Hội Đồng Nguyễn Phúc bác bỏ tin đưa mộ Vua Bảo Đại về Việt Nam

Thứ Bảy, 13 Tháng Tám 20226:00 SA(Xem: 2288)
Hội Đồng Nguyễn Phúc bác bỏ tin đưa mộ Vua Bảo Đại về Việt Nam

THỪA THIÊN HUẾ, Việt Nam (NV) – Hội Đồng Nguyễn Phúc (Phước) Tộc Việt Nam vừa bác bỏ tin đồn cho rằng dòng tộc của Cựu Hoàng Bảo Đại đang đề nghị đưa mộ ông về nước và xin cấp 15 hécta đất để làm nơi thờ tự, xây dựng lăng mộ cho cựu hoàng.

“Đưa lăng mộ vua Bảo Đại về nước thì cũng có một vài ý kiến trong dòng tộc mong muốn như vậy nhưng chưa có chính thức gì cả. Còn việc 15 hécta đất thì chúng tôi chẳng có đề nghị gì hết. Cho nên những cái đó là tin không chính xác, không phải thông tin chính thức,” báo Người Lao Động hôm 12 Tháng Tám dẫn phát ngôn của ông Nguyễn Phước Bửu Nam, chủ tịch Hội Đồng Nguyễn Phúc (Phước) Tộc Việt Nam.

VN-Khong-dua-mo-Bao-Dai-ve-1
Dòng chữ trên mộ Cựu Hoàng Bảo Đại. (Hình: VisitHue.vn)

Báo Người Lao Động cũng dẫn lời ông Võ Lê Nhật, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân thành phố Huế, xác nhận đến nay thành phố “không có chủ trương gì về việc lập 15 hécta đất để xây dựng lăng mộ, khu thờ tự Vua Bảo Đại, cũng như không nhận được đề nghị nào từ phía Hội Đồng Nguyễn Phúc Tộc.”

Cựu Hoàng Bảo Đại sinh năm 1913 với tên khai sinh là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Ông là vua thứ 13 và là vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn, cũng là vua cuối cùng của chế độ phong kiến trong lịch sử Việt Nam. Ông qua đời vào ngày 31 Tháng Bảy, 1997, tại Paris, Pháp, và được mai táng tại nghĩa trang Passy.

Theo bài của nhà văn Huy Phương trên nhật báo Người Việt vào Tháng Tư, 2013, nghĩa trang Passy là một nghĩa trang nổi tiếng được xây dựng từ đầu thế kỷ 19, nơi chôn cất nhiều nhân vật lừng danh như người sáng lập công ty xe hơi Marcel Renault (1872-1903), Tổng Thống Pháp Alexandria Millerand (1859-1943)… Vua Bảo Đại không tiền và cũng không có thế lực để được chôn cất tại đây, đây là phần mộ của một thương gia giàu có ở Paris, rất kính trọng cựu hoàng, khi nghe ông qua đời đã hiến phần đất này cho ông.

Về việc xây mộ cho Cựu Hoàng Bảo Đại, khi ông qua đời ở Paris, chỉ có người vợ cuối cùng của ông là bà Monique Baudot, người Pháp ở bên cạnh, và trên pháp lý, chỉ có bà Monique, người vợ có hôn thú còn sống, mới có quyền xây mộ cho ông.

Ngôi mộ ban đầu không có bia, không khắc tên, chỉ trơ trọi hai tấm “đan” xi măng sần sùi, với mấy chậu hoa đã quá cũ kỹ qua thời gian.

Sau đó, ông Bảo Ân, con trai út của Cựu Hoàng Bảo Đại và bà Lê Phi Ánh – người vợ không hôn thú của cựu hoàng trong thời gian ở Đà Lạt, từ Mỹ sang Pháp xây mộ cho phụ hoàng. Tốn phí cho công trình xây mộ ước tính ban đầu là khoảng 25,000 euro.

VN-Khong-dua-mo-Bao-Dai-ve-2
Mộ Cựu Hoàng Bảo Đại tại nghĩa trang Passy, Paris, Pháp. (Hình: VisitHue.vn)

Bà Phi Ánh có hai người con với cựu hoàng là bà Nguyễn Phúc Phương Minh sinh năm 1950 đã qua đời tại Mỹ năm 2012 và ông Bảo Ân, sinh năm 1951, đang sống tại thủ phủ tị nạn, Westminster.

Bà Phi Ánh mắc bệnh ung thư và qua đời năm 1984 tại Việt Nam trong lúc chờ đợi đi Mỹ theo giấy bảo lãnh của người chồng sau của bà sau khi ông vượt biên sang Mỹ thành công vào năm 1978.

Năm 1985, bà Phương Minh và các con riêng của bà Phi Ánh đi định cư ở Mỹ.

Thời điểm này ông Bảo Ân đã có gia đình, không đủ điều kiện ra đi. Mãi đến năm 1992, gia đình ông Bảo Ân được gia đình bên vợ bảo lãnh, sang Mỹ và định cư tại Orange County. (N.H.K) [qd]

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn