Đỗ Duy Ngọc - Sài Gòn ngày phong tỏa thứ 43

Thứ Bảy, 21 Tháng Tám 20214:00 SA(Xem: 2500)
Đỗ Duy Ngọc - Sài Gòn ngày phong tỏa thứ 43

ddn_91

Thế là lại thêm một ngày, chất chồng thêm nhiều nỗi âu lo. Hôm qua có một tin lan truyền trên mạng cho là của cửa hàng Ân Nam thông báo từ thứ Hai tuần tới tức 23.8, thành phố sẽ lockdown 7 ngày, cho nên sẽ không giao hàng được sau ngày 23.8. Do đó cửa hàng sẽ tăng ca vào ngày Chủ nhật để giao hàng cho khách.

Đồng thời có thêm một tin nhắn Sài Gòn lockdown 7 ngày như Đà Nẵng và kêu gọi chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho những ngày sắp tới. Lại vừa nhận được một tin nhắn khẩn cấp: Thông tin khẩn từ Văn phòng Chính phủ (vừa họp xong với Bộ Quốc phòng, dự kiến ngày mai sẽ ra thông báo) :

- Thành phố Hồ Chí Minh vào tình trạng khẩn.

- Siêu thị sẽ đóng cửa hết. Siêu thị chuỗi lớn sẽ ký hợp đồng với quân đội để cung ứng lương thực cho dân.

- 10.000 quân đội sẽ cùng Sở Công thương và hệ thống siêu thị lớn phân phối hàng đến các hộ dân.

- Các siêu thị và tổng kho hoạt động khép kín cùng quân đội.

- Dân tuyệt đối không ra ngoài.

Áp dụng hai tuần.

Sẽ ra thông báo sớm nhất khi Thành phố Hồ Chí Minh và Quân khu 7 chuẩn bị xong.

Có thể từ 23/8 này !

Không biết thật hay fake. Thì chờ xem thôi. Loại thế này xuất hiện nhan nhản thường ngày kia mà. Tin dồn dập nhưng hình như người Sài Gòn chẳng còn hoang mang, hoảng hốt, lo lắng nữa. Họ đã chai lì trước những loại tin như thế này rồi. Cũng như ngày xưa thời chiến tranh Sài Gòn bị pháo kích vào thành phố vậy. Vài ba lần đầu còn sợ nhưng rồi quen dần và thấy chẳng lo chi lắm. Bởi xét cho cùng có chi khác đâu.

Con virus bay trong không khí thì nó ngán gì dây kẽm gai và chốt chặn. Virus nó đã đi tùm lum khắp nơi thì nó cũng đâu sợ chi giãn cách với giới nghiêm. Những biện pháp đó không hiệu quả, thực tế đã chứng minh. Vùng đỏ, vùng vàng chận, rào, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Rồi vùng xanh cũng chận. Ngay trước nhà tôi có chốt chận, tưởng trong phố có F0, nhưng hỏi ra là chặn để bảo vệ vùng xanh, ra có thể len lỏi được nhưng vào thì thua, kể cả chứng minh là đi kiếm mua hàng thiết yếu. Kiểu này thì hấp hối thật rồi.

Những tin này lan rộng trước sự thờ ơ của người Sài Gòn vì người dân đã dửng dưng trước những tin như thế này rồi. Họ bảo rồi ngày mai báo đài sẽ đính chính, sẽ cho đó là tin giả. Đã hai tháng quá quen với giãn cách, cách ly. Đã quen quá với dây giăng và hàng rào kẽm gai. Đã quen quá với chốt chặn và bao nhiêu văn bản, chỉ thị. Người dân không còn quan tâm. Họ chỉ lưu tâm đến chuyện phải sống ra sao, kiếm cơm thế nào, làm sao để đừng vướng bệnh lúc này, bạn bè, thân nhân có ổn không, có qua được cơn đại dịch này không? Khi nào có vaccin và chích vaccin loại nào? Còn chuyện của ông nhà nước thì không còn quan tâm nữa, bởi đã qua thời gian quá dài với đủ biện pháp, có ngăn được số người nhiễm và số tử vong đâu. Rào chắn vẫn giăng đầy, người bị hạn chế ra đường, xét nghiệm tùm lum, vùng xanh, vùng đỏ, vùng vàng, đời sống dân càng lúc càng bí bách mà có giải quyết được gì đâu? Bây giờ nếu thật sự khoá cửa thêm bảy ngày hay nửa tháng nữa thì cũng thế mà thôi, vũ như cẩn!

Báo hôm nay đưa tin "Từ ngày 23-8, người dân TP.HCM phải đảm bảo việc thực hiện quy định về giãn cách xã hội, ai ở đâu ở yên đó, nhà cách ly nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố, ấp cách ly với khu phố, ấp...". Thế nghĩa là những tin cho là fake đang trở thành hiện thực, nhưng cũng từng ấy nội dung như đã từng trong nhiều văn bản khác. Có gì mới đâu! Vẫn là đóng cửa, giăng dây, rào kẽm, cấm đi ra đường. Có thể là gắt gao hơn, mãnh liệt hơn, bạo lực hơn và trang bị thêm cho những chốt thi hành công vụ thêm điều kiện để thực thi hơn.

Dân không chờ những biện pháp cũ mèm ấy. Dân đang chờ một giải pháp tốt hơn như tiêm chủng vaccin đầy đủ và công bằng. Dân đang cần người mắc bệnh được có xe cấp cứu đúng lúc, được đưa vào bệnh viện đúng nơi và được cứu chữa tận tình. Dân đang cần những gói hỗ trợ kịp thời và đúng người, đúng địa điểm. Dân đang cần những người có trách nhiệm từ tổ dân phố, đến phường, đến quận phải có trách nhiệm với dân, sâu sát với từng hoàn cảnh trong địa bàn trách nhiệm của mình để những sự hỗ trợ, những chính sách của chính phủ đến được với dân.

Cuộc họp báo sáng nay dưới sự chủ trì của ông Phan Nguyễn Như Khuê, trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy và ông Dương Anh Đức, phó chủ tịch UBND TP. Người dân lại nghi ngại khi trái bóng được giao qua cho Tuyên giáo. Đáng lẽ chuyện này phải giao cho bộ phận chuyên môn chứ. Nếu ai đã được đọc bản báo cáo của cái ban gọi là tư vấn cho thành phố về chống dịch và phục hồi kinh tế sau đại dịch của các ông tiến sĩ, giáo sư, luật sư, chuyên gia phần mềm sẽ ngẩn ngơ vì báo cáo của các ông ấy đều là một mớ lý thuyết viễn vông và những tiên liệu cho tương lai như mấy ông mù sờ voi.

Hôm nay, theo ông Khuê sẽ lại tiếp tục phương châm: mỗi tổ dân phố, khu phố, phường, xã, thị trấn, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp là một pháo đài chống dịch. Ông còn cho biết thêm 5 giải pháp được TP.HCM đưa ra là nâng cao, tập trung hơn, đẩy mạnh hơn để trong thời gian thực hiện các văn bản, chỉ thị của trung ương, thành phố tập trung hơn chống dịch.

Theo ông Khuê, trung ương, Chính phủ đã chỉ đạo đến 15-9, TP.HCM phải kiểm soát được dịch, dần đưa thành phố về trạng thái bình thường mới. Do vậy, 5 giải pháp này đưa ra để thực hiện mục tiêu này. Hiện nay các cơ quan hữu quan liên quan đang chuẩn bị phương án cụ thể và trước ngày 23-8 sẽ công bố cho người dân biết. Cụ thể người dân đảm bảo việc thực hiện quy định vào giãn cách xã hội, ai ở đâu ở yên đó, nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố ấp cách ly khu phố ấp, phường xã thị trấn cách ly phường xã thị trấn. Có ai nhìn thấy có chi mới trong nội dung này không? Xin cho tôi biết với.

Tình trạng cấp thiết bây giờ là làm sao hạ thấp con số tử vong hàng ngày. Muốn được như thế phải tăng cường đội ngũ y tế tại địa phương. Lực lượng này nắm rõ những trường hợp F0 cách ly tại nhà, theo dõi diễn tiến bệnh và có biện pháp, phương tiện kịp thời để đưa người bệnh đến nơi cần đến. Chiến lược bóc, tách và xóa sạch F0 trong cộng đồng dân cư là việc làm bất khả thi khi F0 đã lan tràn và lẫn lộn trong cộng đồng. Theo dõi và hỗ trợ F0 là chiến lược hợp lý nhất. Nếu bóc, tách F0 đưa đi bệnh viện khi chưa có triệu chứng rõ ràng chỉ làm cho các bệnh viện quá tải và bệnh nặng hơn vì không được theo dõi và chăm sóc chu đáo. Những bài học của các nước trong việc chống dịch đã cho thấy rõ điều này.

 

Trong cuộc sống thường ngày, không chỉ có người bị dính dịch mà còn những bệnh nhân của những căn bệnh khác nữa. Khi xã hội tập trung vào virus, nhiều người bệnh khác bị bỏ quên và chết oan ức. Như chuyện xảy ra vào hôm qua 19.8. Một người đàn ông 61 tuổi ở Gò Vấp đã bị khó thở. Người nhà gọi 6 cuộc điện cho nhiều nơi nhờ cấp cứu không được, người con đành bất lực nhìn cha tử vong.

Người con đã gọi 115, được hướng dẫn đến đường dây nóng của y tế quận Gò Vấp. Từ đường dây nóng của y tế quận Gò Vấp, tiếp tục được hướng dẫn gọi đến Trạm y tế phường 16 (quận Gò Vấp) theo số điện thoại của bác sĩ Giang. Tuy nhiên liên hệ thì bác sĩ Giang cho biết y tế phường báo chỉ cấp cứu các ca virus chứ không cấp cứu đột quỵ. Người nhà gọi cho y tế quận Gò Vấp thì được yêu cầu chờ xử lý và cho thêm số điện thoại của bác sĩ Thương, trưởng Trạm y tế phường 16, Gò Vấp. Sau gần 5 phút chờ nhưng không thấy ai đến cấp cứu, tiếp tục gọi lại Trung tâm cấp cứu 115 thì được thông báo sẽ tiếp nhận.

Sau gần 20 phút, Trung tâm cấp cứu 115 gọi lại hỏi tình hình rồi hướng dẫn người nhà tìm cách đưa bệnh nhân đi bệnh viện chứ không tiếp cận được cấp cứu. Đến 7h30, người nhà đưa người bệnh đến Bệnh viện Quân y 175. Tuy nhiên, bác sĩ nhận định bệnh nhân đã ngưng tim trước khi vào viện.

Qua trường hợp này, ta thấy sự tắc trách của các đội cấp cứu cũng như các bệnh viện. Sự tắc trách này đã giết chết một mạng người.

Hiện nay nổi rộ lên tình hình nhiễm bệnh từ những nơi tiêm chủng và xét nghiệm. Nghe phong phanh sẽ xét nghiệm toàn thành phố làm tôi giật mình. Đó là một việc làm vô bổ và tốn tiền một cách vô ích. Nhiều nhà chuyên môn đã có ý kiến và kinh nghiệm của các nước đã cho thấy điều đó. Hơn nữa khi đội ngũ xét nghiệm và chủng ngừa không được tổ chức khoa học và thiếu chuyên nghiệp sẽ biến những địa điểm này thành ổ dịch như bài viết hôm qua tôi đã nhấn mạnh.

 

Một tin trên báo cũng khiến cho nhiều người lo ngại: Nữ nhân viên lấy mẫu xét nghiệm bị dương tính với virus, hơn 300 người phải đi cách ly. Đó là một nhân viên Phòng khám Medic Sài Gòn 5 đã lấy mẫu xét nghiệm cho 313 cán bộ, nhân viên tại 7 công ty trong Khu công nghiệp Đông Xuyên, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Sau đó phát hiện cô này đã dương tính từ ngày 15.8. Và thế là nơi đây biến thành ổ dịch với 313 người liên quan. Tình trạng này xảy ra nhiều nơi, có khu dân cư sau khi tiêm chủng rất nhiều người bị dương tính phải thở máy. Đã đến lúc gióng lên hồi chuông báo động.

Trong khi toàn thành phố đang căng mình chống dịch, Sở Giáo Dục lại phổ biến chuyện khai giảng và học tập năm học mới. Theo văn bản thông báo, thành phố cho học sinh học online đến hết học kỳ 1. Học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông bắt đầu năm học mới từ ngày 1-9, riêng cấp tiểu học từ ngày 8-9, học online đến hết học kỳ 1. Câu hỏi đặt ra là gia đình chưa mua được sách lấy gì mà học. Giãn cách, cửa hàng không mở cửa, người không được đi đâu khi không có lý do chính đáng. Chắc chắn mấy quan bé ở chốt chặn sẽ cho rằng sách giáo khoa không là mặt hàng thiết yếu, chắc là thế rồi. Như vậy có muốn mua cũng không mua được thì học bằng cái gì? Hơn nữa, không phải ở Sài Gòn gia đình nào cũng có máy tính, có iPad, có đường truyền mạng Internet để học online. Nhà nghèo, cơm đang lo từng bữa, ở đâu kiếm ra sách với máy cho con học đây?

Giáo viên thì nhiều người chưa rành trong việc dạy trực tuyến vì bài giảng online phải khác bài giảng ở lớp về phương pháp dạy học, nhiều giáo viên rất lúng túng trong giờ dạy. Do vậy, mỗi người dạy mỗi kiểu, học sinh chẳng tiếp thu được bao nhiêu bài giảng. Nhà ở phố, ở trong những con hẻm nhỏ chật chội, học sinh chẳng mấy người có phòng riêng, nếu có máy để học đi nữa thì giờ học luôn gắn liền với sinh hoạt của gia đình, người đi vào đi ra, tiếng cười nói, tiếng máy móc, tiếng động của cuộc sống khiến cho học sinh rất khó tập trung. Những học sinh trung học chứng kiến cha mẹ chạy kiếm cơm ăn hàng ngày, nhận thức được nỗi bức bách của gia đình đang bế tắc thì có thể ung dung và thanh thản ngồi học được không? Đề nghị Sở Giáo dục nên có những kế hoạch hợp lý và khả thi. Nếu theo văn bản của Sở thì kế hoạch này đã phá sản khi vừa đặt bút ký.

Vừa rồi xem trên mạng một tình cảnh của cô công nhân ở Sài Gòn mà dở khóc dở cười. Theo cô này nói cô là công nhân đã bị thất nghiệp hai tháng nay, đang cố bám nhà trọ chờ ngày được gọi đi làm lại. Cô đăng ký với địa phương để nhận hỗ trợ sống lây lất qua ngày và đã có tên trong danh sách được trợ giúp. Thế nhưng không lần nào cô được lãnh hàng rau hay gói gạo dù đã được kêu tên. Lý do là tại cô xinh quá, mặt mũi sáng láng quá, nhìn như người giàu có. Cô kể mà như muốn khóc. Có lần người ta cho cô bó rau rồi giật lại bảo cô nhường cho người khác. Hoá ra nhiều lúc đẹp quá cũng là một cái tội nhỉ! Ai bảo cô xinh quá làm chi khiến ai nhìn vào cũng tưởng cô giàu. Tội nghiệp!

Tôi nuôi chim cảnh đã hơn 50 năm nay, đa số là chim thuần sinh sản trong lồng và mấy con chim hót. Khi những ngày đầu cách ly cách đây hơn hai tháng, sợ sẽ không mua được thức ăn cho chim, tôi thả hết chục con chim trong cái lồng lớn. Mấy hôm sau, trong sân vườn, cạnh mấy chậu hoa, thấy nhiều xác chim chết. Bởi chúng là chim thuần hóa đã bao nhiêu đời rồi, rời lồng nhốt chúng sẽ không kiếm ăn được, đành chết đói.

Mới hôm kia đây, sau nhiều ngày cầm cự vì không còn thức ăn, tôi cho mấy con chim còn lại ăn trái cây chờ dịp kiếm mua thức ăn thường ngày của chúng. Nhưng rồi, trái cây cũng khó kiếm, mua online thì ngại shipper nên tôi quyết định thả hai con chào mào và hai con thanh tước còn lại. Tôi nuôi chúng đã gần 4 năm rồi nên khi thả ra, chúng bay một vòng rồi trở lại, luẩn quẩn bên lồng, có con thấy lồng mở cửa liền nhảy vào ở đấy luôn. Thấy vậy, tôi sợ chúng lại chết vì không có thức ăn nên đành nuôi tiếp. Cố hết sức liên lạc với cô Phượng bán thức ăn chim ở Lê Hổng Phong, kiếm được hai gói thức ăn, mừng muốn chết.

Từ chuyện chim không chịu bỏ lồng tôi lại nghĩ đến chữ tự do. Tự do đối với những con chim này là được sống trong lồng với thức ăn có sẵn. Tự do ở bầu trời ngoài kia là cái chết. Chúng xem tự do như một thói quen. Cho nên đừng như nhiều người nghĩ nhốt con chim trong lồng là tước đoạt tự do bay nhảy của chúng. Chúng tự do trong cái lồng chật hẹp đó. Con người cũng vậy thôi. Không có cái tự do chung nhất cho nhân loại.

Khi hàng ngàn người biểu tình ở trên một trăm thành phố lớn ở Pháp, họ hô lớn Liberté: Tự do! Họ đòi tự do được chọn lựa chích hay không chích vaccin. Bởi chính phủ Pháp yêu cầu phải có Pass Sanitaire tức Sổ thông hành Y tế mới cho phép được đi khắp nơi, được vào hàng quán, được tụ họp ....Trong khi ở nước ta, tự do là được chích vaccin và được lựa chọn vaccin.

Tự do của người Pháp là bầu trời. Tự do của người Việt là chiếc lồng quen thuộc với những thứ thân quen đã được cung cấp hàng ngày. Tự do như là một thói quen. Cho nên người ta ngẩng đầu để đòi hỏi quyền lợi cho mỗi cá nhân thì chúng ta cúi đầu cam chịu, nhẫn nại và nhẫn nhục chấp nhận những gì đang có và được có. Và mất hết sức đề kháng rồi an phận. Con chim sống mãi trong lồng nên cứ nghĩ khung cảnh của lồng đó là tự do. Những con chim không chịu bay đi lại cho tôi một bài học. Một bài học về Tự do.

Sài Gòn lockdown ngày thứ bốn mươi ba

ĐỖ DUY NGỌC

Ý kiến bạn đọc
Thứ Bảy, 21 Tháng Tám 20213:29 CH
Khách
@

Không bao giờ mà ...
Người dân Thành phố Hồ Chí Minh sống sạch sẽ như bây giờ

Đã 44 ngày (tức 1 tháng + 14 ngày)
Họ khộng bao giờ
- ĐÁI !
- ỈA !!
- CHÙI ĐÍT !!!


Bác ơi Bác?
Bác biết không?
Thành phố Bác bóng láng
Sạch hơn bao giờ hết.

@
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn