Bàn loạn về thông tin hóng được sau ngày thứ 50 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (14/04/2022)

Thứ Sáu, 15 Tháng Tư 20223:32 CH(Xem: 2365)
Bàn loạn về thông tin hóng được sau ngày thứ 50 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (14/04/2022)

pl_32 

1. Tuần trước đã có tin hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk tổng động viên.

Trước đó nữa thì có tin chính quyền Crimea bắt lính, và dân ở đây đã chống lại không muốn tham gia quân đội Nga để đi đánh nhau.

Bình loạn : Chẳng phải bình loạn gì cả, đời cái gì cũng có nhân có quả hết. Lúc làm loạn chống người ta thì bây giờ phải cầm súng đánh nhau cũng phải thôi.

2. Xe tăng có bị sa lầy trong tuyết không?

Buồn cười lắm, hôm qua có bác hỏi: xe tăng có sa lầy trong tuyết không, vì thấy cái anh trạng sư Fullbright giải thích là xe tăng Nga bị bỏ lại trên chiến trường miền bắc Ukraine trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, là do nó sa lầy trong tuyết.

Bình loạn : Ông trạng sư này ngày xưa thi vào trường luật là thi khối A, nếu như tui không nhầm mà lại quên những kiến thức sơ đẳng về vật lý như thế. Xe tăng chạy trong tuyết rất tốt, tuyết nó cứng chứ có phải là bông gòn như người xứ nhiệt đới tưởng tượng đâu.

Chẳng cần phải sang đến bên đó, cứ xem các video clip người ta quay xe tăng Nga chạy trên đất Ukraine hồi đầu chiến tranh là rõ: nó chạy thành vệt lõm trên tuyết đó. Thời gian đó là lúc mà xe tăng vận động rất tốt vì đất đóng băng cứng như đá. Có mà bây giờ mới là lúc nó sa lầy thì là chuẩn. Tầm này xe tăng không đi xuống ruộng được đâu, xuống là ngập trong bùn luôn.

Ông trạng sư này đã không biết gì về xe tải lại còn cố chém. Người ta gọi là “không biết gì về điện mà dám tè vào xuyếc-von-tơ.” Chú thích: Survolteur là một thiết bị thời 4.0 dùng để thay đổi điện áp dùng cho cả gia đình, bây giờ nhìn chung nó tuyệt chủng nên nhiều bạn 9x 200x không biết là cái gì.

pl_33

3. Chuyện được nói nhiều nhất ngày hôm qua về sự kiện bắn cháy tuần dương hạm Moskva và cũng băn khoăn nhất về vụ: nó có chìm không.

Tối hôm qua tui dẫn tin Skynews thì bảo nó chìm từ 14 giờ theo giờ Việt Nam. Thực tế thì kể cả là nó không chìm Nga cũng phải chữa hết hơi mất cả năm ấy chứ. Lại phải hỏi một chuyên gia tầu thủy thì được biết:

Nếu tàu mà bị sự cố như thế, việc đầu tiên là phải ổn định nó lại bằng nhiều cách. Ví dụ như vừa bơm nước, vừa vá chỗ thủng, gia cố thêm phao nổi bên cạnh trong trường hợp có nhiều khoang bị thủng cùng lúc và chống nghiêng cho nó. Bác đó bảo bản thân cái tàu này có các tháp cao cũng dễ mất cân bằng, nó sẽ bị nghiêng dần dẫn đến chìm, việc có nhiều khoang kín nước chỉ giúp nó từ từ chìm thôi. Sau khi ổn định xong và đảm bảo là nó sẽ nổi, thì mới tính đến chuyện kéo nó đi được. Nếu trong một ngày biển động như hôm qua, tàu lại to và nặng, thêm nữa đang cháy nổ lan đến cả vũ khí trên tàu thì việc cứu nó gần như là bất khả thi.

Đó cũng có thể là lý do tại sao mà… không thấy nó đâu từ trên không, tức là không có ảnh vệ tinh vì đến lúc thời tiết thuận lợi để chụp nó thì nó lại biến mất rồi. Như vậy cho đến chiều hôm qua logic duy nhất là “Ukraine thông báo trước là bắn nó cháy, rồi Nga thông báo là nó có sự cố” cho thấy sự kiện là có thật, và khả năng nó bị Ukraine bắn là 99%. Trong điều kiện đêm tối, biển động bão bùng mà người ta biết được có tàu có sự cố để nhận vơ thì cũng là quá giỏi đó chứ. Vì thế ngay từ khi chưa có tin nó chìm thì chúng ta cũng có thể khẳng định là nó bị Ukraine bắn hư hỏng nặng, việc chìm hay không chỉ còn là thời gian.

Việc nó chìm cũng còn thể hiện sự bất lực trong cứu tàu của Hải quân Nga. Nhìn chung với điều kiện bình thường trời yên biển lặng Nga còn chưa chắc đã cứu được tàu nữa là gió bão như thế. Cũng có bác yêu cầu đòi phải có ảnh của nó mới chịu. Tui cũng hỏi cái bác tàu thủy kia thì bác ấy bảo: trên biển trông thế thôi mà các tàu gặp nhau cực kỳ khó đấy, không như ô-tô-phăn cứ đi đường là chụp ảnh thằng khác về ắp Phây được đâu.

Có thể vài ngày nữa sẽ có những hình ảnh hiếm hoi về việc cứu hộ các thủy thủ tàu Mátxcơva xuất hiện trên mạng. Tui thì mong là cứu được hết, vì 510 thủy thủ là 510 cái mồm, 510 cái máy nhắn tin cho toàn quân đội Nga, ít nhất là cho toàn Hạm đội Hắc hải của Nga. Chiến tranh kết thúc mà không nhất thiết phải chết nhiều.

4. Nga sản xuất được bao nhiêu quả đạn pháo một ngày?

Hôm qua tui đã nói chuyện để tấn công kiểu Nga, bét nhất cần chuẩn bị 1 triệu quả đạn pháo các cỡ, thực sự đó không phải con số lớn. Sau đó lại sử dụng số liệu cậu dư luận viên nào đó cho là họ có thể sản xuất được một ngày 5.000 viên đạn. Vậy sản lượng đó liệu có hợp lý?

Lục khắp nơi thì thấy một tài liệu về công nghiệp chiến tranh Liên Xô thời Đệ nhị Thế chiến, trong đó cho thấy output lớn nhất của họ là năm 1944, sản xuất được 41.197 quả đạn pháo, đạn súng cối và bom trong một ngày. Nếu ước tính trong số đó 30.000 quả đạn pháo (thứ được dùng nhiều nhất) trong điều kiện sản xuất thời chiến phục vụ chiến tranh, thì thời bình một ngày sản xuất 5.000 quả là quá hợp lý.

Cũng phải nói là thời đó, toàn bộ nền sản xuất công nghiệp Liên Xô là phục vụ chiến tranh, nghĩa là các nhà máy sản xuất bàn là nồi áp suất cũng tập trung sản xuất vỏ mìn, vỏ bom vỏ đạn… Còn hiện nay nền sản xuất thời bình thì chỉ những nhà máy quốc phòng sản xuất đạn dược thôi. Như vậy trước mắt để phục vụ chiến tranh (chưa phải là nền kinh tế thời chiến) Nga chỉ có thể tăng công suất của các nhà máy đó bằng các cách:

(1) Mở rộng sản xuất bằng đầu tư thêm dây chuyền, tuyển thêm công nhân. Đây là biện pháp không thể xảy ra trong giai đoạn hiện nay vì chưa nói đến tiền, đang bị cấm vận mua máy móc ở đâu. Mà có mua được cũng chẳng phải đơn giản, vì còn phải đặt hàng, ở nhà chuẩn bị đổ bê tông nền móng, dưng khung nhà xưởng, điện đóm, đến cái cút nước còn phải lo.

(2) Tăng ca, chuyển sang sản xuất 3 ca / ngày. Đây là cách đơn giản nhất, nhưng sẽ vấp phải khó khăn là không đủ công nhân. Ví dụ như tổ hợp Uralvagonzavod ở Nizhny Tagil nơi sản xuất ra xe tăng T-90 của Liên bang Nga có 30.000 công nhân. Điều này cho thấy mức độ tự động hóa của họ cũng vừa phải thôi. Tuy nhiên nếu tự động hóa cao mà nâng công suất kiểu tăng ca thì sẽ dẫn đến khả năng hỏng máy là rất cao, mà đã hỏng máy thì lại phải có phụ tùng thay thế…

Cả hai phương án trên đều có khó khăn là thiếu nguyên vật liệu vì nó sẽ liên quan đến việc có tăng công suất của cả hệ thống được hay không: đồng, thuốc nổ, nguyên liệu làm hạt nổ…

5. Quay lại với tin ở mục 1 trên đây: còn có thông tin nữa là các đơn vị bị tổng động viên vùng ly khai Lugandon được tổng cộng 5 trung đoàn, nhưng thiếu vũ khí cá nhân trầm trọng.

Giai đoạn đầu của cuộc chiến ngoài việc tiêu hao xe tăng và nhân lực của quân đội Nga, còn dẫn đến việc tiêu hao đủ các thứ khác trong đó có vũ khí cá nhân. Tui nhớ trước đây đã có lần người quen được một người quen khác nhờ gửi một số hàng về Tây Phi với tên hàng là linh kiện điện tử, nhưng hóa ra lại là… kim hỏa súng AKS-74. Người ta bảo bây giờ cái món đó độ bền rất thấp do nhà sản xuất cố tình làm như thế cho bản xuất khẩu, bản trong nước có vẻ bền hơn.

Tuy nhiên do càng ngày quá trình sản xuất được tự động hóa cao, việc sản xuất ra những chi tiết tinh vi như vậy nhà sản xuất cũng đã dần phụ thuộc vào các máy cái được chế tạo ở các nước phương Tây. Tui cũng lại phải kể một việc nữa: tui vốn đã từng học ở Trung Quốc nên có nhiều bạn bên đó, và cũng đã từng phải dẫn nhiều “nhà sản xuất” sang Việt Nam đi tìm mua máy móc của… Nhật Bản nhưng là máy bãi. Họ bảo những máy này của Nhật dù mười mấy hai chục tuổi nhưng Trung Quốc vẫn dùng tốt, và máy Trung Quốc mới còn xa mới bằng được của họ. Thường thì họ mua về và nhờ người Hàn quốc nâng cấp lên mức hiện đại như của Nhật bây giờ.

Câu chuyện công nghệ là như vậy đó, nó ảnh hưởng rất lớn đến nền sản xuất, nhất là trong điều kiện chiến tranh một cái, thì rất nhiều thứ bộc lộ ra ngay lập tức. Tất nhiên người Nga rất giỏi, sẽ khắc phục được thôi nhưng để phục vụ ngay cho chiến dịch The Battle of Donbas thì chắc là không kịp.

6. Tại sao vẫn cứ là xe tải?

Quân đội Nga đã từng bước hiện đại hóa, ví dụ như với giàn pháo phản lực Grad, mà lúc đầu việc nạp đạn cho nó là một hình thức lao động khổ sai khi những người phục vụ khẩu đội pháo phải nạp đạn cho nó bằng tay. Đến bây giờ thì quân đội Nga đã được trang bị rất nhiều xe tải có cần cẩu, và họ chuyển sang… cơ giới hóa, dùng cần cẩu cẩu từng quả tên lửa một, đút vào trong ống.

Nếu ai đó đã từng xem video clip về giàn pháo phản lực M270 của Mỹ sản xuất năm 1983 thì thấy họ đã nạp đạn kiểu khác, khi chính trên giàn phóng được lắp liền hệ thống tời và cứ 6 quả tên lửa một được đóng sẵn vào một cassette hay có thể gọi là một container. Vì thế quá trình nạp đạn của xe phóng nhanh hơn nhiều và không phụ thuộc vào cần cẩu bên ngoài. Xe tải tiếp đạn chỉ việc đưa đạn đến một vị trí xác định và xe phóng sẽ độc lập nạp đạn.

Không hiểu sao người ta cứ bảo là “vũ khí Nga thông minh” nhở. Hôm trước cũng dẫn cả một video về bắn thử AK-47 và M-16 bị nhúng xuống bùn. Thế mà bao nhiêu năm các cháu Bão Lửa, dư luận viên cứ tuyên truyền huyền thoại là AK ngâm bùn xong bắn thoải mái trong khi M-16 chỉ có vứt đi.

Rất nhiều cái trong cuộc sống cứ phải mục sở thị mới biết chứ đừng có tin vào “hiền thọi.”

7. Bước ngoặt của chiến tranh.

Đầu chiến tranh có người bạn chuyên gia xem Kinh Dịch bốc quẻ và bảo: nếu Nga đánh nhanh được trong tháng này (tháng Mão) thì còn khả dĩ, còn nếu không rút được trước tháng sau (tháng Thìn) thì Nga sẽ thua thảm.

Tui thì từ lâu không quan tâm đến lĩnh vực này, nên cũng nghe vậy để đấy tham khảo, nhưng cũng chưa rõ là Nga sẽ “thua thảm” như thế nào. Ây thế mà hôm qua, ngày 14 âm lịch Hải quân Nga đã chính thức bị chìm mất 1 trong 3 cái tuần dương hạm, có thể nói là 3 nắm đấm thép mạnh nhất của lực lượng.

Trước đây, Hải quân Liên Xô – Nga chỉ còn có một loại tuần dương lớn hơn, và hiện nay họ còn 1 chiếc: chiếc “Đô đốc Nakhimov” thuộc “lớp Kirov,” hiện nay nó đang trong kế hoạch hiện đại hóa và có thể sẽ được cho chạy trong năm 2022 này. Cũng theo báo chí Tây Phi thì tuần dương hạm “Mátxcơva” cùng hai cái khác là “Varyag”, “Nguyên soái Ustinov” là 3 tàu tuần dương bất khả chiến bại. Chỉ cần một chiếc trong số đó đủ hạ gục cả hạm đội Hoa Kỳ, ví dụ như “Mátxcơva” sẽ tiêu diệt Hạm đội 6 Hoa Kỳ trong chớp mắt. Trước những lời tuyên bố đanh thép đó của báo chí Tây Phi, các tùy viên quân sự Mỹ ở nước này cũng không dám chớp mắt.

Tàu tuần dương “Mátxcơva” như các bác trên mạng nói là tàu tuần dương lớn nhất trên thế giới bị đánh chìm sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, vì nó còn to hơn cái tàu nào của Argentina bị đánh đắm trong cuộc chiến tranh đảo Manvinas. Như thế là ngoài kỷ lục nướng quân, nướng xe tăng, nướng tướng thì nay Putin ghi thêm bàn nữa, luộc tuần dương hạm.

Tất nhiên sự kiện này sẽ khiến Putin tím mặt, thậm chí có thể bị tăng-xông, nhưng lão ta sẽ cố trả thù và thúc đẩy chiến dịch Donbas bằng được. Đó là việc của Putin, còn việc của tui thì phải rất lấy làm xấu hổ mà nói rằng, tui đã sai khi hôm trước đoán “tinh thần quân Nga đã xuống mức thấp nhất.” Bằng cú luộc tuần dương hạm “Mátxcơva” lần này, tinh thần quân Nga lại phá đáy, lập thêm cái đáy nữa. Như vậy có thể nói không ngoa, cú chìm tàu này rất khả năng trở thành bước ngoặt của chiến tranh.

Trước mắt, tin về nó lan truyền trong toàn hạm đội, và rộng hơn là toàn khu vực chiến trường miền nam Ukraine bao gồm cả bán đảo Crimea. Điều này làm giảm đáng kể tinh thần và khả năng tác chiến của quân đội Nga trong các mục tiêu: mở rộng vùng chiếm đóng ở miền nam và đặc biệt là mục tiêu chiếm Odessa. Sau đó cùng với chiến dịch tăng cường tuyên truyền thông tin của Ukraine đến các đơn vị khác, thì việc lính Nga không còn tí tự tin nào là gần như chắc chắn.

Đoán mò: Từ phía Ukraine là bên có nhu cầu kết thúc chiến tranh sớm vì chấm dứt đầu rơi máu chảy sớm ngày nào tốt ngày đó, thì cũng sẽ phải thúc đẩy tình hình. Tất nhiên là Nga cũng sẽ muốn đánh sớm, vì cà dầm cà dề cũng chết, càng để lâu tinh thần quân sĩ càng xuống số âm. Vì vậy cả hai sẽ cùng thúc đẩy, chắc là vậy thôi.

Ukraine thì sẽ cố gắng tiêu hao cho đến giảm thiểu sức chiến đấu của cụm quân Nga ở Izyum, sao cho họ chẳng còn lực để tấn công Slovyanka từ phía tây bắc, mở rộng vùng giải phóng từ phía Zaporozhia theo hướng biển Azov để cắt đứt hành lang trên bộ nối Donbas với Crimea.

Ở phía nam, khả năng cao là quân Ukraine sẽ tấn công từ hữu ngạn sông Dnipro theo hướng Nova Kakhovka – Novokam'yanka để uy hiếp Voloshyne/Armiansk ở cửa ngõ Crimea. Nếu làm được như vậy thì các cụm quân Nga ở xung quanh vùng Melitopol và Kherson, thậm chí Berdiansk và Mariupol cũng tự chạy “không đánh mà tan.” Việc chiếm lại Mariupol chỉ toàn gạch vụn là không cần thiết.

pl_34

Ngày hôm qua theo tin vỉa hè thì suốt buổi sáng quân Ukraine đã tấn công từ Zaporozhia đẩy lùi quân Nga đến 20 km về phía thành phố Melitopol rồi. Còn sáng nay thì lại có tin quân Ukraine đã tấn công quân Nga ở thị trấn Borova, chính là nhóm quân ở Izyum mà chúng ta vừa đề cập trên đây (ảnh bản đồ). Bản thân cụm quân này muốn tấn công được cũng khó khăn vì quân Ukraine cũng đã tiến hành phá nhiều cầu gây ách tắc đồng thời tập kích luôn cả đoàn xe vận tải.

Còn với quân Nga thì không còn cách nào khác phải tổ chức tấn công ở Donbas dù có đủ đạn và hậu cần hay không, và phía Ukraine thì chắc là họ sẽ chủ động… chờ để chống cự và phản kích thôi. Cánh Izyum của Nga có tấn công được hay không còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố, nhưng cả hai cánh đều sẽ rất khó khăn vì nhiều lý do, ví dụ như trên đây chúng ta đã nói là bây giờ xe tăng không tràn được xuống ruộng để tấn công đâu. Tui không cho rằng các cụm quân Nga ở xung quanh Melitopol, Berdiansk và cả Kherson sẽ tổ chức tấn công được mạnh mẽ vào lực lượng Ukraine để “đồng loạt với Donbas.”

Diễn biến có thể sẽ không như vậy, nhưng kết quả thì có thể ngờ ngợ đoán được… xin lấy một câu của anh bạn quen trên Facebook để kết thúc: “Bại binh như núi đổ.” Đến lúc đã suy sụp thì không có tướng tá vua quan nào chống đỡ được.

PHÚC LAI 15.04.2022

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn