Ân hận muộn màng của người ung thư phổi nghiện thuốc lá

Thứ Ba, 27 Tháng Tư 20217:00 SA(Xem: 3289)
Ân hận muộn màng của người ung thư phổi nghiện thuốc lá

Anh Hùng ở Ninh Bình hút thuốc lá từ năm 18 tuổi, ngày hút nhiều nhất từ 1,5 đến 2 gói, gần đây thấy khó thở, tức ngực nhiều, người mệt mỏi.

Khi đến Bệnh viện K khám bệnh, bác sĩ thông báo anh mắc ung thư phổi ở tuổi 33, giai đoạn muộn. Anh đã được làm sinh thiết và đang chờ phác đồ điều trị từ bác sĩ.

"Tôi ân hận, nếu quyết tâm bỏ thuốc sớm hơn sẽ không để hậu quả như bây giờ", anh Hùng tiếc nuối.

Cùng phòng bệnh với anh Hùng là bệnh nhân Long Xuân Hiền 60 tuổi quê ở Lạng Sơn, được chẩn đoán ung thư phổi di căn xương. Ông hút thuốc từ ngày còn trẻ, từ 19h hôm trước đến 5h sáng hôm sau hút ít nhất 2 gói. Gần đây, ông khó thở khi làm việc nặng, thậm chí vận động thông thường cũng tức ngực.

Đây là hai trong số nhiều bệnh nhân ung thư phổi đang điều trị tại bệnh viện tiếc nuối do hút thuốc thời gian dài.

Tại khoa Phẫu thuật Lồng ngực, Bệnh viện K, đa phần bệnh nhân ung thư phổi vào đây khi điều tra dịch tễ đều có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm, là nguyên chính gây ung thư phổi hiện nay. Các bác sĩ cho biết những bệnh nhân này chỉ bỏ thuốc khi biết mắc ung thư.

"Tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi vào viện có đến 85-90% có tiền sử hút thuốc lá", bác sĩ Nguyễn Khắc Kiểm, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, Bệnh viện K, nói.

Bác sĩ Kiểm cho biết những bệnh nhân mắc ung thư phổi nghiện thuốc lá khiến việc điều trị khó khăn hơn so với những bệnh nhân không hút thuốc. Lý do, đường hô hấp của họ viêm nhiễm mạn tính bởi khói thuốc lá, vi khuẩn. Vì vậy trong điều trị, đặc biệt là phẫu thuật, rất dễ gây biến chứng viêm phổi, tử vong sau mổ.

"Những bệnh nhân hút thuốc lá nặng, chúng tôi sẽ cho cai thuốc trước, hoặc điều trị chống viêm, kháng sinh để đường hô hấp sạch. Những bệnh nhân không hút thuốc, chúng tôi điều trị ngay", bác sĩ Kiểm nói.

Bệnh nhân ung thư phổi đang điều trị tại khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện K. Ảnh: Thái Hà.

Bệnh nhân ung thư phổi đang điều trị tại khoa Phẫu thuật lồng ngực, Bệnh viện K. Ảnh: Thái Hà.

Ung thư phổi là một khối mô bất thường, phát triển quá mức và không hài hòa với những tổ chức bình thường kế cận. Ung thư phổi có hai loại chính: Ung thư phổi tế bào nhỏ, chiếm khoảng 10%; Ung thư phổi không tế bào nhỏ, chiếm khoảng 90%.

Tại Việt Nam, ung thư phổi xếp thứ hai sau ung thư gan về số ca mắc mới và tử vong. Số liệu Tổ chức Y tế Thế gới (WHO) năm 2020, Việt Nam thêm hơn 26.200 ca mắc mới ung thư phổi và gần 24.000 ca tử vong.

Nhiều nghiên cứu cho thấy nguyên nhân tác động gây nên bệnh ung thư phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá, điều kiện lao động, nhiễm độc nước, không khí và nếp sống thiếu vệ sinh... Đặc biệt khi có nhiều yếu tố phối hợp với nhau, nguy cơ mắc bệnh càng tăng.

Ung thư phổi được xếp vào nhóm khó chẩn đoán, điều trị khó khăn. Ngay tại các nước phát triển, tỷ lệ phát hiện sớm ung thư phổi cũng chưa tới 25%. Tại Việt Nam, trên 75% bệnh nhân ung thư phổi đến viện ở giai đoạn muộn.

Ở giai đoạn đầu, hầu hết trường hợp mắc ung thư phổi đều không có triệu chứng điển hình nên rất khó nhận biết, dễ gây nhầm lẫn với một số bệnh lý đường hô hấp khác. Các triệu chứng thường gặp là ho, chiếm khoảng 70% các trường hợp. Đây là dấu hiệu sớm của ung thư phổi có khả năng xuất hiện sớm nhất.

Ngoài ra, một số dấu hiệu sớm của ung thư phổi như cảm giác khó thở, ho ra máu, đau ngực, khàn giọng... Phát hiện sớm ung thư phổi sẽ giúp cho quá trình điều trị đạt hiệu quả tối đa. Vì vậy việc phòng và phát hiện sớm bệnh ung thư phổi luôn được đặt lên hàng đầu.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn