GIẤC GÀ - CAO MỴ NHÂN

Thứ Bảy, 10 Tháng Ba 20186:00 SA(Xem: 5992)
GIẤC GÀ - CAO MỴ NHÂN
      636561900521185246zzz111

      GIẤC GÀ   -   CAO MỴ NHÂN 

 

Thế là buổi sáng xem như đã xong, 11 giờ, gọi sáng hay trưa cũng được, công việc lặt vặt giúp con cái tạm ổn định, hay đã đâu vào đấy, cho một ngày như mỗi ngày ...

Bây giờ là thì giờ riêng của mình, từ 11 giờ non trưa, tới 7 giờ gọi là chiều hay tối cũng được. 

Cái giờ chiều tối này,ở quê nhà VN có câu nói rất hay : " Trời chạng vạng tối " để đối với câu: " Trời tờ mờ sáng " . 

Đôi khi quý vị lại nôm na, dân gian, dùng hình ảnh con gà khi lên chuồng ngủ là bắt đầu tối, gọi : " giờ gà lên chuồng ",  còn sáng sớm thức dậy : " gà gáy tinh mơ " . 

Tại sao người dân ta không đưa hình ảnh chó, mèo, heo, vịt  vv...ra làm cái thước đo thời gian, tính chiều dài sinh hoạt của  một ngày, thưa vì tính cách không xác thực giờ giấc của các con vật cũng nuôi trong nhà như con gà đó.

 

Còn con gà là con vật có thái độ trung thực, trung kiên nhứt, nếu sống tập thể, nó, con gà lại có tính đoàn kết, độc lập hơn các loài vật nuôi trong nhà kia. 

Lấy một thí dụ tính đoàn kết của gà, trước nhất chúng vừa ăn vừa lục cục kêu các gà khác đang lang thang quanh đó, hay xa hơn để kiếm mồi. 

Nếu gà mái "tuổi vừa " thì nó sẵn sàng xoè cánh ra che chở 

cho đàn con đang mổ thức ăn trong sân nhà. 

Trái với con heo khi bị người ta bắt đi chết, là nó la ầm ĩ ...

Con chó ở Âu Mỹ, được chiều chuộng hơn cả các thành viên trong gia đình, hoá cho nên bao nhiêu tình cảm nông sâu, lớn nhỏ, con chó dành hết cho chủ nó . 

Còn con mèo thì lộ ra mặt tính cô đơn, hờn giận với chủ, lỡ trong nhà có những con vật khác như chó, heo mà tôi đã kể , thì con mèo cứ an phận đơn độc giữa mọi người. 

Mèo lặng lẽ đi đêm bất kể giờ giấc nào, rồi trở về khi bình minh chưa tới, ra vô nhà bằng đường máng xối vv...

 

Như vậy chúng ta yên tâm với một, vài, hay bầy gà trong nhà . Nếu là nhà vườn thì càng thú vị với cảnh tượng chó mèo heo gà trong sân . 

Nếu có buồn hay quên gì, thì gà cũng giữ kỷ luật hơn giống vật nào nuôi trong nhà, cứ đúng giờ đi ngủ chạng vạng tối, và thức dậy lúc tờ mờ sáng. 

Gà còn giữ phẩm chất căn cơ, dành dụm ...điều này không chỉ đông mà tây phương cũng xác nhận, ấy là nó đẻ ra trứng vàng, như trong văn chương đến ngoài thực tế đều đã ca tụng. 

Quý vị không tin được rằng con gà mái của chị bạn tôi,chẳng biết nó hiện diện ở căn nhà nhỏ xíu có chút vườn xinh xắn đó bao lâu.

 Nhưng thời gian sau cái năm miền nam bị Bên Cướp Cuộc phá sản, chị toàn ăn cơm với những quả trứng gà, và chị đặt cho nó danh hiệu " con hiếu kê " . 

Điều nêu trên thì bạn văn ai cũng biết, vì chị là một văn nghệ sĩ toàn ngành, có nghĩa văn thơ nhạc hoạ chị đều xuất sắc . 

Thoạt thì chỉ kể đùa với nhau, sau thành tự nhiên luôn, ai tới nhà , cũng hỏi thăm " con hiếu kê " một cách thân tình . 

 

Thiên hạ ở đời dù đông hay tây, cũng chỉ dắt chó đi chơi, ôm mèo dạo phố, chớ ai xách gà đi đây, đi đó làm gì, ngoại trừ dọn nhà hay đi bán chợ, hoặc biếu xén ai thân, ai quen chẳng hạn.

Ở vùng kia, tôi có dịp tới thăm nhà bạn vốn nặng phần hình thức lễ nghi dọn cơm " đãi khách ". 

Nhà đó cứ áp dụng thói quen xưa rích là : " vịt đón, gà đưa " . 

Trong mâm cơm thịt vịt luộc chặt miếng to, chấm với nước mắm gừng, rồi bún măng vịt, và đặc biệt là đĩa tiết canh tươi màu tiết vịt, họ đệm lòng mề vịt cùng cổ cánh vịt băm nhỏ , rồi chan đều tiết vịt hãm nước mắm ngon đã hoà tan theo một công thức không kinh điển, mà tuỳ kinh nghiệm mỗi nhà khác nhau.

Hình thức vậy cũng chẳng có gì rầy rà, rau thơm, ngò vv...bày cho đẹp mà cũng để ăn luôn. 

 

Còn " Gà đưa ", thì chính là bữa tiệc lưu tiễn, lớn nhỏ tuỳ theo quý khách sắp ra đi, để hoặc là thời gian lâu hay mau nữa mới  về lại, mới tái ngộ, hoặc giả đôi khi không về nữa , không tái ngộ nữa .

Đó chính là những buổi rượu tiễn người thân kẻ lạ, ăn rồi qua sông, lên đường đi bát ngát bốn phương trời ...

Do đó quý vị không lạ, là trên bàn cúng, thường thấy con gà luộc còn xếp y thân hình, đặt trong khay hay đĩa lớn, đầu gà để vươn lên, mỏ ngậm một cánh hoa hồng lợt hay bông huệ trắng . 

Tất cả cũng chỉ là tôi thấy được trên đường trường thiên lý, mà suốt thời gian tôi làm công tác xã hội trực diện các làng xã, trại gia binh, hay xưa hơn, tôi ở trong các toán công tác xã hội của nhiều chương trình xã hội ngoài thành phố . 

Chứ nếu cứ ngồi một chỗ, không thể tưởng tượng hết cảnh lệ làng. 

Tuy nhiên tập tục có thể thay đổi, vì năm tháng cũng mỗi lúc mỗi phôi pha. Chỉ có tiếng gà gáy là sống mãi với thời gian ...

 

Tiếng gà gáy cũng nhuốm mầu ...văn chương bình dân, nhưng tác động vào tâm tư tình cảm quý vị tao nhân mặc khách. 

Tiếng gà gáy sáng, gọi bình minh về, nghe vui tươi lạc quan quá. 

Tiếng gà chiu chắt hoàng hôn, trước khi lên chuồng, tròn giấc ngủ cho ngày sau sinh hoạt bình thường, nghe như tiếng thở dài thân phận... gà ở đời. 

Nhưng có giọng gà trưa eo óc, nó , gà đang đứng buồn tênh giữa vườn rau, bên ao cá, trong  xóm vắng lênh đênh...hoặc gà lang thang ngoài đồng vắng ...

Tiếng gà trưa này làm xao xác kỷ niệm vọng về, thăm thẳm nỗi buồn, đó là tiếng gà trưa mà thi sĩ Lưu Trọng Lư  " Nhớ Mẹ" thủa lên mười, cảnh đó chỉ thấy ở những miền châu thổ 

Bắc kỳ quá khứ thôi: 

 

Mỗi lần nắng mới hắt bên song

Xao xác gà trưa gáy giữa đồng 

Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng 

Chập chờn sống lại những ngày không...

     ( Nhớ Mẹ - Lưu Trọng Lư  ) 

 

Thành có thể nói con gà cũng tình cảm như...người ta vậy .

Bởi nó phải thế nào mới phát ra tiếng gáy như nêu trên. 

Và hình ảnh não nề nhất của con gà, chính là lúc nó bị rù, người ta kêu " gà rù ",khiến chẳng ai dám ăn, đã có hàng loạt gà rù chết trước kia . 

Và nỗi khổ vô cùng của con gà, là nó bị nuốt phải giây thung...

Con gà nuốt  giây thung đứng ậm ịch khốn khổ,nó chưa rũ thân hình xuống như gà rù ...sợi giây thung đã bị nuốt xuống cần cổ. 

Con gà nuốt giây thung cố gắng vươn cổ lên, tắc cả giọng, rồi từ từ rũ xuống, bởi lẽ cái giây thung đã bung ra, nhưng không trôi xuống... bao tử nó được, mà đã cản ngang cổ họng, cho tới chết vì nghẹt thở . 

Ôi, nó đã chết thật tình cờ, mà tôi chứng kiến ở nông trường X, không ai cứu nó , người ta đợi nó " xong ngay", để sẽ có món " cải thiện" cơm gà nuốt giây thung hôm đó .

 

Và đó là chuyện kể ở VN thôi, bên Mỹ gà nuôi công nghiệp,  trại gà 20,000 ( hai mươi ngàn ) con, gà được ở trong chuồng mấy tầng xếp lớp, như một " chung cư " , của chủ trại lớn ở Fresno,  vị đó là một sĩ quan công binh cùng gia đình di tản ngay buổi tiên phuông ra biển, năm 1975. 

Như vậy, gà nuôi cũng lắm công phu ...

 

CAO MỴ NHÂN (HNPD)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn