bbc.com

Pfizer lại nhấn mạnh 'nên tiêm thêm liều bổ trợ thứ ba'

Các lọ có nhãn vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna

Nguồn hình ảnh, Reuters

Chụp lại hình ảnh,

Các lọ có nhãn vaccine Pfizer-BioNTech và Moderna

Tập đoàn Mỹ Pfizer đã đưa ra bằng chứng mới vào thứ Tư để nhấn mạnh nên tiêm thêm liều bổ trợ thứ ba, vì sức mạnh của vaccine công nghệ mRNA suy giảm một chút theo thời gian nhưng có thể được cải thiện với liều thứ ba.

Tuy nhiên, dữ liệu mới chưa được giới khoa học chính thức đánh giá.

Chính phủ Hoa Kỳ vẫn chưa đồng ý cho tiêm liều vaccine thứ ba cho dân của họ.

Pfizer công bố hai nghiên cứu riêng rẽ hôm thứ Tư 28/7.

Vaccine Pfizer 'giảm hiệu lực theo thời gian'

Trong một nghiên cứu được đăng trực tuyến, các nhà khoa học của Pfizer và BioNTech đã báo cáo rằng hiệu quả của vaccine chống lại nhiễm trùng có triệu chứng giảm nhẹ theo thời gian, nhưng vẫn mạnh trong việc ngăn ngừa bệnh nặng.

Nghiên cứu của họ cho thấy vaccine này có hiệu quả cao ngất khoảng 96% đối với bệnh viêm phổi cấp có triệu chứng trong hai tháng đầu tiên sau liều thứ hai.

Nhưng con số này đã giảm khoảng 6% cứ sau hai tháng sau đó, giảm xuống còn 83,7% sau khoảng 4 đến 6 tháng.

Tuy nhiên, đối với người bị bệnh nặng, hiệu quả của vaccine Pfizer được duy trì ổn định ở khoảng 97%.

Nhưng điểm quan trọng hơn là thời gian nghiên cứu lại kết thúc trước sự xuất hiện của biến thể Delta nguy hiểm hơn.

Vì thế, có e ngại các nghiên cứu sắp tới sẽ còn cho thấy vaccine Pfizer giảm hiệu lực trước biến thể Delta.

Nghiên cứu công bố rút ra từ 42.000 tình nguyện viên ở sáu quốc gia đã tham gia vào thử nghiệm lâm sàng do Pfizer và BioNTech bắt đầu vào tháng 7 năm ngoái.

Một nửa số tình nguyện viên được chủng ngừa, trong khi nửa còn lại được dùng giả dược.

Cả hai nhóm đều nhận được hai mũi tiêm cách nhau ba tuần.

Nhà nghiên cứu đã theo dõi các tình nguyện viên trong sáu tháng sau khi chủng ngừa, cho đến ngày 13 tháng 3.

Từ một tuần đến hai tháng sau liều thứ hai, hiệu quả là 96,2%.

Trong khoảng thời gian từ hai đến bốn tháng sau khi tiêm chủng, hiệu quả giảm xuống còn 90,1%.

Từ bốn tháng sau khi tiêm chủng đến thời điểm kết thúc vào tháng Ba, con số này là 83,7%.

Đối với bệnh nặng, bao gồm những người có nồng độ oxy trong máu thấp hoặc những người phải nhập viện, hiệu quả tổng thể của vaccine vẫn duy trì là 97%.

Đối với Paul Offit, một bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia, kết quả vẫn là "rất đáng yên tâm".

Ông Offit cho biết nghiên cứu mà Pfizer công bố vẫn chỉ cho thấy hai liều vaccine là đủ rồi.

Tuy nhiên, có người chỉ ra rằng nếu hiệu quả của vaccine Pfizer tiếp tục giảm theo tỷ lệ được quan sát trong bài, nó sẽ giảm xuống dưới ngưỡng 50% trong vòng 18 tháng sau khi tiêm chủng.

Điều đó sẽ hỗ trợ quan điểm của Pfizer rằng hai liều vaccine sẽ không đủ để bảo vệ lâu dài.

Nghiên cứu của Pfizer, thu hút các tình nguyện viên ở châu Âu và châu Mỹ, không giải quyết liệu vaccine có thể kém hiệu quả hơn đối với biến thể Delta lây lan nhanh hay không.

Liều thứ ba 'bảo vệ mạnh hơn'

Trong nghiên cứu thứ hai, riêng rẽ, công bố cũng hôm 28/7, Pfizer nói liều thứ ba của vaccine Pfizer / BioNTech có thể "tăng cường" mạnh mẽ khả năng bảo vệ chống lại biến thể Delta.

Dữ liệu được đăng trực tuyến cho thấy rằng mức độ kháng thể chống lại biến thể Delta ở những người từ 18 đến 55 tuổi được tiêm liều thứ ba cao hơn gấp năm lần so với sau khi tiêm liều thứ hai.

Trong số những người từ 65 đến 85 tuổi, dữ liệu của Pfizer cho thấy mức độ kháng thể chống lại biến thể Delta sau khi tiêm liều thứ ba cao hơn 11 lần so với sau khi tiêm liều thứ hai.

Dữ liệu, chỉ nghiên cứu với 23 người, vẫn chưa được đánh giá bởi giới khoa học và quản lý.

Tiến sĩ Mikael Dolsten, người lãnh đạo nghiên cứu, phát triển và y tế trên toàn thế giới cho Pfizer, nói:

"Nhận liều thứ ba hơn sáu tháng sau khi tiêm chủng, khi sự bảo vệ có thể bắt đầu suy yếu, được ước tính có khả năng tăng kháng thể trung hòa ở những người tham gia nghiên cứu này lên đến 100 lần sau liều ba," Dolsten nói.

Pfizer cho biết họ dự kiến sẽ đệ trình dữ liệu về liều thứ ba lên FDA ở Mỹ ngay trong tháng Tám.

Về phần mình, Moderna đã im lặng trong những tuần gần đây về khả năng có cần liều bổ trợ thứ ba hay không.

Nhưng Giám đốc điều hành của công ty đã nói rằng sẽ cần đến liều ba.

"Hơn bao giờ hết, chúng tôi tin rằng vaccine sẽ không cung cấp khả năng miễn dịch suốt đời," giám đốc điều hành Stéphane Bancel của Moderna nói với Barron's vào tháng Sáu.

Hồi tháng Năm, Stéphane Bancel cho biết: "Chúng tôi tin rằng sẽ cần tiêm các mũi tăng cường vì chúng tôi tin rằng virus sẽ không biến mất."

Pfizer và Moderna, hai công ty sản xuất vaccine mRNA, đang thống trị thị trường đặt hàng vaccine mới, trong khi các đối thủ AstraZeneca và Johnson & Johnson, sử dụng một loại công nghệ khác, đã bị cản trở do lo ngại về tác dụng phụ và vấn đề nguồn cung.

Doanh số của Pfizer

Pfizer hôm thứ Tư đã nâng dự báo doanh số năm 2021 đối với vaccine chống Covid-19 của mình thêm 29% lên 33,5 tỷ đôla.

Pfizer cho biết họ đã vận chuyển hơn 1 tỷ liều vaccine kể từ tháng 12.

Nhà sản xuất dược phẩm Hoa Kỳ chia đôi chi phí và lợi nhuận 50-50 với đối tác Đức Biontech.

Johnson & Johnson tuần trước ước tính doanh số vaccine cả năm là 2,5 tỷ đôla, trong khi Moderna dự báo 19,2 tỷ đôla.