làm gì?

Ăn chỉ vài miếng nhưng bạn không muốn vứt cả gói đi, đành phải xin sợi dây thun cột miệng lại, quăng vào hành lý mang theo. Thế rồi không buộc đủ chặt nên cả binh đoàn kiến hành quân vào lũ lượt. Úi giời ơi phiền lắm lắm lắm!

Trong khi đó, ngó qua một tí Trung Quốc với Thái Lan thôi, bạn đủ xỉu vì thế giới ăn vặt muôn màu, muôn vị, và cực tiện lợi của họ. 

chai-gia-vi 1.png
Nắp chai gia vị của Việt Nam

Có cả bún ốc ăn liền Lý Tử Thất 

Đang đói nhưng không muốn ăn mì gói? Có ngay bún ốc ăn liền thương hiệu “tiên nữ đồng quê” Lý Tử Thất, chỉ cần đổ nước sôi (ga tàu hay sân bay nào cũng cung cấp nước nóng miễn phí) là có bát bún nóng hổi thơm lừng hấp dẫn. Có cay (que cay, còn gọi là thịt hổ (!). Có mặn (đủ thứ thịt ướp, chả giò ăn liền, cơm cháy chà bông, tàu hủ ky cuộn rong biển sấy, giò chá quẩy ăn liền…). Trẻ con Việt Nam mê đứt đuôi các loại lưỡi vịt, cổ vịt, cổ gà, chân gà, đùi gà, trứng rim chua ngọt, trứng mặn… tẩm ướp sẵn mở gói là ăn. Đồ ngọt thì cả một thiên đường. Đồ chua vô tư (trái cây chua sấy khô sấy dẻo các loại, kẹo vị chua). Có cả loại không vị gì cả (như đậu nành rang-Việt Nam cũng làm nhưng vẫn đóng gói to hơn khẩu phần một người muốn ăn vặt một lúc). Có loại chiên nhiều dầu và có loại chỉ nướng, sấy, không dính tí dầu nào. Có loại mềm, có loại giòn, có loại giòn ngoài mềm trong, ngoài ngọt trong mặn như một loại bánh sợi thịt gà của Thái Lan. Có cả rau ăn liền. Mỗi thứ đóng gói vừa một hai miếng, cực tiện (chân thành xin lỗi những người bảo vệ môi trường và chống bao bì dùng một lần, tôi ủng hộ các bạn nhưng thực tế cuộc sống là vậy đó).

Thức ăn vặt Nhật cũng phong phú tương tự và còn tinh tế hơn gấp nhiều lần. Trong một gói nhỏ, bạn có thể được phục vụ đến tận 10-12 món ăn vặt đủ các vị và các chất liệu, mỗi món chỉ một đến ba miếng. Rất vừa vặn cho một khẩu phần khi lên cơn nghiện ăn vặt, hoặc hai người cùng chia sẻ cũng vẫn không quá ít.

Vấn đề là những chuyện này nào có khó. Không tự nghĩ ra được thì ta… bắt chước! 

Trong khi thế giới cách tân ầm ầm những cái đã cũ và quen đến nỗi tưởng không còn gì có thể làm mới được nữa, thì nhiều nhà sản xuất to của Việt Nam vẫn cương quyết trung thành với kiểu cách 4.000 năm của mình. Các nhà sản xuất viện lý do vốn và công nghệ, nhưng các chuyên gia đã phản bác lý do này từ lâu. 

Ví dụ hay được nhắc đến nhất là hộp cao Sao Vàng của công ty cổ phần Dược Trung ương 3. 

Bao bì bất hủ

Công ty này xuất thân là Kho thuốc K45 Vinh Quang thuộc Ban Y tế khu Trung Trung Bộ, thành lập từ năm 1968, có nhiệm vụ cung ứng và tiếp nhận thuốc men, hóa chất xét nghiệm… từ miền Bắc vào miền Nam để chi viện phục vụ chiến trường. Qua thời gian và nhiều thay đổi về tên gọi cũng như cơ cấu tổ chức, đến năm 2015 nó chuyển thành công ty cổ phần, vẫn tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc. 

Công ty tư nhân thường được cho là năng động sáng tạo, đổi mới hơn các doanh nghiệp Nhà nước, nhưng hộp cao Sao Vàng khi thuộc về tư nhân vẫn kiên quyết giữ vững bản chất. Bản chất đó gọi tóm tắt là KHÓ MỞ, KHÓ DÙNG. Mặc dù tinh dầu cao rất thơm, dùng xoa khi cảm cúm, đau bụng… rất tốt.

cao sao vang.jpg
Hộp cao sao vàng

Nhiều thế hệ Việt Nam đã có ký ức phức tạp về cách mở hộp cao này. Do làm bằng thiếc, dạng hộp dẹt ép hai mảnh vào nhau, không có lẫy mở hộp nên phải cạy bằng móng tay, bằng mũi dao, bằng… răng. Thậm chí có một cách giản dị nhưng hiệu quả là ném thẳng cánh nó xuống sàn nhà kỳ đến khi bung nắp ra.

Trước đó, ở thị trường miền Trung và miền Nam người dân cũng chẳng biết cao Sao Vàng là gì mà chỉ mê tín dầu Nhị Thiên Đường. Cao Sao Vàng  3 g nhỏ gọn ư? Ve dầu Nhị Thiên Đường nhỏ nhất chỉ bằng ngón tay út, hình trụ, chứa 3 ml dầu, nắp vặn cực kỳ dễ mở dễ đóng. Bất hủ! 

Và vì cao Sao Vàng là sản phẩm nội địa được nghiên cứu và sản xuất dựa trên dầu cù là Con hổ trắng của Singapore, nên khi Việt Nam mở cửa, hàng ngoại chính hãng tràn vào với vô số chọn lựa phong phú, nhất là khi chai dầu xanh Singapore-có hai nắp vặn khiến nó gần như không thể đổ-theo chân Việt kiều về nước thì gần như không người tiêu dùng nào còn nhớ đến sự tồn tại của cao Sao Vàng nữa. 

Cho dù gần đây cao Sao Vàng có giá cao trên thị trường quốc tế do sự ủng hộ của “tây” thì vẫn phải thành thật rằng: cửa của nó rất hẹp trong thị trường nội địa. 

Tương tự, với đam mê làm khó người tiêu dùng, phần cần nhựa để bật nắp và rót của nhiều loại chai gia vị (dầu ăn, dấm, nước mắm, nước tương, dầu hào…) mang thương hiệu nội địa luôn nhỏ đến nỗi dùng răng mở thì dễ hơn dùng tay. Rót xong, gia vị dạng lỏng lưu luyến đọng quanh lỗ rót, khi ấn nắp trở lại thì bắn tóe ra như muôn vạn vì sao. 

Dạng nắp nhựa để kéo ra (dưới là vòng nhựa hình hoa thị) thì mảnh mai rất dễ đứt. 

Nắp kín hình trụ nhỏ thì vừa ngắn, vừa cứng. Phải dùng dao cứa vài lần mới đứt, rất dễ bị đứt tay hoặc thiến luôn vào phần nắp nhựa bên ngoài. 

Những thương hiệu nước ngoài hoặc vài thương hiệu Việt Nam không gặp tình trạng này, do có một nắp nhựa bên trong cổ chai để khống chế lượng rót và giúp cổ chai ngoài luôn sạch. Như chai dầu olive của Ý rất phổ biến trong chợ Việt Nam chẳng hạn. 

Túm lại: Cái ruột thì cũ. Cái vỏ không mới. 

Cho nên, dù rất thấm nhuần khẩu hiệu “Dùng hàng Việt là yêu nước”, “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” mà nhà nước vận động từ vài chục năm nay, nhưng thú thật là tôi thích yêu sang Thái Lan, Nhật Bản, Mỹ, Đức… nhiều hơn nhiều lắm.

Mà không cảm thấy áy náy chút nào!

Ý kiến bạn đọc
Thứ Hai, 06 Tháng Hai 20235:15 CH
Khách
BAI VIET HAY !!!!
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn