Đỗ Duy Ngọc - Sài Gòn ngày phong tỏa thứ 47

Thứ Tư, 25 Tháng Tám 20214:00 SA(Xem: 2525)
Đỗ Duy Ngọc - Sài Gòn ngày phong tỏa thứ 47

quandoi_04

 

Mấy hôm nay, khi lực lượng quân đội xuất hiện để hỗ trợ việc phòng chống dịch ở thành phố, báo chí nhà nước liên tục đăng nhiều hình ảnh hoạt động của các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ. Hình ảnh bộ đội Việt Nam bồng súng, kiểm soát ở các chốt xuất hiện dày đặc trên truyền thông nhà nước và mạng xã hội.

Trang tin Bộ Quốc phòng nhận định 30 ngày tới là một "trận đánh quyết định". Tin cho hay Bộ Tư lệnh Quân khu 7 đã làm việc với lãnh đạo thành phố và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, bàn về việc triển khai các biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn, đẩy lùi dịch.

Và điều khiển cuộc chiến đấu này không còn chỉ có các quan chức lãnh đạo mà còn có sự có mặt của nhiều tướng lĩnh tham gia, như Trung tướng Trần Hoài Trung, Chính ủy Quân khu 7, Thiếu tướng Nguyễn Trường Thắng, Tư lệnh Quân khu 7, Thiếu tướng Đặng Văn Hùng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7, Thiếu tướng Du Trường Giang, Phó Tư lệnh Quân khu 7.

Nhiều ý kiến khác nhau về những hình ảnh đã được đăng, những clip đã được trình chiếu. Mỗi người có mỗi cách nhìn, tiêu cực hay tích cực đều xuất phát từ quan niệm của mỗi người. Tuy vậy, công bằng mà xét, đôi khi lỗi ở truyền thông và vụng về của phóng viên.

Nguyên tắc của nhiếp ảnh là khoảnh khắc và trung thực là yêu cầu của ảnh báo chí. Nhưng đôi khi vì để có một bức ảnh đạt phục vụ cho mục đích tuyên truyền, người ta phải chấp nhận dàn dựng. Nhưng dàn dựng trong một mức độ có thể chấp nhận được, không quá xa với thực tế. Trên báo mấy hôm nay, nhiều bức ảnh được đăng cho thấy quá nhiều lỗi để được gọi là một bức ảnh báo chí. Cảnh túm tụm đông người, cảnh không tuân thủ giãn cách, cảnh không thực hiện đúng 5K nhan nhản trên các báo khiến việc tuyên truyền phản tác dụng.

ddn_133

Sự có mặt của quân đội hình như giúp tình trạng đông người ra đường có vẻ lắng hơn và có quy củ hơn. Bởi dầu sao, quân đội vẫn có kỷ luật hơn là nhân viên cấp phường hoặc dân phòng. Tuy vậy, việc đi chợ hộ dù được các phương tiện truyền thông rầm rộ nhưng có lẽ chưa thấy hiệu quả như mong đợi. Những vùng sâu, vùng xa, ngõ ngách cũng chưa nhận được sự giúp đỡ này. Với combo như quy định, theo nhiều người cho rằng giá hơi cao hơn bình thường và có thể nhiều hộ nghèo, thất nghiệp chưa nhận được túi an sinh sẽ không có đủ tiền để mua.

Ngoài hàng được cung ứng từ việc đi chợ hộ, trên mạng vẫn liên tục xuất hiện nhiều hàng hóa rất phong phú nhưng khó khăn cho dân nghèo là không có phương tiện sinh kế nên mua sắm đối với họ là việc không thực hiện được vì không sẵn tiền. Nhiều người lâu nay không giữ tiền mặt nhiều, bây giờ giới nghiêm thế này, dù ngân hàng mở cửa, các cây ATM vẫn hoạt động nhưng chẳng ai đi đến được để rút tiền mặt chi tiêu. Đó cũng là chuyện đau đầu của nhiều gia đình.

Theo quan điểm của cá nhân, tôi vẫn cho rằng sử dụng đội ngũ shipper có sẵn ở thành phố vẫn là cách cung ứng và lưu thông hàng hóa tốt nhất và thuận tiện nhất. Chỉ cần tổ chức lại cho chặt chẽ và quy định quyền lợi và trách nhiệm rõ ràng, đội ngũ này sẽ làm được việc hơn nhiều.

Giờ tin giả, tin thật tràn lan, chẳng biết tin vào đâu. Một ngày không biết bao nhiêu tin, bao nhiêu clip xuất hiện. Với phương tiện kỹ thuật bây giờ, ai cũng có thể làm tin, ai cũng có thể làm clip. Lại thêm nhà nước thay đổi văn bản liên tục, tạo thành thời kỳ khủng hoảng truyền thông. Hôm qua đến nay, xuất hiện một clip cho là cuộc họp giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với một sĩ quan cao cấp của thành phố. Nội dung của clip gây hoang mang và sợ hãi trong dân chúng vì có những chi tiết và con số gây sốc nặng. Giá như báo chí nhà nước và các hệ thống truyền thông lên tiếng ngay về clip này, thật hay giả nếu có tin chính xác thì dân bớt bàn ra tán vào hơn, yên tâm hơn.

Ở nước ngoài cũng thế, biết bao tin thất thiệt xuất hiện liên tục về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam. Nhiều kiểu đưa tin lập lờ khiến nhiều người hoảng sợ. Ví dụ như có một bản tin ghi là hôm nay 24.8, chết 8.666 người vì virus Vũ Hán ở Việt Nam. Thật sự đây là con số tử vong từ trước đến nay chứ không phải con số của một ngày, nhưng kiểu đưa tin gây sốc để câu view khiến nhiều người lo lắng, nhất là những người đang sống ở nước ngoài. Nếu người nào đang ở Sài Gòn hay bất cứ đâu ở Việt Nam, chịu theo dõi thường xuyên tình hình dịch bệnh sẽ thấy ngay sự láo khoét và biết ngay là tin đồn thất thiệt của loại tin tức này.

Ngay ở trong nước cũng vậy, đang lúc Sài Gòn và các tỉnh lân cận đang ở trong tình trạng đại dịch đe dọa mạng sống của từng người, từng gia đình thì lại có nhiều người bày ra những trò chia rẽ, phân biệt vùng miền. Có kẻ viết trên facebook của mình với giọng hả hê trước số người chết và nhiễm bệnh ở các tỉnh miền Nam, và ca ngợi thành tích chống dịch của địa phương mình, tự hào đắc thắng. Ở đâu sinh ra cái tư duy kỳ lạ vậy nhỉ?

ddn_132

Dính dịch thường rất cần oxy để thở. Sài Gòn có rất nhiều nhóm thiện nguyện chuyên cung cấp oxy cho những người F0 ở nhà trở nặng. Nhờ vậy, nhiều người đã có được oxy kịp thời trong lúc khó khăn. Nhưng theo các thành viên thiện nguyện này, rất nhiều gia đình khi được cung cấp bình oxy, sau đó không chịu trả bình lại khiến công việc của nhóm gặp rất nhiều trở ngại. Có nhóm báo cáo rằng nhóm khi bắt đầu hoạt động có 1.500 bình nhưng sau một thời gian giờ chỉ còn khoảng 500 bình, rất khó để cứu người kịp thời.

Trời Sài Gòn mấy hôm nay cứ mưa liên tục. Sáng mưa, trưa mưa, tối mưa. Cũng may là Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị tất cả phường, xã ở TP.HCM phải tập trung toàn bộ người lang thang, cơ nhỡ để xét nghiệm, đưa đi cách ly nếu dương tính hoặc đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội. Như vậy, những người sống vỉa hè, gầm cầu đã được gom về một chỗ. Họ sẽ có chỗ trú mưa nắng, cơm ăn.

Bình thường, những người này ở vỉa hè lây lất, khó khăn thế nhưng họ lại không thích sống tập trung. Cũng giống mấy người vô gia cư ở Mỹ vậy. Họ thích tự do không bị trói buộc, hơn nữa ở vỉa hè có thể xin cơm ăn, bánh trái và cả tiền mặt nữa. Nhưng giờ gom họ lại là điều hợp lý nhất, nghe đâu đã phát hiện một số ca dương tính khi đưa họ về nơi tạm trú. Nếu cứ để họ lang thang thì chuyện nhiễm bệnh cho cộng đồng rất khó kiểm soát. Nhưng tập trung mà không có bộ phận theo dõi và chăm sóc họ thì cũng dễ trở thành ổ dịch và sẽ có những người bị tử vong vì virus mà không được điều trị kịp thời.

Con số tử vong hàng ngày được thông báo đều được ghi nhận thông qua hệ thống của các bệnh viện. Các bác sĩ đang trực tiếp điều trị đều cho biết con số nhiễm và tử vong không kịp báo cáo, hoặc không được ghi nhận trong hệ thống như nhiễm và tự điều trị tại nhà, tử vong tại nhà là rất lớn nhưng khó thống kê được.

Những con số thông báo hàng ngày đều từ các bệnh viện đưa lên và tổng hợp lại, nên nhiều khi không sát với thực tế. Hệ thống y tế ở thành phố đang trong tình trạng quá tải, rất khó thống kê chính xác và cũng khó để trả lời đã có bao nhiêu ca tử vong. Chỉ biết rằng, tình trạng nhiễm bệnh và qua đời ở thành phố vẫn giữ mức cao. Tỉ lệ chết ở các khu bệnh nặng trong các bệnh viện rất lớn và các bệnh viện cũng không còn chỗ chứa khi hàng ngày có 4, 5 ngàn người nhiễm bệnh.

Thế thì việc thành phố đang khẩn trương thực hiện bóc, tách F0 trong cộng đồng rồi sẽ đưa số F0 ấy vào đâu? Thực tế đã cho thấy tình hình dịch ở thành phố đã lan rộng khắp nơi, nhìn bản đồ chi chít các ổ dịch thì truy tìm nguồn lây nhiễm còn có ích lợi gì không trong việc ngăn chận dịch. Vũ khí hữu hiệu trong cuộc chiến này chỉ là vaccin. Việc xét nghiệm đại trà, truy xét F0 không còn cấp thiết nữa. Đội ngũ y tế ở các bệnh viện đang thiếu trầm trọng, sao không rút hết nhân sự ở các điểm xét nghiệm trên thành phố về bổ sung?

Một tin lạc quan xuất hiện trên báo sáng nay, Việt Nam chuẩn bị kế hoạch nhận gần 30 triệu liều Pfizer. Theo tin đấy, Việt Nam đã ký kết hợp đồng mua 51 triệu liều vaccin Pfizer trong năm 2021, trong đó có 20 triệu liều dành tiêm cho trẻ 12-17 tuổi. Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, trong năm 2021, đơn vị này sẽ tiếp nhận hơn 31 triệu liều vaccin Pfizer sản xuất tại Bỉ.

Lô hàng Pfizer đầu tiên về Việt Nam vào đầu tháng 7 và đến nay đã nhận hơn 1,2 triệu liều. Như vậy, trong năm nay, Việt Nam còn nhận thêm gần 30 triệu liều nữa.

Tối 20/8, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Albert Bourla, Chủ tịch công ty Pfizer, cam kết sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ giao một phần vaccin cho Việt Nam ngay trong tháng 8-9, thay vì dồn nhiều vào quý 4. Dự kiến ngay tuần này, Việt Nam sẽ nhận thêm 1 lô vaccin Pfizer. Hi vọng khi có vaccin, chính phủ sẽ dành ưu tiên cho thành phố và các tỉnh lân cận, nơi đang bùng phát dịch dữ dội.

Hôm qua, ngày 23. 8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân ghi nhận 340 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh. Con số vẫn còn cao và Sài Gòn vẫn còn những trận mưa lớn trên những con phố vắng người.

Sài Gòn lockdown ngày thứ bốn mươi bảy

ĐỖ DUY NGỌC
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn