Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 224 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (05/10/2022)

Thứ Sáu, 07 Tháng Mười 20222:16 CH(Xem: 2029)
Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 224 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (05/10/2022)

pl_327

1. Diễn biến các mặt trận

Hôm nay phần này tui sẽ không viết mà để dành đưa vào các mục dưới. Thực tế không điểm tin cũng không được, chẳng hạn như phía Ukraine vẫn kiên trì thi thành chiến lược “bào mòn” của mình:

• Lực lượng Phòng không của Lực lượng Phòng vệ đã thực hiện hơn mười lăm lần xuất kích. Việc tiêu diệt 12 khu vực tập trung vũ khí, khí tài, cũng như 4 hệ thống tên lửa phòng không của địch đã được khẳng định. Ngoài ra, 9 chiếc UAV của đối phương cũng bị bắn rơi.

• Trong ngày qua, lực lượng tên lửa và pháo binh đã đánh vào hai điểm kiểm soát, mười bốn khu vực tập trung nhân lực, vũ khí và trang thiết bị quân sự, một kho đạn, cũng như tám cơ sở quan trọng khác của địch.

Xin lưu ý là trong 9 UAV bị bắn rơi kia, một bản tin chiến sự khác của Ukraine khẳng định rõ có đến 8 chiếc là của Iran sản xuất.

Trong một diễn biến khác, tổng thống V. Zelensky đã có cuộc họp với Bộ tham mưu Tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang Ukraine.

Những người có mặt trong cuộc họp đã nghe các báo cáo tình báo, báo cáo từ Sở chỉ huy các lực lượng vũ trang Ukraine tại các mặt trận và Tư lệnh các hướng hành quân về tình hình tại mặt trận và những hành động mới nhất của kẻ thù. Họ cũng thảo luận về vấn đề ổn định tình hình ở các khu vực mới thu hồi được. Các kế hoạch liên quan đến việc giải phóng thêm các lãnh thổ Ukraine cũng đã được xem xét.

Riêng các thành viên của Bộ tham mưu tập trung vào vấn đề chống lại các loại vũ khí mới được quân đội Nga sử dụng.

Các bên cũng phân tích nhu cầu cấp thiết của lực lượng vũ trang trong việc hỗ trợ vật chất, kỹ thuật và quá trình chuẩn bị của quân đội cho giai đoạn mùa đông.

Bình loạn : Đúng là cũng phải kéo dài cuộc chiến đến tròn 1 năm thật nhỉ. Đển cuối tháng Hai 2023 có xong cả không các bác?

2. Bùi Thị Hồng Lý phản biện Trạng sư Trạm Biến Áp

Có một bạn muốn giấu tên, dùng bút danh Bùi Thị Hồng Lý nhờ tui đăng một bài phản biện cái thằng, à ông Trạng sư trứ danh kia. Mời các bác đọc tại đây.

3. Vừa rồi, Nga huy động được bao nhiêu quân trong đợt “Động viên một phần”?

Theo thông tin tui có được thì họ huy động được 120.000 quân, tất nhiên đến nay họ vẫn chưa triển khai hết ra chiến trường. Để hình dung vấn đề này như thế nào, chúng ta cần xem xét một số vấn đề:

Thứ nhất, 120.000 giả định tất cả là cầm súng chiến đấu thì sẽ tương đương rất nhiều BTG, vì mỗi BTG chỉ có 200 tay súng bắn nhau trực tiếp thôi.

Thứ hai, nếu tung toàn bộ số quân này vào mặt trận, thì họ sẽ cần bao nhiêu xe tăng, bao nhiêu pháo và bao nhiêu máy bay?

Thực tế, số người này là để bù đắp tổn thất cực kỳ lớn của quân Nga trong cả mấy giai đoạn: “phase 1,” “phase 2” và cả “phase 2,5” thậm chí bây giờ là “phase 3” – giai đoạn phản công của người Ukraine. Điều đáng nói là số người được bổ sung này là bù vào số lính kỹ thuật hậu cần, trong đó có cả… lái xe tải. Các lực lượng bắc cầu phao, công binh dò mìn, sửa đường bộ và đường sắt… cái gì cũng thiếu.

Hiện nay Nga còn có một vấn đề nữa mà chúng ta nói đến nhiều lần rồi: quay lại với mô hình cũ hay tiếp tục mô hình BTG mới theo “kiểu Gerasimov?” Tốt hơn cả với họ là tổ chức lại những sư đoàn kiểu cũ, mỗi sư đoàn sẽ bao gồm 10.000 đến 15.000 người. Như vậy gọi được 120.000 người dù đó là một con số không tệ trong hoàn cảnh đàn ông Nga bỏ đi ùn ùn, cũng chỉ tương đương quân số một Tập đoàn quân truyền thống của Xô-viết.

Do vậy đã có những ý kiến cho rằng họ nên tổ chức những sư đoàn mới nhưng có tổ chức mô hình Xô-viết truyền thống, dễ chỉ huy hơn cho các sĩ quan của họ bây giờ. Tuy nhiên dù giữ lại BTG hay thành lập các sư đoàn mới kiểu truyền thống, họ vẫn gặp một vấn đề nghiêm trọng: thiếu vũ khí nặng.

Các bác thấy buồn cười chưa – Nga thiếu vũ khí nặng! Thế mà điều đó đến nay đã thành sự thật. Hồi đầu chiến tranh tui đã công nhận ông Trạng sư Trạm Biến Áp nói đúng: Nga hơn hẳn Ukraine về vũ khí nặng. Thế mà đến giai đoạn 3 của cuộc chiến, cán cân đã bắt đầu cân bằng.

Để trang bị cho 10 sư đoàn mới có thể dùng vũ khí cá nhân cũ cũng được, nhưng vũ khí nặng mà thiếu thì quân Nga không đánh nhau được. Đi kèm với chúng phải có ít nhất 10 trung đoàn xe tăng (hoặc 5 lữ đoàn), như vậy đúng ra con số hôm trước chúng ta tính toán, họ cần ít nhất 1000 xe tăng mới và tốt. Tí nữa chúng ta sẽ nói chuyện xe tăng sau các bác nhé.

Về pháo binh, họ lại cần cỡ 10 trung đoàn pháo là ít nhất, ngoài ra vẫn còn bổ sung pháo binh cấp Tập đoàn quân (cụm pháo binh cấp Tập đoàn quân). Mỗi BTG đã cần đến 16 cỗ pháo các loại đi kèm chưa kể súng cối các cỡ từ cấp đại đội trở xuống… Như vậy Nga cũng sẽ lại cần thêm cỡ 1.500 pháo phách các loại. Để phục vụ chúng cho một chiến dịch tấn công theo tiêu chuẩn của họ trong cuộc chiến tranh này chúng lại đòi cung cấp cỡ 1.000 quả đạn cho một đơn vị. Như vậy cũng phải chuẩn bị đến một triệu rưởi đạn pháo.

Về máy bay, để làm chủ bầu trời cuộc chiến tranh này đã cho thấy UAV chưa thay thế được các loại máy bay chiến đấu có người lái – Nga phải có ít nhất 5 trung đoàn cường kích tấn công mặt đất hỗ trợ chiến trường. Cho đến nay người ta ước tính Nga đã mất trắng 2 trung đoàn như vậy với số máy bay cánh cố định bị bắn hạ khoảng 60 chiếc, trong đó có các loại rất xịn như Su-35S Flanker-E cũng rơi như trong phim.

Các vấn đề của máy bay Nga hiện nay không phải là độ bền động cơ, mà do thiếu vũ khí thông minh và chỉ huy tác chiến kém, cùng việc thiếu hỗ trợ dẫn đường của vệ tinh một cách hiệu quả. Điều đó sẽ làm cho máy bay Nga nếu tiếp tục ra chiến trường, thì lại tiếp tục rơi. Phía Ukraine cũng có những vấn đề tương tự, nhưng hiện nay họ đã bắt đầu xoay xở bằng cách “độ” tên lửa tây lên máy bay Xô-viết, có vẻ cũng ổn thỏa. Các vấn đề của vệ tinh vệ tiếc, chắc chắn là ổn hơn của Nga.  

Mặc dù thiếu thốn đến thế, riêng khu vực Kharkiv đầu tháng Chín vừa qua Nga vẫn viện trợ không hoàn lại cho Ukraine đến 400 xe tăng và 700 xe bọc thép các loại. Thực sự đây là nguồn rất tốt vì Ukraine sẽ về sửa để dùng được luôn. Theo như tui biết thì 400 xe tăng trên đây Ukraine đủ trang bị cho… 4 lữ đoàn. Thôi thì 2 đi, số còn lại để sơ-cua.

Vậy mà hôm qua nghe tin Putox lại cố động viên thêm đợt nữa – có thể lên tới 2 triệu quân. 120.000 lính kỹ thuật thì còn hiểu được, chứ 2 triệu quân không rõ họ định nuôi kiểu gì? Để tổ chức và huấn luyện còn chưa chắc đã đủ người, nói gì đến việc trang bị và đưa họ vào trận. Một cố gắng vô nghĩa, chỉ chứng minh là bế tắc toàn tập.

Liên bang Nga là một đất nước vĩ đại, nên chuyện huy động không phải là 2 triệu mà 20 triệu quân, hoàn toàn có thể. Họ (người dân Nga) cũng có thể tin vào giọng lưỡi của Putox mà chấp nhận những điều kiện thê thảm trong quân đội vì “mẹ Tổ Quốc vẫy gọi” mà kéo nhau đi. Nhưng chắc chắn những cố gắng đó là vô nghĩa. Để kết thúc mục này, tui xin dẫn lời tướng Zaluzgnyi: “Chúng tôi đã tiêu diệt những lính chuyên nghiệp và giờ đây chúng tôi sẽ loại bỏ nốt những người nghiệp dư.”

4. Khoảng vài năm trước, lão xe ôm lang thang trên mạng gặp một cậu Nga làm việc cho một tập đoàn nhập khẩu thiết bị máy móc, hắn khoe chỗ hắn nhập khẩu bộ truyền động cho xe tăng, đặc biệt là Armata T-14. Chuyện này xe ôm kể rồi.

Thật ra hầu hết các mẫu xe tăng chủ lực mới của Nga hiện nay đều dùng bộ truyền động tự động (cả ly hợp và số) để giảm thiểu số thao tác của lính lái xe. Đặc điểm truyền thống duy nhất của họ vẫn còn giữ được là lái bằng hai cái cần giống máy kéo. Do ảnh hưởng của lệnh cấm vận, sẽ có rất nhiều chi tiết máy móc Nga sẽ không nhập khẩu được nữa, hoàn toàn có thể ảnh hưởng đến… xe tăng Nga.

Nếu trong thời gian sắp tới Nga vẫn có thể sản xuất ra được các loại xe tăng mẫu mới như T-90 hoặc T-72 nâng cấp, thì nhiều khả năng chúng sẽ được quay lại với… ly hợp cơ và số tay. Hôm trước bác nào post ảnh cái T-90 mẫu mới nhất bị Ukraine túm được, đã thấy dùng số chuyển cấp bằng tay rồi.

Đó là chưa nói đến toàn bộ các hệ thống ngắm bắn chỉ thị mục tiêu điện tử, nhìn đêm nhìn hôm… là mù tịt hết, vì những cái đó mua của Pháp. Đợt hàng được lắp đồ Pháp đã cái cháy, cái bị tịch thu hết từ hồi đầu chiến tranh rồi còn gì.

Hôm qua chuyện vòng bi căn nhựa trong xe tăng Nga, chúng ta đã nói rồi.

Rõ ràng là đã đến lúc họ bất chấp chất lượng, cứ ủn bất cứ cái gì có trong tay ra mặt trận, ra cái chết ngay cũng được…

5. Đoán mò

Quay lại với chiến trường. Bài hôm trước tui đề xuất với các bác: sau Lyman chúng ta quay lại với Nam Buh, nôm na là quay lại với Kherson. Bản tin chiến sự của Bộ Tổng tham mưu Ukraine chỉ có một câu duy nhất:

• Hướng Kryvyi Rih chiến sự vẫn diễn ra…

“Hướng Kryvyi Rih” chính là hướng tấn công của quân Ukraine ở hữu ngạn Kherson từ bắc xuống nam. Mặc dù đưa tin cô đọng như thế nhưng trên mạng xã hội thì vẫn tin tức nhộn nhịp và có lẽ trong thời điểm này, đọc các tài khoản Pro-Nga là đáng tin cậy nhất. Đến như tài khoản Rybar còn viết một cách rất… lạc quan như sau:

“Sau khi các đơn vị Nga rút về Dudchany, người ta đã quyết định tiếp tục rút cụm quân này do nguy cơ bị bao vây hoàn toàn. Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga rút lui khỏi Dudchan, Davydov Brod, và cũng để lại Bolshaya và Malaya Aleksandrovka, Staroselye, Trifonovka, Novaya Kamenka, Olgino và Arkhangelskoye.Tuyến phòng thủ mới của lực lượng Nga nằm trên tuyến Kostromka – Borozenskoe – Mylovoe. Bộ chỉ huy Lực lượng vũ trang Ukraine dự định phá vỡ nó để tiếp cận thêm Berislav và New Kakhovka.”

Như vậy người Nga đã lập tuyến phòng thủ mới cách Nova Kakhovka từ 30 đến dưới 40 ki-lô-mét về phía bắc – đông bắc.

Tại sao tui lại đề nghị quan tâm nhiều đến Kherson, sau Lyman, dù hiện nay có những bằng chứng cho thấy quân Ukraine đã tiến đến gần Kreminna và quân Nga thì – theo những nguồn Pro-Nga “đang lập tuyến phòng thủ mới ở đây” ???

Phải nói rằng đến thời điểm này tình hình Bakhmut vẫn rất căng thẳng, chẳng hạn trong bản tin hôm nay của Bộ Tổng tham mưu Ukraine vẫn viết:

• Kẻ thù không ngừng nỗ lực tiến hành các hành động tấn công trên các hướng Bakhmut và Avdiiv…

• Trong ngày qua, các đơn vị của Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã đẩy lùi các cuộc tấn công của đối phương tại các khu vực Vyimka, Soledar, Odradivka, Bakhmutske, Bakhmut, Krasnohorivka, Mayorsk và Novomykhailivka.

Sau trận rút lui của quân Nga ở Lyman, thì một chiến thắng lúc này thực sự có ý nghĩa với họ, và hiện nay chỗ có khả năng nhất là Bakhmut. Thị trấn nằm cách khu dân cư Zaitseve của Horlivka có 15 ki-lô-mét, còn hai khu dân cư trùng tên Zaitseve một cái thuộc Bakhmut chỉ cách nhau có 8 ki-lô-mét thôi… mỗi bên giữ một nơi. Từ hồi bắt đầu “Phase 2” The Battle of Donbas quân Nga đã chiếm được Popasna, cũng chỉ cách Bakhmut có hơn 20 ki-lô-mét. Các khoảng cách trên đây đều là đường chim bay hết.

Trên mạng xã hội thì ngày nào các tài khoản mil-blogger Nga cũng viết là quân Wagner giành thắng lợi ở khu vực này, đánh cho lực lượng Ukraine thiệt hại nặng nhưng rõ ràng là từ cuối tháng Sáu là thời điểm chiếm Lysychansk (chính xác là ngày 27/06 quân Ukraine rời thành phố) thì dù “thiệt hại nặng” quân Ukraine vẫn giữ Bakhmut, còn Wagner vẫn hoàn Wagner.

Mới nhất, ngày 19/09 quân Ukraine đã chiếm làng Bilohorivka nằm trên trục đường T-1302 và cách ngoại vi thành phố Lysychansk có hơn 5 ki-lô-mét đường chim bay. Đó là lý do mà nhiều đơn vị quân Nga đã phải rút khỏi thành phố này… đi đâu không rõ. Có một điều rất đáng nói là làng này nằm ở bờ nam của sông Siverskyi Donets… việc này hoàn toàn có thể coi như quân Ukraine đặt được một bàn đạp nếu muốn tấn công Lysychansk.

Trên hướng bắc, sau trận bỏ chạy kinh hoàng của quân Nga khỏi Lyman, có nhiều thông tin cho rằng họ sẽ tổ chức trận tuyến phòng ngự ở Kreminna, thực chất đây là một lá chắn bảo vệ Severodonetsk, vì Kreminna – Rubizhne và Severodonetsk cùng nằm trên trục đường P-66. Kreminna mà vỡ, thì Rubizhne và Severodonetsk cũng sẽ vỡ trận nốt.

Đến nay vì quân Nga mà nòng cốt là Wagner vẫn còn sức tấn công được ở Bakhmut là vì nó rất gần Horlivka, mà Horlivka thì rất gần thành phố lớn Donetsk. Còn thành phố Luhansk, thủ phủ tỉnh Luhansk thì chỉ cách Severodonetsk có 80 ki-lô-mét đường chim bay. Khi và chỉ khi quân Ukraine dứt điểm được Kreminna và ở hướng nam là các khu dân cư vệ tinh của cụm hai thành phố Donetsk – Horlivka bị quân Ukraine chiếm, thì khu vực này mới thực sự có thay đổi về cục diện.

Chúng ta cùng hình dung, thành phố Luhansk nằm rất gần biên giới Ukraine – Nga, chỉ cách cỡ hơn chục ki-lô-mét về phía đông. Nếu khu vực này nguy ngập thì cả vùng đông bắc tỉnh Luhansk tức là từ trục đường P-66 hắt về phía đông bắc, coi như Nga không thể giữ được, không có cách nào cả.

Diễn biến này sẽ dễ xảy ra hơn nhiều nếu Ukraine có được những loại vũ khí mới, ví dụ như tên lửa phóng loạt chính xác cao với tầm bắn trên 100 ki-lô-mét. Hiện tại mật độ quân Nga ở hai thành phố Donetsk và Luhansk rất cao, là hai trung tâm tập trung hậu cần nên chắc chắn chưa dễ thanh toán như vậy được.

Ngược lại ở Kherson lại là lúc chín muồi – vì như chúng ta đã bàn từ trước, càng bơm thêm quân khi không đảm bảo về giao thông, càng dễ chết đói. Nếu quân Nga buộc phải rút khỏi thành phố Kherson, thì lại là một cú vả bằng dép cao su vào mặt Putox vì đó là thành phố thủ phủ đầu tiên trong 4 vùng vừa “trở về đất mẹ” của Putox không giữ được. Trong lúc diễn ra diễn biến đó thì hoàn toàn có thể lại có những diễn biến khác ở khu vực Donetsk – Luhansk rồi. Sụp đổ sẽ là dây chuyền.

Vậy đến đây, trong tương quan với bài tập làm văn của thằng, à ông Trạng sư Trạm Biến Áp, chúng ta có thể đưa ra những nhận xét gì về cách đánh của hai bên?

Cái thằng, à cái ông đó vẫn khăng khăng “cho đến giờ phút này quân Ukraine vẫn không bao vây và tiêu diệt được một cụm quân lớn nào của Nga.” Đồng thời đúng như tham mưu trưởng thân yêu của chúng ta nhận xét (đúng ra phết, đâm ra tui nghi hắn đang mong được các bác phục chức) là “quân Nga vẫn đánh nhau với chiến thuật của Stalin.”

Thực tế, trong chiến tranh hiện đại không phải lúc nào cũng cần vây, bắt, tiêu diệt số lượng lớn nhân lực của địch, mặc dù đó luôn luôn là điều được đánh giá rất cao. Ví dụ trận Stalingrad Đức và đồng minh mất khoảng 1 triệu bộ đội và điều đó được đánh giá là biến cố không thể khắc phục được. Năm 1991 Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, kể cả thương vong bên phía Iraq là không nhiều nhưng bằng những đòn đánh của thời đại mới, họ đánh quỵ ngay một quân đội có hạng của khu vực.

Ở Syria, với những gì người Nga đã làm giới quân sự đánh giá, nếu đem một lượng vật chất tương đương thì người Mỹ đã giải quyết xong cục diện chiến tranh từ lâu rồi.

Trong cuộc chiến tranh này, người Ukraine đang thi hành một kiểu chiến tranh rất độc đáo. Hồi “Phase 1” tui đã giải thích cho nhiều bác, trong đó có cả tham mưu trưởng của chúng ta (hồi đó còn khá mù tịt) về cách thi hành chiến tranh phi đối xứng của người Ukraine. Bằng cách tránh những mũi tấn công mạnh của Nga rồi đánh vào những lực lượng hỗ trợ phía sau, họ làm mất sức chiến đấu của cả một đoàn quân. Trong cuộc chiến này, họ đã khai thác rất hữu hiệu những yếu tố của thời đại, đặc biệt là về tình báo, do đó nó đưa cuộc chiến đến những kỷ lục mới: số tướng Nga thiệt mạng, kèm theo số lượng sĩ quan cao cấp, trung và sơ cấp cũng kỷ lục nốt. Đó là những yếu tố mà người Nga sẽ không thể khắc phục được trong vòng vài năm tới. Họ đã mất đi những lực lượng tinh hoa nhất của mình.

Còn có những điều nghiêm trọng không kém: do yếu kém về hậu cần kỹ thuật và bị đánh phá đều đặn, Nga phải bỏ lại trên chiến trường lượng khí tài cũng… kỷ lục, có lẽ chưa có cuộc chiến nào sánh được. Đó cũng là – cùng với số xe tăng bọc thép Nga bị hạ, là điều mà Nga nếu không bị cấm vận, trừng phạt cũng phải mất nhiều năm mới khôi phục lại được.

Trong khi “phase 2” tính phi đối xứng giảm vì Nga thay đổi cách đánh, thì sang các giai đoạn sau của cuộc chiến người Ukraine đã thi hành chiến tranh phi đối xứng một cách hết sức rộng rãi và sâu sắc. Bằng những vũ khí có độ chính xác cao và tầm bắn ngoài khả năng phản pháo của Nga, họ tiêu diệt quân đội Nga một cách có hệ thống: trung tâm chỉ huy, hệ thống hậu cần, phòng không, tác chiến điện tử và cuối cùng là những nơi tập trung nhân lực. Với cách đánh này mà người phương Tây gọi là “bào mòn”, người Ukraine đã làm cho quân đội thứ hai thế giới dần dần chuyển hóa theo hướng… bần cùng hóa. Không đủ đạn. Không đủ ăn. Không đủ mặc. Không đủ các điều kiện sinh hoạt tối thiểu. Không đủ điều kiện cứu thương và cuối cùng, BỎ CHẠY là xu thế tất yếu. Cứ trên một mặt trận nào đó tình trạng bào mòn đến đủ mức, cứ tấn công là chạy. Tác chiến chủ yếu của quân Nga khi đó sẽ là… chống bỏ chạy.

Với cách thi hành chiến tranh này, việc bao vây tiêu diệt số lượng lớn nhân lực là không cần thiết, để chúng nó chạy tốt hơn. Kể cả bị bắt quay lại đánh tiếp, lũ quân đó cũng không có đủ tinh thần để chiến đấu, và lại chạy tiếp.

Tuy vậy không thể nói quân Ukraine không bao vây quân Nga – như chúng ta đã nói việc phá đập nước ở bắc Kyiv và bây giờ là ở Kherson. Cái này gọi là “giam lỏng” thì chính xác hơn.

Để thi hành chiến tranh kiểu “thậm truyền thống” của Nga, chúng ta cũng lại nói rồi. Ví dụ, hồi họ tiến đến tận Kyiv chúng ta đã bàn đến khả năng tử thủ thành phố, và nếu để bao vây chặt không cho Chính phủ Zelensky chạy mất rồi chiếm thành phố, Nga sẽ cần ít nhất 1 triệu, thậm chí 2 triệu quân. (Đến vài trăm nghìn lo còn chẳng xong nữa là cả triệu!)

Trong khi đó, chuyện này cũng lại nói rồi, người Ukraine sau khi tiến hành cải tổ quân đội quy đơn vị tác chiến cơ bản về tiểu đội, trong khi Nga là ở cấp tiểu đoàn. Vì ứng dụng rộng rãi các phương pháp liên lạc và chỉ huy kiểu mới, họ đã xóa bỏ cách chỉ huy từ trên xuống theo hàng dọc và theo mạng, bình thường thì “bé” khi nào cần “to” thì to được ngay. Đó cũng là lý do mà quân Nga sẽ không thể nào bao vây hoặc ném bom rải thảm chết ráo một đơn vị lớn của Ukraine được, điều đó chỉ có thể xảy ra trong báo cáo của Igor Konashenkov.

Khía cạnh này cũng trả lời luôn cho câu hỏi của một bác gửi đến cho tui: đất Kherson trống trải thế, quân Ukraine tấn công lên nhỡ bị tiêu diệt thì sao? Thứ nhất, họ chỉ tấn công khi bào mòn tới tầm, lúc đó 99% quân Nga sẽ chạy, 1% là sợ bị bắn từ quân của họ nên còn trù trừ. Thứ hai, là họ có tấn công kiểu quân Nga với một huyện người đâu – trống trải có mà Pro-Nga sợ mới phải chứ.

Nhân tiện nhắc đến Trạng sư, thằng, à ông này vẫn đang khẩn khoản về một chiến thắng của Hồng quân Putox trong tương lai, sau khi thất bại ở Kharkiv và đang thất bại ở Donbas. Luận điệu chính của ông này vẫn là: Hồng quân Putox tạm thời thua như trong quá khứ và tương lai, lịch sử sẽ lặp lại, họ sẽ lật lại thế cờ.

Xin thưa với ông, Hồng quân Liên Xô ngày xưa lật lại thế cờ là từ sau trận Kursk, để chuẩn bị cho nó ngoài việc có 1 triệu 800 nghìn quân, Hồng quân còn có 29.000 pháo và súng cối, 4.938 xe tăng và pháo tự hành, về sau được chi viện thêm khoảng 2.500 chiếc (trong đó có khoảng 40% là xe hạng nhẹ, 55% là xe hạng trung và khoảng 225 xe hạng nặng); 2.792 - 3.549 máy bay và ông nên hiểu rằng từ cuối 1942 đầu 1943, chương trình Lend-Lease của Mỹ cho Liên Xô đã làm thay đổi cán cân cuộc chiến. Liên Xô nhận được bao nhiêu thép, bao nhiêu thuốc nổ, bao nhiêu bộ quân phục và bao nhiêu đôi ủng, tự ông nên tìm hiểu. Bây giờ chỉ cần có được một nửa số xe tăng và pháo tự hành thời đó của Liên Xô, nền sản xuất quốc phòng của Putox sẽ cần bét ra 4 – 5 năm không bị cấm vận, không biết ông tưởng tượng ra chưa?

Lại nói đến chuyện mấy ông mãnh này, sau trận Lyman trên tường nhà Trạng sư xuất hiện một comment của tay phó TBT PVH, hí hửng dẫn lời bộ trưởng quốc phòng Đức bảo: Lyman không phải là mục tiêu chiến lược. Kể cũng đúng. Hôm trước chúng ta đã nói đến chuyện Lyman ở đầu bắc của tuyến đường sắt mà điểm cuối phía nam là Mariupol rồi, như thế ý nghĩa của nó đầu tiên là về chính trị. Ý nghĩa thứ hai, nó là cú vả vào mặt Putox sau vụ sáp nhập mọi rợ của lão. Bọn hí hửng kia dẫn lời ông bộ trưởng Đức chủ yếu để nuôi hy vọng: quân Ukraine không vì có Lyman mà lao đến chiếm nốt cả Luhansk.

Ý nghĩa chiến lược của nó là bước thứ hai khẳng định cách thi hành chiến tranh của người Ukraine là đúng đắn, mà bước đầu là vụ chạy việt dã của Hồng quân Putox ở Kharkiv.

“Cứ bào mòn tới tầm là đánh, cứ hễ đánh, là chạy.” Bất kể mục tiêu chiến lược hay không chiến lược, cứ khi nào Hồng quân Putox đủ độ bần cùng, thì đánh là chạy, đánh là chạy.

Trong những diễn biến khác, Putox đang có hiện tượng đổ lỗi cho Shoigu, như vậy dê tế thần đã có. Còn thằng cướp mèo mả gà đồng Kadyrov thì viết trên mạng xã hội là nó sắp có quân hàm thượng tướng Liên bang Nga. Có vẻ như cậu ầm ĩ suốt mấy hôm rồi cũng kiếm được cái gì đó. Putox nuôi cái của này như nuôi con chó dại trong nhà, rồi chết có ngày.

Thằng cha Peskov thì lảm nhảm về việc những vùng bị sáp nhập vừa được Ukraine chiếm, sẽ được “mang trả lại”. Cha này bây giờ y như Goebbels của Hitler thời cuối chiến tranh 1944 – 1945.

Một đất nước và quân đội mà lãnh đạo bấn loạn từ trên xuống dưới.

PHÚC LAI 06.10.2022

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn