Nghề viết

Thứ Ba, 22 Tháng Sáu 20214:00 SA(Xem: 3443)
Nghề viết

Đoàn Bảo Châu

Cảm ơn các bạn đã gửi lời chúc nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21.6. Mặc dù tôi không còn thuộc đội ngũ nhà báo cách mạng nhưng nghề phóng viên là nghề tôi làm nhiều năm vừa là phóng viên viết, vừa là phóng viên ảnh. Ngoài báo Việt Nam thì tôi đã có ảnh và bài trên khá nhiều báo chí quốc tế.

Ngoài việc sáng tác văn học, viết tiểu thuyết thì không tính bởi việc ấy là một thú đam mê xa xỉ, thì việc viết trên mạng xã hội cũng là một mảng tốn nhiều thời gian của tôi và tôi nhận thấy rằng trang FB của mình, nếu làm việc một cách nghiêm túc thì cũng có thể coi là một tờ báo cá nhân và có thể mang lại lợi ích cho cộng đồng. Ở bài này tôi xin luận về những người cầm bút.

1. Những người viết cho báo chí (cách mạng). Họ là những người cầm bút theo chỉ đạo và họ phải chịu áp lực nhiều bởi mâu thuẫn giữa lương tâm người cầm bút và áp lực của sếp. Trong một chế độ không có tự do báo chí thì theo tôi từ “báo chí” chỉ đúng một phần. Báo chí là phụng sự sự thật và báo chí chỉ làm được chức năng ấy một cách đầy đủ khi có tự do báo chí một cách đúng nghĩa. Nói vậy cũng là để chia sẻ những áp lực mà cách đồng nghiệp ở mảng này phải chịu. Hy vọng các bạn sẽ có nhiều tự do hơn trong hoạt động nghề nghiệp của mình trong tương lai. Tôi biết nhiều phóng viên làm trong các cơ quan báo chí nhà nước có tâm với nghề nhưng sự viết lách của các bạn đã bị trói buộc rất nhiều.

2. Những người viết trên mạng xã hội. Khác với những người làm báo cách mạng, thì những người này được gọi là người viết lề trái. Thực ra thì tôi không thích từ lề trái, lề phải bởi rất dễ gây hiểm lầm là lề trái là sai trái, lề phải là đúng đắn. Tôi muốn gọi những người cầm bút về phía lương tâm. Bởi họ không viết vì nhuận bút, họ viết vì chính sự thôi thúc nội tâm, vì lý tưởng của họ. Với tôi, họ là những người thiệt thòi nhất khi ở Việt Nam không công nhận phóng viên tự do.

Những ai đã từng phải đi các địa phương để lấy tin bài thì sẽ thông cảm với những người cầm bút tự do. Chính tôi cũng đã không ít lần phải chịu sự căng thẳng với chính quyền địa phương, bị bắt vào ngồi đồn mà thực ra chẳng làm gì vi phạm pháp luật.

Chẳng có pháp luật nào cấm một người đi phỏng vấn, nói chuyện với người dân địa phương cả. Khi bị bắt vào thì riêng việc có tới 4, 5 người vào hỏi cùng một nội dung thì đã mất cả ngày trời rồi. Có rất nhiều câu chuyện tôi hy vọng lúc nào đấy sẽ có cơ hội được kể tự do mà không sợ phiền phức và quan trọng là vẫn tiếp tục được làm việc mình thích. Tiếc thay, tôi cảm thấy ngày ấy rất xa vời, nhưng biết đâu, cứ hy vọng đã.

Nhưng nói chung, lề nào thì nghề viết cũng vẫn là một nghề thú vị bởi viết là suy ngẫm, là động não, là học hỏi và để ta lớn lên trong từng câu viết.

Một lần nữa xin cảm ơn các bạn đã ủng hộ những người cầm bút. Người viết có lương tâm rất cần những người đọc có lương tâm. Chúng tôi không có tiền khi viết nhưng chúng tôi cần sự ủng hộ về tinh thần của các bạn.

H3-3
Ảnh tác giả tự chụp gần 10 năm trước cho một tạp chí
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn