• Kate Morgan
  • BBC Worklife

Kate Morgan

Nguồn hình ảnh, Kate Morgan

Nhiều năm về trước, khi Heather Marcoux, 37 tuổi, sắp sinh con trai, hai vợ chồng cô nghĩ rằng bé sẽ là con đầu và họ sẽ có thêm nhiều con sau đó.

"Tất nhiên chúng tôi nghĩ sẽ có nhiều hơn một bé," Marcoux cho biết, cô sống ở Alberta, Canada. Nhưng ngày nay, cặp đôi rất chắc chắn là cậu con trai của họ đang ở tuổi tiểu học sẽ không có thêm anh em gì nữa. "Chúng tôi có thể dành cho con cuộc sống khá tốt," cô chia sẻ. "Nhưng nếu chúng tôi có thêm bé nào nữa, thì chất lượng sống sẽ giảm sút thấy rõ."

Đó một phần là quyết định tài chính; thậm chí với thu nhập chung của Marcoux và chồng nhập lại, thì chăm sóc con cái vẫn rất vất vả, và họ sẽ không thể tiết kiệm được nhiều. Nhưng quyết định này cũng một phần vì không có hỗ trợ nào và họ nghi ngại về tương lai.

"Tôi cảm thấy có thêm con sẽ là gánh nặng mà chúng tôi không chịu nổi," Marcoux thú thật. "Không ai muốn nghĩ tạo dựng gia đình là gánh nặng. Thậm chí chỉ nói ra điều đó thôi đã là quá đáng rồi. Nhưng nhiều ngày chúng tôi nghĩ mình không thể làm nổi dù chỉ có một con. Làm sao chúng tôi có thể [sống nổi] nếu có nhiều con? Một số thành viên trong gia đình thất vọng khi biết chúng tôi quyết định như vậy, nhưng thế giới giờ đây đã khác."

Tỷ lệ sinh toàn cầu đang sụt giảm. Đây không hẳn là tin tức mới mẻ gì; tỷ lệ sinh vẫn theo chiều đi xuống từ năm 1950, theo dữ liệu mà tổ chức phi lợi nhuận có tên Cục Tham chiếu Dân số từ Washington DC ghi nhận.

Nhưng tỷ lệ sụt giảm những năm gần đây đặc biệt cao: trong năm 2021, tỷ lệ sinh toàn cầu là 2,3 trẻ trên một phụ nữ; vào năm 1990, tỷ lệ này là 3,2.

Một khảo sát mới gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew nhận thấy tỷ lệ người lớn không có con ở Hoa Kỳ từ 18 đến 49 tuổi vẫn ở mức độ như cũ. Với mỗi quốc gia châu Âu, tỷ lệ thụ thai năm 2021 là dưới 2,1 trẻ/phụ nữ, tức dưới mức được coi là "tỷ lệ thay thế" dân cư. Ở một số các quốc gia trong nhóm này, tỷ lệ sinh đạt mức thấp chưa từng thấy.

Không khó để tưởng tượng vì sao người trẻ ngần ngại sinh nhiều con. Họ càng ngày càng khó đạt được mức ổn định tài chính hơn trước.

Cứ 10 người Mỹ chưa đến tuổi nghỉ hưu thì có một người nói tình hình tài chính của họ sẽ không bao giờ hồi phục được vì đại dịch, và mức lạm phát đáng kể sẽ tiếp tục bao trùm Châu Âu.

Ở nhiều nơi, sở hữu nhà gần như hóa thành giấc mơ không tưởng. Bất ổn về chính trị và dân sự tràn lan khắp thế giới, và vấn đề biến đổi khí hậu vẫn đang trong cuộc khủng hoảng. Từ đó người ta dễ dàng cảm thấy tương lai thật ảm đạm.

"Cách lý giải trọng tâm là sự bất an ngày càng gia tăng," Daniele Vignoli, giáo sư về nhân khẩu học từ Đại học Florence phát biểu trong bài thuyết trình tại một hội thảo nghiên cứu do Viện Đại học Châu Âu tổ chức qua Zoom.

Tốc độ biến động ngày càng tăng, cũng như cơ chế của "sự thay đổi trên nhiều lĩnh vực," ông giải thích, "khiến cho mỗi người càng khó có thể dự báo được tương lai".

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Sự bất an về tài chính, biến đổi khí hậu và bất ổn chính trị khiến nhiều bậc cha mẹ phải nghĩ lại về việc nên có bao nhiêu con

Và khi tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu được cải thiện sau thời suy thoái, thì mức cải thiện lại không tương đương nhau trong các ngành nghề và theo cấp độ.

"Số việc làm tốt dành cho người thuộc nhóm thu nhập thấp và thu nhập trung bình giảm dần - các việc từ nghiệp đoàn, nghề xây dựng, việc sản xuất - các công việc này không quay trở lại, và đó là các việc làm tốt và ổn định dành cho người có học thức thấp," Gemmill cho biết.

Một nghiên cứu ở Hoa Kỳ năm 2019 cho thấy một số công việc đã biến mất, trong đó có nhóm việc về sản xuất, gây tác động đáng kể hơn với tỷ lệ thất nghiệp lên tỷ lệ sinh sản nói chung.

Gemmill cho biết thêm việc làm thời vụ và việc làm theo ca - là những công việc thường không có phúc lợi gì cho gia đình, như tiền chăm sóc con cái hay bảo hiểm sức khỏe ở những quốc gia tư nhân hóa - làm dấy lên lo lắng về sự ổn định trong tương lai, và điều này ảnh hưởng đến quyết định sinh con.

Sự bất ổn kinh tế cũng ảnh hưởng đến việc làm cũ và gây bất an trong vấn đề nhà cửa. Một nghiên cứu gần đây do Trung tâm Biến động Dân số từ Đại học Southampton, Anh Quốc cho thấy quan niệm thông thường cho rằng mọi người sẽ có nhà trước khi sinh con - quan niệm này thể hiện qua dữ liệu thu thập được đến năm 2012 - và giờ đây không còn đúng nữa. Trong thực tế, hiện thực tài chính có thể khiến người trẻ phải chọn giữa chuyện mua nhà hay có một hoặc nhiều con.

"Nói chung sự đứt gãy giữa quyết định sở hữu nhà và làm cha mẹ đã ảnh hưởng đáng kể tới việc làm cha mẹ," giáo sư Ann Berrington, trưởng nhóm nghiên cứu, lý giải trong thông cáo báo chí. "Nếu đây là nguyên nhân, như chúng tôi thấy, thì việc sở hữu nhà ngày cạnh tranh về mặt chi phí so với việc sinh con, thế cho nên có vẻ như những người mua được nhà sẽ phải tính chuyện hoãn chuyện sinh con, hoặc thậm chí là bỏ luôn ý định sinh con."

Marcoux cho biết áp lực phải trả góp tiền nhà và chăm sóc tổ ấm là một phần nguyên nhân khiến cô quyết định không sinh thêm con.

Cô nói rằng cứ nghĩ đến cảnh có chuyện đó kinh khủng xảy ra khiến cả nhà rơi vào khủng hoảng tài chính là điều thật đáng sợ. Marcoux cho biết thêm, hơn nữa, cô còn lo lắng cô không chu cấp đầy đủ cho con trai hiện giờ.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Cha mẹ mỗi thế hệ đều có áp lực, nhưng truyền thông hiện đại khiến cha mẹ ngày càng phải đối phó với nhiều chuyện kinh khủng xảy ra trên thế giới

"Cộng đồng đã bị bào mòn"

Với người muốn làm cha mẹ, lo lắng về tài chính có thể kết hợp với lo ngại về bất ổn chính trị và dân sự, cả ở địa phương và trên toàn cầu - và nỗi sợ có thể trầm trọng hơn vì sự hiện diện thường trực của truyền thông trong đời sống hàng ngày, thứ có thể làm sự chia rẽ và xung đột ngày càng sâu sắc hơn.

Dù chiến tranh và vấn đề chính trị có thể xảy ra với gần như mọi thế hệ ở khắp nơi, nhưng cha mẹ ngày nay dường như phải đối mặt với một thế giới đáng sợ hơn rất nhiều so với thời cha mẹ hay ông bà của họ.

Dù tuổi thọ của con người cao hơn bao giờ hết, công nghệ phát triển và khả năng tiếp cận với điều kiện chăm sóc y tế hiện đại, phương tiện truyền thông có mặt ở khắp nơi nghĩa là ta ngày càng chú tâm vào những điều khủng khiếp xảy ra khắp toàn cầu, từ thiếu thốn lương thực tới tình trạng xả súng trong trường học.

Dữ liệu mới đây từ Chỉ số Hòa bình Toàn cầu, một báo cáo thường niên do Viện Kinh tế và Hòa Bình ở Sydney thực hiện, cho thấy tình trạng bất ổn dân sự đã tăng gấp đôi trên thế giới trong thập niên vừa qua, với sự gia tăng đáng kể vào năm 2020, khi tỷ lệ tăng toàn cầu tới 10%.

Bốn mươi năm dữ liệu ở khắp các quốc gia có xảy ra tình trạng xung đột cho thấy tỷ lệ sinh con giảm xuống khoảng 1/3 trong thời kỳ bất ổn. Theo Gemmill, người ta sinh ít con hơn khi họ hoảng sợ nghĩ đến những gì con cháu họ sẽ phải đối phó.

Marcoux cũng cảm thấy tình trạng chia rẽ ở ngay khu vực nơi cô sống. Cô cho biết không còn cộng đồng nữa, và điều đó khiến cha mẹ cảm thấy khó khăn và cô đơn hơn trước đây. "Khi tôi còn bé vào đầu thập niên 1990, tất cả các bà mẹ trong khu phố đều ở nhà làm mẹ. Mọi người luôn ở cạnh nhau, bạn quen biết hàng xóm và bạn có cộng đồng hỗ trợ," cô chia sẻ.

Marcoux cho biết cô không cảm thấy có sự hỗ trợ như vậy nữa, và cảm giác bị cô lập khỏi cộng đồng khiến cô sợ phải làm mẹ.

Trong một nghiên cứu năm 2018, 2/3 người trẻ Hoa Kỳ trong thế hệ thiên niên kỷ được khảo sát cho thấy họ cảm thấy mất kết nối khỏi cộng đồng - đây là phát hiện không hay ho gì, vì sự gắn bó xã hội là một trong những chỉ dấu mạnh nhất cho thấy mức độ hạnh phúc.

"Chúng tôi thậm chí không quen hàng xóm. Tôi nghĩ cộng đồng đã bị bào mòn," Marcoux nói. "Và giờ đây, đặc biệt là khi các vấn đề chính trị thực sự xuất hiện ở tuyến đầu, một số người dần mất đi quan hệ với những người mà họ từng tin tưởng trong quá khứ, bởi niềm tin, phẩm giá và đạo đức của các bên đơn giản là không còn phù hợp với nhau nữa."

Khí hậu bất an

Trong khảo sát của Pew, khi họ hỏi những người nói có thể sẽ không sinh con trong tương lai, thì 5% trong số đó viện dẫn lý do môi trường.

Một khảo sát năm 2019 cho tờ Business Insider thực hiện cho thấy gần 1/3 người Mỹ, trong đó khoảng 40% trong độ tuổi 18-29, cho rằng các cặp đôi nên "suy xét tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu khi quyết định có nên sinh con hay không."

Dân số tăng không phải nguyên nhân duy nhất làm tăng dấu vết carbon của nhân loại, Marcoux cho biết, cô lo sợ thế hệ tiếp theo sẽ chịu hậu quả nặng nề nhất vì biến đổi khí hậu, và cô lo lắng về tình trạng Trái Đất mà con cô và có thể cháu của cô sẽ thừa hưởng.

Cô cho biết khủng hoảng biến đổi khí hậu chỉ càng làm gia tăng quyết tâm không sinh thêm con.

"Tại sao tôi phải sinh thêm một đứa trẻ vào sự hỗn loạn khi tôi nghĩ về tương lai và hoảng sợ thay cho bé? Tôi từng thức khuya suy nghĩ tương lai của con sẽ ra sao," cô nói. "Đây là vấn đề mà hai vợ chồng tôi liên tục thảo luận. Anh ấy tự hỏi liệu chúng tôi đã chọn đúng hay không? Liệu ta có đè gánh nặng lên vai con vì nó phải gánh chịu hậu quả? Liệu ta có quá ích kỷ?"

Đó là những câu hỏi khiến cả thế hệ người lo lắng khi họ phải quyết định xem nên sinh bao nhiêu con, hoặc liệu có nên sinh con hay không, trong tình cảnh ngày càng nhiều báo cáo tồi tệ về sức khỏe của hành tinh.

Nguồn hình ảnh, Ảnh do Kate Morgan cung cấp

Chụp lại hình ảnh,

Vượt qua nỗi sợ là sự phấn khích sâu sắc bên trong và là sự lạc quan không thể nào nhầm lẫn được - theo tác giả Kate Morgan

"Tôi không ngờ rằng đỉnh điểm của tình trạng khí hậu sẽ xảy ra trong thời điểm vàng sinh con của tôi," biên tập viên chuyên viết về mảng thám hiểm trên tạp chí Sierra Kate O'Reilly viết trong một bài báo năm 2019 đăng trên tạp chí này, bài báo có chủ đề về sự vật lộn với quyết định có nên làm mẹ hay không, khi cô đang là phóng viên tường thuật về môi trường trong kỷ nguyên khủng hoảng khí hậu.

"Tôi không thể nào phớt lờ sự thật là mọi thứ ngày càng trở nên đen tối hơn cho thế hệ con tôi. Làm sao tôi có thể nhìn vào mắt đứa con chưa thành hình của mình và nói rằng tôi sẵn sàng đưa con vào thế giới hỗn loạn và ngày càng không thể sống nổi, rằng tôi biết tất cả những con thú trong sách tranh của bé rồi sẽ tuyệt chủng?"

Sự lạc quan trong bất an

Khi tôi viết bài báo này, đứa con đầu lòng của tôi cựa mình và đạp chân trong bụng tôi. Tôi được ban phước khi mang thai bé suôn sẻ về mặt thể chất, nhưng về tinh thần và cảm xúc, tôi chìm ngập trong cảm giác lẫn lộn, mù mờ khi sắp phải làm mẹ.

Tôi nghĩ rằng ở tuổi 31 tôi đã có tình trạng tài chính khác trước. Số tiền nợ vay thời sinh viên tôi vẫn chưa trả xong, và trừ khi có có những thay đổi quan trọng về luật pháp đối với khoản vay này, ít nhất tôi vẫn sẽ tiếp tục mang nợ cho đến khi con tôi vào mẫu giáo.

Tôi sống ở vùng nông thôn Pennsylvania, Hoa Kỳ, nơi chi phí cuộc sống thấp và tôi có thể dễ dàng tiếp cận các loại thực phẩm từ địa phương, giá rẻ và lành mạnh.

Nhưng tôi đang thuê nhà, sống xa gia đình, và dù tôi có hàng xóm và cộng đồng đáng mến, tôi khó có thể nào rũ bỏ cảm giác không yên ổn.

Tôi lo lắng khi phải sinh con trong thời đại dịch, và sinh con trong một quốc gia mà sự bình ổn về chính trị cảm thấy rất mong manh. Tôi lo lắng về nhiều thứ.

Áp chế nỗi sợ là sự phấn khích sâu sắc từ bên trong và là sự lạc quan không thể nhầm lẫn được.

Tôi mong chờ sẽ được đi dạo cùng con trong thế giới tự nhiên, dù nơi ấy đã bị hủy hoại ít nhiều, tôi muốn chỉ cho con thấy những cây thân gỗ trên dãy Appalachia và những con bướm đêm và sò, và lớp tuyết dày trên đồi trượt tuyết.

Tôi tự nhắc bản thân rằng ta đơn giản là cố gắng hết sức để giúp con cái quen với vấn đề của thế giới thay vì sợ hãi, và giúp con mạnh mẽ hơn để chúng tin tưởng rằng chúng có thể giúp làm điều đúng.

Làm mẹ thật đáng sợ, nhưng tôi cảm thấy đây là điều đúng mình đã chọn. Dường như cả hai cảm giác đều rất thành thật.