"Phong Bì " - by Sài Gòn Cô Nương. ( Trần Văn Giang ghi lại )

Thứ Sáu, 27 Tháng Giêng 202311:52 SA(Xem: 1872)
"Phong Bì " - by Sài Gòn Cô Nương. ( Trần Văn Giang ghi lại )


PhongBi
Lời giới thiệu
 

  

"Thanh tra, thanh mẹ, thanh dì (?) 

Hễ có phong bì thì lại ‘thank you’ (‘cảm ơn’)." 

(Lời dân gian) 

  

-Cái mà người miền Bắc gọi “phong bì” thì người Nam gọi “bao thơ.”  Nó vốn là chiếc bao giấy xếp mỏng để đựng lá thư gửi đi. 

  

-Ngày xưamiếng trầu là đầu câu chuyện còn ngày nay thì phong bì mới là dẫn đầu câu chuyện.”  

 

TVG

*

Rõ ràng trước kia, nhiệm vụ chính của chiếc bao thư là để “bao” cái “thư.” Thư mang tin tức, thư mang lại tin buồn, tin vui, đựng công văn… 

  

Một thời gian dài, khi nhận được thư, người ta mừng lắm. Mỗi buổi sáng mở sẵn cửa chờ ông bưu tá để đón tin. Nhận tin cô dì chú bác từ nhà hay từ thành phố xa cách, người khỏe mạnh, người ốm đau… Rồi tin tức của người thân, bạn bè từ nửa vòng trái đất bay về, người kể lể cuộc sống nơi đất khách, người nhớ quê… Nhận thư từ ông bưu tá cả năm nên cuối năm gửi lại ông một phong bao thay… lời cảm ơn. 

  

Khéo sao mà chiếc phong bì lại để vừa y chang tờ giấy bạc;  nên ngoài việc chính chứa lá thư thì còn đảm đương thêm công việc đựng tiền. Tiền cầm tay đưa ít nhiều, dày mỏng lộ liễu quá nên để trong phong bì cho việc trả công, đền ơn… xem chừng kín đáo và lịch sự hơn rất nhiều. 

  

Từ khi điện thoại và “internet” phát triển, việc liên lạc bằng thư từ qua bưu điện giảm hẳn cho nên phong bì ngả qua nhiệm vụ đựng tiền nhiều hơn. Việc đưa tiền đựng trong phong bì thông dụng tới nỗi khi nói đưa phong bì thì người ta hiểu ngay là… "đưa tiền."  Chiếc phong bì đã tượng trưng cho tiền bạc chứ chẳng còn ai nghĩ đến tình cảm gói ghém trên những trang giấy đã quá lỗi thời. 

 

Phong bì chứa tiền thoạt tiên là chuyện hiếu hỷ 

  

Trước kia khi mừng đám cưới, người ta thường chung vui bằng quà cáp: bộ ly tách, bình thủy, đèn ngủ… Mừng tân gia với đồng hồ, quạt máy, nồi cơm điện… Đi thôi nôi, đầy tháng bằng bộ quần áo, hộp phấn rôm, lắc đeo tay… Chia sẻ với tang gia vòng hoa cườm, lẵng hoa tươi, trái cây… Cho nên nhà xong việc thì cùng lúc chất đầy đồng hồ, ly tách… không bao giờ dùng tới hoặc đợi có dịp mừng người khác khỏi tốn tiền mua. Bây giờ khách khứa tới nhà toàn khui một lon nước ra mời, lịch sự thì kèm cái ly và ống hút chứ đâu còn dùng tách nữa. Thôi thì cứ thồn hết quà cáp, tình cảm vào một cái phong bì cho gọn gàng và được việc.

Quả nhiều trường hợp rất được việc. Gia đình người giàu đỡ chật nhà bởi những món đồ lỉnh kỉnh, gia đình người nghèo cũng giải quyết công việc một cách tốt đẹp. Ví như khui liền thùng tiền mừng để trả hóa đơn nhà hàng khi khách khứa vẫn còn đang ăn món giữa… Nhiều tang gia sau đám ma đã mang số tiền phúng điếu đi làm việc thiện tốt hơn là phí phạm vào hoa và trái cây đổ đi vì quá nhiều.  

  

Thành thử đa số đám tang ngày nay đều đặt trên bàn một đĩa đựng xấp phong bì không và cây bút bên cạnh, để ai đến phúng viếng lỡ quên phong bì thì có sẵn, khỏi cần chạy đi kiếm tiệm tạp hóa đâu đó cho mất công, mà tiệm tạp hóa bây giờ cũng ít, mà cũng không bán phong bì như ngày xưa. Mới nhìn đĩa đặt xấp phong bì bên cạnh đĩa hạt dưa, bánh kẹo, cam quít… thật kỳ cục nhưng giờ nó thông thường tới mức trở thành hình ảnh quen mắt. 

  

Ngày xưa “miếng trầu là đầu câu chuyện còn ngày nay thì “phong bì mới là dẫn đầu câu chuyện.”  

  

Hồi đó khi đến dự các hội nghị, khách thường được tặng quà là quyển sổ, cái bút…, cao hơn nữa là chiếc cặp. Loại cặp này chỉ dành cho dân văn phòng đựng tài liệu, học sinh không thể dùng được, mang bán hay cho cũng khó nên ai đi dự hội nghị nhiều thì số cặp chất một đống không biết bỏ đi đâu. 

  

Quà cáp kiểu đó bất tiện quá nên sau này được bỏ hết thay thế bằng thứ khác, chứ không có thứ gì trao tay thì không vui. 

  

Tới phòng họp, mọi người dáo dác hỏi nhỏ nhau: 

  

– Có bao thư không?  

  

Có thì chịu khó ở lại ngồi đợi tới lúc mỗi người lãnh một phong bì mà để cầm chân người dự.  Phong bì thường được phát vào cuối giờ, còn không thì nhận tài liệu xong ai nấy hô biến liền lập tức. Người tổ chức cuộc họp cũng dự trù trước phải có khoản dành cho “bao thư.” Phân biệt rõ ràng mấy loại. Chẳng hạn, bao thư sọc cho hai hàng ghế đầu, từ hàng thứ ba trở đi là bao thư màu trắng cho khỏi lộn. Hay là trao cho thành phần ghế VIP cầm phong bì, các hàng còn lại nhận phiếu mua hàng ở những cửa hàng hay siêu thị có hoa hồng cao cho môi giới. 

  

Bao thư nào chứa đựng nhiều yêu thương thì màu hồng, màu xanh… có in hoa lá cành hay hình quả tim bên ngoài nhưng phong bì chứa tiền thì chỉ cần loại giấy xấu và mỏng, không cần trắng trẻo đẹp đẽ làm gì (!)  Khi dự đám cưới, hầu hết khách bỏ một số tiền mừng lớn vào phong bì nhưng cái phong bì ấy lại gấp đôi, xếp tư nhét vào túi quần. Tới đám tiệc, người khách vui vẻ lôi ra chiếc phong bì nhàu nát, nhăn nhúm luồn vào thùng quà. Tại vì nội dung chứa bên trong mới quan trọng chứ đâu cần hình thức! 

  

Trong thực tế dùng bao thư kín đáo cũng có cái lợi. Có người đi dự tiệc, ngại “đi” ít thì mất tình bạn bè nên trước ống kính quay phim, vì bắt đầu tới cổng đám cưới, máy quay phim đứng chờ sẵn đó rồi, đã hùng dũng giơ cao chiếc phong bì, rồi bỏ vào thùng tiền hình quả tim có thắt nơ ngay đó trước mặt đầy đủ hai họ. Chỉ có điều quên… (cố tình) không ghi tên của mình lên phong bì thôi. 

  

Truyện ngắn kể là một bà phải đưa chị dâu số tiền nhưng sót của, mỗi xấp tiền bà rút ra vài tờ. Cứ thế, bà lợi được mấy tờ. Sáng hôm sau, đưa người chị dâu phong bì, bà tự nhủ thầm: “Rồi chị ấy sẽ tưởng là mình đếm nhầm!” 

  

Những người giao dịch với thuế, nhà đất, xây dựng… vào chỗ bàn giấy, văn phòng tốn bao thư nhiều hơn cả. Chỉ có giới tài xế đường dài kẹp thẳng tiền vào giấy tờ xe, không có thời giờ phong bì và khỏi cần trịnh trọng không đúng chỗ.

  

Gì thì gì, cứ bao thư là gọn nhẹ nhất  

Phong bì tỏ ra hữu ích và tiện lợi vô cùng.  

  

Lớp tại chức trước kỳ thi mời thầy đi nhậu kèm phong bì. Cơ quan này đến xí nghiệp kia, ký kết hợp đồng, thanh tra làm việc… đều êm xuôi nhờ phong bì  

  

Trước kia biếu tết cho cấp trên bằng một két bia, két nước ngọt, rượu bánh, lạp xường… lôi thôi quá. Thông thường món quà không đúng ý thích người được tặng, rồi kẻ dòm người ngó đứa ý kiến nói đắt nói rẻ, nói tới nói lui thật mệt. Bây giờ thì nhẹ nhàng là chiếc bao thư. Dày nặng thì tiền Việt, mỏng nhẹ thì tiền đô la.  

  

Ngày nhà giáo hay lễ lạt tết nhất cũng vậy, thay vì bó hoa nhỏ kèm tấm thiệp theo thông lệ hay gói quà to nhỏ xem chừng không còn chút ý nghĩa, phụ huynh bỏ tiền vào phong bì, thậm chí bận quá cũng không có thời giờ gặp giáo viên mà sai con nhân thể đi học gặp cô đưa luôn thể. Thằng bé chạy lại xòe chiếc phong bì nói “má con đưa cô nè” với vẻ mặt hí hửng vì mình cũng theo thông lệ giống như chung quanh, không hề thua kém bạn bè. Phụ huynh nào có con học kém hay nghịch ngợm thì ích cực hơn trong chuyện phong bì. Ngoài phong bì cho giáo viên chủ nhiệm và các môn chính thì còn giáo viên cho các môn học yếu. Ngay cả giáo viên thể dục cũng không thể bỏ qua vì tuy môn phụ nhưng điểm thấp vẫn kéo thứ hạng tụt xuống. Chọn trường, chọn lớp theo ý thích, bảo vệ luận văn tốt nghiệp… đều phải có phong bì đi kèm. Quan niệm thực dụng khiến bây giờ chẳng ai muốn nhận quà cả. Phong bì giải quyết được nhiều nhiều việc đúng ý của người nhận hơn.   

  

Người mang bệnh đã khổ rồi, phải dẫn thân đến bệnh viện lại càng khổ hơn vì phải chen chúc, chờ đợi và luôn luôn phải thủ sẵn phong bì. 

  

Phong bì ở bệnh viện ồn ào tới mức năm bệnh viện lớn ở Hà Nội từng phải phát động phong trào “Nói không với phong bì.” Mà toàn những bệnh viện “sinh tử” như bệnh viện ung thư, phụ sản… Phong bì ở những nơi đó là chuyện thông thường. Muốn nhanh gọn để còn về, trong khi số đông bệnh nhân cộng thêm người nhà nuôi bệnh thường là dân quê lên; muốn khỏi ăn dầm nằm dề ngoài nhà trọ, muốn chích khỏi đau, muốn nằm trên tấm “drap” sạch sẽ, muốn lấy kết quả xét nghiệm nhanh…; muốn không bị khó dễ, gắt gỏng… thì cứ dúi phong bì. Xếp lịch mổ: phong bì; chọn bác sĩ giỏi: phong bì; trước mổ: phong bì; mổ xong thưởng công: phong bì…; Cứ từng bước một mà phong bì được rút ra từ lúc bắt đầu bước chân vào cho tới khi ra khỏi bệnh viện. Chỉ khi đưa  xong phong bì, bệnh nhân và người nhà mới cảm thấy yên tâm. Bởi thế bệnh nhân nghèo chịu không nổi tự động về nhà đợi chết chứ chữa gì nổi. 

  

Khó mà tưởng tượng nổi vào bệnh viện mà thiếu phong bì. Điều đó đã thành “luật,” thành “văn hóa phong bỉ” từ lâu rồi.  Có thủ tục “đầu tiên” ("tiền đâu?") đó thì chuyện gì cũng dễ dàng. Báo chí làm om xòm chỉ được một thời gian, qua phong trào thì đâu lại vào đấy. Mà ầm ĩ chỉ khổ cho bệnh nhân. Đưa phong bì mà nhân viên không nhận khiến bệnh nhân lại thấy áy náy! Đưa phong bì trở thành một thói tục đương nhiên trong sinh hoạt hàng ngày nên hủy bỏ thói quen đó quá khó khăn. 

  

Cạnh đó, phong bì còn chạy khép kín giữa trình dược viên, bác sĩ và tiệm thuốc đẩy giá thuốc lên cao nhất trong khu vực khiến bệnh nhân nghèo càng khốn khổ. 

  

Nếu phong bì không đưa trực tiếp thì qua đường vòng, qua tay cò. Cứ phong bì lót đường trơn tới đâu thì mọi giao dịch mới trôi chảy đến đó. 

  

Chỉ có vào dịp tết thì phong bì mới được gọi bằng một danh xưng bớt tai tiếng hơn là phong bao lì xì,” “phong bì mừng tuổi lấy hên đầu năm. Đây là phong tục cổ truyền nên trường hợp này, phong bao được đưa một cách công khai, danh chính ngôn thuận. Ngày xưa phong bao ngày tết chỉ là người chủ gia đình, người lớn lì xì cho con cháu trong nhà nhưng nay thì ngược lại. Người trẻ mừng tuổi người lớn, cấp dưới lì xì cấp trên… Phong bao tha hồ tung hoành. 

  

Dù sao phong bì có người đưa người nhận, lỡ có “camera” giấu đâu đó quay thì mệt nên có một cách khác trao tiền kín đáo hơn là chuyển tài khoản. Gần đây một vụ chuyển khoản mười triệu kiểu đó bị phát giác, chủ tài khoản là một kiểm sát viên phân trần tưởng đó là “tiền phúng điếu đám ma mẹ chứ đâu có biết đó là tiền gì…” 

  

Dù sao phương thức "chuyển tài khoản" vẫn còn khá mới mẻ và bất tiện ở chỗ muốn chuyển tiền phải biết “số tài khoản (“account”), không thuận tiện bằng phong bì đưa trực tiếp mau lẹ nên chắc chắn câu chuyện phong bao vẫn tồn tại và tiếp diễn dài dài. 

  

Hết biết! 

 

Sài Gòn Cô Nương

Trần Văn Giang (ghi lại)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn