• Song May
  • Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Sài Gòn

Getty Images

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Các khu chợ, chuỗi cung ứng hàng hóa đa dạng của Sài Gòn hoàn toàn bị đứt gãy trong thời gian thành phố áp lệnh phong tỏa. Hình: Một sạp hoa quả tại chợ Bến Thành thời gian thành phố chưa phải đối phó với Covid

Thế là đã hơn ba tuần Sài Gòn phong tỏa toàn thành phố theo Chỉ thị 16, với nhiều lệnh bổ sung ngày càng siết chặt hơn.

Kết thúc tháng 7, Trung ương lại ra lệnh 19 tỉnh thành phía Nam tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày nữa.

Ở Sài Gòn, Chỉ thị 16 được dân mạng gọi là 16 Plus, 16 Pro, 16 Pro Max… khi lần lượt từng tuần một, chính quyền đưa ra những lệnh bổ sung nhằm ngăn chặn người dân không ra khỏi nhà, mà đỉnh điểm là lệnh giới nghiêm từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng hôm sau, có hiệu lực hôm 26/7.

Chuyện đi chợ sau hơn ba tuần phong tỏa

Buổi sáng ngày cuối cùng của tháng 7, tôi ra đường để đến địa điểm chích ngừa ở khá xa nhà.

Khi dắt xe ra, tôi gặp chị hàng xóm khệ nệ xách hai túi thực phẩm từ siêu thị về. Chị than thở: Tôi cầm phiếu mua thực phẩm được phát đi đúng ngày hôm nay, thế mà đến siêu thị phải có thêm phiếu của siêu thị mới được vô. Nghe nói người ta đi lấy phiếu siêu thị phát lúc 5 giờ sáng, tôi đi khoảng 7 giờ sáng đã không còn phiếu, may mà được một chị bạn nhường phiếu cho. Có được vào thì trứng vịt hay trứng gà cũng chỉ được mua mỗi thứ một vỉ, y như thời bao cấp vậy!

Quanh khu vực nhà tôi ở, trong suốt hơn 3 tuần cách ly không có một cái chợ nào trong ba cái chợ được mở, chỉ còn trơ lại mỗi một cái siêu thị to và vài cửa hàng tiện ích be bé.

Chụp lại hình ảnh,

Từ mấy tuần nay, hệ thống siêu thị và cửa hàng thực phẩm không thể nào cung cấp đủ và kịp thực phẩm tươi sống cho gần 15 triệu người dân Sài Gòn

Thế là suốt trong hơn 3 tuần, lúc nào tôi cũng thấy hàng dài người chầu chực trước siêu thị và những cửa hàng tiện ích. Đi vào siêu thị hay bất kỳ cửa hàng tiện ích nào… cũng phải viết giấy khai báo y tế nên lắm người chỉ dừng lại trước cửa hàng và hỏi chõ vào có thứ gì đó không rồi biến đi ngay.

Cái sự ngồi chờ đợi cho chán rồi vào trong cũng không còn thứ mình muốn mua vẫn tiếp diễn ở khu phố của tôi sau hơn 3 tuần phong tỏa.

Giờ thì đường đi đến 3 cái chợ (bị đóng) cũng đã bị lập chốt chặn rồi, sau cái hôm lệnh giới nghiêm có hiệu lực ở Sài Gòn, nên muốn "mua lén" dùm người dân quanh chợ thứ gì đó cũng không còn được nữa.

Người dân không có "giấy thông hành" của công ty như tôi giờ chỉ có thể ra đường với phiếu mua thực phẩm do phường phát cầm sẵn trên tay.

Sau hôm giới nghiêm, tôi nhận được 3 phiếu đi mua thực phẩm, ghi ngày 27/7, 31/7, 3/8. Có nghĩa là 3 ngày tôi mới được phép ra đường!

Trên đường đi đến địa điểm chích ngừa, tôi bị lực lượng chức năng (áo xanh và áo vàng) chặn hai lần và tôi phải chìa tin nhắn trong điện thoại cùng với thẻ căn cước để chứng minh tôi chính là người được gọi.

Đường vắng hoe, thi thoảng tôi chỉ gặp một cái xe gắn máy hay xe hơi lướt qua, nhưng rất tội là có những người dân ngồi bên vệ đường với cái túi he hé mớ rau, trái bắp, bánh chưng… Họ muốn bán hàng thu ít tiền để sống nhưng không dám rao hàng, không dám để bất kỳ một tấm bảng nào. Dọc đường đi từ quận này sang quận khác, tôi vẫn thấy hàng dài người chờ đợi trước các siêu thị, cửa hàng thực phẩm…

Thật là gian nan cái sự đi mua thực phẩm trong những ngày này, bởi ngay cả việc chọn mua thực phẩm trên mạng giờ cũng không dễ dàng như trước, do quy định mỗi shipper chỉ được phép di chuyển trong một quận, nên đặt thực phẩm trên mạng phải cân nhắc địa điểm chỗ bán hàng có cùng quận nơi mình ở không.

Ngay cả nếu có dư thực phẩm muốn gửi cho thân nhân hay bạn hữu mà họ không ở cùng quận huyện với mình thì cũng thua!

Mặt khác, có những nhãn hiệu thịt heo sạch bình thường hay mời chào người mua bằng tin nhắn như Meat Deli và G-Kitchen nay vào trang web hay app của họ đặt hàng bỗng dưng không còn thứ gì để mua.

Khi 70% nguồn cung thực phẩm cho Sài Gòn từ các chợ bị đứt gãy thì 30% còn lại từ các siêu thị và cửa hàng tiện ích làm sao đáp ứng nổi?

Rụp một phát, chỉ bằng một cái chỉ thị, chuỗi cung ứng hàng hóa đa dạng gầy dựng hơn 30 năm của Sài Gòn hoàn toàn bị đứt gãy!

Họp chợ trên mạng

Có ai đó nói rằng trong những ngày phong tỏa, dân Sài Gòn có thể nằm trên giường lướt điện thoại là có thể "đi chợ" mua đủ thứ!

Vâng, quả là rất nhanh chóng khi đặt hàng trên mạng, nhất là vào những cái group "Tôi là dân quận….", luôn tụ tập đông dân bán hàng.

Nhưng, than ôi, chính vì người khát hàng lớn hơn người cung hàng, đã xảy ra khối chuyện lừa đảo.

Trên cái group "Tôi là dân quận…" tôi đọc được không ít lời ca thán từ người mua: "Cần mua rau củ, mong người bán có tâm, bán cho người ăn chứ hổng phải mua cho heo ăn đâu ah", "Mình bắt đầu nản đặt hàng qua mạng rồi, buổi sáng thì nhận bánh dừa cũ lá nổi mốc, chiều thì nhận trái mít gần 200k lạt nhách. Mấy chị bán hàng mùa dịch làm ơn bán có tâm dùm cho khách đỡ khổ"….

Và không chỉ rau củ hư nát, trái cây héo hon, có người mua thịt heo qua mạng nhận về thịt đã ôi thối, mua 1kg tôm khô nhận về… khoảng 100gram tôm khô cộng với 900gram muối hột!

Không dưng mà Sài Gòn có cái gọi là "Văn hóa chợ" khi nhiều người bán ở chợ tạo dựng được uy tín trong lòng người mua, bằng cách luôn lựa hàng ngon hàng tuyển bán cho khách với giá phải chăng, nói ngon là ngon, nói dở là dở.

Trong những ngày này, tôi luôn nhớ đến số tiểu thương ở hai cái chợ quanh nhà mà tôi thường đến.

Một trong những người đó là nhỏ Cam, bán cá tôm tươi ngon và sơ chế rất sạch, lại còn biết hướng dẫn cách nấu từng loại cá cho khách.

Chuyện của Cam, một tiểu thương bán hàng giỏi phải nằm nhà

Tôi gọi cho Cam và yên chí là cô nhỏ đang ở quê nhà với đứa con nhỏ.

Nhưng không, Cam bảo hai vợ chồng cô đang ở nhà trọ, thuộc ngoại ô Sài Gòn.

Ngạc nhiên tôi hỏi sao con không về quê? Cam than: "Con về không kịp, cứ ráng bán để kiếm được đồng nào hay đồng đó, cũng cứ tưởng dịch bùng lên rồi hết giống mấy lần trước, ai dè Sài Gòn phong tỏa xong cũng không có xe để về. Giờ tụi con muốn về quê, mỗi người phải bỏ ra 3,9 triệu đồng, trong đó có chi phí cách ly tập trung, con sợ bị nhiễm bệnh khi cách ly lắm, nên với số tiền đó, tụi con ở đây dành dụm cũng sống được hai ba tháng, nhớ con nhớ mẹ cũng đành chịu cô ơi."

10 năm trước, khi mới sanh đứa con đầu lòng được vài tháng, hai vợ chồng Cam đành bỏ con lại cho bà ngoại chăm để bươn lên Sài Gòn kiếm kế sinh nhai.

Hoàn cảnh các bạn trẻ bỏ con ở quê cho cha mẹ già chăm rồi lên Sài Gòn làm ăn đã thành phổ biến, nhiều đếm không xuể ở đây.

Trong khi Cam tìm được chỗ bán cá tôm ở một khu chợ tự phát (chính quyền Thành Hồ gọi những cái chợ không có tên, phát sinh trên vỉa hè là chợ tự phát) trong nội thành thì chồng cô đi làm phụ hồ, ăn lương công nhật.

Cả hai thuê một cái phòng nhỏ độ chừng 15m2 ở ngoại ô Sài Gòn với giá lúc đầu chỉ vài trăm ngàn đồng, nay tăng lên 1 triệu đồng một tháng, và hài lòng với cuộc sống cứ một tháng hai vợ chồng nghỉ bán 3 ngày để về quê thăm mẹ và con.

Thỉnh thoảng có buổi ra chợ, tôi lại gặp chồng Cam ngồi phụ cô làm cá, đó là ngày chồng Cam thất nghiệp.

Gần một tháng nay, hai vợ chồng Cam bó gối ngồi yên trong căn phòng trọ, may mà còn có cái tủ lạnh để trữ thức ăn.

Cam kể mới hôm qua má chồng cô từ Trà Vinh gửi lên tiếp tế ít trứng, ít cá, ít rau củ, nhưng đường đi gian nan quá, phải mất hơn 10 tiếng đồng hồ mới đến tay vợ chồng cô.

Còn má cô ở một tỉnh khác thì đành chịu không gửi được gì cho con vì khu nhà má Cam ở cũng đang bị phong tỏa.

Xót xa cảnh vợ chồng Cam không về quê được, đứa nhỏ nhớ mong cha mẹ, Cam cười: "Không có đâu cô ơi, thằng nhỏ ở với bà ngoại từ bé nên quen rồi, tụi con về thì về, đi thì đi, nó tỉnh bơ hà!" Một thế hệ bị tổn thương vì phải lớn lên ở quê cùng với ông bà, không có cha mẹ ở cùng, đã là thực trạng của các tỉnh thành miền Nam và cả miền Trung.

Hỏi Cam có nhận được tiền thành phố hỗ trợ người lao động bị mất thu nhập do phong tỏa, Cam bảo: "Mấy đợt dịch rồi, con có nghe nói được cho tiền, nhưng chưa bao giờ con được. Hôm rồi khó quá, con có hỏi ông tổ trưởng khu phố chỗ con trọ, ông bảo vợ ông bán hàng ở chợ gần nhà mà còn chưa được, huống hồ con bán hàng ở tuốt quận khác. Ông cũng nói với tụi con muốn nhận được tiền đó phải có giấy xác nhận của ban quản lý chợ nơi con bán hàng, nhưng chỗ con bán là chợ tự phát, đâu có ban quản lý? May mà cô chủ cho con thuê sân trước để bán hàng miễn tiền thuê chỗ tháng này cho con."

Nằm nhà, có thời gian đọc tin tức, Cam bảo nhiều người còn khổ hơn con nữa cô, họ về quê phải đi bộ, đi xe đạp, đi xe gắn máy và phải nằm ngủ ngoài đường khổ quá, nhìn thấy xót, ít ra con còn ít tiền dành dụm và còn mua được cái bảo hiểm y tế chứ không đổ bệnh là chết cô ơi….

Những tiểu thương giỏi mua giỏi bán như Cam đang phải nằm nhà chờ ngày chợ được cho phép hoạt động, còn tôi giờ phải chạy đôn đáo tìm nơi uy tín cung cấp thực phẩm cho mình.

Bài thể hiện quan điểm riêng và cách hành văn của bạn đọc Song May từ TP Hồ Chí Minh.