Phạm Xuân Cần - Loạng quạng Gorbachev ( Câu kết rất dễ thương )

Thứ Bảy, 03 Tháng Chín 20228:00 SA(Xem: 1401)
Phạm Xuân Cần - Loạng quạng Gorbachev ( Câu kết rất dễ thương )

18 

Chắc khoảng năm 1986 gì đó, thầy Đỗ Bính khoa mình đi học khóa bồi dưỡng giáo viên ngắn hạn ở Liên xô về. Khi mình hỏi về Gorbachev, mắt thầy sáng lên, và vẫn theo thói quen, nói nhỏ với mình, rất nghiêm trọng: “Dân Nga họ bảo là Lênin tái sinh cậu ạ”.

Vốn đã thích Gorbachev, nghe thầy Bính nói thế mình càng tò mò, nên tất cả những gì gọi là perestroika (Cải tổ)  glanos (sáng tỏ) đều đọc rất kỹ. Hồi đó trên báo Nhân Dân đăng loạt phóng sự của Thành Tín (chính là cụ Bùi Tín) về perestroika rất hay, mình đọc như nuốt từng chữ.

Thế rồi, mơ được ước thấy, tháng 10 năm 1987 mình cũng được đi Liên Xô, học lớp bồi dưỡng giáo viên ở trường đại học an ninh Liên xô, mang tên Dzeczinski, ở số 9, Khavxcaia.

Thời điểm này không khí perextroika và glasnot vẫn tràn ngập không gian, mặc dù các cửa hàng đã bắt đầu khó mua hàng. Mình phải dùng rất nhiều cái gọi là “khit tơ rưi” (tinh ranh, láu cá) của mình, kể cả trốn học mới bán hết được số hàng mang theo và mua hết số tiền thu được. Mặc dù tiếng Nga chỉ phọt phẹt, ngồi trên tàu đi Leningrat mình vẫn biết báo Ngọn lửa nhỏ đăng bài “Sự thật Lớn về vùng Đất Nhỏ”, phê phán cuốn hồi ký Đất Nhỏ của Breznev.

Một lần, một anh cũng ở trường mình, đi nghiên cứu sinh bên trường đảng “A ôn” gì đó, đến chơi, nói anh vừa đi xem phim “Bonse sveta” (“Hãy sáng tỏ hơn nữa”). Mình thầm nghĩ còn gì chưa sáng tỏ nữa nhỉ? Mà, một người dám làm “trong suốt” cả xã hội thì chắc ông ta phải rất trong sáng.

Rồi, kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng Mười (1987), trên diễn đàn, Gorbachev đọc diễn văn. Quên hết rồi, chỉ nhớ rằng ông ca ngợi Khrupsov là con người có “rất nhiều dũng cảm”. Rõ ràng, không chỉ Khrupsov, Gorbachev cũng rất nhiều dũng cảm và vô số … ngây thơ nữa, mới dám nổ súng vào một thành trì đã bám rễ vào nửa thế giới 70 năm.

Hồi đó các thầy buổi sáng trước khi giảng bao giờ cũng có tiết mục bắt buộc là nói chuyện thời sự, tất thảy đều ca ngợi Gorbachev. Ấy thế nhưng, có buổi trường mời một cựu chiến binh đến nói chuyện. Kỳ lạ thay, ông chỉ ca ngợi Stalin. Trong đó có chi tiết ông ca ngợi Stalin giản dị, cả cuộc đời chỉ có một bộ “kaxichum” (đồng phục), khác với ai đó bây giờ đi đâu cũng đưa vợ đi, quần là áo lượt”. Mình chợt hiểu, à ra vậy, không phải ở Liên Xô ai cũng ủng hộ Gorbachev.

Dù chưa có nhiều thông tin, nhất là các thông tin trái chiều, nhưng bằng trực giác mình tin rằng Gorbachev là người Cộng sản, ông thật lòng yêu Chủ nghĩa xã hội và cũng thật lòng tin rằng Chủ nghĩa xã hội có một số khuyết tật, nhưng có thể thay đổi được, để tốt hơn lên cả về kinh tế, chính trị, xã hội, để có thể nhân văn hơn, người hơn. Mình cũng vậy và tin rằng hầu hết dân Việt như mình thời đó cũng nghĩ vậy và tin vậy.

Chính vì như thế, nên sau này nghe nhiều nhà tuyên huấn kết tội ông, cho ông là cả cuộc đời chính trị của mình chỉ rắp tâm làm sao xóa bỏ Liên Xô, xóa bỏ hệ thống xã hội chủ nghĩa mình không tin. Mình chỉ tin ông muốn giải cứu Liên Xô và chủ nghĩa xã hội khỏi tình trạng mà ông gọi là “sự êm đềm trì trệ”. Ông chỉ muốn Liên Xô và chủ nghĩa xã hội tốt đẹp hơn, nhưng lực bất tòng tâm. Ông không thành công, có thể cũng như Gia Cát Lượng khi xưa: Thời chỉ đến thế.

Ông thất bại, vì hình như xung quanh ông không có nhiều người đồng tình, đồng ý, đồng chí, đồng tâm với ông, vì có những người như cựu chiến binh nọ vẫn còn nuối tiếc thời đệ nhị thế chiến. Đó là chưa kể biết bao nhiêu kẻ làm chính trị theo cách thông minh thì ít mà láu cá, thủ đoạn, tàn bạo thì nhiều hơn ông. Ngoài ra, còn các “thế lực thù địch” bên ngoài nữa, chúng nó thâm độc lắm. Hồi đó mình cũng viết, cũng nói như thế…

Hơn ba mươi năm sau khi ông rời chính trường. Thế giới đã đổi thay. Liên xô không còn. Nước Nga và các nước thuộc “phe xã hội chủ nghĩa” tất thảy đều thay đổi. Ngần ấy đổi thay, trong ngần ấy thời gian ông đều chứng kiến, kể cả sáu tháng chiến tranh khốn nạn vừa qua. Mấy tỉ người trên trái đất này, người nhớ ơn ông cũng nhiều, kẻ nguyền rủa ông cũng không ít, nhưng có lẽ tất thảy đều phải thừa nhận mọi sự thay đổi của thế giới, của mỗi quốc gia, của mỗi số phận con người trong ba thập kỷ qua đều gắn với tên ông.

Anh chàng “Lão Khoa” (Trần Đăng Khoa) đã rất “khit tơ rưi” khi cho nhân vật của mình tếu táo: "Góc bu chóp...loạng quạng thế nào làm vỡ bố nó cái Liên Xô và Đông Âu". Mình thì đồ rằng: Thượng đế vốn thích đùa, chính Ngài đã tạo nên một cuộc bể dâu lịch sử, qua bàn tay của một người “hậu đậu”, là ông.

Vậy nên, chỉ mong rằng: Bây giờ xuống dưới đó, ông đừng nên gặp lại các vị tiền bối và các đồng chí cũng như các kẻ thù của mình làm gì nữa. Sinh thời các ông mệt mỏi với nhau như thế là đủ rồi. Lỡ ra ông lại “loạng quạng” một lần nữa, dưới đó lại perestroika, rồi cả đám đó lại kéo nhau lên trên này, thì nhân loại lại mất bố nó trăm năm đau khổ nữa.

Ông hãy tìm gặp Raisa, người vợ mà ông hằng yêu quý nhất. Hai mươi ba năm nay bà vẫn đợi ông để tái hợp.

PHẠM XUÂN CẦN 02.09.2022

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn