Bao giờ dân nổi can qua…

Thứ Hai, 28 Tháng Sáu 20214:00 SA(Xem: 3034)
Bao giờ dân nổi can qua…

Thái Hạo

Nhiều người vẫn hay nói rằng, phải từng là nạn nhân hoặc là người cùng cảnh ngộ, rồi mới đồng cảm và đồng hành được hoặc mới trở thành người tranh đấu cho những điều tốt đẹp. Cái đó là một thực tế, nhưng thực tế ấy thường chứa chất cả những rủi ro, đôi khi là thảm họa.

Chúng ta hãy nhớ lại để thấy rằng lịch sử thường chỉ thật sự sang trang như là một cuộc cách mạng khi nó được tiến hành bởi những người ít thiệt thòi trong xã hội, thậm chí là những người có đủ mọi đặc ân so với tầng lớp dưới. Chính miền Bắc mà Lincoln là linh hồn đã giải phóng cho miền Nam nước Mỹ khỏi chế độ nô lệ. Đây không phải là cuộc chiến giành quyền lợi cho mình, mà là dành cho kẻ khác (những người nô lệ). Nó được tiến hành bên trên những vấn đề cá nhân của người thực hiện cuộc cách mạng ấy. Nghĩa là nó tuân theo công lý, điều thiện và những gì thiêng liêng chứ không phải một cuộc tranh giành.

Mở rộng ra, chúng ta thấy nhân loại này từng trải qua những cuộc cách mạng tinh thần vĩ đại cũng bởi bàn tay của chính kẻ đang nắm giữ đặc quyền vô hạn trong xã hội. Câu chuyện của Jesu, của Thích Ca, của các nhà tư tưởng và các nhà văn hóa lớn cũng tương tự như thế.

Nói như thế không phải để phủ nhận quá trình nhận thức của quần chúng hay chối bỏ vai trò của họ trong tiến trình tiến hóa của xã hội, mà để nhấn mạnh điều sau đây: mọi tranh đấu, nếu muốn có thành tựu và dẫn tới một tương lai như là một cuộc thay máu xã hội, thì dứt khoát nó phải được tiến hành bởi cái nền là các giá trị phổ quát, đẹp đẽ, cao cả và thiêng liêng. Nó phải vượt lên trên những áo cơm tiền bạc, dù có thể nó vẫn đang đòi hỏi chính điều ấy trong cuộc tranh đấu.

Nếu không làm được như thế thì sự vận động của xã hội sẽ không phải là một chiều tiến lên mà là vòng tròn. Người ta “chiến đấu” vì điều gì thì chính điều ấy sẽ quyết định tương lai của họ và tất cả những người khác trong cộng đồng. Lịch sử VN đã chứng minh hùng hồn cho điều này, chỉ cần nhìn vào cái kết quả hiện tiền hôm nay là rõ. Làm nô lệ cho điều thiện thì tốt hơn là cho tiền bạc (hay ruộng đất).

Khi chúng ta đi đòi số tiền đã bị cướp, thì chớ quên rằng ta đang đi đòi lại công lý, chứ không phải chỉ có tiền bạc.

Rốt cuộc, câu chuyện dân trí, câu chuyện giáo dục và khai minh vẫn là chỗ cốt tử, nhất là đối với các xã hội bán khai như xã hội ta. Nhưng, gian nan thay, nó lại phụ thuộc vào nỗ lực tự thân của mỗi cá nhân nhiều nhất.

Đừng chờ đợi về một cuộc cách mạng sẽ nổ ra bởi một dân chúng chỉ vì dân chúng ấy đã bị đẩy vào đường cùng của áo cơm. Khi “dân nổi can qua” cũng không phải là điều gì đáng ăn mừng lắm đâu.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn