Đạo lý của cái chợ

Thứ Hai, 19 Tháng Bảy 20214:00 SA(Xem: 2816)
Đạo lý của cái chợ

Đạo lý của cái chợ

cho_05

Thành thị, Đô thị, Thị xã, Thị trấn … tất cả đều có chữ “Thị”, là cái chợ. Cái chợ hình thành từ khi con người có nhu cầu trao đổi các sản vật mình làm ra, không có chợ con người không sống được thành một quần thể.

Nông thôn, miền núi từ hàng ngàn năm nay vẫn có chợ phiên. Nhưng khi chợ được tập trung thì sẽ quần tụ xung quanh một cộng đồng, cộng đồng xây dựng thêm các công trình phúc lợi, gọi là thành thị.

Khởi thủy của Sài Gòn là một cái chợ to nhất trong vùng, nơi tập trung nhiều người Việt đến sinh sống. Chúa Nguyễn đến xây dựng chính quyền để bảo vệ dân và đặt một trạm thu thuế để lấy tiền chi dùng cho sự bảo vệ đó. Nơi này dân đến làm ăn trước, chính quyền đến sau từ nhu cầu của dân. Đó là khởi đầu lịch sử hình thành Sài Gòn.

Chợ nào cũng là chợ tự phát. Sự tự phát nào cũng xuất phát từ sự tiện dụng hợp lý tự nhiên. Mọi chính quyền đều phải thuận theo cái chợ. Mọi “quy hoạch” chợ mà không xuất phát từ sự hợp lý tự nhiên của dân chúng đều chuốc lấy thất bại, bằng chứng là có rất nhiều cái chợ do chính quyền đầu tư xây dựng đã không ai tới buôn bán, tốn kém không biết bao nhiêu mà kể.

Cãi lại cái chợ chỉ có thua. Tri thức của cái chợ nhiều hơn và phong phú hơn tri thức của chính quyền. Cái chợ thông minh hơn chính quyền, cái chợ uyên bác hơn những chính quyền uyên bác nhất và uyên bác hơn tất cả chúng ta.

Ba cái chợ đầu mối và mấy trăm cái chợ truyền thống là tim gan phèo phối của Sài Gòn. Chúng trực tiếp hoặc thông qua một hệ thống chằng chịt những người buôn bán nhỏ, hàng ngày đưa thực phẩm hàng hóa đến mỗi gia đình, như đưa máu lưu thông trong cơ thể. Hệ thống chợ này không chỉ phục vụ cuộc sống của người Sài Gòn mà còn nuôi sống hàng chục triệu người sản xuất và kinh doanh tại Sài Gòn cũng như các tỉnh lân cận.

Sự vận hành minh triết của hệ thống chợ búa chính quyền không hiểu được, các kinh tế gia không hiểu được, các nhà báo không hiểu được, vì như đã nói, chúng uyên bác hơn tất cả chúng ta. Chúng ta chỉ có thể thuận theo. Hệ thống siêu thị cũng rất quan trọng, đây thực chất cũng là những cái chợ tự phát hiện đại, nhưng hiện chúng chỉ chiếm một tỉ trọng nhỏ trong lưu thông hàng hóa.

Cấm 3 chợ đầu mối, cấm phần lớn chợ truyền thống, cấm tất cả chợ tự phát và hàng rong một cách đột ngột, điều gì đang xảy ra mọi người đều đã biết. Hậu quả của việc khan hiếm, của việc tăng giá, của việc ách tắc lưu thông gây ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng triệu người, hậu quả đó chính quyền không kiểm soát được, nếu không nhanh chóng tôn trọng đạo lý của chợ búa.

Bị rắn độc cắn mà garo cánh tay hoặc chân để ngăn nọc độc lên tim, nếu garo kéo dài sẽ phải đoạn chi vì đoạn dưới garo sẽ bị hoại tử. Các bác sĩ ai cũng biết điều đó. Ngăn sông cấm chợ cũng diễn ra tương tự, nhưng rất ít người hiểu.

Sài Gòn đã có hai năm đối phó với dịch Covid-19, lẽ ra chính quyền có đủ tri thức để chuẩn bị trước những giải pháp tối ưu nhằm ngăn ngừa lây lan mà không xảy ra nguy cơ bị “hoại tử”. Áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để buộc mọi người thực hiện 5K nơi chợ búa có làm được không ? Chắc chắn là được và đủ nguồn lực để làm. Làm được thì cần gì phải cấm chợ ?

Để dân dồn vào siêu thị với lượng người tăng đột biến do cấm chợ truyền thống, trong một không gian kín, có an toàn hơn để dân mua đồ ở các chợ truyền thống, chợ tự phát với kỷ luật 5K nghiêm ngặt trong không gian mở ngoài trời không ? Chắc chắn là không an toàn hơn.

Người dân chúng ta chấp hành nghiêm quy định của chính quyền trong giãn cách và tuân thủ Chỉ thị 16, nhưng Chỉ thị 16 đâu nhất thiết phải cấm chợ. Thủ tướng Chính phủ cũng như lãnh đạo TP.HCM nhắc đi nhắc lại thực hiện Chỉ thị 16 không phải là phong tỏa thành phố, không phải là ngăn sông cấm chợ. Nhưng 3 cái chợ đầu mối và mấy trăm cái chợ truyền thống ở Sài Gòn đã bị cấm cmnr.

Mục đích của Chỉ thị 16 là bảo vệ cuộc sống của người dân ngăn chặn dịch bệnh lây lan, mục đích là chặn nguy cơ lây lan, chứ không phải dùng nguồn lực để phạt một cách máy móc.

Báo chí từng đăng cảnh anh thanh niên một mình tập thể dục giữa công viên bị hai anh cảnh sát đến xử phạt, dù ảnh có vi phạm không đeo khẩu trang và “ra đường không có lý do cần thiết”, nhưng một mình giữa nơi trống vắng ảnh đâu có lây bệnh cho ai và cũng đâu có ai lây bệnh cho ảnh mà phải chịu phạt. Nguồn lực đi phạt những trường hợp như thế này sao không tập trung bảo đảm 5K tại các chợ để cho chợ có thể hoạt động bình thường ?

Tóm lại là nên mở cửa chợ và thực hiện nghiêm ngặt 5K chống dịch ngay trong chợ !

HOÀNGHẢI VÂN

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn