Nga: Nhồi sọ từ thuở còn thơ

Thứ Sáu, 27 Tháng Năm 20228:00 SA(Xem: 2386)
Nga: Nhồi sọ từ thuở còn thơ

Những phóng sự báo chí phương Tây gần ba tháng qua cho thấy nhiều người Nga vẫn tin cuộc chiến xâm lược Ukraine là điều đúng đắn và cần thiết. Thậm chí nhiều người Nga có thân nhân tử trận tại Ukraine không hề oán trách Putin và lại đổ lỗi cho Mỹ. Đây là “thành tích” của bộ máy tuyên truyền cùng chính sách giáo dục nhồi sọ được thực hiện nhiều năm nay…

Tờ Christian Science Monitor (ngày 17-5-2022) cho biết, Nga tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền. Chữ Z, biểu tượng “hoạt động quân sự đặc biệt” của Nga trong cuộc chiến xâm lược Ukraine, ngày càng phổ biến khắp các thành phố lớn: Trên các bảng quảng cáo, kính chắn gió, tòa nhà công cộng, quần áo và cả trường học… Từ Tháng Chín năm nay, học sinh Nga sẽ bắt đầu chương trình “lịch sử nước Nga hiện đại” và đặc biệt phải tham gia mô hình Yunarmiya (Quân đội thiếu niên) – một kiểu quân sự hóa học đường với những khóa học bắn súng và tập trận giả.

Suốt một thập niên qua, Kremlin thường xuyên tuyên truyền việc nước Nga ngày càng bị bao vây bởi nhiều kẻ thù, rằng đất nước có thể một lần nữa phải tự vệ như từng chống lại Đức quốc xã trong Thế chiến thứ hai. Lễ kỷ niệm chiến thắng Liên Xô trước Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ hai – được gọi là Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại – đã bị diễn dịch méo mó. Thay vì chỉ gợi nhắc và tưởng nhớ chủ nghĩa anh hùng Liên Xô và 27 triệu sinh mạng đã mất, Kremlin lại biến nó thành câu chuyện để định vị nước Nga một lần nữa bị đe dọa bởi vô số kẻ thù rình rập.

Hệ thống tuyên truyền Nga nói nhiều về chiến tranh đến mức đến khi chiến tranh thật sự xảy ra thì người dân không còn ngạc nhiên và mặc nhiên chấp nhận đó là hành động tự vệ mà nước Nga phải làm. Trên thực tế, học thuyết quân sự Nga nêu rõ sự cần thiết phải cải thiện “giáo dục quân đội-lòng yêu nước của công dân” như một phương tiện để xây dựng và phát triển lực lượng vũ trang.

Ít nhất một thập niên trở lại đây, Nga đã đẩy mạnh chiến dịch nhồi sọ trẻ em – như được thuật từ bài báo của CSIS (Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược Hoa Kỳ). Ngày 27 Tháng Bảy 2020, vài tuần sau khi gói sửa đổi Hiến pháp Nga được ký thành luật, Thượng viện Nga đã thông qua loạt điều chỉnh tương ứng đối với luật giáo dục, quy định rằng hệ thống giáo dục phải tập trung nâng cao “ý thức yêu nước và ý thức công dân, tôn trọng ký ức những người bảo vệ Tổ quốc và thành tích của những anh hùng Tổ quốc”.

Khi trở lại ghế tổng thống nhiệm kỳ ba, Vladimir Putin đã nhấn mạnh việc giáo dục lòng yêu nước và xem đó là ưu tiên hàng đầu (trong các Sắc lệnh Tổng thống ban hành vào Tháng Năm 2012). Khi chương trình giáo dục lòng yêu nước giai đoạn 2016-2020 được thông qua, ngân sách liên bang đã vọt lên 1.68 tỷ rúp (khoảng $23 triệu vào thời điểm đó), tăng 100% so với kinh phí được phân bổ cho các chương trình như vậy trong ngân sách liên bang năm 2015. Chương trình được phối hợp từ trung ương xuống địa phương và được nhiều cơ quan đồng thực hiện, từ Bộ Giáo dục, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa đến Cơ quan Phụ trách các vấn đề thanh niên. Đáng chú ý nhất là việc đẩy mạnh mô hình Yunarmiya.

GettyImages-1221599229
Những đứa trẻ Yunarmiya bị nhồi sọ lệch lạc về lòng yêu nước (ảnh: Sergei Mikhailichenko/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Bất kỳ công dân Nga 8-17 tuổi hoặc tổ chức thanh thiếu niên nào cũng có thể trở thành thành viên hoặc liên kết với Yunarmiya – tổ chức có cơ cấu hành chính ở tất cả 85 vùng lãnh thổ của Liên bang Nga cũng như ở Armenia, Kazakhstan, Belarus, Kyrgyzstan, Transnistria và Azerbaijan. Yunarmiya phát triển với tốc độ cực nhanh. Từ năm 2021, chương trình giáo dục ái quốc với kế hoạch bốn năm được chi với ngân sách lên đến $185 triệu, trong đó có kế hoạch thu hút ít nhất 600,000 trẻ từ 8 tuổi tham gia vào hàng ngũ Yunarmiya.

Gần đây nhất, cuối năm 2021, Yunarmiya tổ chức cuộc thi kỹ năng ở thành phố Vladimir. Một phóng sự của The New York Times kể: Veronika Osipova, 17 tuổi, đến từ thành phố Rostov-on-Don gần biên giới Ukraine, đã giành được giải thưởng cho nữ sinh xuất sắc nhất. Trong nhiều năm, cô chơi đàn hạc, tốt nghiệp loại ưu từ một trường âm nhạc ưu tú. Nhưng vào năm 2015, cô bắt đầu học cách bắn súng máy và ném lựu đạn. Cô nói rằng mình quyết tâm gia nhập quân đội Nga để bảo vệ đất nước chống lại kẻ thù.

Trong bối cảnh hiện tại, việc nhồi sọ và tuyên truyền càng được đẩy mạnh. Margarita Simonyan, người đứng đầu tập đoàn truyền thông Rossiya Segodnya (trong đó có mạng RT bằng tiếng Anh), mới đây đã tổ chức loạt cuộc họp với các giáo viên về cách chống “cơn lũ tin giả” đang thâm nhập vào học đường, liên quan chiến dịch quân sự của Nga. Trong một cuộc họp, theo hãng tin RBK, Margarita gợi lại lịch sử đầy biến động của Nga, cảnh báo rằng sự mất đoàn kết được xúi giục từ bên ngoài đã dẫn đến tình trạng mất ổn định và “sự khác biệt giữa những người trong nước cuối cùng đưa đến thảm họa” và sự sụp đổ của nhà nước vào năm 1917 và 1991.

Cùng lúc, mô hình Yunarmiya tiếp tục được nhân rộng, “phổ thông hóa” kiến thức quân sự cho học sinh, thắt chặt mối quan hệ trực tiếp giữa thanh thiếu niên với quân đội. Một thể chế truyền thống khác, Nhà thờ Chính thống, cũng đóng vai trò tích cực trong việc củng cố hình ảnh nhà nước Nga nói chung và cục diện Ukraine nói riêng. Tờ Moskovsky Komsomolets gần đây thuật về cuộc họp trực tuyến giữa giáo viên lịch sử ở Moscow và người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova, xoay quanh các câu hỏi có thể xuất hiện trong lớp học, chẳng hạn “Tại sao Nga tấn công Ukraine?” và “Khi nào hoạt động quân sự kết thúc?”

Zakharova nhấn mạnh, học sinh nên được “giải thích” (phù hợp với quan điểm chính thức của Kremlin) rằng “cuộc chiến” đã diễn ra trong tám năm chứ chẳng phải mới đây, kể từ khi “bọn phát xít Ukraine” quyết định tấn công lực lượng ly khai ở Donbas. Zakharova hướng dẫn, các thầy cô nên nói với học sinh rằng sau nhiều nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao nhưng bất thành, bây giờ Nga phải hành động để đưa cuộc chiến kết thúc nhằm cứu người dân của hai nước cộng hòa ly khai. Ngoài ra, Nga phải chặn đứng những nỗ lực có hệ thống của Ukraine khi chính phủ Kyiv đàn áp quyền của những người nói tiếng Nga ở miền Đông Ukraine. Cuối cùng, Ukraine chẳng phải bảo vệ tổ quốc họ mà họ chỉ “cầm súng theo sự ủy nhiệm của phương Tây”!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn