Tại sao con người muốn tìm bạn đời tri kỷ?

Thứ Năm, 10 Tháng Ba 202211:00 SA(Xem: 1986)
Tại sao con người muốn tìm bạn đời tri kỷ?

Con người có xu hướng tìm kiếm mối quan hệ khiến họ hạnh phúc và viên mãn hơn, ít vật chất hơn, tìm kiếm người sẵn sàng cùng họ vượt qua khó khăn, khổ đau.

Cô Hannah Miller, ở Birmingham (Anh) có niềm tin mãnh liệt vào tình yêu đích thực. Ngày bé từng nghe chuyện cá ngựa chỉ kết đôi với một bạn tình duy nhất, và cô cũng muốn có một tình yêu thủy chung như vậy.

Năm 10 tuổi, Miller quen Sam, bạn học của chị gái, trong một lần đến công viên giải trí. Chàng trai ấy đã nắm chặt tay cô khi tham gia những trò chơi mạo hiểm. Thậm chí chị gái còn dự báo Sam chính là chú rể trong tương lai.

"Chúng tôi luôn muốn ở bên nhau, vậy sao phải chờ đợi? Không có lý do gì để trì hoãn kết hôn, vì chúng tôi là tri kỷ", Hannah Miller, 45 tuổi, nhớ lại và cho biết, sau thời gian dài tìm hiểu, cả hai đã kết hôn vào sinh nhật lần thứ 20 của cô.

Nhiều người đang tìm kiếm một tình yêu tri kỷ, một nửa đang khuyết thiếu của bản thân. Ảnh minh hoạ: Everydaypower

Nhiều người đang tìm kiếm một tình yêu tri kỷ, một nửa đang khuyết thiếu của bản thân. Ảnh minh hoạ: Everydaypower

Nhưng bạn đời tri kỷ là gì?

Nhà triết học Hy Lạp Plato đã viết trong tác phẩm Symposium rằng con người từng có bốn tay, bốn chân và hai khuôn mặt. Ông giải thích rằng thần Zeus đã chia con người làm đôi như một sự trừng phạt cho niềm kiêu hãnh. Và họ được định sẵn phải đi bộ trên trái đất để tìm kiếm một nửa còn thiếu.

Trong hệ tư tưởng Ấn Độ giáo quan niệm, con người có mối liên hệ mật thiết với linh hồn. Trong tiếng Yiddish, thuật ngữ "bashert" (người tri kỷ) chỉ một người bạn đời lý tưởng hoặc có duyên tiền định trong hôn nhân, được gọi chung là định mệnh. Thậm chí, nhà thơ Persian ở thế kỷ 13 đã đặt ra ý tưởng cho rằng "những người yêu nhau có thể không được gặp nhau, nhưng bằng cách nào đó họ luôn ở bên nhau". Chuyện tình của Romeo và Juliet trong văn học phương Tây là một ví dụ, khi họ yêu nhau và được ở bên nhau theo một cách đặc biệt.

Khái niệm bạn đời tri kỷ có thể tồn tại hàng nghìn năm, nhưng thuật ngữ chính xác được đưa ra vào thế kỷ 19, trong bức thư viết năm 1822 của nhà thơ Samuel Taylor Coleridge: "Để hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân bạn phải có một người bạn tâm giao". Nhưng chính đời sống hôn nhân của Coleridge cũng không hạnh phúc khi ông kết hôn do áp lực xã hội. Ông và vợ sống ly thân một thời gian dài trước khi chia tay.

Bất chấp việc Coleridge không thể tìm được một người bạn đời tri kỷ thực sự, nhưng tư tưởng của ông vẫn tồn tại và trở nên phổ biến. Brad Wilcox, giáo sư xã hội học và là giám đốc Dự án Hôn nhân quốc gia tại Đại học Virginia, Mỹ, ghi nhận sự gia tăng sức hấp dẫn của những người bạn tâm giao kể từ năm 1970. "Con người có xu hướng tìm kiếm những mối quan hệ khiến họ hạnh phúc và viên mãn hơn. Đã có những sự thay đổi từ cách tiếp cận hôn nhân thực dụng sang mô hình hôn nhân tri kỷ, thiên về tình cảm. Trong đó con người đặt nhiều kỳ vọng về mặt tâm lý và ít vật chất hơn", giáo sư Brad Wilcox nhận định.

Nhưng có nhiều lý do để con người hoài nghi về một người bạn tri kỷ của riêng mình. Thậm chí nhiều người không muốn đi xa để tìm được một nửa còn khuyết. Phần lớn người Mỹ kết hôn với người cùng bang và 43% trong số đó, lấy bạn thời trung học hoặc đại học.

Bradley Onishi, phó giáo sư tôn giáo tại Đại học Skidmore, Mỹ, tin rằng có điều gì đó bẩm sinh trong con người muốn tin vào bạn tâm giao, trong bối cảnh sự gia tăng chóng mặt của các ứng dụng hẹn hò, ghép đôi.

"Bạn tri kỷ hứa hẹn sự trọn vẹn. Họ nói rằng sự cô đơn thường là một phần của trải nghiệm mang tính tạm thời. Rằng một ngày nào đó sẽ được hạnh phúc mãi mãi, bảo vệ chúng ta khỏi bị tổn thương và mang đến một cuộc sống ý nghĩa", Bradley Onishi nói.

Nhưng thực tế, nỗ lực tìm kiếm một người bạn tri kỷ chưa phải là cách tốt nhất. Nghiên cứu về hàng trăm mối quan hệ cho thấy kỳ vọng quá lớn về người bạn đời hoàn hảo dễ khiến họ vỡ mộng.

Ruth Micallef, một chuyên gia tư vấn, từng làm việc với nhiều bệnh nhân gặp khó khăn trong các mối quan hệ cho biết: "Kỳ vọng về một điều gì đó quá hoàn hảo chỉ dẫn đến những thất vọng và phẫn nộ, vì chúng phi thực tế".

Ngoài ra, các mối quan hệ hạnh phúc viễn mãn đều phải dành nhiều năm để vun đắp, cùng nhau vượt qua tất cả những khó khăn và không yêu cầu người bạn đời phải trở thành người chồng như tưởng tượng.

"Không ai hoàn hảo, vậy nên chúng ta cần tập trung vào những điểm tốt và cùng khắc phục những nhược điểm. Thay vì cứ trông mong vào một tình yêu viển vông", Wilcox nói.

Nhưng không vì lẽ đó mà con người mất niềm tin vào tình yêu tri kỷ, như chuyện tình của Miller và Sam. Họ kết hôn được 23 năm và có với nhau ba người con. "Đó là điều tôi tự hào nhất. Cuộc đời còn nhiều bất trắc nhưng tôi có thể tự tin nói rằng chúng tôi cùng nhau trưởng thành, cùng nhau già đi và mãi mãi là tri kỷ", bà nói.

Minh Phương (Theo BBC)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn