Một buổi chiều thăm nhà văn Huy Phương - Kiều Mỹ Duyên

Thứ Hai, 10 Tháng Năm 20217:19 SA(Xem: 4077)
Một buổi chiều thăm nhà văn Huy Phương - Kiều Mỹ Duyên


Nhà văn Huy Phương (bên phải), phu nhân (giữa), và Kiều Mỹ Duyên tại nhà riêng ở Anaheim chiều 30/4/2021. (Huy Phuong Facebook)

 

Bài KIỀU MỸ DUYÊN

Chúng tôi đi thăm một người bệnh, phải xem ngày giờ, giờ hoàng đạo mới đi thăm, nghĩa là thăm được mới đến. Tôi nói với Phương Vũ, một chuyên viên địa ốc của văn phòng:

- Con với cô hôm nay đến Anaheim thăm nhà văn Huy Phương và thăm sư cô ở ngôi chùa nhỏ. Hên xui may rủi nghen, nếu gặp chủ nhà thì tốt, nếu không gặp chủ nhà, mình cứ để hoa trước cửa nhà.

Thường thường thăm ai, chúng tôi đều gọi trước, nhưng hôm nay chúng tôi gọi, không ai bắt máy. Chúng tôi quyết định mình cứ đi, gặp được thì tốt, không được cũng không sao.

Khi đến nhà của nhà văn Huy Phương, thấy cửa garage mở, tôi vui mừng nói với Phương Vũ:

- Hên quá, hên quá con ơi! Bao nhiêu người đến thăm nhà văn Huy Phương mà đâu có được, cô cháu mình đến là được ngay.

Chúng tôi gõ cửa, chị Huy Phương mở cửa, khuôn mặt chị hiền lành, dễ thương như thuở nào mới định cư ở Hoa Kỳ mà chúng tôi đã đến thăm. Thấy chúng tôi, chị mừng rỡ nói:

- Anh Huy Phương mê man mấy ngày nay vừa tỉnh dậy.

Phòng khách rộng, đầy hoa lan đủ màu sắc. Bàn thờ Phật rực rỡ hoa tươi, một hình tượng Phật đẹp thật to ở phòng khách. Tôi nói ngay:

- Chúng tôi đến thăm anh chị vài giây rồi đi ngay.

Thời giờ quý lắm, nhất là thì giờ của người bệnh cần nghỉ ngơi. Anh chị Huy Phương có người con trai là giáo sư đại học Chapman, trường đại học nổi tiếng ở miền Nam California.

Nhà văn Huy Phương là sĩ quan chiến tranh chính trị thuộc Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị của Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975. Ở tù nhiều năm trước khi sang Hoa Kỳ định cư theo diện H.O, anh may mắn sang Mỹ có việc làm ngay, viết cho báo Người Việt, làm cho đài truyền hình SBTN (Saigon Broadcasting Television Network), viết sách, in sách.

Tôi quen nhà văn Huy Phương vào khoảng 60 năm về trước, khi cục tâm lý chiến tổ chức họp báo là tôi tham dự để viết bài cho báo Hòa Bình. Sau này, gặp lại khi gia đình anh định cư ở Orange County theo diện H.O. Anh hoạt động tích cực trong hội H.O cứu trợ thương phế binh và cô nhi quả phụ ở quê nhà.

Tuyển tập Huy Phương, những bài viết ưng ý của 50 năm cầm bút, lời tựa “Như Một Lời Chia Tay,” làm mọi người rơi lệ. Tuyển tập này xuất bản năm 2020. Vừa phát hành, anh tặng cho tôi tuyển tập này và nói:

- In sách vào thời buổi này không đúng thời.

Nói tới đó anh ngừng. Nhà văn Huy Phương ít nói, nhưng lời nói rất thâm thúy và đầy ý nghĩa. Ra sách trong lúc dịch cúm Covid-19 đang hoành hành, không ra mắt sách được cũng mất đi một phần độc giả, sách không tới tay độc giả. Muốn bán sách được phải quảng cáo thật mạnh trên tivi, radio, báo chí. In sách trong lúc tác giả bệnh không cầm bút được, không làm show trên tivi thì cũng hạn chế độc giả, dù độc giả rất thích đọc sách của nhà văn nổi tiếng. Nhà văn Huy Phương viết nhiều đề tài khác nhau như cha mẹ già ở viện dưỡng lão cay đắng và nước mắt.

Trong tuyển tập “Như Một Lời Chia Tay,” tác giả tạ ơn nhiều người, tạ ơn cuộc đời, đất nước, gia đình, độc giả, v.v..

Biết nhà văn đang bệnh, tôi bàn với xướng ngôn viên Nhã Lan đang cộng tác với Little Saigon Radio và Hồn Việt Tivi dành một chương trình đặc biệt nói về tác giả và tác phẩm tuyển tập Huy Phương. Chương trình được khán thính giả gọi vào rất nhiều. Nhã Lan email cho nhà văn biết trước ngày giờ phát thanh và chiếu trên Hồn Việt Tivi. Làm được một chút gì cho người bệnh, chúng tôi thực hiện ngay. Không biết nhà văn và gia đình có theo dõi show này hay không nhưng chúng tôi vẫn làm, vì không có người này xem tivi, nghe radio thì cũng có đồng hương nghe rồi nói lại cho tác giả. Chúng tôi đem một chút niềm vui cho tác giả và gia đình.

Chúng tôi vừa bước vào phòng của tác giả theo sự hướng dẫn của chị Huy Phương, thấy có hai cháu đang kề cận người bệnh. Nhìn hình Hồng Y Nguyễn Văn Thuận trên tường, chị Huy Phương nói ngay:

- Đức Hồng Y tặng cho anh ấy hình này.

Rồi chị Huy Phương mời tôi ngồi xuống ghế cạnh giường bệnh để chụp hình. Nhà văn Huy Phương cảm ơn chúng tôi đến thăm. Tôi nói:

- Anh cố gắng lên, cố gắng lên. Chúng tôi cầu nguyện cho sức khỏe của anh.

Người bệnh thở mệt nhọc, người ốm nhom nhưng không than. Tôi nói:

- Anh nghỉ ngơi nhé.

Tôi không muốn người bệnh ngồi lâu. Tôi đã thăm nhiều người bệnh trong viện dưỡng lão, có người nằm từ ngày này đến ngày khác nhưng khi có người thân đến thì ngồi bật dậy như không có việc gì.

Anh Huy Phương cũng vậy, anh ngồi dậy, mặt vẫn tỉnh táo lắng nghe người thăm bệnh nói chuyện. Thường thường đi thăm bệnh, tôi thường nói về sự cầu nguyện, vì tất cả đều ngoài tầm tay với. Mắt anh Huy Phương nhìn vào phong bì của chị Huy Phương vừa đưa đến, anh nói:

- Tiền thì trả lại.

Người bệnh nằm mê man mấy ngày vừa tỉnh lại sao mà thông minh và nhạy cảm, biết bằng hữu đến thăm là tặng tiền.

Chị Huy Phương nói:

- Mấy hôm nay ai cho tiền đều trả lại, anh nhất định không nhận.

Khuôn mặt anh bình thường, không nhăn nhó vì đau đớn. Nếu không nhìn thấy tận mắt anh ốm nhom, đâu ai biết anh đang bệnh. Anh nói bác sĩ chê, bảo vào Peace Hope, nhưng anh không bằng lòng, đòi về nhà và sống với gia đình ấm cúng của mình. Nhiều độc giả, khán thính giả muốn thăm anh nhưng gia đình không bao giờ trả lời điện thoại. Điều đó cũng đúng thôi, phải để thì giờ cho người bệnh nghỉ ngơi, tịnh dưỡng.

Nhà văn Huy Phương thật có phúc về già có người bạn đời kề cận bên anh, và sống cùng với con cháu, đó là điều có phúc của người già. Về già mà có người bạn đời bên cạnh thật phúc đức biết chừng nào? Nhà văn Huy Phương có vợ hiền, con ngoan, về già được sống với vợ, con và cháu của mình, thật còn gì hạnh phúc bằng?

Bỗng dưng tôi nhớ tới người bạn cũng quen lâu năm nói với tôi:

- Tôi mong vợ tôi sống lâu hơn tôi để còn lo chôn cất tôi khi tôi qua đời.

Gia đình này có một người con là Đại Tá bác sĩ và người con thứ hai là thương gia tiền rừng bạc biển, mà người bạn đó nghĩ đến khi chết không ai chôn cất mình, chỉ có người vợ, thê thảm thật?

Thăm viếng người bệnh không quá 5 phút, tôi có cảm tưởng người bệnh nào cũng vui khi có người đến thăm, nhìn ánh mắt, nghe giọng nói của người bệnh mình có thể nhận ra điều đó, nhưng quan trọng nhất là cầu nguyện và cầu nguyện. Tất cả mọi sự đều ngoài tầm tay của mình, chỉ có sự cầu nguyện. Trên đường về, tôi cầu nguyện cho nhà văn Huy Phương sớm bình phục để sống với gia đình và người thân.

Đồng bào nào quý mến nhà văn, nhà báo, một chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã từng ở tù mà vẫn hiên ngang không làm mất danh dự của người chiến sĩ, thì xin cầu nguyện cho anh. Một người cầu nguyện, một trăm người cầu nguyện, ngàn người cầu nguyện biết đâu sẽ thay đổi số Trời.

Xin Trời Phật phù hộ nhà văn Huy Phương mau bình phục. Mong lắm thay!

Orange County, 7/5/2021

(kieumyduyen1@yahoo.com)

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn