Nguyễn Thu Quỳnh- Những người không có tiếng nói

Thứ Ba, 05 Tháng Mười 202111:54 SA(Xem: 2808)
Nguyễn Thu Quỳnh- Những người không có tiếng nói

04

 

Đâu phải chờ đến cú sốc dịch bệnh chúng ta mới biết người bán vé số, bốc vác, hàng rong nơi đầu hẻm cuối chợ, công nhân trong những khu công nghiệp mênh mông - mà đa phần là những người di cư - phải ở trong những hộp tôn tồi tàn nhếch nhác mỗi người mấy mét vuông.

Không cần kể khổ nữa! Chúng ta biết, người sử dụng lao động biết, chính quyền biết tất cả những điều đó nhưng hầu hết không ai nghĩ đến việc phải thay đổi điều đó.

Đã bao lần đứng dưới chân những tòa tháp chọc trời đang xây, nhìn những người công nhân nguyên si quần áo đỏ ngầu bụi đất và chiếc thắt lưng bảo hiểm, mệt nhọc bước ra chợ cóc mua mớ rau miếng thịt không còn tươi rồi mất hút vào con ngõ hẹp tôn thấp tè, tôi tự hỏi trong lòng đô thị sầm uất này họ được định nghĩa là gì?

Nhìn từ bình diện khu công nghiệp nơi dòng hàng, dòng tiền quan trọng nhất thì người ta cần “năng suất lao động”; từ bình diện đô thị, người ta quan tâm đo chỉ số tăng trưởng kinh tế. Và đáp ứng những con số ấy là những “dòng người” không có khuôn mặt, không có thân phận, không có hoàn cảnh, thậm chí không có niềm vui nỗi buồn, miễn cơm no và áo ấm, không có nhu cầu đời sống tinh thần.

Lâu nay không ai để ý họ, đến những phúc lợi cơ bản mà họ cần, từ việc những đứa trẻ chập chững cần phải được đến trường mẫu giáo công, cho đến việc phải có sân chơi có vài cái cầu trượt xích đu. Người giàu, người chủ lao động sẽ chỉ quan tâm tới những gì có lợi về kinh tế, giúp nâng cao hiệu suất hơn là những điều viển vông xa xôi.

Những thân phận nhỏ bé, mà nhìn từ trên xuống chỉ thuần túy là “lực lượng lao động” không tạo ra một sức nặng chính trị nào lên hệ thống chính trị, để đòi hỏi những nỗ lực mang tính hệ thống để có được những phúc lợi cơ bản nhất. Về cơ bản, đó là những người không có tiếng nói trong xã hội.

Khi xã hội giàu có thì không chỉ những nhà máy, công xưởng rầm rập chạy, ngay cả vỉa hè, đầu cầu, cuối chợ, bãi rác, cũng giúp được những thân phận nhỏ bé nhất trong xã hội này kiếm được miếng ăn. Còn khi lâm vào cú sốc thiên tai dịch bệnh, ngàn vạn thân phận ấy bị hất văng ra lề đường theo đúng nghĩa đen, mới làm tất cả những vấn đề nung nấu tích tụ lâu trước đó bộc lộ ra, tăng mức độ trầm trọng, và vỡ mủ dần dần.

Trong quá khứ đã không có một “phong vũ biểu” chính sách nào để nắm bắt, để có dữ liệu về những nhóm yếu thế: họ cần gì ngoài nhu cầu cơm áo? Họ lo lắng gì? Khi có vấn đề họ bám víu vào đâu? Chính quyền có thể giúp gì? Cũng như đo lường phản ứng của họ trước những chính sách xã hội khác nhaù? Phản ứng với những chính sách thiết thân nhất với người lao động phi chính thức, ra sao?

Thì giờ đây, tiếp tục, chúng ta cũng không có phong vũ biểu nào để đo lường phản ứng của người dân, mà hầu như chỉ đuổi theo, chặn lại, trấn an, chúng ta chỉ đối thoại khi đã nảy sinh ra vấn đề chứ chưa dự liệu được các hệ quả của chính sách.

Dịch bệnh là tình huống bất thường, nhưng dù nó nằm ngoài dự liệu thì chúng ta vẫn phải chống đỡ bằng những gì đang có. Thế hệ thống an sinh cho người lao động, nhất là lao động phi chính thức là gì? Giờ bắt đầu lại, một cách có hệ thống như thế nào?

Đại dịch cũng nhắc nhở rằng, an sinh xã hội không phải là để chúng ta trút bỏ lòng xót thương lên những phận người, mà đó thực sự là bài toán kinh tế. Đầu tư cho việc nghiên cứu, lắng nghe tiếng nói của những người không có cơ hội cất tiếng nói gì trước mọi chính sách ảnh hưởng tới họ, là để có các chính sách phù hợp hơn, không gây ức chế trên diện rộng.

Đầu tư cho mỗi nhà trẻ công có chất lượng là để những đứa trẻ ấy được chăm nom dạy dỗ, 15-20 năm nữa thôi lại là “lực lượng lao động” trẻ khỏe có chất lượng đóng góp cho thành phố. Có những khu trọ sạch sẽ thoáng mát, có nơi giải trí, có bữa ăn lành mạnh là để những người lao động tái “sản xuất sức lao động”, có tinh thần thoải mái, có “năng suất” cao hơn…

Và đương nhiên, dịch bệnh nhắc nhở chúng ta rằng người giàu và người nghèo, người có quyền và yếu thế, chính quyền và từng người dân nhỏ bé, đều không thể sống thiếu nhau. Sự thành bại của những quyết sách lớn nằm ở việc có đo lường được phản ứng chính sách của những con người nhỏ bé hay không. Phúc lợi, an sinh là để điều hòa tất cả những mối quan hệ ấy.

NGUYỄN THU QUỲNH 02.10.2021

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn