CHẤT NHA PHIẾN HUẾ - CAO MỴ NHÂN

Thứ Tư, 08 Tháng Mười Một 20176:00 SA(Xem: 7012)
CHẤT NHA PHIẾN HUẾ - CAO MỴ NHÂN
            636456630779368409zzzxxxcccvvv

       CHẤT NHA PHIẾN HUẾ   -   CAO MỴ NHÂN

 

Cha ơi, đã nói rồi, mà thề rồi nữa, là không đụng tới " Huế của anh", chỉ vì anh làm quyền với tui quá mức đi ...

Nhưng chết nỗi tui lại ưa cái vẻ " làm quyền" của anh, khiến khổ như rứa mờ răng tui vẫn chịu phép anh mới lạ. 

Bởi ri, buổi trưa, tui bỗng cảm thấy giận anh quá, anh đừng cười ghẹo tui chớ, tui thấy anh lúc mô cũng không muốn thua một ai. 

Anh ngó tui sắp ca tụng ông mô Huế, quả là tui đang khen ông Huế nớ thiệt. Biết ai không đố quý vị ? 

Khen ai thì nói huỵch toẹt ra, ai giựt mô mà giấu giếm chớ . 

 

Số là tui nghe lại cái bài thơ " Giọng Huế" của thi sĩ tiêu lang Tô Kiều Ngân, vì chẳng ai nói giọng Huế cho tui nghe ở xứ này. 

Anh giả bộ như không quen tui, không nói giọng Huế  cho tui nghe, thì tui phải kiếm tay tổ giọng Huế thủ thỉ bên tai cho bõ nhớ...

 

Ngắt một chút mây trên lăng Tự Đức

Thả vào mắt em thêm một dáng u hoài

Đôi mắt ấy vốn đã buồn thăm thẳm

Thêm mây vào, e tan nát lòng ai ...

     ( Giọng Huế - Tô Kiều Ngân ) 

 

Tui thấy anh giả đò quay đi, làm như Huế không ăn nhậu chì với anh vậy. Nói ra, anh sẽ bảo: " Mắt mấy o Huế buồn thăm thẳm, chớ có ai mắt xếch như ...

Như ai hở? Phải biết là đôi mắt Điêu Thuyền này thực sự đã có mấy người lận, không phải một mô,  đòi ...bơi trong nớ, khổ lắm tề, nhưng đây không màng, đây chỉ thích bơi trên dòng sông Hương, khúc cầu Lòn, nhà ông chú ở đó. 

Anh không háy, răng ngỡ như anh háy vậy . 

Mình tiếp luôn: 

 

Anh quỳ xuống, hôn lên đôi mắt đó

Bỗng dưng sao thương nhớ Huế lạ lùng

Chắc tại em ngồi bên anh thỏ thẻ

Tiếng quê hương xao động đến vô cùng 

     ( Giọng Huế- Tô Kiều Ngân) 

 

Anh lúc lắc cái đầu, nở nụ cười thật kẻ cả : " ông ni ghê thật, mới thấy đôi mắt o Huế buồn tan nát lòng, đã vội quỳ xuống, để nói lên...chi rứa ? 

Nói lên gì đâu chưa thấy, có lẽ 2 tiếng " thỏ thẻ " là bao gồm tình tiết chuyện rồi.

Anh gật đầu ngay, dù tui đang tưởng tượng thôi, nhưng chắc chắn anh phê phán, vì có Huế đi nữa, anh vẫn không quên cái thiên chức huấn luyện tác chiến, phải rõ ràng, không lính  đi sai mục tiêu của anh thì sao ? 

Do đó, anh lên giọng ...trầm với tui, bởi vốn anh giọng trầm ấm, nên  tăng độ âm thanh cho vui vẻ đó mờ. 

 

Ông nhà thơ thiếu tá QL/ VNCH này dùng " thỏ thẻ " là vừa nói lên tất cả, thay cho việc gạch đầu dòng, vừa diễn tả giọng Huế đó .  

Chưa hết, thi sĩ Tô Kiều Ngân còn đốt thêm giai đoạn: Mới gặp thôi, đã có cuộc hẹn hò ...

Song mục đích vẫn là trưng ra từ ngữ Huế, mà ai Huế cũng biết : " Em sợ lắm ", tiếng thân quen của các o Huế gần như là câu trả lời sẵn sàng cho các câu hỏi của người tình ...

 

Hẹn chi rứa, răng chừ, em sợ lắm

Mạ ngày xưa cũng từng nói như em

Anh mất mạ, càng thương em tha thiết

Như từng thương câu hát Huế êm đềm...

     ( Giọng Huế- Tô Kiều Ngân ) 

 

Họ gặp nhau không phải ở cố đô Huế, mà 2 người nớ hạnh ngộ bên sông Saigon, nhưng hình ảnh và ngôn ngữ đã khiến họ xích lại gần nhau, cùng nhớ về nơi họ đã ra đi, nếu không có tiếng nói của người phụ nữ Huế, có thể còn trẻ, cũng có thể đã hết tuổi thanh xuân...

Nhưng những o Huế thường giữ vóc dáng thanh tú, mộng mơ, nên nhà thơ Tô Kiều Ngân có được cảm giác Huế giữa lòng Saigon: 

 

Cám ơn em, đã cho anh nhìn lại

Dòng sông Hương trên Bến Cảng Saigon

Nước như ngọc in bóng thuyền lấp lánh 

Mái chèo khua vương nhẹ nhánh rong non

      ( Giọng Huế - Tô Kiều Ngân ) 

 

Tới đây thì tui lại phải thú thiệt lòng mình, tui có lẽ ...không là gì của Huế. Không phải đờn ông đa tình lãng mạn như thi sĩ Tô Kiều Ngân, lại không được may mắn là một o Huế, để mặt nào cũng có thể mộng mơ hết biết. 

Đó là ...chết vì chất Huế, bởi chỉ vì giọng Huế có một ma lực tiềm tàng, tiếng hò mái đẩy cất lên hoà cùng tranh tỳ nhị nguyệt, thì ôi thôi trường thành cũng có lúc ngả nghiêng : 

 

Nếu lại được em ru bằng giọng Huế

Được vỗ về như mạ hát ngày xưa

Câu mái đẩy chứa chan lời dịu ngọt

Chết cũng đành không nuối tiếc chi mô...

      ( Giọng Huế- Tô Kiều Ngân )

 

Tui chạnh nhớ ngày ra trại tù cải tạo. Một giáo sư chế độ cũ, mang nghệ danh ngâm sĩ Vân Khanh, vốn là chủ tiệm đồ cổ X tọa lạc cuối đường Tự Do ( sau bạo quyền đổi là Đồng Khởi) . Vân Khanh thường đi cặp với mệ Bửu Lộc để đôi bên thi thố hết tài năng, mệ Bửu Lộc thì chơi đàn tranh hoặc đàn bầu. Vân Khanh cứ nương theo tiếng đàn, đưa lời ngâm dặt dìu ra xa bát ngát...trời ạ. 

Có điều nhị vị nớ đều gốc Thần Kinh, nên bắt nhịp và ăn nhịp rất hoà hợp ...

Tiếng đàn thì ẩn ức thê lương, đôi khi cũng vui như mây lượn, hạc bay, còn tiếng thơ, thì chả làm sao nói hết được, nó Huế một cách " tàn nhẫn " luôn, là người nghe nếu thâm ý, đậm tình thì chao ôi, có thể chết được, đúng như nhà thơ Tô Kiều Ngân viết lời kết: 

Câu mái đẩy chứa chan lời dịu ngọt 

Chết cũng đành không nuối tiếc chi mô ... 

 

Điều này chắc chắn anh sẽ ngạo mạn hỏi mình: " có thật chết vì giọng Huế không hè ?" . 

Thì đồng thời mình nhớ câu nói của anh tự buổi nào : "Đừng ca tụng đàn ông Huế nhiều lắm nghe, họ cũng có chút điếm đàng "

Điếm đàng, sao lại điếm đàng ? Cũng như hoang đàng của người bắc và người nam vậy thôi phải không?  Nhưng khi thốt ra câu này, dẫu ôn mệ hay tao nhân mặc khách thường kèm theo nụ cười vui vẻ, chớ không phải nặng trịch dung nhan oán trách, chê bai mô.

Chao ôi, chẳng lẽ mình lại mê cả cái tính điếm đàng của ông Huế đó chăng? 

Lẽ ra mình phải khóc ngất đi, thì lòng mình lại mở toang ra, đón nhận một hiện tượng khó giải thích, có phải là mình thích cả cái tốt, lẫn cái không tốt của anh, cái chất nha phiến Huế mà hết cả đời mình khổ sở vì nó . 

Thôi tui chẳng nói nữa mô, giá bậc đàn anh tui là nhà thơ Tô Kiều Ngân chưa mệnh chung, thì tui còn bao điều để nói, nay ông đã về thiên cổ, bạn thơ nhớ tiếc một giọng Huế lững lờ ...

Thỉnh thoảng lại vang lên giọng ngâm Huế đâu đó . 

Tuyệt nhiên, anh đã cất kỹ ngôn ngữ Huế, để ...hành mình quay quắt đắm say, cho bõ ...ghét. 

 

CAO MỴ NHÂN (HNPD)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn