Vietnam, Covid

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Câu chuyện một bác sĩ trẻ quyết định 'rút ống thở' của mẹ mình để cứu sống một sản phụ đã tạo ra tranh cãi lớn về tính chính xác của thông tin, về y đức và về đạo lý con người.

Tối 7/8, nhiều tài khoản Facebook từ Việt Nam đã chia sẻ câu chuyện về một nhân vật được gọi là "bác sĩ Khoa".

Theo câu chuyện được kể, tại một bệnh viện điều trị các ca Covid-19 nặng, nhân vật "bác sĩ Khoa" khi thấy mẹ mình khó qua khỏi đã quyết định rút ống thở để chuyển sang cứu một sản phụ cần ống thở cũng đang được cấp cứu gần đó.

Câu chuyện ngay lập tức được chia sẻ như một bài học về sự hy sinh của nhân viên y tế tuyến đầu.

Câu chuyện lan truyền

Nhiều tài khoản của người nổi tiếng trên Facebook chia sẻ một câu chuyện giống nhau với những lời bình luận giống nhau về một hành động được cho là của nhân vật "bác sĩ Khoa" hay "bác sĩ Trần Khoa".

Facebook của nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập báo Pháp luật TP HCM, cho biết Khoa là một bác sĩ sản khoa, có cha mẹ là những tình nguyện viên ngành y đã bị mắc Covid-19 do hoạt động trong môi trường tiếp xúc với nhiều người bệnh. Về sau, cha mẹ của "bác sĩ Khoa" đều chết do căn bệnh này.

Chi tiết kịch tính đáng quan tâm, theo lời kể trên Facebook của "bác sĩ Khoa", là khi nhận thấy không thể cứu mẹ mình được nữa, anh đã quyết định chuyển máy thở sang để cứu một sản phụ đang cần.

Nhà báo Đức Hiển viết:

"Tôi không biết dùng từ gì để nói về câu chuyện này. Khi hôm nay, anh là bác sĩ điều trị cho cha mẹ mình và một sản phụ.

Phút giây anh rút ống thở khỏi gương mặt mẹ để đưa ngay cho một sản phụ đang mang thai chờ được cứu sống.

Khoa - một bác sĩ đang chăm sóc cho cả ba bệnh nhân là cha, mẹ mình và cả người phụ nữ mang thai chuẩn bị sinh đôi.

Ba mẹ anh cũng là bác sĩ, rong ruổi trong tâm dịch cứu dân, rồi nhiễm bệnh và trở nặng. Rồi vào đúng nơi anh là bác sĩ điều trị.

Bác sĩ khoa 'đã không vì tình thân mà quên đi lời thề Hippocrates nhưng nghiệt ngã và đau đớn quá đỗi em ơi. Anh nghe mà quặn thắt trong lòng' - đồng nghiệp anh viết tiếp: 'Ngọn nến này xin dành để cầu nguyện cho Cô và Chú. Hôm nay Cô và Chú mất đi để cho những người trẻ hơn được sống!'

Chúng tôi, những người đang được sống, nợ ơn anh và hai Bác."

Bài viết của nhà báo Đức Hiển cùng hình chụp bài viết gốc của nhân vật "bác sĩ Trần Khoa" ngay lập tức tạo ra một cơn bão cảm xúc ở trên mạng.

Nhiều người thán phục hành động này và không ngừng ca ngợi Khoa, đồng thời nêu bật những hy sinh của nhân viên y tế tuyến đầu.

Câu chuyện còn trở nên kịch tính hơn khi nhà báo Đức Hiển cho biết, ngay sau đó, "bác sĩ Khoa" đã chuyển sang mổ cho sản phụ sinh đôi. Câu chuyện lần này có hình ảnh hai em bé vừa chào đời và đoạn "chat" của các nhân viên y tế nên càng trở nên thuyết phục hơn.

Hình ảnh hai em bé kháu khỉnh, cùng những dòng chữ đẫm nước mắt và chất chứa cảm xúc tiếp tục được lan truyền trên mạng xã hội.

"Ba mẹ em không qua khỏi... nhiều người cần. Bác sĩ Khoa trả lời khi đồng đội nói đừng, còn nước còn tát. Khoa dứt khoát. Khoa là bác sĩ phụ sản. Sau khi ba mẹ qua đời," nhà báo Đức Hiển kể tiếp.

Câu chuyện càng trở nên đáng tin hơn khi Jang Kều - một người làm việc trong các dự án cộng đồng nổi tiếng tại Việt Nam - cho biết cô đã "gọi điện cho bác sĩ Khoa".

Hoàng Nguyên Vũ, một nhà báo có nhiều người theo dõi trên Facebook, viết: "Bác sĩ Khoa, chúng tôi nợ anh và bố mẹ anh sự sống!"

Nhà báo Nguyễn Công Khế, cựu Tổng biên tập báo Thanh Niên, bình luận dưới bài viết của ông Đức Hiển: "Cảm phục và trân trọng!"

Thông tin 'không có thật'

Cũng như lúc câu chuyện "rút ống thở" được lan truyền, sau một đêm, những bài viết chỉ ra các điểm "hư cấu" trong câu chuyện gốc đã được chia sẻ chóng mặt.

Từ góc độ chuyên môn, bác sĩ Nguyễn Đình Tuấn, một người tham gia tuyến đầu chống dịch, viết trên Facebook cá nhân rằng ông "rất trân trọng câu chuyện bác sĩ Khoa" nhưng "không thể có chuyện sản phụ song thai lại nằm chung phòng hồi sức với người mẹ bác sĩ được".

"Dù bất kỳ gì khi cấp cứu song thai, sản phụ phải nằm phòng mổ và ở cả đất nước Việt Nam này có phòng mổ nào thiếu ôxy đâu mà phải để sản phụ giành lấy ôxy của mẹ bác sĩ," ông viết tiếp.

Ông còn cho rằng không thể có chuyện bác sĩ sản khoa lại đi theo dõi điều trị bệnh nhân (là mẹ của bác sĩ) đang thở máy. "Như vầy thì bệnh nhân không chết mới lạ," ông viết.

Cuối cùng, ông kêu gọi những người nổi tiếng trên mạng "hãy bớt chia sẻ để lấy nước mắt của đồng loại khi mà hằng ngày cũng biết bao nước mắt đang chảy ở mỗi gia đình". Theo bác sĩ Tuấn, các nhân viên y tế không cần vinh danh bằng những câu chuyện hư cấu.

Câu chuyện 'Bác sĩ Khoa' được nhiều người chia sẻ trên Facebook

Nguồn hình ảnh, Chụp màn hình

Chụp lại hình ảnh,

Câu chuyện 'Bác sĩ Khoa' được nhiều người chia sẻ trên Facebook

Câu chuyện "bác sĩ Khoa" tiếp tục bị vạch trần bởi nhiều người khác. Thông qua người đại diện, bác sĩ Cao Hữu Thịnh - người từng công tác tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) - chia sẻ với báo Tuổi Trẻ rằng hình ảnh hai em bé song sinh là của ông nhưng lại được gán ghép vào câu chuyện của "bác sĩ Khoa".

Theo trợ lý bác sĩ Thịnh, hình ảnh trẻ sơ sinh nêu trên được các đồng nghiệp chụp sau ca mổ do bác sĩ Thịnh thực hiện tại Bệnh viện An Sinh thời gian gần đây.

"Đây là hành vi lừa đảo, việc sử dụng hình ảnh không xin phép vào một mục đích như trên là phạm pháp. Trong lúc dịch bệnh khó khăn, lực lượng y bác sĩ và ngành y tế đang rất vất vả chống dịch, không thể chấp nhận được hành vi lừa đảo nêu trên. Đề nghị các cơ quan chức năng xác minh xử lý nghiêm vụ việc này," đại diện bác sĩ Thịnh nói.

Hàng loạt bệnh viện tại TP HCM, bao gồm bệnh viên Chợ Rẫy, cho biết đội ngũ nhân sự của họ "không có bác sĩ Khoa".

Hình ảnh "ca mổ song sinh" được xác định là chi tiết bịa đặt

Nguồn hình ảnh, Chụp màn hình

Chụp lại hình ảnh,

Hình ảnh "ca mổ song sinh" được xác định là chi tiết bịa đặt

Chánh văn phòng Sở Y tế TP HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai sáng 8/8 cho biết đang vào cuộc xác minh thông tin một bác sĩ rút ống thở của người thân để cứu một sản phụ song thai lan truyền trên mạng.

Bà Mai nói: "Hiện chúng tôi đang phối hợp Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an TP.HCM vào cuộc xác minh các vấn đề liên quan đến nội dung thông tin đăng tải và nhân thân của bác sĩ này."

Vào đầu buổi sáng 8/8, khi các thông tin "ngược chiều" bắt đầu được tung ra, nhiều người từng đăng bài viết về "bác sĩ Khoa" đã lên tiếng xin lỗi.

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển cho biết sau khi "nhờ anh em trong tòa soạn xác minh đến tận 2 giờ sáng" thì "kết quả xác minh không đủ để tôi tin những cảm xúc mình đã chia sẻ là dựa trên sự kiện hoàn toàn có thật. Thậm chí nhiều anh chị cũng chỉ ra những hình ảnh sai trên các tấm ảnh được cho là của hai em bé sinh đôi và hàng loạt điểm phi lý về quy trình, nghiệp vụ ngành y."

"Tôi xin lỗi vì đã để cảm xúc đi trước," ông viết.

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển đưa ra lời xin lỗi

Nguồn hình ảnh, Facebook

Chụp lại hình ảnh,

Nhà báo Nguyễn Đức Hiển đưa ra lời xin lỗi

Trong khi đó, một số khác thì cho rằng đây có thể là sự phóng đại dựa trên một vài phần trăm sự thật.

Tuy nhiên, nhiều người bình luận dù là có nhiều chi tiết thật thì việc hư cấu một phần câu chuyện cũng là hành vi sai trái "vì giả sử có chút gì thật phần nào, thì một nửa sự thật không phải là sự thật," như nhà báo Hoàng Nguyên Vũ viết trong lời xin lỗi của ông ta.

'Câu chuyện đáng lên án'

Khía cạnh đạo lý của câu chuyện cũng được đưa ra tranh luận. Trong khi nhiều người cảm phục về hành động "cứu người" của nhân vật "bác sĩ Khoa" thì không ít người cho rằng đó là chuyện đáng lên án.

Ông Tạ Quang Đông, một người làm nghề phiên dịch nổi tiếng, viết trên diễn đàn Vietnamjournalism: "Đau lòng giá trị đạo đức bị đảo lộn, cộng đồng mạng vẫn ngây thơ quá!"

"Buồn nhất là họ cảm động vì một kẻ đại nghich vô đạo, giết bố mẹ mình. Ngay sáng mùng một tháng Vu Lan, càng buồn. Họ thật tâm muốn điều tốt, nhưng lại theo giá trị đạo đức lộn tùng phèo. Hãy tỉnh lại, hãy suy xét kỹ trước những tin giật gân như vậy. Vừa dối trá, vừa phản đạo đức. Nghe nói có cả nhà báo cũng chia sẻ. Những người đó cần xin lỗi. Người làm báo không được tạo/cổ xúy/chia sẻ tin giả. Đó là điều căn bản của đạo đức báo chí," ông Đông viết.

Chụp màn hình

Nguồn hình ảnh, Chụp màn hình

Trên trang Facebook cá nhân, một người tên Trần Hồng Tiệm bình luận: "Lập luận trong Cổ học tinh hoa rất đơn giản: Người thân của mình là những người mình yêu quý nhất, hy sinh người thân của mình để cứu người khác, tưởng như là một điều gì đó hy sinh rất đại nghĩa, nhưng thật ra chỉ là tấm màn che đậy sự giả dối, ích kỷ và tham vọng, vì người thân của mình, mình đã không yêu thương được thì làm sao yêu thương người khác được. Những chuyện kiểu thế được tái hiện trong văn chương chống Mỹ một thời. Các bà mẹ Cộng sản sẵn sàng bóp chết con của mình để cứu đồng chí đồng đội."

Ông viết tiếp: "Thiên Chúa giáo cho rằng mọi sinh mệnh đều trân quý, của Chúa và không một ai có quyền tước bỏ sinh mệnh, kể cả của mình, nhân danh bất kỳ điều gì…

Vấn đề kinh khủng nhất về nhân cách và phẩm giá con người là có người cho mình có quyền quyết định sinh mệnh của người khác nhân danh một điều gì đó. Nó khủng khiếp và tai hại hơn ảo tưởng tưởng như nhân đạo đem lại."

Trong nỗ lực chống dịch Covid-19, chính quyền Việt Nam đã triển khai nhiều chiến dịch truyền thông về sự hy sinh của các nhân viên y tế và lực lượng chống dịch ở tuyến đầu. Nhiều câu chuyện được chia sẻ đã tạo nên sự đồng lòng rộng rãi của người dân về các vấn đề như giãn cách xã hội, rửa tay, đeo khẩu trang.

Tuy nhiên, câu chuyện lần này đang đi theo quỹ đạo khó kiểm soát, tạo ra hiệu ứng ngược mà có lẽ chính quyền không mong muốn.