Trách nhiệm giúp người trẻ sống trung thực thuộc về chúng ta hôm nay

Thứ Hai, 12 Tháng Tư 20214:00 SA(Xem: 3456)
Trách nhiệm giúp người trẻ sống trung thực thuộc về chúng ta hôm nay
voatiengviet.com

Trách nhiệm giúp người trẻ sống trung thực thuộc về chúng ta hôm nay

VOA

Trần An-Bee


Căn nhà buổi sáng ồn ào vì những tiếng càm ràm, giận dữ của thằng Tèo: Con lại trễ giờ đến trường rồi. Sao mẹ không đánh thức con dậy sớm hơn?- Bà mẹ đáp: Tối qua mẹ bảo con để đồng hồ báo thức rồi cơ mà? Tèo lại hét toáng lên đang khi tìm kiếm cái áo trắng: Na, cái áo sơ mi của anh đâu? Tối qua tao còn thấy nó ở đây cơ mà… Na, mày có lấy lộn áo của tao không? Bé Na đã ngồi ở thềm nhà chờ anh để cùng đi đến trường, trả lời: Ơ, em là con gái, em có bao giờ mặc áo trắng của anh đâu cơ chứ. Tối qua là em ủi và để ở đầu giường cho anh đấy. Đã không cám ơn còn đổ lỗi cho em. Anh không nhanh lên thì cả hai anh em đều trễ giờ đây này.

Những câu chuyện tương tự như thế có vẻ như rất bình thường trong các gia đình và tại trường học. Những đứa trẻ hay đổ lỗi cho người khác vì cái lỗi của chính mình giống như Tèo thường cũng không thiếu. Kiểu như: Cô A không thích tôi nên đó là lý do tôi bị cô ấy đì và cho tôi điểm kém; Nó đánh con trước chứ không phải con; Tại bà ấy đổ rác sang nhà tôi nên tôi đổ lại thì có gì sai? v.v...

Trong cuộc sống, những cái tại vì và tại ai đó cũng rất hiển nhiên được chấp nhận mà không hoặc rất ít có giải pháp hoặc phân tích lý giải vấn đề đàng sau các cái “tại vì” đó.

Từ những chuyện vặt trong nhà ngoài phố đến chuyện quyền lợi và danh dự, mạng sống của con người, tất cả cũng có thật nhiều những biện hộ với hai chữ “tại vì”. Tại vì Malala lên tiếng cho quyền được đến trường của các bé gái nên cô đã bị bắn; tại vì cô Brittany Higgins đã uống rượu và ăn mặc không kín đáo nên đã là nguyên nhân đưa đến việc cô bị xúc phạm, và câu chuyện của cô đang là đề tài để một lần nữa báo chí Úc lên tiếng rầm rộ những ngày trong tháng Ba này; Tại nước sông Mekong cạn kiệt nên mùa màng bị thất bát; tại biến đổi khí hậu nên rét đậm rét hại giết chết mùa màng, thú vật và con người ở các vùng phía Bắc Việt Nam; …Đủ hết các thứ tại vì, và rồi sao nữa? Nguyên nhân đã biết, thế còn giải pháp thì sao?

John Wooden (1910 – 2010) là một vận động viên, huấn luyện viên bóng rổ huyền thoại của Mỹ, người đã có một quan niệm rõ ràng về… sự đổ lỗi. John coi đó là một căn bệnh và nếu các cầu thủ nào được ông huấn luyện mà mắc phải căn bệnh này, thì ông buộc phải giúp họ chữa trị căn bệnh đó. Với John, nếu các cầu thủ của ông bỏ lỡ một cú đưa bóng vào rổ, John sẽ không muốn nghe một sự đổ lỗi nào rằng đó là do một cầu thủ khác hay do một nguyên nhân nào đó. Hoặc nếu các cầu thủ trễ giờ tập luyện, ông cũng không chấp nhận sự đổ lỗi cho việc trễ chuyến xe hay kẹt đường. Nếu cả đội bị thua một trận đấu, ông cũng không muốn nghe càm ràm về lỗi của trọng tài. John cho rằng, việc sai xót là bình thường và ai cũng có lúc mắc phải sai lầm. Chúng ta phải nhìn nhận cái sai một cách thẳng thắn. Tuy vậy, đổ lỗi thì là một căn bệnh và đã bệnh thì phải chữa trị, phải tìm thuốc chữa. Ông nói với những người được ông huấn luyện rằng “bạn sẽ không phải là người thất bại cho đến khi bạn đổ lỗi về sự thất bại của mình là do người khác”. John trở thành một huyền thoại trong làng bóng rổ vì rất nhiều những đóng góp của ông, và một trong những điều đưa ông đến thành công chính là thái độ của ông đối với thất bại. Ông không coi thất bại là kẻ thù, nhưng là bàn đẩy để thành công. Nhìn nhận những sai xót, thất bại là bài học mà ai cũng cần phải học nếu muốn thành công. Ông được kính trọng và trở nên nổi tiếng chính vì cách mà ông đã khuyến khích các người trẻ, những thế hệ đi sau dám nhìn nhận những khiếm khuyết của mình và vượt qua những giới hạn ấy. Ông nhắc nhở họ rằng “mọi thứ trở nên tốt nhất cho những ai biết tận dụng những điều được trao cho họ để biến chúng thành tốt nhất”.

Các nhà nghiên cứu tâm lý xã hội và sự phát triển con người cho rằng cách mà chúng ta nuôi dạy những đứa trẻ và không chấp nhận những sai lầm của chúng lại chính là những sai lầm to lớn của chúng ta. Rồi sau đó chúng ta lại tiếp tục đi sửa những sai lầm đó của mình bằng cách trách cứ những đứa trẻ rằng chúng đã không biết trung thực và nhận trách nhiệm về cái sai của mình.

Thực ra, những đứa trẻ cũng như người lớn chúng ta, ai ai cũng mong muốn được người khác đón nhận mình cũng như những điều mình thực hiện. Ai cũng cảm thấy rằng nếu ta nói rằng ta đã làm gì đó sai, thì kết quả có thể là ta sẽ không được thừa nhận, và cách tốt nhất để có được sự thừa nhận của người khác chính là chuyển cái sai cho một ai đó. Thế nhưng, phải thành thật mà nói rằng “thật không khôn ngoan khi chắc chắn về sự khôn ngoan của chính mình. Sẽ tốt cho bản thân nếu nhớ rằng người mạnh nhất vẫn có thể suy yếu và người khôn ngoan nhất vẫn có thể phạm sai lầm” (Mahatma Gandi).

Để điều chỉnh hoặc để tránh tâm lý sợ hãi và đổ lỗi này, trong khoa sư phạm, để giúp các học sinh thể hiện bản thân cách trung thực, cách tốt nhất là khiến chúng tin tưởng. Và để tạo niềm tin thì lại cần một bước khởi đầu đó là tránh kết tội. Khi đứng trước cái sai của các em học trò, kể cả trò nhỏ tuổi hay là học trò lớn, các nhà sư phạm thường khuyến khích các em bằng cách nói “ồ, thầy/cô có thể thấy nhiều thứ em làm chưa đúng. Lần sau em cố gắng chú ý các lỗi này, lỗi này, lỗi này nhé. Nhớ rằng, ai cũng có những lúc sai xót, thế nhưng… cố gắng lên nhé!”

Không có thánh nhân nào mà không có một quá khứ; không có tội nhân nào mà không có một tương lai. Câu nói trên quả đúng vì ai trong chúng ta cũng có điểm yếu và điểm mạnh, và ai cũng có cái hay và cái chưa hay. Thể hiện sự hào phóng khi tìm ra những điểm tích cực và khen ngợi trước khi đưa ra những lời phân tích, nhận xét về cái lỗi, cái sai là những điều không chỉ được khuyến khích trong trường học nhưng là ở mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Có nhiều bằng chứng cho thấy rằng ai trong chúng ta cũng cảm thấy được an ủi khi thấy mình được tôn trọng, dù cho mình có sai lỗi. Sự nhận thức và cảm nhận bản thân được tôn trọng đưa con người ta đến sự quyết tâm đối diện với cái sai và tìm kiếm sự thay đổi hơn là bị truy cùng diệt tận trong cái sai của mình.

Công bằng trong phán xét và có những động thái phù hợp đối với những sai phạm là điều cần thiết trong tiến trình giúp phát triển sự trung thực. Ở các trường học, thầy cô thường đưa ra những cơ hội để học trò sửa sai. Các cơ hội có thể là cho học trò những chọn lựa, hoặc để thảo luận các cách mà em sẽ thực hiện để sửa sai, hoặc mời các em tham gia vào việc tìm kiếm các giải pháp cho các sai lầm của mình. Gia đình và công sở cũng có thể thực hiện cách tương tự.

Thật dễ để đổ lỗi cho ai đó khi có sai phạm xảy ra, điều đó tránh được việc phải gánh vác trách nhiệm đối với người phạm lỗi. Ở các nước tiên tiến, trách nhiệm giải trình (accountability) trước các vấn đề trở thành một văn hoá được đặt trên vai của mỗi cá nhân, kể cả những đứa trẻ. Nếu mắc sai phạm, việc cần làm là chịu trách nhiệm về nó và tìm kiếm cách thế để sửa sai, để tiếp tục tiến lên – (move forward) chứ không ở mãi trong sự trách phạt, đổ lỗi và ân hận rồi chán nản buông xuôi. Giáo dục công dân, chuẩn bị cho những người lãnh đạo tương lai được bắt đầu từ những bài học về sự can đảm và trung thực này ngay từ những năm đầu đời của một đứa trẻ.

Từ trường về nhà và từ nhà đến trường đều cần có một văn hoá giải trình cách trung thực. Để thực hiện điều này thì cần một sự khôn ngoan và thấu cảm để biết cân nhắc trong lời nhận xét hay phê phán. Thế hệ tương lai chắc chắn cũng mong muốn nhận được những sự hướng dẫn bao dung và khôn ngoan của người lớn giống như John Wooden đã thực hiện với các cầu thủ trẻ của ông. Người trẻ cần những tấm gương dám làm, dám chịu và dám đứng lên. Trở nên những tấm gương tốt cho người trẻ thuộc về trách nhiệm của mỗi người chúng ta, ngay hôm nay.

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn