Cả nhà đi khắp thế giới trước khi ba con bị mù

Thứ Năm, 29 Tháng Chín 20221:00 SA(Xem: 1505)
Cả nhà đi khắp thế giới trước khi ba con bị mù

Vợ chồng người Canada muốn các con lưu lại "trí nhớ hình ảnh" trước khi có thể bị mất thị giác vĩnh viễn.

Edith Lemay và Sebastien Pelletier kết hôn 12 năm, có 4 con. Trong số đó, 3 con Mia, Colin và Laurent đều mắc bệnh di truyền về mắt - viêm võng mạc sắc tố. Căn bệnh khiến các bé bị giảm thị lực và theo thời gian sẽ mất khả năng nhìn vĩnh viễn. Leo, cậu con trai thứ hai hiện 9 tuổi, may mắn hơn khi không bị bệnh này.

"Bạn thực sự không thể làm được gì giúp chúng. Bác sĩ nói căn bệnh hiện chưa có cách chữa khỏi, cũng chưa tìm ra cách điều trị hiệu quả để có thể làm chậm tiến trình phát bệnh. Chúng tôi không biết nó sẽ diễn ra nhanh thế nào, nhưng có thể các con sẽ mất thị lực vĩnh viễn khi vào tuổi trung niên", Lemay nói.

Lũ trẻ nhà Lemay - Pelletier chụp dưới cầu vồng ở Mông Cổ. Ảnh: CNN

Lũ trẻ nhà Lemay - Pelletier chụp dưới cầu vồng ở Mông Cổ. Ảnh: CNN

Bác sĩ điều trị cho Mia gợi ý bố mẹ nên giúp cô bé sử dụng "trí nhớ hình ảnh", cách não bộ ghi nhớ lại mọi thứ từng nhìn thấy. Trước lời khuyên của bác sĩ, Lemay nói: "Tôi sẽ không cho lũ trẻ xem hình ảnh con voi trong sách mà sẽ đưa chúng đi xem voi thật. Và tôi sẽ lấp đầy trí nhớ thị giác của chúng bằng những hình ảnh đẹp nhất có thể". Và đó cũng là lúc, họ lên kế hoạch dành một năm đưa các con đi du lịch vòng quanh thế giới.

Điều may mắn là Pelletier, làm trong lĩnh vực tài chính, được công ty hỗ trợ tiền cho chuyến đi. Họ cũng có một khoản tiết kiệm. "Đó giống như một món quà đến từ cuộc sống", họ nói. Ban đầu, gia đình sáu người dự định khởi hành vào tháng 7/2020 nhưng tháng 3 năm nay, họ mới bắt đầu đi vì vướng Covid-19.

Cả nhà đã lên một danh sách những điều muốn làm, nơi muốn đến trước khi xuất phát. Mia thích cưỡi ngựa, Laurent thì muốn uống nước ép trái cây khi cưỡi lạc đà... Rời Montreal (Canada), họ tới Zambia, Tanzania và ở Thổ Nhĩ Kỳ một tháng. Sau đó, họ đến Mông Cổ, Indonesia. "Chúng tôi cố gắng để lũ trẻ nhìn thấy những thứ chúng chưa từng gặp khi ở Canada, và để chúng có những trải nghiệm đáng nhớ nhất".

Ngoài việc tận mắt chiêm ngưỡng cảnh đẹp, hai vợ chồng hy vọng chuyến đi sẽ giúp các con phát triển kỹ năng sống tốt và mạnh mẽ hơn nhiều người khác. Lemay giải thích, lũ trẻ của họ "cần phải thực sự kiên cường trong suốt cuộc đời" vì một ngày nào đó, chúng sẽ không còn có thể nhìn được nữa.

"Đi du lịch là bài học cuộc sống, mang lại cảm giác tuyệt vời, thú vị nhưng cũng khó khăn. Bạn có thể không thoải mái, mệt mỏi hoặc thất vọng. Vì vậy, bạn có thể học được rất nhiều điều từ chính các chuyến đi", Lemay nói.

Thiên nhiên hoang dã ở rừng Quivertree tại Namibia. Ảnh: CNN

Thiên nhiên hoang dã ở rừng Quivertree tại Namibia. Ảnh: CNN

Lemay và Pelletier hy vọng việc đi khắp thế giới, trải nghiệm các nền văn hóa khác nhau sẽ khiến lũ trẻ thấy chúng may mắn thế nào, bất chấp những thách thức về việc sau này thị lực mất đi.

Sau 6 tháng đi du lịch, lũ trẻ thích nghi với cuộc sống, đất nước mới, thức ăn mới rất dễ dàng. Họ cũng không biết nơi nào sẽ gây ấn tượng nhất với các con, vì mọi nơi trên thế giới đều đẹp. "Chúng tôi không quan trọng việc bắt buộc phải đến những nơi nào để tận hưởng phong cảnh đẹp nhất. Đôi khi, việc nhìn thấy những con chó chạy trên đường cũng là điều tuyệt vời nhất trong mắt lũ trẻ".

Hai vợ chồng cũng ghi lại chuyến đi và đăng trên trang cá nhân với hy vọng truyền thêm động lực, sức mạnh cho những người chung hoàn cảnh. Lemay cho biết giáo viên tại một ngôi trường đặc biệt ở Quebec thường xuyên kể lại cuộc phiêu lưu của gia đình họ cho học sinh nghe. Đó là những học sinh khiếm thính. "Hàng tuần, cô ấy sẽ vào trang cá nhân của tôi, và mô tả lại cho học sinh về những bức ảnh, hay những gì chúng tôi chia sẻ. Bằng một cách nào đó, họ dần trở thành một phần chuyến đi của chúng tôi. Được chia sẻ điều này với những người khác thực sự là món quà tốt đẹp khiến tôi hạnh phúc", Lemay cho biết.

Hai vợ chồng vẫn phải đối mặt thách thức trong tương lai. Việc các con không nhìn thấy được nữa luôn trong tâm trí họ. Mia, hiện 12 tuổi, đã biết về tình trạng của mình khi lên 7. Nhưng Colin và Laurent, hiện 7 và 5 tuổi thì chưa. Gần đây, chúng bắt đầu đặt những câu hỏi khiến hai vợ chồng khó trả lời: "Mẹ ơi, mù nghĩa là sao? Con có thể lái ôtô được không?". Khi hỏi những câu này, Laurent coi đó là cuộc trò chuyện bình thường. Nhưng với hai vợ chồng, họ đau lòng. Còn với Leo, đứa trẻ duy nhất không mắc bệnh, luôn ý thức một cách mạnh mẽ rằng tình trạng mắt của các anh, chị em mình "luôn là một sự thật hiện hữu trong cuộc sống". Tuy nhiên, mọi người đều bỏ qua những lo lắng đó, và "dồn sức cho những điều tích cực".

Leo may mắn có thị lực tốt hơn chị và các em. Ảnh: CNN

Leo may mắn có thị lực tốt hơn chị và các em. Ảnh: CNN

Gia đình Lemay dự kiến về nhà vào tháng 3/2023 và đang cố gắng tận hưởng trọn vẹn mọi thứ. Ngoài việc du lịch, những đứa trẻ vẫn học từ xa. Chúng được bố mẹ dạy học trên đường đi. Việc học cùng nhau giúp bọn trẻ có thân thiết hơn, tiếp tục giúp đỡ nhau trong tương lai.

Lemay và Pelletier vẫn hy vọng các con không bao giờ bị mù. "Mong rằng trong tương lai, khoa học phát triển và căn bệnh này được chữa khỏi", Pelletier nói. Nhưng dù thế nào chăng nữa, họ vẫn hướng tới việc giúp các con trang bị mọi thứ để đối mặt với mọi tình huống xấu nhất.

Anh Minh (Theo CNN)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn