BBC Worklife

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Alan, 27 tuổi, đang là một công chức, khi quyết định chuyển ra khỏi ngôi nhà của gia đình ở Singapore, phải mất cả tháng trời thảo luận chuyện này với cha mẹ. Anh sợ họ sẽ không hiểu hoặc tệ hơn là sẽ buồn bực.

Thật ra, nhà của cha mẹ Alan là một nơi dễ chịu. Căn hộ condo ba phòng ngủ cho cả gia đình, nơi có cả em trai anh sống cùng, không xa khu quận thương mại trung tâm (CBD), nơi chứa đựng nhiều góc yêu thích của anh. 

Bữa cơm mẹ nấu trên bàn mỗi tối và quần áo anh thay ra luôn có người giặt hộ. “Không có điều gì buộc tôi phải chuyển ra ngoài, đó chỉ là tôi nên làm như vậy," anh nói. "Tôi đã sống cùng cha mẹ gần ba chục năm, vì vậy tôi chỉ muốn trải nghiệm cảm giác sống một mình, bạn hiểu ý tôi chứ?"

Ở phương Tây, rời khỏi nhà bố mẹ chỉ là một cột mốc quan trọng khác của tuổi trưởng thành. 

Tuy nhiên, ở hầu hết các xã hội châu Á, điều này khó được chấp nhận về mặt văn hóa; chuyển ra ngoài đôi khi bị cho là thể hiện sự bất kính với cha mẹ. Ở Singapore, sống ở nhà bố mẹ cho đến khi kết hôn là chuyện đương nhiên; ước tính có khoảng 97% người chưa kết hôn trong độ tuổi từ 15 đến 34 sống với cha mẹ vào năm 2013.

Tuy xu hướng này một phần được thúc đẩy bởi những ý tưởng sâu sắc về lòng hiếu thảo, nhưng điều này cũng liên quan đến các chính sách của chính phủ về chỗ ở cho thanh niên. 

Hầu hết người Singapore - hơn 80% tính đến năm 2022 - sống trong các khu nhà ở công, tức là các căn hộ được nhà nước trợ giá, gọi là nhà HDB (Ủy ban Phát triển Nhà Đất). 

Khoảng 90% những người sống trong HDBs là mua nhà. Nhưng quan trọng là chỉ những cặp vợ chồng dị tính đã kết hôn - Singapore hiện không công nhận hôn nhân đồng tính - và những người độc thân trên 35 tuổi mới được mua những căn nhà này.

Những người không thể mua HDB có thể thuê (hoặc mua đứt) nhà trên thị trường bất động sản tư nhân - nhưng với mức giá cao hơn nhiều. 

Các tính toán của hãng nghiên cứu thị trường ValueChaosystem cho thấy giá trung bình trên mỗi bộ vuông của một căn condo trên thị trường tự do cao hơn gấp ba lần so với giá căn hộ HDB. 

Tiến sĩ Chua Beng Huat, giáo sư xã hội học tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS), cho biết những hạn chế về chi phí này, “trên thực tế khiến cho hầu hết những người trẻ, chưa kết hôn phải sống chung với cha mẹ để tiết kiệm chi phí”.

Tuy nhiên, Alan, người hiện đang thuê một căn hộ ở Hougang, một khu phố ở phía đông bắc Singapore cách xa khu trung tâm cùng với hai người bạn từ thời đại học, là một trong số ngày càng nhiều những người Singapore thuộc thế hệ thiên niên kỷ (Gen Z) và Gen Z Singapore không tuân theo các chuẩn mực văn hóa lâu đời. 

Một số người trẻ, vì nhiều lý do khác nhau, đang quyết định rằng chi phí cho sự độc lập là xứng đáng - và tự mình khẳng định cuộc sống.

'Có khoảng không đúng nghĩa để trưởng thành'

Trong những năm gần đây, văn hóa thuê nhà của Singapore, trước đây chủ yếu chỉ giới hạn ở người nước ngoài, đã lan sang người dân địa phương. 

Bất chấp mức giá thuê nhà leo thang, số lượng cư dân Singapore độc thân dưới 35 tuổi thuê nhà sống một mình hoặc sống xa cha mẹ đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2015 đến năm 2020.

Có nhiều người đang nghĩ đến việc chuyển ra ở riêng. Một cuộc khảo sát năm 2021 của cổng thông tin bất động sản địa phương PropertyGuru cho thấy 7/10 người được hỏi trong độ tuổi từ 22 đến 39 đang cân nhắc chuyển ra ngoài sống riêng. 

“Một khi bạn bước qua một độ tuổi nhất định, việc sống với cha mẹ có thể trở nên bất tiện vì cảm thấy bị hạn chế quyền tự do khi ở nhà," Chua nói. Cùng với việc thiếu riêng tư, đó là một "nơi chốn khó khăn" để có thể trở thành một người trưởng thành.

Nguồn hình ảnh, Brenda Tan

Chụp lại hình ảnh,

Brenda Tan cho biết việc sống riêng đã cho cô không gian để trưởng thành

Giống như Alan, Brenda Tan không cảm thấy có yếu tố nào buộc cô phải ra ở riêng ở tuổi 22 - nhưng chắc chắn là cô muốn sống độc lập hơn. 

Cô đã trải qua một thời gian ở ký túc xá chung của trường đại học và sống với bạn thuê chung nhà trong một học kỳ ở nước ngoài tại New York, nhưng cảm thấy bước tiếp theo nên là một không gian riêng. 

“[Sống với bố mẹ bạn khiến bạn cảm thấy như] mọi thứ đều ở chế độ lái tự động, bạn luôn được làm thay mọi việc,” chuyên viên sáng tạo nội dung Brenda Tan nói trong một video ghi lại cảnh cô chuyển đến một căn hộ dạng studio. “Bạn không thể hoàn toàn kiểm soát không gian của mình, đôi khi là cả chuyện ăn uống của mình… bạn chỉ việc ăn những gì bày sẵn trên bàn.”

Sống một mình cho phép Tan, 26 tuổi, tự chủ cuộc sống hoàn toàn, từ việc lựa chọn các thương hiệu đồ gia dụng ưa thích cho đến khả năng làm việc sáng tạo hơn. 

“Chuyển ra ngoài đã khiến tôi trưởng thành theo cách mà tôi thực sự thích thú. Tôi cảm thấy như tôi được là chính mình. Tôi có được không gian đúng theo nghĩa đen để phát triển thành một người lớn thực sự."

Tất nhiên, những thách thức liên quan đến việc sống với cha mẹ luôn tồn tại, cũng như khát vọng độc lập của những người trẻ tuổi. 

Nhưng Chua tin rằng thực tế nói chung là yếu tố các thế hệ trẻ được giáo dục tốt hơn và do đó có thu nhập cao hơn các thế hệ trước đóng một vai trò quan trọng. 

Dữ liệu điều tra dân số từ năm 2020 cho thấy 57% cư dân trong độ tuổi từ 25 đến 34 là sinh viên tốt nghiệp đại học, tăng từ 46,5% của một thập kỷ trước, mà con số này đã là tăng gần gấp đôi so với mức 24,4% vào năm 2000. 

Khả năng thu nhập được cải thiện và có lẽ sự thay đổi ưu tiên chi tiêu đã khiến việc này trở nên dễ dàng hơn cho những người Singapore trẻ tuổi để chuyển ra ngoài và trả tiền thuê nhà.

Một yếu tố khác là người Singapore ngày nay kết hôn muộn hơn thời trước. 

“Ngày trước, nhiều người, nếu không muốn nói là hầu hết, ở độ tuổi tôi là đã kết hôn rồi,” Chua nói, có nghĩa là họ có đủ điều kiện để mua HDB. 

Điều kiện phải kết hôn rồi mới được mua HDB ngày càng trở nên bất hợp lý, mà những người trẻ độc thân cũng không muốn chờ đợi cho đến khi kết hôn rồi mới nếm trải sự độc lập.

Chua cho rằng điều này không có nghĩa là lòng hiếu thảo đang bị thui chột. Có chăng thì đó chỉ là cách thể hiện rằng cuộc sống đang thay đổi. 

Tiến sĩ Tan Ern Ser, nhà xã hội học từ NUS, đồng ý và nói rằng khi những người trẻ “thích sống theo kiểu riêng của họ, trong đó có việc tách khỏi cha mẹ, ra ở riêng hoặc sống với ai đó khác” không có nghĩa là họ ít quan tâm đến cha mẹ. 

Trên thực tế, “sống xa cha mẹ có thể cảm thấy bớt ngột ngạt hơn, và ngược lại tâm lý 'xa thương gần thường' có thể củng cố mối quan hệ giữa cha mẹ và những đứa con đã trưởng thành, ra ở riêng”.

Hoàn cảnh bắt buộc 

Trong khi nhiều người muốn ra ở riêng để có cuộc sống độc lập như Alan và Brenda Tan, thì William Tan, đại lý bất động sản, lại chứng kiến nhu cầu thuê nhà tăng cao trong một nhóm người: cộng đồng LGBTQ. 

William Tan nói rằng trong khi phần lớn những người thuê nhà tiềm năng trước đây là người nước ngoài, thì nay anh thấy có sự thay đổi. Trang Facebook goup thân thiện với LGBTQ mà anh thành lập đang nhận được nhiều yêu cầu thuê nhà hơn từ những người trẻ Singapore. 

Điều này không mấy ngạc nhiên; vì các chính sách về nhà ở hạn chế rất nhiều lựa chọn cho cộng đồng này, nên việc thuê nhà hầu như là lựa chọn duy nhất cho những người dưới 35 tuổi đang tìm kiếm một nơi ở riêng.

Mặc dù xã hội Singapore đã đạt được những bước tiến trong việc giải quyết vấn đề đồng tính luyến ái, nhưng các giá trị bảo thủ mà nhiều người giữ gìn vẫn khiến một số người khó có thể thoát ra khỏi được thành kiến xã hội. 

Một cuộc khảo sát năm 2018 cho thấy cứ 10 người được hỏi thì có 6 người tin rằng hôn nhân đồng tính luôn luôn, hoặc hầu như là điều sai trái. Một cuộc khảo sát khác cho thấy giới trẻ Singapore khó chấp nhận việc các thành viên trong gia đình có mối quan hệ đồng giới hơn so với bạn bè hoặc đồng nghiệp. 

William Tan tin rằng Covid-19 có thể thúc đẩy mong muốn chuyển ra ngoài của nhiều người trẻ LGBTQ. 

“Có thể có rất nhiều xung đột xảy ra [trong phạm vi gia đình] vì hai năm qua phải làm việc tại nhà nhiều,” anh cho biết. Theo kinh nghiệm của anh, “rất nhiều người trong số họ [cộng đồng LGBTQ] đang cố gắng ra riêng để chăm sóc sức khỏe tinh thần, bởi vì có thể họ sống trong một môi trường gia đình rất khắc nghiệt hoặc không thân thiện”.

Các yếu tố thúc đẩy như môi trường gia đình nghèo tất nhiên không chỉ giới hạn ở những người trẻ trong cộng đồng LGBTQ. Đối với những người sống trong những ngôi nhà có diện tích nhỏ, hoặc cần phải chung phòng ngủ, không khí trong nhà có thể giống như một cái nồi áp suất sôi sình sịch, chờ chực nổ tung. 

Jia sống trong một căn hộ HDB hai phòng ngủ với bố mẹ và chị gái. 

Sau khi tốt nghiệp đại học giữa cơn đại dịch, cô nhanh chóng tìm được một công việc thực tập sinh. Nhưng làm việc từ nhà là một "cơn ác mộng". 

Chị gái của cô cũng làm việc từ nhà và các cuộc họp trực tuyến của họ đôi khi xung đột, dẫn đến một môi trường mất tập trung. 

Cô thừa nhận rằng cha mẹ cô không thể đối xử tốt mọi lúc được - và việc bị mắc kẹt trong nhà trong thời gian dài trong thời gian phong tỏa khiến các cuộc cãi cõ trở nên thường xuyên hơn. 

“Tôi không thể thoát khỏi tiếng ồn vì nhà là một không gian nhỏ hẹp,” cô nói. "Đôi khi tôi đang trao đổi công việc qua điện thoại thì tiếng bố mẹ tôi sẽ xen lẫn trong cuộc đàm thoại." 

Jia đã nghiền ngẫm về việc chuyển ra ngoài không biết bao nhiêu lần. Suy nghĩ về một không gian sống và làm việc yên tĩnh hơn thật hấp dẫn, nhưng cuối cùng tính thực tiễn đã thắng. 

Hiện tại, cô quyết định rằng cô muốn tiết kiệm phần lớn tiền lương của mình hơn là chi trả cho tiền thuê nhà. Cũng có một lý do khác khiến cô ở lại: “Tôi nghĩ rằng tôi sẽ cảm thấy vô cùng tội lỗi khi bỏ lại cha mẹ mình.”

Điều này không có nghĩa là cô loại trừ khả năng dọn ra  ngoài ở, đặc biệt là vì việc chuyển đổi từ vị trí thực tập sinh thành một công việc toàn thời gian hiện giúp cô kiếm được nhiều hơn khoảng 50%. 

Nhưng, suy cho cùng, người quyết định vẫn là bố mẹ cô. “Giờ đây, chúng tôi đã ra khỏi nhà nhiều hơn, mọi người đều có tâm trạng tốt hơn khiến việc sống chung có thể chấp nhận được,” cô nói. “Nhưng nếu mọi thứ trở lại thực sự tồi tệ như hai năm trước, tôi nghĩ lần này tôi sẽ ưu tiên đặt bản thân mình lên hàng đầu.”

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Singapore đã thu hút sự chú ý toàn cầu về chương trình nhà ở công cộng toàn diện và sáng tạo

'Đáng đồng tiền bát gạo'

Singapore đã xây dựng một mô hình nhà ở thành công - một mô hình luôn được ca ngợi rộng rãi. Tuy nhiên, như những thay đổi tế nhị gần đây cho thấy, nhu cầu và nguyện vọng của một số người trẻ có thể đang thay đổi.

Việc điều chỉnh các quy định về nhà ở công để cung cấp nhiều chỗ ở giá rẻ hơn cho những người trẻ tuổi có thể mang lại trợ giúp cho nhiều người, đặc biệt là các nhóm yếu thế. 

Nhà xã hội học từ NUS, Tan Ern Ser gợi ý rằng Ủy ban Nhà đất Công có thể cân nhắc việc cho thuê những căn hộ chưa bán được hoặc xây dựng những căn hộ cho thuê được thiết kế đặc biệt "để phục vụ cho những người trẻ tuổi được xác định là cần không gian riêng", và nói rằng các chính sách hiện hành nên "cân nhắc việc đáp ứng các hình thức ưu tiên mới nổi sắp xếp cuộc sống giữa những người Singapore trẻ tuổi… và tìm cách thu hút cả những người chưa hội đủ yếu tố được thuê mua nhà ở công cộng”.

Cho đến lúc đó, nếu xu hướng hiện tại tiếp tục, những người trẻ tuổi Singapore rời khỏi nhà bố mẹ để thuê nhà ở riêng sẽ trở nên ít bị phán xét hơn và trở nên phổ biến hơn, họ sẽ quan tâm đến việc đáp ứng ưu tiên cho nhu cầu độc lập và chất lượng sống của họ hơn, và họ có thể ra ở riêng được nhờ có mức thu nhập và khoản tiền chi vào chỗ ở cao hơn. 

Thay đổi thái độ xung quanh ý nghĩa của việc hiếu thảo cũng sẽ giúp những người trẻ vững tâm rời xa vòng tay bố mẹ.

Brenda Tan chắc chắn là không hối hận về quyết định của mình - trên thực tế, cô cảm thấy chắc chắn về điều đó hơn bao giờ hết. 

Nhìn lại, những ưu điểm mà cô đã trải qua không chỉ bắt nguồn từ cảm giác tự do, mà là tinh thần trách nhiệm. 

“Ra ở riêng là khoản chi phí đáng đồng tiền bát gạo nhất tôi từng tiêu,” cô nói. “Sống riêng cho phép tôi điều chỉnh lại cảm xúc của mình. Điều đó đã là vô giá đối với tôi.” 

Alan cũng có cùng cảm xúc này, mặc dù cha mẹ anh không hài lòng. “Tôi nghĩ ban đầu bố mẹ đã diễn giải chụp mũ với quan điểm cá nhân, như thể tôi đang nói rằng tôi ghét sống cùng với họ,” anh nhớ lại. Họ đã cố gắng khuyên can anh – nhưng sau đó họ đã chấp nhận khi thấy quyết tâm rõ ràng của con mình.

Kể từ khi chuyển ra ngoài, Alan phải chi tiêu tăng lên đáng kể. Anh vẫn gửi cho cha mẹ khoản “trợ cấp” hàng tháng là 287 đô la (400 đô la Singapore, 237 bảng Anh), điều mà anh đã làm kể từ khi kiếm được khoản tiền lương đi làm toàn thời gian đầu tiên của mình. 

Anh cũng phải trả nhiều hóa đơn hơn trước - chẳng hạn như đồ dùng sinh hoạt hàng ngày, tiền điện nước và tiền bảo hiểm, là những khoản mà trước đây đều do cha mẹ chi trả - cũng như trả tiền thuê nhà. Nhưng anh coi các khoản chi phí phát sinh thêm này là một sự đánh đổi xứng đáng cho cuộc sống độc lập mà anh có được.

“Giờ đây tôi tự kiểm soát cuộc sống của mình nhiều hơn nhiều,” anh nói.  "Bạn không thể tính toán giá cả cho chuyện đó.”