Rổ rá cạp lại...

Thứ Sáu, 17 Tháng Mười Hai 20216:36 CH(Xem: 2444)
Rổ rá cạp lại...
Chồng Hằng mất khi thằng cu thứ 2 vừa tròn 3 tháng. Anh đi làm về dựa lưng vào ghế và kêu đau đầu, thế rồi anh đi, chẳng kịp nói với vợ câu nào, cũng chẳng kịp thơm thằng cu hai má căng tròn đang ngủ trong nôi.
AVvXsEhYg7DU4pYmT_e82JBV6E7QqFjAR0YE0Y9FIdVlE1W7l2J5EzsHMYAjogDdOPPWRNqRMOHcIpraDXfBSYaMq5j-0FlB5pRQ6bSWKhCzkjMkhlrRiN0cFcO_JProtnwmMIsSkjgZPvNu9bcqULjQICPVEAvQvdBbZaPA_PfLG12VQfK-JCVccKJBPhuV=w640-h480
Hằng đã muốn chết đi theo chồng nhưng nghĩ đến 2 con cô lại gắng gượng sống.
Mất sữa, suy nhược, buồn, Hằng như con mèo hen gầy gò đen đủi ốm o. Mẹ cô từ quê lên giúp con gái trông cháu khi Hằng hết thời gian nghỉ thai sản.

Thời gian trôi nhanh, Hằng cũng nguôi ngoai dần nỗi đau mất chồng, thằng cu cũng đã được 2 tuổi, mẹ cô đã về quê vì còn bao việc đồng áng và chăm sóc bố cô. Ba mẹ con Hằng nương tựa vào nhau.

Một ngày Hằng đi đám cưới người họ hàng, tình cờ cô gặp Thiệu, anh đang làm việc trong quân đội và đã ly hôn. Thế rồi họ lấy số điện thoại, rồi gọi điện nhắn tin…, sự đồng cảm đưa hai người xích lại gần nhau. Sáu tháng sau Thiệu chuyển về ở cùng ba mẹ con Hằng.

Có Thiệu về ở cùng, Hằng yên tâm đi làm ca, có khi cô phải đi ca đêm, mọi việc ở nhà một tay Thiệu lo lắng. Thiệu xin đơn vị cho làm những việc nhẹ để có thời gian chăm sóc Hằng, đưa đón thằng cu con đi lớp mẫu giáo. Khi Hằng đi làm về, bé lớn đi học về là đã có cơm lành canh ngọt. Hằng được chăm sóc cả tinh thần và vật chất nên cô óng ả hơn, béo tốt hơn và xinh đẹp hơn. Thiệu chiều Hằng lắm, cô muốn ăn gì, thích gì, anh đều làm theo. Các con Hằng gọi anh là Ba, yêu thương và gần gũi. Hai thằng cu được anh chăm bẵm, tắm gội, đưa đón hàng ngày, nó quý anh hơn mẹ.

Thế rồi chẳng hiểu Hằng tỉ tê thế nào, hay Thiệu muốn toàn tâm toàn ý với gia đình mới mà Thiệu xin nghỉ hưu sớm. Từ ngày nghỉ hưu, Thiệu càng chăm chút cho mẹ con Hằng hơn. Lương hưu hơn 6 triệu Thiệu đưa cả cho Hằng lo cho gia đình, thi thoảng về thăm bố mẹ thì Thiệu bảo Hằng đưa chút ít biếu ông bà, thế thôi. Con chung của Thiệu với vợ cũ thì khi li hôn đã để vợ cũ nuôi. Thiệu dành cho 2 mẹ con vợ cũ tất cả tài sản, nhà cửa, anh ra đi tay trắng cho đến khi gặp Hằng.

Nhiều lần Thiệu muốn hai người đi đăng ký kết hôn để Thiệu có danh phận rõ ràng. Anh bảo để thuận lợi khi hiếu lễ 2 bên nội ngoại, và cũng để đỡ mang tiếng sống kiểu góp gạo thổi cơm chung, nhưng Hằng nhất định không chịu. Sâu thẳm trong cô, cô sợ lấy chồng thì gia đình nhà nội sẽ cắt mất xuất đất mà họ hứa chia cho con trai cô khi chồng cô chết, nghe đâu giờ bán cũng vài tỷ.

Thiệu buồn lắm.

Rồi thời gian cũng trôi nhanh, thằng cu bé đã vào lớp 1 rồi lớp 2, hai người vẫn sống kiểu góp gạo như vậy. Giờ Thiệu nhàn hơn, con bé lớn lên cấp 3 tự đi xe đạp điện, cu con học tiểu học gần nhà tự đi bộ đi học. Hằng vẫn làm ca, khi về cô chỉ ôm điện thoại rồi ngủ, cơm nước vẫn một tay Thiệu lo. Rảnh rỗi nên mấy ông hàng xóm rủ Thiệu đi câu, thế rồi Thiệu ham. Hằng không thích cho anh đi câu, cô giận dỗi, bóng gió, đem cho hết cá trong tủ không thèm ăn.

Hằng cho rằng câu cá là trò vô bổ, nhàn cư vi bất thiện. Cả ngày bêu nắng dầm mưa có gì hay ho cơ chứ, hơi đó để mà nghỉ. Nhưng cô đâu biết cô đi làm cả ngày, tối về ôm điện thoại rồi ngủ, chẳng nhìn đến anh. Cô đi làm đêm thì cả ngày ngủ, các con đi học mình Thiệu bơ vơ trống trải trong căn nhà vờ như là của mình. Thiệu buồn chứ, cô đơn chứ. Trước đây các con Hằng còn nhỏ thì Hằng cần Thiệu, giờ đây các con đã lớn thì Hằng cần cái điện thoại hơn Thiệu, ngoài lúc làm về là Hằng ôm cái điện thoại, Thiệu nấu gì cô ăn nấy. Mọi việc vệ sinh nhà cửa bếp núc, nhà tắm… một tay Thiệu dọn dẹp; bẩn thì cô chê, cô nói ở nhà làm gì mà để nhà cửa bếp núc bẩn thỉu như thế này ?

Một chiều Hằng đi làm về gặp Thiệu và bạn câu đang ngồi ăn uống tại nhà, cô khó chịu ra mặt, đá thúng đụng nia, mắng chó chửi mèo… Ba ông bạn câu lặng lẽ chào gia chủ đi về. Khách vừa về Hằng quay sang chửi Thiệu :

- Đây là nhà tôi, anh không có quyền dẫn khách về đây ăn nhậu
- Tôi không thể chịu được nữa, anh mang mấy cái cần và số cá trong tủ đi đi cho khuất mắt tôi.
- Đồ nát.

Nói rồi Hằng đem hết số cá trong tủ vứt ra sân, mang quần áo Thiệu vứt ra sân. Chìa khoá xe và điện thoại của Thiệu cô cũng vứt ra chỏng chơ trên đống quần áo.
Thiệu chơ vơ đứng giữa đống cá và quần áo. Phân vân không biết nên đi hay vào nhà thì Hằng đã đóng sập cửa lại.

Vậy là hết, cánh cửa ngôi nhà đó đã khép lại với anh. Bao năm anh chăm sóc vun đắp, từ khi thằng cu bé 2 tuổi cho đến giờ, từ khi Hằng như con mèo hen gầy gò đen đủi ốm nhách cho đến phổng phao trơn lông đỏ da xinh đẹp như bây giờ…

Khi Hằng cần anh, anh đã bỏ cả công việc để toàn tâm toàn ý cho mẹ con Hằng, giờ con Hằng lớn, cô hất anh ra khỏi nhà như thế này đây!

Thiệu cầm cái điện thoại rồi dắt xe đi.

Tiếng cửa mở toang, cu con chạy ào ra thổn thức:
- Ba ơi, tối rồi mà Ba, Ba đừng đi ! Mình vào nhà đi Ba !

Lại có tiếng cửa đóng sầm. Thiệu gỡ tay cu con ra, lên xe phóng đi, ra tận ngõ vẫn nghe tiếng nó gào lên “Ba ơi!”.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn