Trình Phương Quân - Linh vật gây cười

Thứ Sáu, 20 Tháng Giêng 20238:00 SA(Xem: 1903)
Trình Phương Quân - Linh vật gây cười

08 

Trong những ngày giáp Tết Quý Mão, tôi được chiêm ngưỡng linh vật mèo khắp nơi trên cả nước.

Bên cạnh những tác phẩm đẹp, có hồn; không ít linh vật trông như "mèo đội lốt chuột", "mèo rầu rĩ", "mèo hốt hoảng"... làm xấu cảnh quan đô thị.

Tạo hình linh vật gây chú ý nhất đến nay có lẽ là con Pikalong vào Tết năm 2017 - do họa sĩ Thăng Fly vẽ lại, dựa trên con rồng vàng với hình dáng xấu khó tả, được mang ra trang trí đường phố ở Hải Phòng.

Nhân vật này ban đầu không có tên, rồi được yêu mến gọi là Pikalong, thể hiện sự kết hợp độc đáo tạo nên thương hiệu giữa nhân vật hoạt hình Pikachu và con Rồng (Long). Thành công ngoài dự kiến của Pikalong khiến nó nhanh chóng trở thành nhân vật truyện tranh nổi tiếng, thậm chí thành một nhãn dán (sticker) phổ biến hàng đầu trong ứng dụng liên lạc Zalo.

pikalong

Tôi thích Pikalong, thích sự sáng tạo có một không hai mà họa sĩ đã biến hóa từ một "thảm họa" trong trang trí đô thị.

Đến hẹn lại lên, với những biểu cảm dở khóc dở cười, linh vật trở thành đề tài được nhiều người quan tâm, chờ đợi.

"Gia đình hổ hờn dỗi", "Trâu ngáo ngơ", "Chuột suy dinh dưỡng"... là những nickname mà khán giả từng hài hước đặt cho các linh vật Tết hàng năm. Dù mang lại chút ít nụ cười, tôi cho rằng không nên dễ dãi chấp nhận sự cẩu thả và tùy tiện, lâu dần sẽ trở thành thói quen, khiến cho các không gian công cộng mất đi tính thẩm mỹ nên có.

cho_01

Ngoài vấn đề ngân sách thi công hạn hẹp, sự xuất hiện liên tục của các "tác phẩm" này là do đa phần chúng được thiết kế bởi những người không có chuyên môn cao. Một mô hình trình diễn đặt ở nơi công cộng không thể đẹp và tinh xảo khi được thực hiện với một phác thảo ban đầu sơ sài và thiếu nghiên cứu.

Các bức tượng và tiểu cảnh trang trí sau dịp lễ Tết, thông thường đều được phá bỏ, gây lãng phí lớn. Rất ít tác phẩm có giá trị sử dụng lâu dài, trở thành biểu tượng nổi tiếng, hay đơn giản hơn, là được tái sử dụng cho các sân chơi trẻ em, công viên, trường mầm non hay sở thú...

heo_01

Tư duy thiết kế lỗi thời cũng là một vấn đề lớn mà tôi nhận thấy trong các thiết kế cảnh quan trưng bày tại Việt Nam. Việc cố gắng tả thực đôi khi mang lại hiệu quả ngược. Thử tưởng tượng, nếu làm bức tượng tả thực một con rắn cho năm Tỵ, hay con chuột cho năm Tý để trưng bày nơi công cộng, sẽ dễ mang lại cảm giác ghê sợ cho người xem.

Rõ ràng, nghệ thuật không chỉ góp phần làm đẹp cảnh quan mà còn tạo nên hình ảnh, nét đặc trưng của địa điểm mà nó hiện diện. Nó mang lại sự sinh động, thẩm mỹ và niềm vui cho không gian cũng như người tham quan và phù hợp với thẩm mỹ chung của số đông. Đó cũng là bài vỡ lòng, một yếu tố mà những người thiết kế chúng tôi được học trong môn thiết kế nhập môn: Thích dụng, Bền vững, Thẩm mỹ và Kinh tế.

vit_02

Những năm 2013-2014, chú vịt vàng khổng lồ (Rubber Duck), tác phẩm của nghệ sĩ người Hà Lan Florentijin Hofman gây cơn sốt trên toàn thế giới. Chú vịt làm bằng cao su này khởi hành từ Hà Lan, đến Pháp, Brazil, Nhật Bản, Bỉ, Australia, Hong Kong... và TP HCM. Rubber Duck đi vòng quanh thế giới với mục đích khơi gợi lại những kí ức tuổi thơ hồn nhiên, đẹp đẽ trong lòng mỗi người và mang lại niềm vui cho hàng triệu khách tham quan tại hàng chục quốc gia.

Mỗi năm Việt Nam có hàng nghìn cử nhân ngành mỹ thuật công nghiệp, đồ họa, thiết kế cảnh quan... tốt nghiệp. Họ được đào tạo bài bản về thiết kế, hình họa, màu sắc, điêu khắc từ bốn đến năm năm trên giảng đường đại học. Trình độ nghệ thuật của sinh viên chúng ta không hề thua kém sinh viên nước ngoài. Tuy nhiên, phần lớn những người bạn trong ngành thiết kế của tôi sau khi tốt nghiệp phải bỏ nghề, làm những việc không liên quan như chụp ảnh, trang trí tiệc cưới... hoặc phải chấp nhận làm đúng chuyên môn với đồng lương ít ỏi.

Để giải quyết các "thảm họa trang trí đô thị" như hiện nay, Việt Nam có thể tổ chức các cuộc thi thiết kế, trang trí cảnh quan tạo sân chơi cho các nhà thiết kế trẻ, họa sĩ, kiến trúc sư, sinh viên mỹ thuật... Một ví dụ điển hình là cuộc thi thiết kế đường hoa Tết Nguyễn Huệ, được tổ chức định kỳ hàng năm. Việc chấm và bình chọn các cuộc thi kể trên có thể được tổ chức công khai, thu hút ý kiến phản biện của xã hội. Đây sẽ là nơi các nhà thiết kế trẻ có cơ hội đóng góp tài năng. Các yếu tố về bền vững, tái sử dụng, biện pháp bảo trì... cần xem xét trong đề bài cuộc thi nhằm tránh lãng phí.

Việc trang trí đô thị và quy hoạch các không gian công cộng cũng cần được cân nhắc và triển khai đồng bộ. Đảm bảo an toàn cho du khách tham quan, tính toán các lối thoát người trong trường hợp khẩn cấp, bố trí các biện pháp phòng cháy chữa cháy là những điều cần quan tâm hàng đầu đối với kiến trúc sư và nhà thiết kế.

Việt Nam không thiếu tài năng về thiết kế. Việc tổ chức khoa học và bài bản các cuộc thi tuyển chọn như trên sẽ góp phần tránh các "thảm họa linh vật" mỗi mùa Tết đến Xuân về.

Biết đâu, từ những cuộc thi này, những tác phẩm từ ngày Tết của Việt Nam sẽ được chu du khắp thế giới, mang lại niềm vui và lan tỏa văn hóa Việt như thành công của Chú vịt vàng Rubber Duck.

KTS TRÌNH PHƯƠNG QUÂN
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn