Việt Nam: Khi đàn ông thích kể chuyện tục tĩu còn phụ nữ cam chịu

Hình minh họa

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chống quấy rối tình dục nơi công sở ở Việt Nam không hề dễ dàng khi nhiều người coi việc kể các câu chuyện tục tĩu về tình dục là biểu hiện của khiếu hài hước.

Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc do Bộ Lao động, thương bình và xã hội, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và Tổ chức Thương mại công nghiệp VCCI cùng soạn thảo đang gợi ra nhiều thảo luận.

Dự thảo này xác định ba hình thức quấy rối tình dục tại nơi làm việc gồm: quấy rối thể chất, quấy rối bằng lời nói và quấy rối tình dục không bằng lời nói.

Một số điều khoản trong dự thảo này như các động tác nháy mắt liên tục, mô tả trực quan về tình dục trở thành chủ đề tranh cãi trên mạng.

'Trò đùa tình dục'

Thu Hương (TP.HCM) làm việc tại một văn phòng ở thành phố Thủ Đức.

Cô cho hay các cuộc tán gẫu nơi công sở và cuộc nhậu của đồng nghiệp thường đi kèm những câu chuyện tiếu lâm về tình dục. Đối tượng trong các câu chuyện đó không ai khác là phụ nữ.

Nhiều đồng nghiệp nam của Hương tin rằng việc kể nhiều chuyện tiếu lâm tục tĩu là cách thể hiện sự hài hước - dù các đồng nghiệp nữ không nghĩ vậy.

Theo Hương, trong chốn công sở Việt Nam, việc lên tiếng hay bày tỏ thái độ với các câu đùa này sẽ dễ bị quy chụp là người khó chịu và bị đồng nghiệp xa lánh. Vì thế họ chọn cách im lặng.

Trả lời BBC, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội, Hà Nội, cho rằng các câu đùa tục tĩu ở Việt Nam thường phổ biến và mọi người công khai kể trong các nhóm đồng nghiệp. Dù có người không thoải mái thì việc xử lý như một hành vi quấy rối tình dục rất khó.

Nhưng theo bà Khuất Thu Hồng, thực tế ở Việt Nam cho thấy, bản thân nhiều người không biết rằng họ đang quấy rối người khác.

"Chính vì thế chúng ta cần quy tắc ứng xử. Vì ranh giới giữa hành vi văn hoá và quấy rối tình dục rất mong manh, tuỳ thuộc vào bối cảnh. Nhất là trong nền văn hoá mà các trò đùa về tình dục khá phổ biến và phụ nữ là đối tượng của các trò đùa ấy," bà nói với BBC.

Thậm chí, có những phụ nữ cũng không ý thức được việc mình bị quấy rối. Theo bà Thu Hồng, quan niệm "làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu" khiến nhiều phụ nữ coi các trò quấy rối hay trêu đùa tình dục là chuyện bình thường.

Vì thế, chuyên gia về giới này cho rằng bộ quy tắc sẽ chỉ ra rằng hành vi nào là quấy rối và không được phép.

"Mọi người phải học để tới khi họ nhận ra là họ không thể tiêu hoá những trò đùa tình dục nữa", bà Hồng nói.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Điều khoản chống quấy rối 'thành trò cười'

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nêu thực tế là bộ quy tắc này đã có từ năm 2015 nhưng "chưa từng được giới thiệu rộng rãi". Mà nếu có giới thiệu thì "cũng không gây xúc động cho ai cả".

Câu chuyện nhận thức vẫn là điều khó khăn nhất khi đưa các quy tắc này vào chốn công sở Việt Nam.

"Ở Việt Nam, nhiều người vẫn quen hoà giải hay lờ đi, tại vì phụ nữ thường thấp cổ bé họng nên họ cam chịu. Người bị quấy rối cũng không muốn lên tiếng vì mình mất nhiều hơn được," bà Hồng nói thêm.

Hạn chế này chỉ có thể được khắc phục nếu các doanh nghiệp, công sở đưa việc chống quấy rối tình dục vào nội quy của mình. Nhưng có vẻ với đa số, người lao động chưa ý thức được quyền, còn chủ lao động chỉ mong "càng ít rắc rối càng tốt".

Nhưng không có nghĩa là quấy rối tình dục nơi công sở không diễn ra. Bà Hồng nói nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã "cuống lên tìm người giúp đỡ" khi sự việc quấy rối tình dục nổ ra và thu hút sự quan tâm của dư luận.

Tuy nhiên, phản ứng của dư luận trong nước sau khi dự thảo được công bố khiến một số chuyên gia ngạc nhiên.

Dù nhìn nhận rằng một số thuật ngữ có thể dịch từ tiếng Anh chưa hợp lý, bà Thu Hồng cho rằng nhiều người đã cố tình giễu cợt, diễn giải ngô nghê.

"Người ta cũng hiểu nhưng cứ cố tình đem ra làm trò cười", bà Hồng chia sẻ.

Dự thảo có một số điều 'chưa phù hợp'

Trong khi đó, nói với báo chí Việt Nam, một số chuyên gia khác cho rằng Dự thảo Bộ quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc còn chưa phù hợp.

PGS Trịnh Hòa Bình, chuyên gia xã hội học, nêu quan điểm với báo Thanh Niên: "Các khái niệm đưa ra trong bộ quy tắc ứng xử phải chuẩn xác, chuẩn mực thì mới có thể áp dụng được trong thực tiễn."

"Dự thảo đưa ra các khái niệm mơ hồ như: nháy mắt liên tục, nhìn gợi tình… người đọc hiểu đa nghĩa, không đạt được sự thống nhất giữa các bên sẽ gây hiểu nhầm, không khéo có thể bị lợi dụng viện dẫn những hành vi đó để vu khống, bôi nhọ, kiện tụng nhau vì mục đích cá nhân."

Thạc sĩ Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia bình đẳng giới, nói với báo Thanh Niên: "Các quy tắc, tiêu chuẩn đưa ra thực hiện tiêu chuẩn phải phù hợp với văn hóa, truyền thống của Việt Nam. Nếu khó và rối thì doanh nghiệp không thực hiện được. Hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc đã được quy định rõ trong bộ luật Lao động 2019, chúng ta đã có nghị định hướng dẫn nghiêm cấm và xử phạt hành vi này."

"Do đó, chỉ cần các cơ quan, đơn vị đưa các điều khoản vào thực hiện trong nội quy của cơ quan, đơn vị đáp ứng được yêu cầu luật định là đủ, không cần thiết phải có bộ quy tắc ứng xử," bà Hồng bày tỏ trên báo Thanh Niên.

'Cần tạo niềm tin'

Trong khi đó, bà Hương Giang, chuyên gia về giới của CARE Quốc tế tại Việt Nam, cho rằng những hành vi quấy rối tình dục cần phải ngăn cấm như lời nói ngụ ý về tình dục, chuyện cười tình dục nhưng lại thường xuyên diễn ra nơi công sở và không bị lên án đúng mức.

"Quấy rối tình dục gây ảnh hưởng tâm lý, sự lo lắng, căng thẳng cho nạn nhân, dẫn đến môi trường làm việc không an toàn," bà Hương Giang nói với BBC.

"Việc có bộ quy tắc hay không chưa chắc đã giúp nhân viên, đặc biệt là nhân viên nữ lên tiếng về hành vi quấy rối tình dục."

"Điều quan trọng là cơ quan, doanh nghiệp cần tạo được niềm tin cho nhân viên về việc sẽ được bảo vệ khi lên tiếng. Để làm được điều đó, các cơ quan cần biến bộ quy tắc này thành nội quy, quy định hoặc quy tắc ứng xử của chính đơn vị mình, kèm theo các chế tài xử lý nghiêm khắc và một quy trình báo cáo đủ công bằng, bảo mật," bà Hương Giang nêu quan điểm.