• Nayantara Dutta
  • BBC Travel

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Trong cuối tuần đầu tiên của tôi tại căn hộ mới ở Mumbai, tôi đến thăm chợ nông sản địa phương và mua đầy một giỏ rau củ và gia vị.

Khi đi đến cuối chợ, tôi mua thêm một hộp trứng nhưng không có đủ tiền lẻ đưa cho người bán. Ông ấy bảo tôi đừng lo và cứ lấy đi miễn phí - tôi có thể trả tiền cho ông vào tuần tới.

Lòng tin ngay lập tức của ông ấy đã khiến tôi ngạc nhiên, cũng như cảm giác gắn kết không mong đợi với một người lạ, và hành động tử tế của ông đã khiến tôi trở thành khách ruột.

'Giá trị đồng tiền'

Ở Ấn Độ, có một khái niệm văn hóa gọi là paisa vasool, dịch thoáng ra là 'giá trị đồng tiền'.

Paisa vasool, vốn phản ánh lối sống địa phương, là tìm kiếm giá trị trong mọi thứ mình có và tận dụng tối đa mọi tương tác, thường được hiểu theo ý nghĩa tài chính.

Nó mô tả cách chúng ta có thể tối đa hóa số tiền đã tiêu, từ sự hài lòng khi thưởng thức bữa sáng miễn phí tại khách sạn cho đến việc xoay sở thêm nước vào dầu gội đầu để sử dụng được lâu hơn.

Nó không phải vấn đề chúng ta chi trả bao nhiêu, mà thay vào đó là chúng ta nhận lại được bao nhiêu.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Nhưng paisa vasool cũng có một cấu thành nhân bản quan trọng. Đó là "lăng kính nhìn vào mạng lưới và các mối liên hệ trong xã hội Ấn Độ", Tiến sĩ Ritu Birla, phó giáo sư lịch sử về việc trao đổi giữa người với nhau tại Đại học Toronto, cho biết.

Cho dù đó là tận dụng ưu đãi mua một tặng một và tặng món đồ mua thứ hai cho bạn bè hoặc hỏi bác sĩ thêm một vài câu hỏi để việc đi khám có thêm giá trị, paisa vasool tự thân nó đem lại cảm giác hào phóng. Đó là kiểu suy nghĩ giúp kết nối một đất nước vô cùng đa dạng.

Vì vậy, khi người bán cho tôi lấy trứng trước, trả tiền sau, tôi đã có cảm giác về paisa vasool, khi nhận được giá trị gia tăng từ sự tương tác giữa chúng tôi. Có một cảm giác có đi có lại: bây giờ ông ấy làm ơn cho tôi, ông ấy có được giá trị của lòng tin của tôi cùng với khả năng tôi sẽ trở thành một khách ruột mới.

Tinh thần hào phóng này được nắm bắt trong từ barkat (có nghĩa là 'ân huệ' hoặc 'sự dồi dào' trong tiếng Urdu), vốn được dùng để nói về một triết lý về tiền bạc.

"Chúng tôi nói rằng khi có barkat, khi nguồn gốc và cách sử dụng tiền bạc là tốt, thì cách tiền được đưa ra chi tiêu là cao quý. Không có cảm giác là không có đủ tiền," Tiến sĩ Supriya Singh, giáo sư danh dự về xã hội học giao tiếp tại Đại học RMIT ở Melbourne, Úc, giải thích. "Ở Ấn Độ, tiền là một phương tiện tạo lập mối quan hệ." Ngay cả khi ai đó không có nhiều tiền thì họ vẫn sẽ chi tiêu và chia sẻ với người khác một cách cẩn thận.

Tin tưởng nhau

Ấn Độ từng là một trong những nước giàu nhất thế giới, nhưng thời kỳ thuộc địa và tham nhũng đã làm thay đổi căn bản nền kinh tế của nước này.

Trong 50 năm qua, Ấn Độ cũng bị tác động bởi các cuộc khủng hoảng tài chính và các chính sách như phi tiền tệ hóa.

Ngày nay, ở một đất nước mà 60% dân số sống dưới 3,20 đô la một ngày, sự bấp bênh tài chính này đã tạo ra một nền văn hóa mà ở đó mọi người tiêu tiền thận trọng.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

"Đồng rupee từng là một loại tiền tệ mạnh hơn, và thế hệ lớn tuổi tin rằng mọi thứ nên có giá thấp hơn mức hiện nay. Vì vậy, khi lớn lên, nhiều người trẻ đã tiếp thu rằng họ nên chi tiêu làm sao để được lợi tối đa," Nandini Shenoy, chiến lược gia thương hiệu ở Mumbai, cho biết.

Ngoài ra, ở một đất nước dân cư đông đúc như vậy, nơi mà chúng ta dễ dàng cảm thấy mình không là ai khi bát phố, các mối quan hệ cá nhân đã trở thành một dạng tiền tệ riêng.

"Có sự thiếu tin tưởng rõ ràng với chính phủ, nhưng đối với những người xung quanh sẽ không thấy sự thiếu lòng tin đó," ông Harshvardhan Tanwar, đồng sáng lập của No Footprints, một công ty du lịch ở Mumbai, cho biết.

Điều này đã tạo ra nền kinh tế phi chính thức, một nền kinh tế vượt ra ngoài các chuỗi bán lẻ và siêu thị, khi mà nhiều người thích mua hàng từ các thương gia và người bán hàng rong tại chỗ vì cảm giác gần gũi, cá nhân này.

Shenoy đã mua đồ ở cùng một cửa hàng ở góc đường trong hàng chục năm qua. "Tôi tin tưởng không thể lay chuyển rằng chủ cửa hàng, vốn biết tôi từ khi tôi năm tuổi, không lừa dối tôi và sẽ đối xử với tôi tốt hơn các cửa hàng lớn, nơi tôi sẽ là một trong hàng ngàn người không ai biết," bà nói.

Ngay cả khi Shenoy có thể tìm thấy các mặt hàng chất lượng cao hơn tại siêu thị lớn, bà thích trải nghiệm cá nhân khi mua từ người bán tại chỗ, người sẽ giúp bà chọn hàng và cho bà biết sản phẩm nào không đáng tiền.

Kết nối mới

Khi chuyển từ New York đến sống ở Ấn Độ, tôi đã dò tìm bác sĩ trên Google, điều này khiến gia đình và bạn bè của tôi buồn cười.

Khi tôi kể câu chuyện đó cho Tanwar, ông ấy đồng ý: "Bạn tìm đến một bác sĩ được một người bạn biết giới thiệu không phải vì bạn tin vị bác sĩ đó mà là vì bạn tin người giới thiệu bác sĩ đó cho bạn."


Nói chuyện với con người, chứ không phải doanh nghiệp, tự thân nó là niềm vui, vì nó làm chúng ta cảm thấy thế giới nhỏ hơn một chút.

Chỉ sau vài tuần ở Mumbai, tôi đã tìm thấy cảm giác thoải mái khi nói chuyện phiếm với những người bán hàng tại chỗ. Chỉ sau ba lần đến tiệm, thợ may của tôi bắt đầu nói đùa với tôi khi không thấy tôi trong vài ngày. Chẳng mấy chốc, anh ấy hỏi tôi muốn trả bao nhiêu khi tôi hỏi sửa quần áo sẽ mất bao nhiêu tiền.

Lần đầu tiên tôi mua đồ ăn hàng tuần từ một subziwalla (người bán rau) mới, tôi trở về nhà và phát hiện kadi patta (lá cà ri) miễn phí trong túi hàng của tôi.

"Kinh doanh ở Ấn Độ đi xa hơn giao dịch bình thường. Nó tập trung vào con người cũng như sản phẩm," Tanwar giải thích. "Ở Ấn Độ, người ta đầu tư vào con người cũng nhiều như đầu tư vào sản phẩm hay dịch vụ."

Tanwar đến làng chài bản địa Worli Koliwada để mua cá từ một phụ nữ Koli địa phương, và khi bà không có hàng ngon, bà bảo ông mua từ người khác.

Sự trung thực của bà khiến bà bị mất khách, nhưng bà ấy biết rằng ông ấy sẽ trở thành khách mối của bà. Khi ông không có tiền trong người, bà ấy nói, "Ông trả tiền cho tôi sau. Tiền là phần nhẹ nhất trong việc mua bán của chúng ta."

Trải nghiệm đáng giá

Các kiểu trao đổi không chính thức như thế này tại các chợ và xe hàng rong minh họa hoàn hảo cho paisa vasool.

"Bạn đang trải nghiệm cả thế giới, trái ngược với cửa hàng nhượng quyền nhàm chán," Tiến sĩ Birla giải thích. "Khi tôi đi qua một khu chợ, đón nhận màu sắc rực rỡ của khăn choàng và trang phục sari và tiếng lắc của vòng tay, đó là trải nghiệm giác quan giá trị. Tôi có thể mua bhutta (ngô nướng) và, trong khi chờ đợi, tôi có khoảnh khắc kết nối với người bán vốn nhớ rằng tôi thích cho thêm cay. "Điều quan trọng là phải chú ý đến giá trị khó mà đo đếm của những bối cảnh đó," Tiến sĩ Birla nói.

Khi tôi đến Mumbai lần đầu, tôi đã tìm kiếm mẹo và hướng dẫn du lịch trên mạng. Nhưng chẳng mấy chốc tôi bắt đầu vận dụng paisa vasool để tận dụng tối đa mọi trải nghiệm.

Tôi dành cả ngày ở Kala Ghoda, một khu phố sáng tạo ở Nam Bombay, dành thêm thời gian để ghé thăm mọi địa điểm trong danh sách để tối đa hóa giá trị thời gian và chi phí taxi.

Sau khi bạn tôi tổ chức hội thảo tại Soho House, câu lạc bộ thành viên ở Juhu, chúng tôi ở lại ăn tối để tận hưởng trọn vẹn không gian chỉ dành cho thành viên.

Nhà tổ chức sự kiện để lại cho chúng tôi một phiếu mua hàng tại quầy bar, vì vậy chúng tôi mua đồ uống vừa đủ giá tiền.

Hơn cả sự hài lòng vì tiết kiệm được sau bữa tối đắt đỏ, nó thúc đẩy tôi ở lại lâu hơn và tận hưởng khoảnh khắc.

Du khách đến Ấn Độ cũng có thể trải nghiệm paisa vasool bằng cách đắm mình trong văn hóa bản địa và tận dụng tối đa mọi giao lưu.

Cho dù đó là đi mua sắm, đi phương tiện công cộng hoặc cởi mở trong việc trò chuyện với người lạ, chỉ cần đi thêm một bước nữa là du khách có thể khai thác sự kỳ diệu của paisa vasool, và cùng với nó là tinh thần thực sự của Ấn Độ.