ÔNG HUẾ - CAO MỴ NHÂN

Chủ Nhật, 04 Tháng Ba 20186:00 SA(Xem: 5479)
ÔNG HUẾ - CAO MỴ NHÂN
       636557125331685192zzzzzzmt

    ÔNG HUẾ  -  CAO MỴ NHÂN 

 

Huế thì đã đành rồi, nhưng nhiều vóc dáng Huế lắm ...

Để trả lời với ...lòng mình, là chỉ có chân dung Huế anh, hoà hợp được với suy nghĩ mình thôi. 

Tôi có khá nhiều người quen gốc Huế, cái cung cách ôn mệ thì " cơ bản ", tây học gọi là tổng hợp, song phân tích ra lại khác đó nghe. 

Anh đang mở to đôi mắt hình quả trám ( hình thoi trong toán học) hỏi rằng : " Rứa vóc dáng tui Huế răng ri ? " 

Đúng thế, để mình đơn cử ra mấy điều đơn giản về Huế người của anh, là anh chẳng hạn, anh sẽ hết bâng khuâng vì sao mình cứ nhớ nhung Huế quá vậy. 

 

Trước hết, sau khi hết tuổi thiếu niên Huế, thì thanh niên Huế mỗi người có một phong cách khác nhau. 

Không thanh niên Huế nào giống thanh niên Huế nào. 

Họ thích làm lãnh tụ hơn làm ...thần dân, kiểu sống của họ không lạ, nhưng ngó qua thấy như riêng hẳn cõi ...ta bà của họ mới là nguỵ chớ. 

Giai đoạn này họ không có cảnh thù ghét nhau, không thích thì không chơi, không nói xấu, không đàm tiếu, vì cách sống của họ ...rõ như ban ngày, ai cũng thấy rồi. 

Có điều không đưa ra sự so sánh, hay là đố kỵ, như trên tôi đã nói, là không ưa nhau thì không chơi. 

Nhưng tôi cũng phải mở dấu ngoặc, là chuyện chung chung, 

không đề cao, không hạ bệ, mọi vấn đề để cho tha nhân phê phán ...

 

Tới trung niên thì chu choa, danh nghĩa " chơi nổi " thể hiện ra trên nhiều lãnh vực, nhiều vấn đề... 

Họ có những bắt đầu không phải là tìm kiếm, mà gần gụi nếu họ bất chợt gặp nhau, từ sơ tới thân có vẻ mau chóng, có khi thiên hạ còn tưởng họ thân nhau từ kiếp trước. 

Bây giờ họ không, chưa hay đã có gia đình rồi, họ đã hợp tính nết, xu hướng vv...là có thể ở cạnh nhau suốt ngày, suốt tuần, suốt tháng, suốt năm, còn suốt đời thì chưa biết ạ. 

Bởi lối sống liên tiếp kiểu trên, họ cảm thấy đường đời đôi khi cũng thực sự có tình nghĩa tri âm tri kỷ . 

Và, cứ thế sống tới cao niên thân tình từ cá nhân, chan hoà tới gia đình họ vv...

 

Thấy mình ngồi " rị mọ " nhận định vóc dáng Huế và phân tích quan điểm sống của anh có vẻ hời hợt quá, anh bảo nói đùa thôi chớ, dân tộc ta bắc nam trung thì cũng rứa thôi, tôi quen được mấy ai Huế, mà dám cả gan tổng kết tầm phào, có đúng chi mô na. 

Thì cần gì phải quen nhiều, một anh Huế cũng rã đám tư duy ra rồi, anh đã ứng xử từ A tới Z, tất cả những gì đàn ông Huế có...không cần phải xác nhận thêm, anh là tất cả ...

Anh cười: Hãy đưa ra một ví dụ cụ thể nhất xem nào ?  

Ôi chao, ai dám làm chuyện nớ, vô phước sai bét, hầu mang hoạ vào thân ...

Anh cười xả láng : vậy thôi nghe, từ nay cấm tuyệt . 

Chẳng cần hù doạ, từ lâu đã không còn cảnh đùa rỡn lăng tăng nữa rồi, anh khép cửa thiên đường lại . 

 

Tháng ba hoa thường nở nhiều một chút ở những mảnh vườn vắng lặng. Trời còn giá rét xôn xao... buổi cuối cùng mình tới toà tỉnh Huế, có lẽ vào tuần đầu tháng 3/1975.

Bầu không khí hoang liêu lắm, thành phố cứ như là nhìn nhau nghi ngờ, sợ hãi ...Hình như ai cũng giữ trong lòng nỗi ưu tư gì...Trung tá Cao Điền gốc Huế, Tham mưu trưởng Tiểu khu Thừa Thiên, thị xã Huế nói bâng quơ: 

" Tháng trước cô ra đây, thấy cây đào bự của ông Duệ rồi chớ hả ? Ông ấy thích cái cành đào Thăng Long trong tâm hồn Hà Nội xưa của ổng đó" 

Tôi lơ đãng: " Hình như Huế chẳng thích đào, mà cũng chẳng thích mai luôn phải không Trung Tá ? ". 

Trung tá Cao Điền cũng lơ đãng nói: Tôi ở Dalat cũng đào mùa xuân đấy chớ, mà tôi chẳng thích lắm như ông Duệ . 

Ông Duệ là đại tá Nguyễn Hữu Duệ, tỉnh trưởng, gốc Hà Nội di cư, người trồng tạm cây đào thật lớn ở ngay " bùng binh " đường Trần Hưng Đạo Huế, để mời dân Huế ngắm mùa xuân 

" Hanoi xưa ". 

Tôi chợt chú ý thái độ " chẳng thích gì, hay chẳng cần gì " của Trung tá Cao Điền ...

 

Mới vào mùa xuân ở Hoa Kỳ, đúng ra ở vùng tôi đang ở, Los Angeles, tôi thấy trong tâm trí rời rạc những hình ảnh hoa lá bất chợt ...

Tôi quay mặt xuống hướng nam, giả vờ hét to lên : 

" Nè , những ôn mệ Huế khi đứng tuổi, họ không thích gì cả phải không? " Nghe như tiếng cười của anh ha há : 

" Ai nói vậy ? " 

Vừa nhớ ra, tự biết . 

Đúng đó, Huế trung, cao niên, mấy ông thích cuộc sống riêng tư đầy đủ,  chớ không cần hạnh phúc lắm đâu. Bởi vì trong cái thành phố nhỏ bé, xét ra cái gì họ cũng có, hoặc có thể có. 

Song trong đầu óc họ, như có một cuộc sống riêng tư, một mong mỏi, một tư tưởng hoàn toàn không cần thiết ăn nhập với đại gia đình hay tiểu gia đình họ . 

Chính là hoàn toàn riêng tư của  con người họ, có biết bao người khi chững chạc rồi, mới nghĩ ra điều họ muốn làm, họ cần làm ...chẳng hạn. 

Đó là người ta, còn tôi cơ, anh vẫn thấy điều sơ hở của mình, nên dồn mình chạy trên ... tử lộ . 

 

Ô từ khi trưởng thành lập nghiệp ở miền Trung, bốn bề bát ngát xa trông, một mầu Huế rặt mênh mông bốn bề ...

Quý vị nam nhi chi chí, các đấng mày râu Huế  chính tông, đố tìm thấy ai sợ vợ. Quý ông chỉ trước nhất là thương vợ, nể vợ, vv...vợ, và cuối cùng là ngại vợ một chút thôi. 

Thế nên lại " đúng quá đi rồi ", tôi nói có sai đâu, chẳng lẽ lại điểm danh quý vị Trưởng phòng, ban, đơn vị trưởng ở miền hoả tuyến ...tôi ra để chứng minh, có nước gặp lại nhau thở dài, coi như xa lạ . 

Và tôi phải thú thực rằng tôi rất thích cái bản lĩnh của quý ông Huế, nó tức bản lĩnh, làm như vô cùng anh hùng mã thượng . 

Thí dụ một loạt quý quan Tôn Thất vv...ở Bộ Tư Lệnh QDI/QKI của...tôi, như quan 5 Tôn Thất Yến, quan 4 Tôn Thất Hoa vv...

Là những bậc tài hoa hết biết, mà không xẩy ra cái pan nào cả . 

Viết thế, để đi đến kết luận, mà không thể ngắn gọn được , là đàn ông Huế nhà anh, ôi chao ...tuyệt vời quá hả ? 

Đã viết vậy rồi thì không thể nói gì thêm, nên stop nha. 

 

CAO MỴ NHÂN (HNPD)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn