Tử vong, hy sinh và hối tiếc

Chủ Nhật, 21 Tháng Mười Một 20216:00 SA(Xem: 2445)
Tử vong, hy sinh và hối tiếc

AVvXsEjqwv2P0Elj1gz640G-JGj44q_Xu-8qdXbbtxB3Bd8nK1VZnGxj7wZz_uNN4_shPYmulUEzuRD8NRzd4x0g8K6BD6xplSCuCQS66kTNpacK164U9yBfHSrkMlLEGfGWto2GdjkTKSn5pifon0KGfvarmVnzNAYFItt5XM74XQU-1h3NZEfpDDdyopYxsw=w400-h250


{Suy nghĩ sau đêm tưởng niệm đồng bào ta tử vong vì Covid-19}

23.578 là số ca tử vong vì Covid-19 ở nước ta - đó là số liệu mới nhất tính đến chiều tối 19-11. Theo quan điểm chính thống của nhà nước, trong số những linh hồn đó có linh hồn là hy sinh, có linh hồn bị tử vong (chết).

Nhưng điểm chung là tất cả những linh hồn này đều bị chết vì virus SARS-CoV-2, cũng là tác nhân gây ra cái chết cho hơn 5 triệu người trên toàn thế giới tính đến hôm nay. Và hiện mỗi ngày trên thế giới vẫn còn hơn 8.000 ca tử vong vì SARS-CoV-2. Họ là những người tử vong vì Covid.

Hồi tôi ở chiến trường K, có thằng đánh nhau chết, dẫm mìn chết. Đi cải thiện té từ trên cây sầu riêng cao ngất chết, đi hái cà phê đạp mìn hay bị địch phục bắn chết. Đi ra suối bắt cá gặp lũ hay bất cẩn rơi xuống sông suối chết; sốt rét, sốt ác tính chết… đều được phong liệt sĩ. Nếu căng cứng theo nguyên tắc, có thằng liệt sĩ, có thằng tử sĩ nhưng đồng đội với nhau ai nỡ…

Chết là bình đẳng nhất, bởi có hy sinh hay tử vong vì Covid-19, cũng như tất cả chúng ta khi ra đi, đều đi tay trắng.

Hãy để những linh hồn tử vong vì Covid-19 được ra đi thanh thản…

Và hối tiếc. Tôi muốn chúng ta, tất cả chúng ta đi (trách nhiệm tập thể!) nên hối tiếc. Dịch Covid-19 cũng tàn phá chúng ta khá sớm, qua ba đợt dịch ta “chiến thắng vẻ vang”. Đợt thứ 4 là đợt “phản công” dữ dội nhất của đại binh đoàn SARS-CoV-2 và nói thẳng là chúng ta thất thủ.

“Lúc đó chưa có thuốc điều trị, thành phố tập trung xây dựng bệnh viện dã chiến để tập trung ca mắc Covid-19. Nhưng tập trung xong ngồi đó ngó, ai khỏe vượt qua, ai mệt thì đi nằm bệnh viện. Việc này tạo áp lực căng thẳng rất lớn. Giữ F0 lại ngăn chặn nguồn lây nhưng tập trung họ lại xong không biết làm gì”, Bí thư TP HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu. Thực tế là vậy.

Ông Tăng Chí Thượng, giám đốc Sở Y tế TP thẳng thắn thừa nhận: “Nếu không có vaccin sớm, chưa biết điều gì xảy ra”.

Vậy, khi thế giới đã trải qua gần một năm rưỡi đối phó với Covid-19, chúng ta cũng đã qua ba đợt đối đầu với SARS-CoV-2 lại không học được gì, không chuẩn bị được gì?

Chúng ta có chậm trong “chiến lược vaccin”?

Và tại sao khi có vaccin, ngoài ưu tiên cho tuyến đầu, sao không tiêm ngay cho những người có bệnh nền, những người trên 65 tuổi? Tại sao lúc triển khai tiêm vaccin cho dân đợt đầu lại hạn chế chỉ tiêm cho những người dưới 65 tuổi? Giá như ngay lúc đó cho những đối tượng này tiêm vaccin trước thì con số tử vong mà chúng ta tưởng niệm hôm nay sẽ khác, chắc chắn sẽ ít hơn. Và sẽ ít hơn nếu chúng ta…

GS Nguyễn Văn Tuấn trích câu này rất ý nghĩa: “Trong y khoa có câu: “Mỗi bác sĩ ngoại khoa đều mang theo mình một nghĩa trang nhỏ, nơi mà họ đến để bày tỏ những cay đắng và thương tiếc, nơi mà họ phải tìm câu trả lời cho những thất bại của mình". Tương tự, Bộ Y tế cũng có nhiều nghĩa trang như thế”…

Thôi, hãy để hơn 2,3 vạn đồng bào mình yên nghỉ… Ở thế giới bên kia, tất cả họ đều bình đẳng.

LƯUNHI DŨ 20.11.2021

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn