Vì sao tôi không thấy mảy may xúc động trong lễ tưởng niệm nạn nhân COVID tại Việt Nam?

Thứ Hai, 22 Tháng Mười Một 20215:28 CH(Xem: 3395)
Vì sao tôi không thấy mảy may xúc động trong lễ tưởng niệm nạn nhân COVID tại Việt Nam?
rfa.org

Vì sao tôi không thấy mảy may xúc động trong lễ tưởng niệm nạn nhân COVID tại Việt Nam?

Bài bình luận của Nguyễn Minh 2021-11-22

Chiếc lư hương lớn bằng đá đặt giữa quảng trường. Một vòng tròn người đủ già trẻ gái trai, nhiều màu da và các vị tu sĩ các tôn giáo đứng chung quanh. Người già yếu, trẻ em, người khuyết tật thì ngồi trên những chiếc ghế xếp. Trên cao, có một màn hình Led  nền trắng đen với hình ảnh một ngọn nến cháy bập bùng và dòng chữ giản dị “Tưởng niệm đồng bào qua đời vì đại dịch COVID-19, ngày 19/11/2021”.

Lễ tưởng niệm

Trên đó chạy chầm chậm các con số cho biết đã có bao nhiêu người dân Việt Nam (và cả du khách nước ngoài) mất đi cuộc sống vì đại dịch, bao nhiêu trẻ em mồ côi, bao nhiêu gia đình mất cả cha lẫn mẹ, ông lẫn bà, bao nhiêu bác sĩ, điều dưỡng, chiến sĩ công an, bộ đội, dân phòng, tự vệ, cán bộ dân phố… đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ cứu chữa người bệnh và những hình ảnh đau thương không thể quên đã xảy ra tại Việt Nam trong mấy tháng qua.

Khi người MC của buổi lễ thông báo đã đến giờ làm lễ, đồng loạt tiếng chuông của các cơ sở tôn giáo-chùa, nhà thờ, thánh thất, hội thánh…- vang lên u trầm trong màn đêm. Hàng trăm đứa trẻ đủ mọi lứa tuổi-những đứa con đã mồ côi cha mẹ vì đại dịch bước lên, đặt di ảnh cha mẹ mình dưới chân lư hương rồi thắp lên một cây nhang. Có đứa tự bước lên, có những đứa anh chị dắt theo em, có những đứa còn quá bé, được ông, bà, cô, dì… bồng lên mới cắm được cây nhang cho cha mẹ. Có những đứa lũn cũn ngơ ngác nhìn chung quanh, vẫn chưa hiểu gì cả.

Sau những đứa trẻ mồ côi là những gia đình khác. Có những gia đình đã mất đến năm sáu người trong đại dịch, có những gia đình toàn bộ cha mẹ, con cái cùng dắt nhau về thế giới bên kia. Có những bác sĩ, điều dưỡng vẫn bận rộn trong bệnh viện, không thể đến được buổi lễ để tưởng niệm người thân của mình. Đám đông vòng trong vòng ngoài: bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, đối tác, khách hàng, bệnh nhân từng được chữa khỏi và vô vàn những người xa lạ.

Không phân biệt lãnh đạo, quan chức, cán bộ các cấp của chính quyền với người dân thường. Tất cả đều giống nhau trong sự thành kính và niềm bi thương hoài niệm về những người đã ngã xuống trong cuộc chiến với bệnh dịch.

Có những ngọn nến đặt trong chiếc hộp thủy tinh nhỏ cháy dưới chân lư hương. Sau khi nến cháy hết, những công nhân vệ sinh của thành phố sẽ dọn riêng các chân đế thủy tinh để mang đi tái chế.
Khi đêm vào khuya, dòng người thắp hương đã vãn, chiếc lư hương được dời đến đặt cố định tại một địa điểm trang trọng trên quảng trường thành phố. Có một tấm bia không lớn không nhỏ bên cạnh. Từ sáng mai, bất kỳ lúc nào, bất kỳ ai cũng có thể đến đó đặt một cành hoa, một tấm thiệp, một tấm di ảnh hay thắp một cây nhang cho hương hồn hơn hai vạn đồng bào đã rời bỏ cuộc sống. Và ngay bên cạnh đó, chính là cuộc sống sôi động của thành phố, với ánh đèn màu, với những đứa trẻ níu tay cha mẹ tròn xoe mắt ngắm những cột nước đang phun đủ hình đủ dạng, với hoa luôn nở thắm, với những cặp đôi nép vào nhau chụp ảnh cưới, với những cụ già ngồi trong xe lăn để con cháu thong thả đẩy đi dạo, tươi cười và mãn nguyện.

Những chứng tích đau thương sẽ tồn tại vĩnh viễn ở đó để ghi khắc một khoảng khắc ngắn ngủi nhưng thảm khốc trong lịch sử, và để nhắc nhở tất cả người dân Việt Nam biết quý trọng hơn từng ngụm khí trời, biết sống tận cùng hơn cuộc sống của mình thay cho hơn hai vạn đồng bào đã vĩnh viễn lìa nhân thế trong đau đớn tột cùng.

tuongniem2021b.jpeg
Các đại biểu dự lễ tưởng niệm đồng bào đã chết vì COVID-19 trong buổi lễ hôm 19/11/2021 ở Hà Nội. Hình: Hà Nội Mới

Thực tế là…

Xin lỗi quý vị vì tôi phải sử dụng một thủ pháp cũ rích để hình dung một lễ tưởng niệm trang nghiêm và sâu sắc cho những đồng bào đã là nạn nhân COVID. Trên kia là buổi lễ tưởng niệm mà tôi hình dung ra và mong ước nó diễn ra như thế.
Vì thực tế hoàn toàn khác.

Buổi lễ tưởng niệm diễn ra trong khuôn viên hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập cũ-TP.HCM) hôm 19/11 giống y chang hội nghị tổng kết cuối năm của một ngành nào đó.

Phần chính của nó là một sân khấu cao và lớn, có những cụm đèn led chế theo hình những đám mây xanh hai bên rất tượng trưng một cách lộ liễu và thiếu tinh tế. Dòng chữ thì phân biệt rõ: người dân thì tử vong, còn cán bộ chiến sĩ thì hy sinh. Tại sao không dùng một từ chung là “qua đời” cho tất cả? Sao phải phân biệt ngay cả cái chết?

Theo thông lệ, phần khai mạc phải do vị quan chức cấp cao nhất đọc diễn văn.

Đây là một phần trong diễn văn khai mạc của Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Đỗ Văn Chiến:
“Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trực tiếp là đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, lực lượng vũ trang, nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong vùng dịch đã “chiến đấu kiên cường”, làm hết sức mình chăm lo, bảo vệ sức khỏe của nhân dân.

Nhưng do dịch bệnh chưa có tiền lệ, lây lan nhanh, cực kỳ nguy hiểm, đã có hơn một triệu người nhiễm COVID-19, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 23.000 đồng bào, đồng chí thân yêu của chúng ta…”
Một đoạn khác:
“Chúng ta tin tưởng sâu sắc rằng, với sự nỗ lực cao độ của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, quân và dân cả nước sẽ biến đau thương thành hành động, chung sức, đồng lòng, khắc phục mọi khó khăn, trở ngại, vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa nỗ lực khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết hậu quả nặng nề của dịch bệnh”. 

Những câu chữ quen thuộc với người dân Việt Nam như cơm bữa. Nó hoàn toàn có thể đặt vào bất cứ bài phát biểu nào khác của bất cứ ai, trong bất cứ bối cảnh nào, kể cả hội nghị tổng kết các ngành cũng đều vừa vặn và thích hợp.

Bởi vì nó là sáo ngữ đã được dùng đi dùng lại mòn nhẵn nên không còn cảm nhận được bất kỳ thông tin hay cảm xúc nào trong đó. Và thật khéo léo-cái chết của hơn 23.000 người (tôi cho rằng con số thực tế phải cao hơn không ít) được đổ lỗi hoàn toàn cho đại dịch. Không có từ nào về nguyên nhân lỗi lầm, sơ sót, quan liêu, thiếu trách nhiệm, tầm nhìn ngắn… của chính quyền, mặc dù chính Bí thư TP. HCM đã từng phải thừa nhận lỗi và xin nhân dân lượng thứ.

Sau bài phát biểu khai mạc long trọng, người lên thắp hương tưởng niệm được sắp xếp theo trật tự quan trường nghiêm ngặt. Đầu tiên dĩ nhiên là các quan chức to nhất thuộc Trung ương, tiếp theo là các vị quan nhỏ hơn thuộc TP. HCM, rồi tuần tự xuống đến các ngành, các sở, các tổ chức hội, mãi mới đến các chức sắc tôn giáo.

Có đại diện 50 gia đình nạn nhân ở đó nhưng tôi không thấy họ được mời ra thắp những nén hương đầu tiên. Tất cả sắp xếp đều cho thấy vị trí trọng yếu, trung tâm của buổi lễ chính là các vị quan chức kia chứ không phải là họ.

vovanthuongmemorial2021.jpeg
y viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng dâng hương tưởng niệm những người đã mất vì COVID-19 nhân lễ tưởng niệm hôm 19/11/2021. Hình: Đảng Cộng Sản Việt Nam

Lộn xộn và hình thức

Khi thắp hương, lẽ ra nên xếp hàng một đi lên và đi xuống đều từ cánh gà thì do không có hướng dẫn nên tất cả mọi người mạnh ai nấy đi hết sức lộn xộn láo nháo như cái chợ. Tất cả lại đều quay lưng vào đám đông ở dưới để thắp nhang và cúi xuống vái nên nét mặt thành kính của họ cũng không ai trông thấy. 

Và thủ tục chỉ đến thế là hết. Cho nên khi đám đông phía trên sân khấu chen chúc thắp hương thì phía dưới, mạnh ai nấy cầm điện thoại chăm chú, chắc là vừa post ảnh dự lễ và đang đọc comments (bình luận) trên Facebook.
Khi đám đông tan đi, chỉ còn chiếc lư hương trơ trọi trên sân khấu trông rất lạc lõng. Lúc đó thấy có những người dân thường ăn mặc giản dị cầm nhang tiến lên và chắp tay khấn rất lâu.

Không thể không công nhận sự tốn kém về hình thức mà Ban tổ chức buổi lễ đã dành cho buổi lễ. 1.000 người được chọn để mời đến dự trong hội trường Thống Nhất toàn bộ mặc y phục đen. Toàn bộ bàn ghế được bọc vải màu đen, nhưng nó chỉ dùng một lần rồi bỏ nên rất lãng phí không cần thiết. Mỗi người được phát một đài sen bằng giấy bên trong có thắp nến. Họ cầm đài nến đó để dự lễ. Lẽ ra đó cũng có thể là một khung cảnh đáng nhớ, nhưng vì lý do an ninh và phục vụ ghi hình nên những ngọn đèn trong khuôn viên hội trường Thống Nhất vẫn cháy sáng, do đó không thể làm nổi bật khung cảnh bi thương cả ngàn ngọn nến đỏ rung rinh trong màn đêm. Có thể chỉ dùng đúng một từ để diễn tả: fail! (Thất bại!)

Cuối cùng, hàng chục ngàn đài sen bằng giấy bìa mang theo những ngọn nến được thả ra sông. Thật lung linh, thật đẹp, thật gợi cảm xúc, nhưng tôi không tìm được dòng thông tin nào trên tất cả các báo Việt Nam cho biết chúng có được thu lại hay không. Các dòng kênh và sông ở TP. HCM, hồ ở Hà Nội đều đã ô nhiễm nghiêm trọng từ vài chục năm nay do người thân xả rác xuống. Rất hy vọng rằng buổi lễ tưởng niệm không góp phần tăng thêm ô nhiễm.

Và, vì tất cả những điều kể trên, xin hương hồn của những đồng bào đã mất tha thứ cho, nhưng tôi phải nói thật rằng buổi lễ tưởng niệm hoàn toàn giống như một buổi trình diễn-trình diễn sự thương cảm và thành tích chồng dịch. Tôi không nhận ra được tình cảm chân thật nào trong đó cả, và vì thế, nó không gây ra được sự xúc động nào trong tim tôi, trừ vài hình ảnh cuối cùng khi vài người dân nán lại sau chót để thắp cho được một que hương.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn