Bàn loạn về thông tin hóng được sau ngày thứ 49 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (13/04/2022)

Thứ Năm, 14 Tháng Tư 20223:33 CH(Xem: 2370)
Bàn loạn về thông tin hóng được sau ngày thứ 49 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine (13/04/2022)

chienham_01 

1. Tin tức đáng kể nhất là hôm qua có sự kiện bắn cháy tuần dương hạm Moskva “Mátxcơva.”

Soái hạm (Flagship) của Hạm đội Biển Đen là tuần dương hạm mang tên lửa “Mátxcơva” thuộc dự án 1164 Atlant lớp Slava. Với kho vũ khí khủng khiếp, đây được coi là chiến hạm uy lực nhất của hải quân Nga.

Hiện có 3 tuần dương hạm lớp Slava trong biên chế Hải quân Nga: Chiếc tuần dương hạm “Mátxcơva” hiện tại là soái hạm của Hạm đội Biển Đen; tuần dương hạm “Varyag” là soái hạm của Hạm đội Thái Bình Dương, chiếc tuần dương hạm còn lại mang tên “Nguyên soái Ustinov” hoạt động trong Hạm đội Biển Bắc.

Tuần dương “Mátxcơva” thuộc dự án 1164 Atlant (NATO định danh là lớp Slava). Tàu dài 186,4m, rộng 20,8m, mớn nước 8,4m, tải trọng tiêu chuẩn 10.000 tấn, đầy tải 12.500 tấn, thủy thủ đoàn từ 476 – 529 người.

Chiến hạm được trang bị hệ thống vũ khí cực mạnh, có thể đảm đương nhiều nhiệm vụ trong tác chiến phòng thủ và tiến công. Thậm chí nhiều chuyên gia cho rằng, với một soái hạm “Mátxcơva” của hạm đội Biển Đen, hải quân Nga cũng có thể hủy diệt được một số tàu chiến NATO đang tập trận tại gần bán đảo Crimea.

Nổi bật trong hệ thống vũ khí của tuần dương hạm này là16 bệ phóng tên lửa chống hạm siêu thanh tầm xa P-1000 với tần bắn lên tới 700km. Bên cạnh hệ thống vũ khí chống hạm, các tuần dương hạm này còn được trang bị hệ thống tên lửa đối không tầm xa hiện đại.

Trong đó, 8 bệ phóng tên lửa đối không tầm xa S-300F (NATO gọi là SA-N-6 Grumble), tầm tác chiến chống máy bay là 150 km và 30 km chống tên lửa đạn đạo. Hai hệ thống tên lửa đối không (phản ứng nhanh) OSA-MA, một hệ thống ở phía trước và một ở phía sau, tầm bắn tối đa là 15km, tầm cao tối đa là 12km.

Tuần dương hạm lớp Slava Project 1164 Atlant còn được trang bị một pháo hạm đa năng nòng kép AK-130-130mm, tầm bắn tối đa 23 km chống lại các mục tiêu mặt nước, 15 km chống máy bay, tốc độ bắn trung bình là 40 viên/phút.

Sáu pháo bắn siêu nhanh AK-630, có thể được thay thế bằng hệ thống phòng thủ tầm cực gần Kashtan. Cùng với đó là 5 ống phóng ngư lôi kép 533mm, 2 hệ thống phóng rocket chống ngầm RBU-6000.

Đuôi tàu tuần dương hạm có bãi đáp và nhà chứa cho trực thăng chống ngầm Ka-27.

Ngoài ra, nó cũng được trang bị hệ thống điều khiển điện tử tiến tiến gồm: radar tìm kiếm mục tiêu tầm xa đa chức năng 3D MR-800 Voshkod; radar tìm kiếm mục tiêu trên không MR-710 Fregat-MA.

Để cơ động, tuần dương hạm được trang bị hệ thống động cơ đẩy kết hợp tuabin khí COGOG, tổng công suất 120.000 mã lực. Tốc độ tối đa đạt 32 hải lý/giờ, tầm hoạt động 6.500 dặm (10.400 km).

Bình loạn : Buồn cười nhất là Sputnik thông báo tàu bị cháy do hỏa hoạn sau đó gây nổ kho đạn. Ngộ nghĩnh nhở, bao lâu thì không cháy nổ, bây giờ nhằm lúc chiến sự thì lôi nhau ra “lấu lướng” cái gì không biết mà cháy với nổ. Mà các ông làm như nhà bếp của tàu nó gần kho đạn thế.

Tui có ông chú ruột là bộ đội hải quân. Có lần đi cùng ổng lên một cái tàu chiến loại vớ vẩn của Việt Nam thôi, cũng đủ thấy là nó không có khả năng cháy nổ được từ những nguyên nhân kiểu như thủy thủ hút thuốc lào hoặc cháy lan từ bếp than tổ ong ra kho đạn. Cả cái tàu nó bằng sắt và lúc nào cũng thấy thủy thủ đi dọn chết thôi, không thể có xăng dầu rò rỉ ra để bốc cháy. Nếu có cháy nổ chắc chắn phải sự cố nghiêm trọng lắm ví dụ “bùm” từ khoang động cơ và cháy vào bồn nhiên liệu.

Tin này có lẽ là tin đau đớn nhất cho các cháu Bão Lửa, dư luận viên cuồng vũ khí Nga. Thôi chúng ta cứ chấp nhận lý do hút thuốc lào gây cháy tàu đi cho nó… an ủi.

2. Hôm kia đã nghe tin nhưng phải chờ xem hôm qua có xác nhận không. Hóa ra đúng cái Sư đoàn xe tăng cận vệ số 4 “Kantemirovskaya” có một nhóm phải đến 2 đại đội (20 xe tăng và nhiều xe tải) lò mò đi đâu từ hướng Kharkiv về Izyum, bị phục kích bắn cháy đến một nửa.

Bình loạn : Sao cái sư đoàn này họ đen đủi thế nhỉ. Hôm trước thiệt hại nặng mất sức chiến đấu cả sư đoàn, bây giờ lôi ra bổ sung nghỉ ngơi, đến khi vào lại cứ bị chặn đánh như thế này lấy đâu ra tinh thần mà đánh tiếp chứ.

Nhân nói chuyện xe tăng, từ đầu chiến tranh người ta nhận thấy mấy yếu tố:

– Ukraine cứ xác định thua đứt về xe tăng đi, vì những mẫu T-64 và T-72 đời Càn Long của họ không thể địch lại được với xe tăng Nga về các tiêu chí: giáp chủ động và đặc biệt là đạn. Đạn xe tăng Ukraine là các loại đạn thế hệ cũ, không xuyên được giáp bình thường của xe tăng Nga chứ chưa nói là giáp thế hệ mới. Ngay cả xe tăng T-80 hay T-84 của Ukraine cũng không đôi công với xe tăng Nga được, chủ yếu là việc vận hành chúng quá phức tạp và đắt đỏ.

– Đầu cuộc chiến vẫn nhìn thấy xe tăng của Ukraine tham chiến. Nhưng nhìn chung không đối đầu được với xe tăng Nga về số lượng và chất lượng, nên thiệt hại chắc chắn là nặng.

– Xe tăng Nga bị diệt với số lượng lớn trên chiến trường nhờ chiến thuật du kích của Ukraine, sử dụng các vũ khí chống tăng thế hệ mới, kể cả vũ khí chống tăng do Ukraine tự phát triển.

– Các nhà sản xuất vũ khí chống tăng đã bắt đầu nghiên cứu khả năng tự bảo vệ của xe tăng Nga trên chiến trường. Ngoài việc chúng khá bất lực trước những vũ khí thế hệ mới, người ta bắt đầu phát hiện ra là trong một số trường hợp vũ khí thế hệ cũ vẫn có tác dụng, có thể không hạ gục hẳn xe tăng nhưng bắn hư hại nặng cỗ máy giết người. Và người ta đang đặt câu hỏi: Phải chăng xe tăng Nga được trang bị những giáp phản ứng nổ rởm? Ở đây chúng ta không nói về “các-tông trứng” nữa mà những tấm giáp hình tam giác được lắp bổ sung quanh tháp pháo.

pl_30

– Người ta dự đoán đến giai đoạn cuối của cuộc chiến, Ukraine sẽ sử dụng số lượng lớn xe tăng T-72 của mình có trong kho, khi mà lực lượng tăng thiết giáp Nga bị hạ đến mức đủ suy yếu về cả sức chiến đấu lẫn số lượng trên chiến trường.

Thông tin bổ sung: không rõ có phải đoàn xe tăng của sư đoàn cận vệ số 4 này bị diệt là đoàn mà sáng nay có tin một đoàn bị đốt đến 40 xe không nhỉ? Thông tin lung tung beng, nhưng mà diệt cũng nhiều ra phết, toàn là chưa ra đến chiến trường cả.

3. Nhóm quân Nga ở gần Izyum đúng là cũng không cố qua sông Oskil, sau khi Ukraine bắn hỏng cầu phao họ cũng kệ.

Bình loạn : Tui cho rằng nhóm quân Nga ở đây đang cố để dành sức cho những trận đánh sắp tới và mục tiêu của họ vẫn là Slovyansk sau đó là Kramatorsk, chứ không phải là Nam Izyum. Tuy nhiên tình hình quanh Kharkiv lặp lại khá giống giai đoạn đầu của cuộc chiến tranh: Nga vẫn bị kéo giãn đội hình, di chuyển và tập trung vẫn bám theo các con đường, mùa bùn lầy làm cho họ không triển khai xuống… ruộng được nên cứ loanh quanh làm mồi cho các loại tên lửa vác vai.

Nếu quá trình chuẩn bị để tấn công của Nga ở Donbas cứ kéo dài như thế này thì đến lúc đánh thật cánh quân này chẳng còn cái gì để đánh nhau đâu.

4. Thèm quá không chịu được lại phải quay lại với xe tải.

Câu hỏi: Để mở trận tấn công ở Donbas theo đúng nghĩa là đánh lớn, Nga cần bao nhiêu quả đạn pháo? Hôm qua thấy có cậu nào bình luận vào bài của tui được chia sẻ trong một Group về lịch sử hay quân sự gì đó, cười giễu: Nga mà hết đạn pháo! Nga hiện sản xuất được 5.000 quả đạn pháo / ngày đêm và trên chiến trường thì đang dùng 500 quả / ngày, dùng bao giờ cho hết.

Bình loạn : Tui thì không biết năng lực sản xuất đạn pháo của Nga là bao nhiêu quả một ngày, nhưng tin tui túm được trong diễn đàn quân sự nước ngoài thì thông tin Nga định “vay” đạn pháo của Belarus và thậm chí sau đó Kazakhstan cũng bị gõ cửa là có thật.

Như hôm qua tui đã đưa ví dụ về Chiến dịch Donbas năm 1943, việc tập trung pháo binh bắn chuẩn bị cho các mũi tấn công ở đây là:

Liên Xô chuẩn bị từ 120 đến 150 khẩu pháo và súng cối trên 1 km chính diện mặt trận. Với mật độ đó, Liên Xô đã bắn 5.000 quả đạn pháo trong 15 phút vào 2 km2 với chiều ngang là 1 km và chiều sâu 2 km. Sau đó pháo chuyển làn bắn sâu vào trận địa 6 lần để đảm bảo chiều sâu tấn công của mũi đột phá hơn 10 km. Như vậy họ phải bắn 90 phút tất cả.

Lúc đầu, họ dự định chiều rộng mũi đột kích 2 km nhưng sau khi thử thì thấy như vậy không đủ mạnh, nên thu hẹp chiều rộng xuống còn 1 km.

Thực tế thì mật độ pháo bắn chuẩn bị như trên là không đủ, nhưng ở thời điểm năm 1943 với Liên Xô như vậy đã là quá sức. Về sau họ điều chỉnh lên 200 khẩu, và đến giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh thì họ thường xuyên sử dụng mật độ đến 1000 khẩu pháo và súng cối trên 1 km chính diện mặt trận. Để làm được như vậy họ phải chuẩn bị một lượng hậu cần cực lớn.

Quay lại với The battle of Donbas 2022, nếu Nga tổ chức 3 mũi tấn công vào trận địa của Ukraine, cũng với tất cả các chỉ số như trên: (1) Chiều rộng mũi đột kích 1 km, (2) Bắn chuyển làn 6 lần để đảm bảo trong ngày có thể đột kích được 10 km (3) Bắn đúng tiêu chuẩn là 5.000 quả trong 15 phút trước khi chuyển làn, thì họ sẽ cần bao nhiêu quả đạn trong 90 phút bắn chuẩn bị của ngày đầu tiên?

Con số là từ 90.000 đến 100.000 quả. Để chuẩn bị cho chiến dịch, yêu cầu của lý thuyết quân sự Nga là phải đảm bảo 15 đến 18 cơ số đạn, còn trong trường hợp này chúng ta tính nhẹ nhàng cho phía Nga là 10 cơ số đạn đi, thì họ cũng phải cần đến 1 triệu quả.

Nếu quy ra cỡ pháo phổ biến là 122mm (mặc dù Nga ngày càng phụ thuộc pháo hạng nặng 152mm) thì một quả đạn loại này có khối lượng khoảng 20 kg và giá khoảng 8.000 đô-la Mỹ. Thực tế Nga cũng dùng nhiều loại đạn pháo phản lực (như đạn cho dàn Grad thì phải 300 triệu đồng Việt Nam đến 30.000 đô-la Mỹ/quả, cứ ước tính thế.)

Như vậy quy ra TẤN thì 1 triệu quả đạn pháo là 20.000 tấn, tức là xe 4 chân Kamaz của Nga loại 40 tấn phải chở đến 500 chuyến. Còn nói về tiền thì nếu 1 quả 1.000 (một nghìn) đô-la Mỹ thì cũng tốn 1 tỉ đô-la, vì con số 8.000 đô-la là tui lấy giá đạn của Mỹ, còn của Nga mà 5.000 đô/quả thì cũng tốn đến 5 tỉ đô-la tiền đạn.

Bây giờ chúng ta sẽ điều chỉnh bớt đi, coi như Nga sẽ đánh nhanh thắng nhanh và không cần phải bắn nhiều, chỉ cần một nửa số đạn nói trên thì sẽ phải chuẩn bị 250 chuyến xe tải, và cũng hơn 2 tỉ đô-la chỉ riêng đạn pháo. Còn nếu nói như cái cậu dư luận viên nào là Nga một ngày bắn 500 quả đạn trên toàn chiến tuyến hiện nay dài 1.000 km từ Kherson đến Kharkiv, thì mỗi quả phụ trách 2 km không bõ cầm hơi.

Đó là còn chưa tính đến đạn cá nhân: Mỗi băng đạn AKS-74 là 0,23kg, mỗi người lính cầm súng cần 10 cơ số đạn (30 băng) thì 20.000 lính cầm súng cần 140 tấn đạn, các nhân sự phục vụ khác cần 3 cơ số đạn sẽ cần 1.200 tấn đạn. Thôi thì cả hai loại lính cần 1.200 tấn đi thì cũng là 30 chuyến xe tải.

Quay lại với năng lực sản xuất. Chắc cậu kia nhầm thế nào, chứ nếu một ngày sản xuất được có 5.000 đạn đại bác các loại thì để chuẩn bị cho chiến dịch cũng mất 200 ngày. Thôi tăng lên gấp 10 năng lực đi (50.000 quả/ngày, có vẻ không tưởng!) cũng mất 20 ngày. Lại chỉnh số đạn xuống còn một nửa thì cũng mất 10 ngày làm cật lực. 

Vì thế hôm qua tui viết: Vụ hai lần nổ kho đạn ở Belgorod cách đây hơn chục ngày làm chậm chiến dịch của Nga ở Donbas cả tháng, là có lý của nó. Đến hôm thứ Hai vừa rồi (11/04) một nhóm cảm tử của trung đoàn Azov đã vượt hơn 100 km trong vùng địch để phá một kho đạn rất lớn ở thị trấn Novoaidar (Lugansk). Các nhân chứng kể lại kho rất lớn, vì nó nổ to cả ngày không hết.

Không biết đến bao giờ Nga mới hội đủ điều kiện mà mở chiến dịch đây. Ảnh kèm theo có tấm chụp một đoạn đường tỉnh Rostov trước chiến tranh, con đường sẽ được dùng phục vụ cho chiến dịch Donbas.

PHÚC LAI 14.04.2022

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn