• David Robson
  • BBC Future

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Hãy hình dung bạn vừa trải qua một chuyện không vui - bạn của mình quên sinh nhật mình, bạn bị từ chối một công việc mới, hoặc bạn thức dậy vào ngày 4/1 và nhớ rằng bạn cần đi làm.

Bạn thường phản ứng thế nào với những cảm xúc đó?

Bạn có thể cố tự nhủ lòng mình rằng điều đó không quan trọng và ta chớ để chuyện đó làm ảnh hưởng tới mình. Bạn có thể tìm cách tránh suy nghĩ về những tin xấu, và khi nó thấm vào ý thức của bạn, bạn sẽ tự hỏi tại sao mình lại nhạy cảm như vậy.

'Xấu hổ về tâm trạng của mình'

Xu hướng sàng lọc và tự trừng phạt này có thể được mô tả là 'xấu hổ về tâm trạng của mình': bạn tin rằng việc có cảm xúc tồi tệ chính là một thất bại cá nhân.

Liên tục nhìn vào mặt tươi sáng của cuộc sống khiến bạn có vẻ mạnh mẽ, thậm chí can đảm. Nhưng nếu cứ lạc quan quá mức thì chúng ta có thể sẽ khiến mình phải chịu bầm dập nhằm có phản ứng hoàn toàn hợp lý trước các sự kiện.

Mặc dù việc tránh những cảm giác không thoải mái như thất vọng, lo lắng, tức giận hoặc buồn bã là điều tự nhiên, nhưng kết quả một nghiên cứu tâm lý gần đây củng cố ý tưởng theo đó cho rằng những cảm giác đó phục vụ cho các mục đích hữu ích trong đời sống chúng ta. Bằng cách học nhìn thấy giá trị đó và chấp nhận chúng mà không phán xét, chúng ta có thể sẽ có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt hơn.

Cần phải nói cho rõ, khi tôi viết về nhu cầu cần chấp nhận những cảm xúc tiêu cực của chúng ta thì tôi không nói đến trầm cảm hay tâm lý lo lắng nghiêm trọng, hay bất kỳ rối loạn tâm trạng mãn tính nào khác cần sự giúp đỡ của bác sỹ. Sẽ không lợi ích gì trong việc để cho sự đau khổ kéo dài và quá mức chịu đựng, nếu như bạn cần đến và có thể tiếp cận tới các biện pháp điều trị và hỗ trợ sức khỏe tâm thần.

Thay vào đó, tôi muốn nói đến những đám mây đen tạm thời đang tụ lại lơ lửng trên cuộc sống chúng ta trong vài giờ hoặc vài ngày. Những cảm xúc nhất thời này không thực sự đặt ra mối đe dọa cho sự an lạc lâu dài của chúng ta, nhưng ta thường cư xử như thể chúng có đe dọa - và ta thường tìm cách né tránh chúng.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Như triết gia Ý Ilaria Gaspari lưu ý trong cuốn sách gần đây của bà có tựa đề 'Vita Segreta Delle Emozioni' (Cuộc sống bí mật của cảm xúc), việc chúng ta nỗ lực kìm nén cảm xúc của mình chỉ làm tăng thêm các lớp 'xấu hổ' và 'sợ hãi' vào những gì chúng ta đã cảm thấy, cùng với cảm giác ghen tị với những người dường như hạnh phúc hơn trong cuộc sống. Cảm xúc tạo ra, bà viết, thậm chí còn "mạnh mẽ và bền bỉ hơn" điều chúng ta muốn né tránh.

"Mất rất lâu tôi mới hiểu giàu cảm xúc không có nghĩa là không ổn định hoặc mất cân bằng, mà là đang sống, cởi mở và dễ bị chi phối trước trải nghiệm của thế giới," bà viết.

Gaspari viết từ trải nghiệm cá nhân, nhưng một loạt nghiên cứu khoa học xác nhận rằng trạng thái 'xấu hổ về tâm trạng của mình' có thể có hại cho sự an lạc của chúng ta.

Để biết được nghiên cứu đó như thế nào, hãy xem xét các câu hỏi sau đây. Trên thang điểm từ 1 (không bao giờ/hiếm khi đúng) đến 7 (rất thường /luôn đúng), bạn đánh giá những câu nói này như thế nào?

  • Tôi tự nhủ mình không nên có cảm xúc mà mình đang có
  • Tôi chỉ trích bản thân vì đã có những cảm xúc phi lý hoặc không phù hợp
  • Tôi nghĩ một số cảm xúc của mình là xấu hoặc không phù hợp và tôi không nên có những cảm xúc như vậy

Đặt câu hỏi cho 1.000 người tham gia, Iris Mauss từ Đại học California Berkeley phát hiện rằng những ai điểm càng cao trên thang điểm này càng nhiều khả năng có các triệu chứng trầm cảm và lo lắng. Họ nhìn chung cũng tỏ ra ít hài lòng hơn về cuộc sống và sự an lạc tinh thần.

Ngược lại, những ai chấp nhận suy nghĩ và cảm xúc của họ mà không cho chúng là 'xấu' hoặc 'không phù hợp' thường có sức khỏe tâm lý tốt hơn.

Nhìn thấy tốt và xấu

Mối quan tâm cá nhân của tôi về hậu quả của 'xấu hổ về tâm trạng của mình' bắt đầu khi tôi nghiên cứu cho cuốn sách của mình có tựa đề 'Hiệu ứng kỳ vọng'.

Có rất nhiều bằng chứng cho thấy chúng ta có thể tạo ra những lời tiên tri tự hoàn thành trong nhiều lĩnh vực cuộc sống. Ví dụ, trong y học, chúng ta biết rằng cách giải thích của mọi người về các triệu chứng thể xác như đau đớn có thể thay đổi cách họ trải nghiệm cơn đau, và điều này thậm chí có thể ảnh hưởng đến phản ứng sinh lý của chúng ta.

Tôi tự hỏi liệu điều đó có đúng với cảm xúc chúng ta hay không. Thay vì thay đổi chính cảm xúc, chúng ta hãy thay đổi cách chúng ta nghĩ về chúng - và điều này có thể cải thiện chính bản thân trải nghiệm, cải thiện tác động lâu dài đến sức khỏe chúng ta.

Ví dụ, cảm giác thất vọng là một cảm giác khó chịu - nhưng bạn có thể nhận ra rằng cảm xúc này giúp ta học hỏi từ những sai lầm của mình. Và bằng cách gán ý nghĩa tích cực hơn cho nó, nhìn nhận công năng tiềm tàng của nó - thay vì thấy nó 'không lành mạnh' - bạn có thể thay đổi bộ não và phản ứng của cơ thể trước cảm xúc khó chịu.

Trong khi tìm kiếm các tài liệu tâm lý, tôi phát hiện ra là có một nghiên cứu từ Viện Phát triển Con người Max Planck ở Berlin, Đức đang cố gắng chứng minh điều đó.

Các nhà nghiên cứu yêu cầu người tham gia đánh giá những cảm xúc khác nhau, chẳng hạn như căng thẳng, tức giận hoặc cảm thấy chán nản, liên quan đến tâm trạng khó chịu của họ. Họ cũng hỏi về sự phù hợp, tiện ích và ý nghĩa của chúng - ba chiều kết hợp để nắm bắt mọi người đánh giá từng cảm giác thế nào.

Nhìn tổng thể, những ai thấy giá trị tích cực của tâm trạng 'xấu' thường có sức khỏe tinh thần và thể chất tốt hơn nhiều, bao gồm cả nguy cơ mắc bệnh thấp hơn, chẳng hạn như tiểu đường hay tim mạch, và thậm chí cả sức mạnh cơ bắp (được coi là chỉ số chung về thể lực).

Thật vậy, khả năng nhìn thấy giá trị trong những cảm xúc khó chịu sẽ gần như loại bỏ mọi mối liên hệ giữa sức khỏe và số lần thực sự khó chịu mà người đó cho biết họ trải qua trong thời gian 3 tuần.

Nguồn năng lượng giúp ta trưởng thành

Kể từ đó, tôi đã phát hiện ra rất nhiều bằng chứng cho thấy nhận ra lợi ích tiềm tàng của cảm xúc có thể ảnh hưởng mạnh mẽ đến tác động của nó như thế nào.

Hãy xem xét đến tâm trạng lo lắng. Chúng ta có thể cho rằng cảm giác lo lắng phá hỏng sự tập trung của chúng ta và giảm hiệu suất trong các việc khó - rằng chúng ta chỉ có thể thi tốt hay trả lời phỏng vấn tốt nếu chúng ta biết thư giãn.

Ngoài ra, chúng ta có thể xem cảm xúc như nguồn năng lượng.

Nam diễn viên Robert Pattinson dường như sử dụng chiến lược này để đối phó với sự căng thẳng trên phim trường - và các nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy kiểu thái độ này có thể cải thiện kết quả công việc chúng ta trong những thách thức ngắn hạn, chẳng hạn các kỳ thi khó hoặc phát biểu trước công chúng. Về lâu dài, nó thậm chí còn làm giảm bớt nguy cơ kiệt sức, suy kiệt.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Hiệu ứng kỳ vọng tương tự cũng có đối với cảm xúc tức giận. Chúng ta tin rằng sự ức chế nhanh chóng bào mòn sự tự chủ của chúng ta, nhưng chúng ta có thể xem nó như cảm xúc cổ động giúp kiên định quyết tâm và tạo cho chúng ta sức mạnh để đòi hỏi những gì chúng ta đáng có.

Những cách nghĩ này sẽ quyết định hiệu suất của chúng ta trong các công việc như đàm phán.

Các nhà khoa học vẫn đang khám phá những cách mà nhận thức của chúng ta về cảm xúc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, như nghiên cứu của Max Planck quan sát- nhưng ngày càng nhiều nghiên cứu về tác động sinh lý của đánh giá cảm xúc đã cho thấy một số cơ chế hợp lý.

Khi ta đối mặt yếu tố gây căng thẳng, thứ có thể khiến ta có cảm giác cá nhân mình bị đe dọa, nhiều khả năng trong cơ thể ta sẽ có những thay đổi quá mức của các loại hormone như cortisol, và chứng viêm tấy.

Những thay đổi sinh lý như thế giúp cơ thể chuẩn bị đối phó nguy hiểm ngắn hạn, nhưng nếu kéo dài thì chúng có thể dẫn đến suy sụp cơ thể.

Nếu ta nghĩ rằng tâm trạng xấu là sai, đáng xấu hổ hoặc có hại cho mình, thì điều đó sẽ làm tăng thêm cảm giác dễ tổn thương và cô đơn trong chúng ta, mà điều này có thể sẽ trở nên trầm trọng thêm và gây tác động sinh lý kéo dài.

Đánh giá lại cảm xúc của chúng ta - để ta nhận ra giá trị nội tại của nó - có thể loại bỏ những lớp căng thẳng bổ sung đó. Nó thậm chí có thể đem đến cho ta cảm giác ta có sức mạnh và sự tự tin. Điều này có thể điều hòa phản ứng sinh lý khi chúng ta thích ứng với những cảm xúc này và giúp phục hồi nhanh hơn, khiến cơ thể nhìn chung là ít căng thẳng hơn.

Cách diễn giải của chúng ta về tâm trạng của mình có thể có hậu quả lâu dài quan trọng, theo nghiên cứu hấp dẫn được thực hiện với trên 28.000 người.

Người tham gia được yêu cầu báo cáo mức độ căng thẳng tinh thần và lo lắng của họ, và liệu họ có nghĩ căng thẳng có hại cho sức khỏe họ hay không.

Những kỳ vọng này dường như định hình nguy cơ tử vong của họ. Những người căng thẳng cao và tin rằng căng thẳng gây hại cho họ có tỷ lệ tử vong cao hơn nhiều so với những người thấy căng thẳng nhưng không có những ý nghĩ tiêu cực về tác động của nó.

Các nhà khoa học cũng kiểm soát một loạt các yếu tố khác, chẳng hạn thu nhập, giáo dục, tập luyện thể chất và hút thuốc trước khi đi đến kết luận này.

Tất nhiên, điều đó không thể chứng tỏ quan hệ nhân quả, do đó phát hiện này cần được cân nhắc thận trọng - nhưng chắc chắn nó hợp với xu hướng tổng thể tương tự như các nghiên cứu ngắn hạn, tất cả đều cho thấy cách diễn giải của chúng ta về cảm xúc cũng quan trọng như chính cảm xúc.

Những sắc thái màu xám

Sự khởi đầu của năm mới có thể là thời điểm hoàn hảo để chúng ta tìm hiểu nhiều sắc thái hơn về cảm xúc này trong thực tế.

Đối với những ai ở Bắc bán cầu, trời lạnh và ẩm hơn, trở lại làm việc có thể là cú sốc đau sau một tuần vui chơi. Một số người trong chúng ta có thể thấy mình kẹt trong nỗi buồn tháng Giêng trong khi khao khát cuộc sống tốt hơn - tạo ra cảm giác nhàm chán, thất vọng và buồn bã.

Thay vì đánh giá bản thân hà khắc đối với những cảm xúc đó, bạn có thể ngả về phía tâm trạng xấu đó và dành cho bản thân sự tự chăm sóc mà bạn thấy là cần thiết.

Nếu không chiến đấu với chính cảm xúc, bạn có thể bắt đầu đặt câu hỏi liệu những cảm xúc đó có giá trị hay không. Có lẽ chúng sẽ giúp bạn xác định được thay đổi quan trọng mà bạn có thể thực hiện trong cuộc sống của bạn.

Đôi khi chúng ta sẽ trải qua những giai đoạn tuyệt vọng mà hoàn toàn không có tia hy vọng - và chúng ta sẽ cần mọi hỗ trợ có thể có để vượt qua.

Tuy nhiên, nói chung, tâm trạng của chúng ta không phải trắng hay đen, tốt hay xấu, mà thay vào đó có nhiều sắc thái - và bằng cách chú ý đến những sắc thái đó, chúng ta có thể thấy dễ dàng hơn một chút để chế ngự giông bão của cuộc sống.