Phúc Lai - Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 277 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine

Thứ Ba, 29 Tháng Mười Một 202211:29 SA(Xem: 1785)
Phúc Lai - Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 277 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine

pl_383 

1. Điểm tin chiến sự

Xét trên các bản tin công khai của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine thì tình hình hoàn toàn không yên tĩnh như chúng ta tưởng, hay ít ra như tui tưởng. Thực tế là đúng, mùa rasputisa vẫn đang tồn tại ở Ukraine làm cho các hoạt động bị ngừng trệ. Ấy vậy mà vẫn có những diễn biến có vẻ như đáng lo ngại.

Theo bản tin của Bộ Tổng tham mưu Ukraine sáng sớm nay, tức là được phát hành lúc 11 giờ trưa giờ Hà Nội thì:

• Ở khu vực Bakhmut và Avdiiv, kẻ thù tiếp tục tập trung nỗ lực chính của mình để tiến hành các hoạt động tấn công. Các đối tượng ở các khu vực Serebryanka, Spirne, Yakovlivka, Bakhmutske, Bakhmut, Opytne, Klishchiivka, Andriivka, Kurdyumivka, Vesele, Avdiivka, Vodyane, Pervomaiske, Krasnohorivka, Kurakhove, Maryinka và Novomykhailivka của vùng Donetsk đã bị trúng đạn từ xe tăng và pháo binh.

• Trong 24 giờ qua, các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ chúng ta đã đẩy lùi các cuộc tấn công của quân chiếm đóng tại các khu vực Yakovlivka, Soledar, Bakhmut, Andriivka, Novobakhmutivka, Opytne, Vodyane, Pervomaiske, Nevelske và Novomykhailivka của vùng Donetsk.

Bình loạn : Điều chúng ta cần để ý là quân Nga vẫn tiếp tục tấn công ở Donbas, trong khi các khu vực khác họ tích cực chuyển sang phòng ngự. Hôm qua có bác hỏi tui rằng có phải ở Bakhmut tình hình khó khăn, quân Nga chiếm được chỗ nào đó hay không... Theo tổng kết của Viện Nghiên cứu Chiến tranh ISW thì cũng ngày hôm kia thiếu câu “Trong 24 giờ qua, các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ chúng ta đã đẩy lùi các cuộc tấn công của quân chiếm đóng tại (các) khu vực Bakhmut...”. Do đó rất có thể là quân Nga đạt được một số tiến bộ nào đó ở khu vực này thật.

Tuy vậy trong bản tin hôm nay đã có câu này, điều đó làm cho Viện Nghiên cứu Chiến tranh sẽ phải đánh giá lại tình hình.

Vậy kết luận của chúng ta ở đây là gì? Xin báo cáo các bác, Bakhmut là một thành phố có diện tích 41,6 ki-lô-mét vuông – như vậy nó bằng đúng một nửa thành phố Bắc Ninh của chúng ta – 82 ki-lô-mét vuông. Từ mấy tháng nay Nga đem quân đánh thành phố này đến cái nhà máy nhựa đường còn đánh đi đánh lại mãi. Còn về phần mình, đến bây giờ chúng ta đều hiểu cách của người Ukraine: Nếu Nga cố sống cố chết chấp nhận chết nhiều chỉ để chiếm ít đất, thì cũng dám rút lui nếu cần, không nhất thiết phải cố giữ trong khi trả giá bằng số thương vong lớn làm gì.

Tình hình ở một góc như vậy không dám nói là “tiểu tiết” nhưng thực sự nó có tính thay đổi liên tục, hay “giằng giật” rất cao, vì vậy cũng không nhất thiết phải quá lo lắng. Dạng tin tức như vậy hôm nay thế này, mai lại thế khác là chuyện hết sức bình thường.

2. Vậy nếu đã không để ý đến tiểu tiết, thì để ý cái gì? Để ý đến khả năng Nga sẽ chiến đấu được bao lâu nữa và như thế nào.

Hôm trước tui đã báo cáo các bác về một chiến dịch của người Nga tiến hành thu gom các linh kiện điện tử và chi tiết thiết bị điện từ thời Xô-viết để phục hồi các dây chuyền sản xuất cũ của họ. Đây là nhiệm vụ với người Nga hoàn toàn khả thi. Đặc điểm của các dây chuyền đó: vì là của thời Xô-viết nên tính tự động hóa thấp (có thể hình dung là bán tự động đi) do đó cần nhiều công nhân có trình độ hiểu biết nhất định, ngoài ra ở một số khâu của quá trình sản xuất có tính thủ công cao cần công nhân có tay nghề lành nghề.

Theo đánh giá của một cơ quan tình báo nào đó thì kế hoạch này đã đi được khoảng 2 đến 3 tháng, và họ cần tối thiểu 6 tháng để có được những dây chuyền hoạt động hoàn hảo. Trong thời gian phục hồi đó là nhiệm vụ đào tạo công nhân và xây dựng lại chuỗi cung ứng. Ước tính khoảng 3 đến 4 tháng nữa thì nhiệm vụ cũng sẽ “hòm hòm” và có lẽ sẽ cho ra được những lô sản phẩm đầu tiên.

Vậy thì họ sản xuất ra cái gì? Bom đạn – tất nhiên! Hiện nay những cơ sở sản xuất đang tồn tại là để sản xuất ra bom đạn thông minh và chính xác cao, còn những cái đồ cổ đó thì để sản xuất bom đạn vũ khí truyền thống, nôm na là “ngu.”

Lại ước tính tiếp, để những dây chuyền này hoạt động hết công suất và cho ra được một lượng bom đạn đạt mức của thời điểm cao nhất thời Liên Xô, để quân đội Nga có thể tổ chức được một đợt tấn công như vào thời điểm tháng Bảy năm nay họ đánh hai thành phố Serevodonetsk và Lysychansk, nhanh cũng phải mất cỡ 3 tháng tiếp theo đó, nghĩa là chúng ta còn phải chờ tình hình mới đó cỡ nửa năm nữa – nghĩa là mùa hè năm sau.

3. Liệu quân Nga đã từng thử đánh bẫy quân Ukraine ở Kherson?

Có kế hoạch này. Họ đã có kế hoạch đánh bẫy quân Ukraine ở khu vực hữu ngạn sông Dnipro vùng Kherson, mong rằng quân Ukraine sẽ lao vào tấn công và họ sẽ nghiền nát quân Ukraine trong hệ thống các công sự phòng ngự, cũng như sau đó là các trận đánh trên đường phố của thành phố Kherson. Hệ thống công sự phòng ngự được quân Nga dày công xây dựng theo cấu trúc đồng tâm, lấy thành phố Kherson làm trung tâm và tỏa dần ra bên ngoài.

“Cái bẫy” của họ là dùng các đơn vị quân bổ sung cố thủ trong hệ thống các công sự phòng ngự để giam chân quân Ukraine, kể cả khi mà quân Ukraine có thể vượt qua được ở một số tuyến phòng thủ thì những đơn vị này sẽ lại “nhô lên” đánh vào sau lưng. Khi đó thì pháo binh Nga sẽ bình tĩnh “làm việc”, như trong trường hợp này thì sẽ “nấu chín” cả quân Nga lẫn quân Ukraine – đó là cách đánh quen thuộc của người Nga, vì trải qua giai đoạn phòng ngự ban đầu chính những đơn vị Nga tuyến đầu sẽ què quặt và không đáng để giữ họ nữa, coi như họ sẽ bị “thí.”

Sau đó là nhiệm vụ phản kích của các đơn vị tinh nhuệ của người Nga – Quân đội Nga đã tập trung đã đơn vị tốt nhất ở xung quanh thành phố Kherson, cồm có các sư đoàn đổ bộ đường không (quân dù – VDV) số 7, 76 và 98, và lữ đoàn đổ bộ đường không độc lập số 11. Tổng cộng họ có đến 24 BTG bộ binh nhẹ nhưng tinh nhuệ, được tăng cường 7 đơn vị pháo binh cấp sư đoàn và 8 tiểu đoàn Vệ binh quốc gia Nga “Rosgvardiya”.

“Cái bẫy” này được xây dựng hệ thống phòng thủ rất tốt và kế hoạch tiêu diệt quân Ukraine bằng cách sử dụng các đơn vị bộ binh nhẹ trên đây tấn công từ hai bên cánh. Người Nga đã rất hy vọng rằng việc kéo người Ukraine về phía Kherson sẽ thành công và để giữ bí mật họ đã cắt đứt mọi phương tiện liên lạc trong khu vực. Người Ukraine đã không mắc mưu chứng tỏ họ có mạng lưới điệp viên giỏi trong khu vực.

Người Ukraine đã phá bẫy như thế nào?

Vấn đề là cái bẫy này được đặt trên vùng thấp, còn người Ukraine thì ở vùng cao hơn – độ chênh cao địa hình của hai bên vào cỡ từ 10 đến 20 mét tùy khu vực, càng về phía sông càng thấp xuống. Người Ukraine đã không làm như người Nga mong muốn: họ không đánh vỗ mặt vào tuyến đầu như cách người Nga đã làm ở Serevodonetsk và Lysychansk hồi mùa hè và bây giờ ở Bakhmut (“gặm nhấm”) mà họ “bào mòn hệ thống” để chính cái lũ quân Nga đang ngồi canh bẫy, chịu không nổi thiếu thốn quân nhu hậu cần, và buộc phải rút.

Nhưng ở đây còn phải kể đến một biến cố. Người Ukraine đã dùng HIMARS bắn vào con đập Nova Kakhovka một cách chính xác kinh người, làm cho một cửa xả nước bị chặn nhưng vẫn không phá hủy con đập. Nước sông Dnipro dâng lên tràn vào hệ thống phòng ngự của người Nga, ngập phần lớn các công sự ở các vị trí quan trọng. Do vậy người Nga đã buộc phải rút khỏi cái bẫy của mình.

Trước đây người ta đã đưa ra những lo ngại về việc quân Nga sẽ phá cái đập Nova Kakhovka để làm ngập lụt tỉnh Kherson, thì chúng ta đã bàn với nhau rằng hầu hết các vị trí của họ (quân Nga) là ở vùng thấp hơn, nếu làm như vậy thì họ chết trước. Do vậy không đời nào họ phá đập. Bây giờ thì hóa ra là Nga chưa phá, người Ukraine đã làm nhấn chìm cả cái bẫy của quân Nga xuống dưới nước.

Cái bẫy này lúc đầu có vẻ tài tình, nhưng có lẽ nó lại là một kế hoạch sai lầm về mặt chiến thuật của Surovikin – không tính đến yếu tố địa hình. Một lần nữa người Ukraine lại sử dụng HIMARS quá tài tình, thông minh và sáng tạo, kết quả là chiếm vùng hữu ngạn và cả thành phố Kherson không tốn một viên đạn, ngoài một số quả đạn HIMARS.

4. Quay lại với tình hình hiện tại

Theo các diễn đàn quân sự Nga từ các ngày 25 và 26/11 tình hình quân Nga ở khu vực tây bắc chiến trường Donbas đặc biệt nguy ngập. Không rõ lực lượng của người Nga bố trí ở đây có đông đảo hùng hậu hay không, nhưng quân Ukraine đã tổ chức tấn công trên hướng này rất mạnh.

Cụ thể, từ phía Kupyansk, quân Ukraine đã cắt đứt đường quốc lộ P-07 ở khu vực làng Kyslivka (tỉnh Kharkiv). Có thể đây là một phần của kế hoạch thu hồi nốt những diện tích còn lại của tỉnh Kharkiv – từ chỗ đó đến địa giới hành chính với tỉnh Luhansk chỉ còn khoảng hơn chục cây số.

Để khôi phục tình hình, quân Nga đã tổ chức phản kích nhưng các đơn vị này đã bị tiêu diệt hết. Các diễn biến này cũng trùng hợp với các bản tin của Bộ Tổng tham mưu Ukraine, ngay cả trong bản tin chiến sự ngày hôm nay họ cũng viết rất rõ là quân Nga phải tích cực chuyển sang phòng ngự ở khu vực Kupyansk.

Ngoài ra các khu vực: tả ngạn sông Dnipro vùng Kherson và Zaporizhzhia quân Nga cũng phải chuyển sang phòng ngự. Có thể họ sẽ lại thiết lập thêm một cái bẫy ở khu vực này chăng?

5. Ngoài cần chú ý đến khả năng Nga sẽ chiến đấu được bao lâu nữa và như thế nào, còn có một yếu tố nữa thuộc về đặc điểm hay phương pháp tác chiến của họ, mà khi tấn công phụ thuộc vào xe tăng và khi phòng thủ thì phụ thuộc vào... pháo chống tăng.

Những thể hiện của xe tăng Nga trong thời gian qua là quá ấn tượng nhưng theo nghĩa... tiêu cực, thể hiện qua thiệt hại rất lớn của lực lượng tăng thiết giáp Nga trên chiến trường. Mặc dù vai trò của xe tăng trong chiến tranh hiện đại vẫn rất quan trọng không gì có thể thay thế được, nhưng phải nói rằng cách tiếp cận của xe tăng Nga cho đến T-90 không còn phù hợp nữa.

Trước đây, xe tăng Nga với vai trò là nắm đấm tiến công chính, do vậy nó không được ưu tiên cho khả năng sống sót, mà ưu tiên cho tốc độ và hỏa lực, với việc làm cái xe bé lại (thu nhỏ mục tiêu) và nhẹ đi (không gây quá tải cho động cơ, vốn là điểm yếu của công nghiệp xe tăng Nga). Do vậy mặc dù đã được phát triển thử trên xe tăng T-64 ở Ukraine thời Xô-viết, nhưng giáp composite không được ưu tiên phát triển ở xe tăng Nga sau này. Bù lại, họ ưu tiên phát triển giáp phản ứng nổ (ERA) cũng như các hệ thống phòng thủ chủ động khác.

Trên chiến trường Ukraine, xe tăng Nga đang cho thấy nó rất thiếu thốn các trang thiết bị theo tiêu chuẩn của chính họ - nhiều vị trí trên thân xe không được phủ kín hết giáp phản ứng nổ, vì vậy nhiều chiếc xe trúng đạn ở các vị trí hiểm yếu và bị tiêu diệt. Ở thời của vũ khí thông minh, khi mà xạ thủ chống tăng chỉ thị mục tiêu vào một điểm nhất định thì vũ khí sẽ tìm đúng điểm đó để lao vào, thì việc tiêu diệt xe tăng Nga đã là một việc làm chủ động chứ không còn là bắn hú họa, cầu may tức là mong cho đạn sẽ trúng vào điểm yếu của xe tăng nữa.

Trong video quay cảnh D. Medvedev thăm nhà máy xe tăng Uralvagonzavod, có xuất hiện cả hai loại xe tăng T-72B3 và T-90M, là những loại rất mới của Nga. Điều đáng chú ý là trên T-72B3 người xem có thể thấy cách lợp giáp phản ứng nổ trên tháp pháo giống của T-90M. Điểm yếu của xe tăng Nga là phía trên tháp pháo không được bảo vệ đã được khắc phục từ thời Xô-viết trên xe tăng T-80BV, nhưng không hiểu sao khi bước vào cuộc chiến tranh này thì chúng vẫn tồn tại trên các xe tăng T-72 và T-90 cho đến tận thời điểm này.

Đáng tiếc là những yêu cầu xa hơn nữa của xe tăng trong chiến tranh hiện đại, ví dụ như khả năng kết nối với các đơn vị khác: bộ binh, pháo binh, không quân... của xe tăng Nga rất kém, đặc biệt là việc bao quát chiến trường ở phạm vi hẹp và nắm được tình hình của một khu vực rộng lớn hơn (các chiến trường bạn) qua các vệ tinh quân sự, drone trinh sát... là đặc biệt kém. Suy rộng hơn, cho đến thời điểm cuộc chiến tranh đã hơn 9 tháng, quân Nga cho thấy khả năng đặc biệt kém trong hợp đồng tác chiến quân binh chủng.    

Trước mắt trong cuộc chiến tranh này, người Nga không thể làm cách nào khắc phục những nhược điểm trên, cách duy nhất là... tăng số lượng xe tăng và đó lại là lý do tại sao mà (1) Nền công nghiệp xe tăng Nga quá tải, không thể đáp ứng được nhiệm vụ và (2) Nó dẫn đến con số thiệt hại rất lớn của xe tăng Nga trên chiến trường, một cách hết sức logic.

Sau các trận đánh vừa qua, người ta nhận thấy lính xe tăng Nga bỏ rất nhiều xe tăng lại chiến trường trong trạng thái còn nguyên. Nhiều chiếc trong số đó ở tình trạng kỹ thuật tồi tệ, rất nhiều đã không được thay dầu trong nhiều năm. Lính xe tăng Nga sau khi bị bắt đã khai: khởi động chúng rất khó và khi bị tấn công, phần lớn số xe tăng đó không khởi động được, vì không đủ thời gian. Được hỏi về cách khởi động xe tăng, lính Nga khai: họ dùng một cái chậu to, cho giẻ rách vào và đổ vào đó cỡ chục lít dầu, cho xuống dưới gầm xe chỗ khoang động cơ và châm lửa đốt. Làm như vậy sẽ giúp dầu máy chảy ra, động cơ nóng lên có thể khởi động được.

Khi được hỏi tại sao không phá xe tăng trước khi bỏ chạy, lính Nga khai trong điều lệnh chiến đấu của họ cấm không được phá hoạt vũ khí khí tài, trừ phi có lệnh của cấp trên. Tuy nhiên trên chiến trường Ukraine thì nhiều khi không biết cấp trên ở đâu, thậm chí nhiều khu vực đã không có sự chỉ huy từ rất lâu. Do đó họ cũng không cần thiết phải mệt người với việc phá xe tăng, chỉ cần đơn giản là bỏ đi.

Hiện nay quân đội Ukraine đã có khoảng 2 tiểu đoàn xe tăng được trang bị T-90M là “quà tặng thiện chí” của quân đội Nga với những chiếc xe tăng ở tình trạng hoạt động tốt. Ngoài ra những kiểu xe tăng khác đủ để trang bị mới cho khoảng... 2 lữ đoàn xe tăng Ukraine. Còn những chiếc khó có thể vận hành được chắc chỉ có dùng để... rã xác lấy phụ tùng.

6. Thử hình dung

Cơ quan tình báo Ukraine báo cáo từ hôm nào rồi ấy, là người Nga có kế hoạch tiếp tục chiến dịch động viên quân mới bắt đầu quãng ngày 10/12. Sau đó tin này loang ra trong xã hội Nga và một bài báo trên Lenta.ru (báo của Nga hẳn hoi) thực hiện một phóng sự về tác động xã hội Nga của kế hoạch động viên này. Có thể nói khắp nơi trên đất nước Nga đã có một tâm trạng chán nản và rõ ràng đó là một tác động rất tiêu cực.

Không biết có phải do những tác động như vậy hay không mà các lực lượng có chức năng cảnh sát của Nga đã phải tăng cường – đặc biệt là Vệ binh quốc gia “Rosgvardia.” Ramzan Kadyrov đã viết trên mạng xã hội kể rằng hắn đã có cuộc nói chuyện với Putox về kế hoạch tuyển thêm quân để thành lập những đơn vị “Rosgvardia” mới người Chechen.

Theo báo cáo của Tổng cục tình báo Ukraine GRU, Armen Sarkisyan, hay “Armen Gorlovsky”, một trùm tội phạm đến từ Horlivka  đã trở thành người quản lý chính mới đối với các nhà tù các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng ở Ukraine. Tên này đã từng là người thân cận của Viktor Yanukovych, còn bây giờ thì lại được coi là sẽ là người đứng ra tổ chức các nhóm lính đánh thuê mới cạnh tranh với Wagner.

Tháng trước (10/2022), 12 tên tội phạm được Tập đoàn Wagner tuyển mộ đã đào tẩu từ tiền tuyến ở Bakhmut về Nga và gây ra hàng loạt vụ cưỡng hiếp, cướp của và giết người. Rõ ràng là ở Nga riêng với vấn đề tuyển quân lính từ những tên tội phạm hình sự cũ, tình hình đang vượt khỏi tầm kiểm soát. Đó là một trong những lý do tại sao Điện Kremlin bổ nhiệm tướng Sergei Vladimirovich Surovikin, người 15 năm trước đã thành lập Lực lượng Cảnh sát Quân sự Nga làm tổng chỉ huy chiến dịch.

Surovkin đã nhận thấy sự tan rã hoàn toàn: kỷ luật quân đội Nga là một mớ hỗn độn, cướp bóc là chuyện bình thường, và thậm chí cả cửa sổ giữ nhiệt của các căn hộ ở Kherson cũng bị đánh cắp. Tổng cộng đã có 11.452 tên tội phạm nguy hiểm được tập đoàn Wagner tuyển mộ đi “chiến đấu” ở Ukraine.

Để đối phó với tình trạng này, Surovikin cấm bán và uống rượu trong các đơn vị dưới quyền, đồng thời thành lập các đội tuần tra, bắt giữ những quân nhân say rượu, cướp bóc và những người chuẩn bị đào ngũ bằng cách vứt bỏ quân phục và ăn cắp thuyền của người dân địa phương. Các diễn đàn của Nga đã kháo về ít nhất 15 trường hợp Quân cảnh bắn binh lính và cả bọn lính Wagner ngay tại chỗ.

Ngay từ khi Nga cho phép tuyển bộ tù hình sự vào làm lính chiến đấu, chúng ta đã nhận thấy đây là một thực trạng bế tắc khủng khiếp của quân đội nước này. Việc Putox bổ nhiệm Surovikin, chỉ từ những thành tích của ông ta trong quá khứ: tham chiến ở Afghanistan, ra lệnh nổ súng vào người biểu tình năm 1991 và là người thành lập Quân cảnh Nga. Tuy nhiên, viên tư lệnh mới này vẫn chưa chứng minh được rằng ông ta là một nhà chiến lược, thậm chí sau “cái bẫy Kherson” tháng trước đã cho thấy hắn ta đã mắc sai lầm.

Không chỉ thế, với những điểm yếu chết người có tính hệ thống của quân đội Nga ở khâu... xe tải, tay tư lệnh này còn gặp một yêu cầu: phải là một thiên tài về tổ chức hậu cần, mà dù có là thiên tài thì với hệ thống của quân đội Nga hiện nay, chắc chắn hắn ta cũng sẽ bó tay.

Hiện tại, cùng với vụ “cái bẫy” phá sản, Surovikin thiết lập một hệ thống phòng ngự mới ở tả ngạn sông Dnipro vùng Kherson với hai hy vọng (1) Đường tiếp tế hậu cần ngắn lại, đồng thời cây cầu Kerch sẽ được khôi phục trong thời gian ngắn sắp tới (2) Vùng tả ngạn còn thấp hơn hữu ngạn sang đông sẽ không thể bị ngập lụt như vừa rồi. Do vậy hắn ta cho quân gấp rút xây dựng các hệ thống phòng ngự mới ở tả ngạn Kherson và cả bên vùng Zaporizhzhia.

Đặc điểm của hệ thống phòng ngự này là các công sự của bộ binh, bên ngoài có các hàng rào “răng rồng” là các khối bê-tông ngăn xe tăng. Tuy nhiên như trong bài trước nào đó tui có tính toán hầu các bác, với một chiến tuyến dài từ 200 thậm chí có thể đến 250 hoặc dưới 300 ki-lô-mét, sâu trung bình 60 ki-lô-mét thì quân Nga sẽ không đủ quân để phòng ngự. Như vậy họ sẽ phải tập trung vào các điểm nút nằm trên các trục đường giao thông.

Cách phòng ngự này cũng giống như cách tư duy hiện thời của họ: từ đầu chiến tranh họ vẫn tấn công, tiếp vận và cả rút lui theo các trục đường giao thông. Do vậy nếu các điểm nút bị người Ukraine khống chế bằng pháo binh có độ chính xác cao với sự hỗ trợ của vệ tinh quân sự và drone, coi như quân Nga bị vây. Ngược lại bây giờ thì họ (quân Nga) lại đang hy vọng quân Ukraine sẽ tấn công dọc theo các đường giao thông và lao thẳng vào các ổ phục kích.

Trước mắt trong 6 tháng tới, quân Nga không thể tổ chức được bất cứ một đợt phản công nào, điều này sẽ gần như chắc chắn – vì không đủ nguồn lực ở mọi phương diện. Thậm chí chỉ đảm bảo nguồn lực hậu cần quân nhu, và cả nhân lực cho nhiệm vụ giữ được các phần còn lại của hai tỉnh Zaporizhzhia và Kherson cũng đã là nhiệm vụ rất khó khăn rồi.

Nếu như trời trở lạnh và mặt đất đóng băng cứng, coi như mọi tính toán của Surovikin vứt đi – người Ukraine sẽ chẳng bao giờ tấn công theo các đường giao thông, mà từ bây giờ sẽ tiếp tục “bào mòn” và khi nào tấn công sẽ chỉ là lúc mà người Nga cũng đã mệt mỏi nhất vì giá rét và thiếu thốn – như vậy sẽ vào cỡ khoảng cuối tháng Giêng đầu tháng Hai 2023 và diễn biến chỉ khoảng 1 tháng là xong.

Cùng với lệnh cấm vận và trừng phạt, xã hội Nga sẽ lại tiếp tục cho thấy những chỉ dấu tiêu cực hơn nữa, nó sẽ làm cho cả nền công nghiệp sản xuất quốc phòng bị ảnh hưởng tiêu cực theo. Cũng lại gần như chắc chắn là nước này chẳng thể huy động được cả triệu công nhân để lao vào sản xuất phục vụ chiến tranh như thời chiến tranh Vệ quốc – đó là nói về sản xuất những vũ khí công nghệ cũ và trang bị nhu yếu phẩm cho chiến tranh. Còn với vũ khí công nghệ mới, chính xác cao thì càng kéo dài, lệnh cấm vận càng phát tác, tính chắp vá của vũ khí chính xác cao Nga càng sâu sắc và kết quả sẽ càng thê thảm.

Việc họ tập trung bắn phá hạ tầng năng lượng Ukraine hiện nay, hoàn toàn không có tác dụng trong mục tiêu đe dọa hay chế áp tinh thần, mà chỉ làm cho người Ukraine quyết tâm hơn trong nhiệm vụ giải quyết cho xong mọi chuyện trong vòng 3 – 4 tháng tới. Dự báo diễn biến: tui vẫn ngờ rằng họ sẽ có một mũi tấn công tiến tới biển Azov, thậm chí một trong hai mục tiêu Berdyansk hoặc Mariupol mà có khi là cả hai. Nếu tiến được đến biển Azov, toàn bộ thế trận phòng ngự của quân Nga ở hai tỉnh Zaporizhzhia và Kherson sẽ bị vỡ.

Ở vùng Donbas, người Ukraine cũng sẽ tấn công. Hãy cùng hình dung hiện nay họ đã áp rất sát cặp hai thành phố Lysychansk và Serevodonetsk, đồng thời những diễn biến trong mấy ngày qua cho thấy họ đã triển khai ở đông bắc Donbas (vùng Kharkiv). Nếu họ tổ chức 3 mũi tấn công: phía bắc từ Kupyansk theo hướng Starobilsk – Novopskov, ở phía nam tấn công Lysychansk và Serevodonetsk thì quân Nga ở cả hai thành phố Donetsk và Luhansk đều rất nguy ngập và hoàn toàn có khả năng tự tan vỡ.

Còn hiện nay, đang “rasputisa” hay mùa lầy lội, mặc dù tuyết đã bắt đầu rơi ở một số nơi nhưng chưa đủ (xin các bác xem tấm ảnh tui gửi kèm ở Bakhmut) thật không khác gì Passchendaele của Thế chiến thứ nhất. Tui lại ngờ rằng những diễn biến Bakhmut hiện tại, như một chỗ chôn chân quân Nga trong khi quân Ukraine vẫn ngấm ngầm gài thế ở những khu vực khác, chờ đến khi thuận lợi là tấn công thôi.

Đánh giá khả năng của người Ukraine nếu không tính Crimea, thì xác suất thành công là 90%.

PHÚC LAI 28.11.2022

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn