Cù Mai Công - « Rồi những đêm thế trần đón Noel »

Chủ Nhật, 26 Tháng Mười Hai 20215:05 CH(Xem: 3595)
Cù Mai Công - « Rồi những đêm thế trần đón Noel »

AVvXsEhpQqNPsWru-OAFgzDYTgIEBvCyeSrytM-rAbJTnW6Ty-IYfljogLLyVe1Nz2yFcuNr5yBDOu8e_ACArxKoNfOWAxW8ZofZXH_xAMjFgUtMTvBCSY6ipkFr2UhgZfeQ7Mfm5TzGMVS2Hvq5dm963QDtWbkWLOx8k-Nkem8lNZJEOOw4VjX3x8QwCsIwGg=w400-h300

Nhạc sĩ Nguyễn Vũ, “ông giáo làng” dạy nhạc hiền lành, giáo dân xứ Nghĩa Hòa – Ông Tạ thỉnh thoảng có trách nhẹ chuyện nhiều ca sĩ, bản in nhạc hát, ghi sai lời “Bài Thánh ca buồn” của ông khi đổi “thế trần” thành “thánh đường”: “Rồi những đêm thánh đường đón Noel”.

Trách nhẹ thôi, vì ông bảo: “Với tôi, Noel từ lâu đã không còn là một lễ hội tôn giáo dành riêng người theo đạo nữa. Noel trở thành một lễ hội chung của mọi người. Đó là ngày hội lớn được đón nhận bởi mọi quốc gia, mọi sắc tộc, mọi tầng lớp xã hội”.

Một lỗi thứ hai mà ông nhắc tới: “Rồi một chiều áo trắng thay màu, em qua cầu xác pháo theo sau” bị các ca sĩ cũng như bản in đổi thành “Rồi một chiều áo trắng phai màu”. Ông giải thích: “Áo trắng thay màu” có nghĩa chiếc áo trắng thơ ngây của cô nữ sinh ngày nào giờ đổi thay sang một màu áo nào khác, cụ thể ở đây từ chiếc áo nữ sinh thay qua màu áo cưới.

Chỉ hai từ thôi cho thấy nét ý tứ, sâu sắc của một nhạc sĩ Bắc 54 Hà Nội xưa nay sống khiêm cung, thanh lịch và bình dị ở vùng đất đậm đặc Bắc 54 Ông Tạ: Nghĩa Hòa.

AVvXsEgGhCUMKNK6NYh__HUH6xhs2GeZOOa5ckNj-REdAjfnvDHGISXpjP34BK0YzLIHxQrNHY5PFNUvnZZFAFeOOrV_fq-KpDJs4r4aEvsm1hI5WzcEAzNECh2yIdy9YzavW1tVYhUIMIs7WRUnHTImQj28slaZXKivEwD-VwB2nKUN5-llHBWxic19FTuGrA=w353-h400

 

Nhà ông trên đường Nghĩa Hưng, phường 6, Tân Bình. Chỉ cách đường Nghĩa Phát, trục chính sầm uất, tấp nập của khu chợ Nghĩa Hòa - khu chợ đậm chất Ông Tạ nhất hiện nay với nhiều món Bắc 54 tưởng chừng đã thất truyền - vài chục mét nhưng thật lạ, nó như một thế giới riêng, yên tĩnh, ít nhà buôn bán.

Sáng sáng, ngôi nhà nhỏ của ông vang tiếng dương cầm nhè nhẹ, chỉ như ru thêm bình yên nhà hàng xóm, trong đó có nhà các con ông cạnh bên. Tiếng dương cầm nhẹ như bước chân ông bà rảo trên đường ra công viên Lê Thị Riêng tập dưỡng sinh cách đó non cây số. Nhẹ và thanh lịch như lối sống bao lâu nay của ông trong xóm đạo Ông Tạ. Nhẹ và đằm thắm như ly cà phê ông uống trong quán cà phê của nhà thơ Phạm Thiên Thư trong khu Bắc Hải gần nhà cùng anh bạn trẻ Hải Đăng nhà đối diện – vốn từng làm báo Tuổi Trẻ hơn chục năm với tôi.

Nhẹ như nhạc phẩm bất hủ của ông vang lên mỗi mùa Giáng sinh, kể cả dịp Giáng sinh năm nay 2021, khi ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng vốn cũng là cư dân ngõ Con Mắt – Ông Tạ gần đó cất giọng như thảng thốt: “Bài thánh ca buồn”.

Nhạc phẩm ấy nhẹ lắm, trầm lặng lắm – như tình cảm rón rén của một cậu thiếu niên với một cô bạn gái mình để ý mà mãi nhiều năm sau, hình như khi cô bạn xưa đã sang sông, nó mới dám cất lên, nhớ lại kỷ niệm: “Bài thánh ca đó còn nhớ không em?”.

AVvXsEjJovCm5Iq3bYWjgtlwa7S_oNMp6ZKyVxPeiCKOWz7M1M8X8YHNcv-_sg_y7Zb-BSnoNbXUTZ2lOmF9LRVPJKa-N2NJVSDvP2_Mx9MFXENaESGBoZWcYiQKtX1lFL63CuxmxwHP2sKSoyZkep5TF45PgyxgauqL7jYiPNhJpYtq3yVx5VOmIMHbkyepDA=w400-h280

 

“Chuyện xưa kể rằng”: Năm 1958, có một thiếu niên tên Nguyễn Tuấn Khanh 14 tuổi, sinh năm 1944 tại Hà Nội, lớn lên ở Đà Lạt sau cuộc di cư 1954. 14 tuổi, nó bị mê đắm bởi một cô gái "má đỏ, môi hồng" của thành phố Đà Lạt sương mù. Tình cảm ấy khiến nó cứ lẽo đẽo theo cô trên đường đến nhà thờ. “Trái tim của một gã trai mới lớn thổn thức đến tội nghiệp nhưng tôi lại không có can đảm để làm quen”.

14 năm sau, khi cô bé "má đỏ, môi hồng" có lẽ đã yên bề gia thất với ai đó, thằng bé xưa lúc ấy đã là nhạc sĩ Nguyễn Vũ mới dám nhớ lại: “Trong một lần tan lễ, trời mưa rất to, cả hai chúng tôi đành phải trú mưa chung dưới một hiên nhà. Lúc ấy cũng đúng ngày lễ Giáng sinh. Cô ấy và tôi đều im lặng. Khi nghe ca khúc “Silent night” (Đêm thánh vô cùng) phát ra từ nhà bên cạnh, cô ấy lẩm nhẩm hát theo. Hình ảnh ấy cứ ám ảnh tôi mãi cho đến nhiều năm sau đó, vào năm 1972, tôi đã viết lại cảm xúc của mình".“Bài thánh ca buồn” ra đời. Ngay lập tức, hãng đĩa Sơn Ca nổi tiếng khi ấy đã mua độc quyền nhạc phẩm này và ca sĩ Thái Châu là người đầu tiên thể hiện... ; là một trong những nhạc phẩm Giáng sinh được nhiều thế hệ yêu thích cho đến nay.

Nhạc phẩm ấy – như bao nhạc phẩm của ông xem chừng ẩn giấu nhẹ nhàng nét lãng mạn Hà Nội, nơi ông sinh ra; lồng trong màu xanh thăm thẳm Đà Lạt tuổi thiếu niên và cả nét thổn thức xóm đạo Ông Tạ, nơi ông thành danh: “Rồi những đêm thế trần đón Noel - Lang thang qua miền giáo đường dấu yêu - Tiếng thánh ca ngày xưa vang đêm tối - Nhớ quá đi thôi giọng hát ai buồn…”.

Thổn thức ấy là thật, bởi chính ông cũng cho rằng: “Chết lên chết xuống vì tình thì viết nhạc mới hay” dù cái “chết lên chết xuống” ấy hầu như ông chỉ lặng lẽ giữ cho riêng mình. Cho đến một hôm, bất chợt nó bật ra: “Bao nhiêu đêm Chúa xuống dương gian - Bấy nhiêu lần con nhớ người yêu…”.

 

Cậu bé ấy có vẻ nghệ sĩ từ nhỏ khi chơi được nhiều nhạc cụ như guitar, harmonica, piano... và hát cho Ban Thiếu nhi của Đài Phát thanh Đà Lạt; năm 12 tuổi (1956) giải nhất đơn ca thiếu nhi của đài. Nhưng vài năm sau, gia đình ông vào Sài Gòn, ở vùng Ông Tạ khi nó đang còn nhà tranh mái lá mãi cho tới nay.

Và cũng không theo nghiệp hát mà thành nhạc sĩ năm 23 tuổi, với bản nhạc đầu tay “Huyền thoại chiều mưa”  lất phất giọt mưa bay:

“Một chiều cuối tuần mưa bay lất phất và mây trắng giăng giăng

Em đến thăm anh, và vì mưa mãi nên không kịp về

Bên em, anh lặng nhìn bầu trời nhòa ánh mắt mộng mơ

Sợ người yêu khóc, khe khẽ bên tai anh kể chuyện ngày xưa…”.

Ít năm trước, ông mở lớp dạy đàn, dạy nhạc cho thanh thiếu niên Ông Tạ ngay nhà mình. Lớp học cũng không ồn ào, ít ai biết. Ông bảo: "Hình ảnh những đứa học trò cặm cụi, đánh vật với những nốt nhạc như tiếp thêm sức lực cho tôi…”. Liệu hình ảnh ấy có nhắc ông về một thời trẻ yêu thổn thức trong lặng thầm? Như bao trái tim yêu Ông Tạ vốn bình dị cả trong yêu thương con người và cuộc sống?

Bình dị, lặng lẽ như khi ông “phát hiện” dẫn dắt, chỉ bảo một đứa em họ của ông, chỉ kém ông ba tuổi sau cũng là một nhạc sĩ nổi tiếng: nhạc sĩ Đức Huy. Trong các sáng tác của Đức Huy, nhạc phẩm “Và con tim đã vui trở lại” là một bài hát viết trong lúc đang làm việc, vừa hát vừa đàn ghita trên chiếc tàu du lịch của Mỹ trên đảo Hawaii với tâm trạng cô đơn, và đang đọc… Thánh kinh. Những nốt nhạc của hai anh em nhạc sĩ ấy rung lên thánh thiện, trong lành như vậy – như một góc “bình an dưới thế” đêm Noel xóm đạo Ông Tạ.

Nhạc sĩ Nguyễn Vũ có cô em ruột tên Nguyễn Hải Triều, một nhạc trưởng tài ba, từng là sơ dòng Mân Côi (sau này đã xuất tu). Nhà dòng cách nhà ông vài trăm mét. Một em gái ruột nữa là Nguyễn Thị Thanh Phượng, rất vui tính và xinh đẹp, cũng từng dạy trường Mai Khôi tôi học ngày xưa (nay là trường Bành Văn Trân). Dòng Mân Côi đối diện trường Mai Khôi trên đường Thánh Mẫu (nay là đường Bành Văn Trân).

Bạn bè lối xóm ai cũng biết biết “ông giáo làng” ấy không thích nói nhiều về chuyện đã qua và cũng hiếm khi đánh, hát nhạc của mình. Đến nay, ông bảo thành công nhất trong suốt cuộc đời ông là bốn đứa con đều thành người; dù không đứa nào nối nghiệp cha nhưng tất cả đều biết đàn biết hát. "Cha con chúng tôi trở thành ban nhạc trong những ngày nghỉ, hội tụ gia đình. Với tôi, như thế là đủ”.

“Ban nhạc gia đình” của một nhạc sĩ Ông Tạ quả an bình, trong trẻo như một đêm Giáng sinh trong xóm đạo Nghĩa Hòa mùa Noel năm Covid thứ hai này có phần trầm lắng – dù ánh đèn chớp nháy vẫn giăng khắp lối: “Lung linh sao trời đẹp thêm môi mắt - Áo trắng em bay như cánh thiên thần…”.

CÙMAI CÔNG 24.12.2021

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn