• Bryan Lufkin
  • BBC Worklife

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Nếu bạn đã được chích vaccine và quay trở lại cuộc sống đời thường, bạn có thể nhận ra điều gì đó: có rất nhiều người bạn đã không nói chuyện trong một năm rưỡi qua.

Sau đó, bạn lại nhận ra một điều khác: bạn muốn tình trạng đó cứ tiếp diễn.

Nhiều người trong chúng ta đang bắt đầu thu nhặt lại những mối liên hệ xã hội mình đã có trước đại dịch.

Khi nghĩ tới chuyện ai là người đầu tiên mình muốn gặp, chúng ta nhận ra có những tình bạn từ 'lúc trước' mà ta đã không duy trì trong thời gian phong tỏa, và nay lại không mấy hào hứng hâm nóng lại mối quan hệ đó trong khi điều kiện đã cho phép.

Liệu chúng ta có nên cảm thấy buồn bực khi nhận ra bản thân mình không mấy quan tâm đến những mối quan hệ này?

Dù lâu nay mọi người biết rằng không cần phải bàn cãi gì, tình bằng hữu là rất tốt cho sức khỏe, nhưng các chuyên gia nói rằng việc bạn mới quen và thậm chí là bạn bè thân rơi rụng theo thời gian là điều tự nhiên, và ta không cần phải cảm thấy day dứt, có lỗi gì về việc đó cả.

Nếu thực sự thấy nhớ ai đó, bạn luôn có thể liên lạc lại. Nhưng nếu bạn cảm thấy miễn cưỡng, hoặc thấy làm vậy là ép buộc tình cảm, thì hãy coi đó là dấu hiệu bạn có thể làm lơ người đó.

Tự hỏi lòng mình

"Khi có một người mà bạn đã không giữ liên hệ trong đại dịch - nếu bạn không cảm thấy cần phải xem họ hiện như thế nào và họ cũng không hỏi thăm tình hình bạn - thì hãy tin vào tiếng lòng mình," Suzanne Degges-White, giáo sư tư vấn tại Đại học Bắc Illinois, Mỹ, nói. "Không phải mọi tình bạn đều kéo dài mãi. Điều đó đi theo hai chiều."

Shasta Nelson, tác giả, diễn giả về tình bạn ở San Francisco, đồng ý rằng "các mối quan hệ lúc thăng lúc trầm trong đời là điều hoàn toàn bình thường".

Không thể nào duy trì liên hệ với mọi người bạn chúng ta từng có, bà nói, đặc biệt khi chúng ta có thêm các mối quan hệ mới khi hoàn cảnh sống thay đổi, chẳng hạn như chuyển đến thành phố khác hoặc thay đổi công việc.

Những trải nghiệm cuộc sống này thay đổi mạng lưới bè bạn, khi chúng ta sắp xếp lại thứ tự những người bạn mà chúng ta muốn dành thời gian cho họ.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Đại dịch là minh chứng hoàn hảo về làm thế nào hoàn cảnh sống sắp xếp lại các nhóm bạn của chúng ta.

Vì chúng ta đã phải cách ly với nhau theo đúng nghĩa đen hồi năm ngoái, Degges-White nói rằng điều này dẫn đến hình thành các 'nhóm chọn lọc trong đại dịch' - một tập hợp người thân và bạn bè thân thiết có chọn lọc vốn nằm trong 'bong bóng' của bạn, và cũng vốn thực hiện các biện pháp phòng dịch như bạn.

Chúng ta đã phải kén chọn kỹ lưỡng để cho phép ai vào nhà, và đột nhiên chúng ta không thể gặp lại trực diện tất cả những người mà chúng ta quen biết từ trước đại dịch như trước đây.

Chúng ta chỉ có đủ sức lực để liên lạc với những người ngoài nhóm hẹp của mình, vốn khiến chúng ta tự động thu hẹp lại những mối quan hệ mà chúng ta muốn giữ.

Giữ liên lạc với những người bên ngoài nhóm này mất công hơn - và mặc dù chúng ta bận rộn khử trùng tay nắm cửa và hốt hoảng đi mua giấy vệ sinh, chúng ta lại không có đủ năng lực cảm xúc để liên hệ tất cả mọi người mà chúng ta từng giao tiếp, cả bạn thân mật và bạn hờ hững.

Và khi chúng ta có cơ hội liên hệ lần nữa, chúng ta có thể thấy mình không nhất thiết thấy nhớ những người mình không nói chuyện. Tất cả những điều này có thể giúp giải thích lý do tại sao bạn miễn cưỡng liên lạc - và, trong một số trường hợp - mong rằng bạn cũ cũng như bạn mới không liên hệ gì lại bạn.

Chăm sóc 'khung cảnh bạn bè'

Mặc dù bạn có thể thấy có lỗi, thấy việc lựa chọn bạn bè như vậy có nghĩa là mình nhạt nhẽo với bạn, nhưng điều đó không nhất thiết là xấu. Việc nuôi dưỡng, duy trì mạng lưới bạn cũ, bạn mới phù hợp với ý muốn của cá nhân bạn mới là điều quan trọng.

Bạn đang làm điều mà Degges-White gọi là 'khung cảnh bạn bè': "ai gần bên, chúng ta muốn ở bên ai và chúng ta muốn ai xung quanh chúng ta?"

Khung cảnh bạn bè có thể thay đổi trong một số hoàn cảnh cụ thể trong cuộc sống - vào đại học hoặc dự trại hè, hoặc có việc làm nào đó - và bạn thường bắt đầu sắp xếp bạn mới để phù hợp với hoàn cảnh sống hiện tại.

Không phải ai cũng hợp với khung cảnh bạn bè hiện tại. Điều đó hoàn toàn đúng trong thời đại phong tỏa và giãn cách xã hội.

"Trong đời, khi chúng ta trải qua những giai đoạn và lứa tuổi nhất định, sự chú ý của chúng ta thay đổi và chúng ta muốn ở gần những người giống mình," Degges-White nói, có thể đó là những người đã kết hôn và có con giống bạn, hay những đi học xa nhà như bạn.

"Đại dịch đã thay đổi rất nhiều thứ," bà nói. "Nó chỉ cho chúng ta thấy những người chúng ta thấy quý giá, người chúng ta nghĩ sẽ giúp mình an toàn cả về thân thể lẫn tâm lý."

Vì khung cảnh bạn bè luôn vận động trong suốt đời chúng ta, nên ngày qua ngày chúng ta phai nhạt với một số người cũng là điều tự nhiên.

Cũng không thực tế khi nghĩ rằng có thể giữ liên hệ với tất cả mọi người theo nghĩa đen - ngay cả nghiên cứu cho thấy không thể dành đủ thời gian cho tất cả bạn cũ và mới.

"Hoàn toàn đúng đắn khi đánh giá ngay bây giờ chúng ta muốn bỏ công sức vào đâu," Nelson nói.

Chào nhau lần nữa

Tuy nhiên, nếu bạn tự hỏi liệu có nên tiếp cận lại với những người bạn ngày càng cách xa hay không, hãy suy nghĩ kỹ và có chiến lược.

Đầu tiên, hãy lắng nghe tiếng lòng của bạn, như Degges-White nói. Nếu bạn thực sự nhớ ai đó, đó là dấu hiệu cho thấy tình bạn đó đáng bỏ công sức.

Một phép thử tốt để quyết định có nên liên lạc lại hay không, bà nói, là tự hỏi từ giờ cho đến 6 tháng, bạn có buồn bực vì mình và người bạn đó không liên lạc hay không?

Nếu là có, thì cứ thoải mái liên hệ với họ.

Và nếu bạn cho là không, nhưng cảm thấy có lỗi, Nelson nói, hãy thừa nhận điều đó, nhưng cũng nên nhận ra rằng đó không phải là "tội lỗi thực sự, mà là một dạng nhận thức, nỗi buồn khi thừa nhận rằng mối quan hệ này sẽ không đi xa hơn".

"Mối quan hệ không phải là được ăn cả, ngã về không," Nelson nói.

Nếu có ai đó bạn thực sự muốn quay lại nhưng lại cảm thấy khó xử vì đã quá lâu, bạn có thể nói: "Trời ơi, cuối cùng tôi cũng ngoi lên. Tôi nghĩ về cậu rất nhiều trong năm qua, và tôi rất tiếc chúng mình mất liên lạc," bà nói. "Tôi chỉ muốn nói cậu biết rằng tôi nhớ cậu. Nếu cậu có thời gian, tôi rất muốn gặp cậu để đi bộ - việc mà chúng ta luôn nhắc," hoặc "Tôi rất mong ngóng quay trở lại cơ quan."

"Chỉ cần thừa nhận nó và nói, 'Ước gì chúng ta giữ liên lạc, nhưng chúng ta đã không làm được'," Nelson nói tiếp. "Tôi nghĩ mọi người đều hiểu."

Một tình huống khác nhiều người gặp phải là kết nối lại với những người bạn cũ nhiều năm trước trong đại dịch, như bạn cũ từ thời đại học.

Và dù đối với nhiều người đó là điều may giữa khủng hoảng y tế, bạn có thể cảm thấy việc phải giữ giao tiếp thường xuyên như trong suốt thời phong tỏa làm cho bạn thấy như đang bị vắt kiệt sức lực.

"Rất nhiều đoạn nhắn tin trò chuyện qua lại của tôi với người khác đang tự động thưa thớt dần," Nelson nói. Bà gửi tin nhắn để tỏ ý cho bạn bè biết rằng mặc dù bà vẫn muốn duy trì mối quan hệ với họ nhưng rõ ràng là bà sẽ không duy trì việc gửi tin nhắn, giữ liên lạc ở mức độ thường xuyên.

Đại dịch đã thay đổi sâu sắc cách chúng ta giao tiếp xã hội và cách chúng ta tiếp cận các mối quan hệ.

Khi chúng ta bước vào giai đoạn mới của cuộc sống và bắt đầu xem xét lại nhiều mối quan hệ này, chuyên gia nói rằng chắc chắn bạn không nên phá bỏ các mối quan hệ, nhưng đừng cảm thấy áp lực khi tìm cách ôm đồm tất cả mọi người vào trở lại cuộc sống của bạn.

Và đừng cảm thấy có lỗi khi tình bạn trôi qua trong đại dịch - các chuyên gia nói rằng chúng ta nên dễ dãi với mình, tha thứ cho bản thân và tha thứ lẫn nhau, bởi vì những gì xảy ra trong 15 tháng qua thực sự là chuyện chưa từng xảy ra trước đây.

"Nếu có người bạn không hề nói chuyện trong đại dịch, nhưng mọi việc hoàn toàn dễ chịu - thì tôi nghĩ là họ đã nhận được thông điệp," Degges-White nói. "Và có lẽ họ cũng đã gửi thông điệp của họ cho bạn."