Chuột đồng

Thứ Tư, 17 Tháng Ba 20213:00 CH(Xem: 3822)
Chuột đồng

VÕ ĐẮC DANH

Chủ nhật, anh Thành rủ chúng tôi về Củ Chi quê anh ăn thịt chuột. Thành nói hôm qua đã gọi điện dặn anh Tư Chuột rồi, sáng nay anh cho hay, gài được hơn mười con. Tôi nghĩ trong bụng mà không dám nói ra, đi một xe năm sáu người mà chỉ có hơn mười con chuột thì làm sao đủ ăn.

vnp_san_chuot_dong_18
Chuột đồng nướng trui (dacsanmientay)

Nhưng khi tới nhà Thành, thấy Tư Chuột đang ngồi nướng, tôi hoảng hồn, con nào con nấy cả ký lô, mập ú như con heo sữa. Tư Chuột cho biết đây là chuột mía, thực chất thì nó là chuột cống nhum, nhưng vì chúng sống theo rẫy mía lâu năm nên to con hơn chuột đồng ở các vùng quê khác, và chỉ có rẫy mía mới có loại chuột cống to như vậy. Tư Chuột nói, tên thật của anh là Tư, nhưng do nổi tiếng nghề gài chuột và nướng chuột nên làng xóm đặt anh là Tư Chuột.

Hỏi mỗi ngày kiếm được bao nhiêu, Tư Chuột cười: “Hàng ngày tôi vẫn làm ruộng, làm vườn, khi làng xóm có đám tiệc, họ đặt trước, tôi mới đi gài”. Một ký chuột năm chục ngàn, một đám giỗ, đám cưới, có khi “đặt hàng” Tư Chuột đến bốn năm chục ký. Cách làm ăn của anh cũng không giống ai, vừa rất tài tử, cũng vừa rất chuyên nghiệp. Khi nhận “đơn hàng” với số lượng và thời gian cụ thể, mỗi tối anh chất bẫy lên xe Honda đi vòng theo các rẫy mía trong vùng, kiếm đủ số lượng theo đơn hàng thì thôi, mang chuột về rọng lại. Tới hẹn, anh nấu nước nhổ lông, ướp gia vị rồi mang đồ nghề đến nướng tại nhà của khách hàng, nướng tại chỗ cho khách ăn tại chỗ.

Hôm ấy tại nhà Thành cũng vậy, anh đặt cái lò than dưới gốc xoài, gần bàn nhậu, khách ăn tới đâu anh nướng tới đó. Chuột cống để da, ướp gia vị, nướng lò than, ăn với cơm nếp đậu xanh. Trời ơi ! Giờ ngồi gõ những con chữ nầy mà vẫn nghe mùi thơm, vị ngọt bốc lên.

maxresdefault-4
Chuột đồng nướng muối ớt (dacsanmientay)

Ở Bạc Liêu quê tôi ngày xưa chuột cũng đầy đồng, tôi nhớ có lần, trên đường đi đặt rập cua, sáng ra, bơi xuồng thả rập xong, mấy thằng bạn than hết đồ ăn, tôi xách cây dầm bước lên bờ đìa, tìm cái hang chuột rồi lấy dầm xắn vài lác đất, thay vì phải đào bằng dá. Mùa sa mưa đất mềm, chỉ cần xắn mấy dầm là thấy cái đuôi chuột cống lòi ra, cứ nắm đuôi vật đầu mấy cái là bốn năm con chuột nằm một đống. Chuột đồng Bạc Liêu không lớn con bằng chuột mía Củ Chi, nhưng lột bỏ lớp da là mỡ đầy mình, bốc cái ruột ra là mỡ chứa đầy trong bụng. “Lấy mỡ nó chiên nó”, đó là cách nói của dân ăn chuột xứ tôi, chỉ cần chặt khúc, bỏ vào chảo, đốt lửa lên năm mười phút là mỡ chảy ra đầy chảo, đốt cho “tới mỡ”, thịt chuột sẽ vàng nghệ bên ngoài. Như vậy là xong, chấm muối thô hoặc nước mắm mà ăn, không cần gia vị. Đó là cách ăn hoang dã nhưng không kém ngon so với cách làm của anh Tư Chuột.

chuot-dong-chien-nuoc-mam-2
Chuột đồng chiên nước mắm (dacsanmientay)

Bắt chuột cũng có nhiều cách bắt. Mùa hạn thì đi đốt đồng. Cánh đồng Chó Ngáp quê tôi vào mùa khô thì nó là thế giới riêng của chuột. Chỉ cần đốt một đám năn, ngồi chờ cho lửa cháy hết một cánh đồng, mỗi một cánh đồng lớn hàng trăm mẫu, cách nhau bởi những kinh mương. Lửa cháy, từng bầy chuột sẽ chui vào hang, những ngõ ngách ăn luồn dưới đất, cách mặt đất chừng nửa gang tay, đó là những “đường hầm” do chúng tạo nên trong những đêm đi đào bới củ năn. Khi lửa cháy, chúng biến những đường hầm ấy thành nơi ẩn náu. Chúng tôi chỉ việc bươi hang, nắm đầu chúng lên, dùng nỏ bẻ răng rồi cho vào giỏ, đến khi nào không còn khiêng nổi nữa thì thôi, đành tha mạng cho những bầy chuột còn lại, hẹn với chúng vào mùa mưa. Mùa mưa, năn phủ xanh đồng, nước ngập nửa ống chân, chúng tôi trở lại “dặm cù”. Bốn năm thằng nối nhau đi một vòng tròn, khoảng hơn ngàn mét vuông.

Đi đến đâu, đạp năn xẹp xuống nước đến đó, lũ chuột co cụm dần rồi “gom cù” vào một chỗ. Khi cái căn cứ cuối cùng của chúng thu hẹp lại chừng vài ba mét vuông, một thằng vạch năn, thọp đầu, bẻ răng bỏ vào giỏ, những thằng khác tiếp tục nối nhau dậm xung quanh, “không cho chúng nó thoát”. Quần đảo vài ba đám năn như vậy, chúng tôi cũng tóm được vài trăm chú chuột. Nhưng cách bắt nầy đòi hỏi phải nhanh nhẹn, bạo tay, phải bóp mạnh con chuột để ruột nó dồn lên ức, đầu nó không co lại được. Nếu không thì đừng trách sao mầy lại cắn tao.

Một cách bắt nữa là dẫn chó đi đào hang. Chuột thường làm hang ở những bờ ruộng, bờ đìa, bờ đê. Hồi ấy ở quê tôi, nhà nào cũng nuôi vài ba con chó, huấn luyện chúng thành những tay săn chuột lão luyện. Trong vô số hang ngách ngoài đồng, hang nào có chuột hay không, chỉ có . . . chó mới biết. Sáng sớm vác dá ra đồng, chỉ cần chặc lưỡi, bầy chó chạy theo. Chúng vừa đi vừa đánh hơi. Khi mũi chó hít vào hang, đuôi nó cong lên, hai chân trước bươi xối xả thì chắc rằng trong đó có chuột, lúc ấy, ta cứ đào, xắn theo miệng hang.

Một con chó vừa bươi, vừa rình rập, trông chừng, những con khác đánh hơi tìm kiếm những ngõ ngách xung quanh và ngồi đó canh giữ. Mỗi con chuột chạy ra, lập tức bị chó táp ngay đầu. Con chó khôn ngoan chỉ nhắm ngay đầu con chuột mà cắn, để lại phần thân thể còn nguyên vẹn cho chủ, và, con chó khôn ngoan cũng không bao giờ ăn thịt chuột khi chưa được chủ cho phép. Về nhà, khi chuột được chế biến xong, dọn ra mâm cơm, con chó chọn một chỗ ngồi dưới đất, im lặng ngóng lên, chờ chủ ném cho phần xương xẩu.

Chuột có nhiều cách chế biến như chiên, xào củ hành, xào sả ớt, muối sả, kho mắm, nấu canh chua cơm mẻ với bắp chuối, khìa nước dừa, nướng, quay lu. Nhưng ngon nhất vẫn là món “lấy mỡ chuột chiên chuột”.

Ngày nay, dân miền Tây có cách bắt chuột đồng khá độc đáo vào mùa nước nổi, họ chất một đống cành cây khô trên những gò đất cao, gọi là thả chà làm nơi cho chuột tập trung tới cư trú, sau một thời gian vài ba tháng, họ dùng lưới bao quanh rồi dỡ chà, mỗi lần như vậy họ bắt được hàng trăm, có khi hàng ngàn con chuột.

Từ lâu, ở Cao Lãnh, Đồng Tháp có món chuột quay lu nổi tiếng. Bốn năm trước, con gái tôi du học ở Mỹ về quê nghỉ hè, tôi chở nó lang thang một chuyến miền Tây, thưởng thức nhiều món ăn dân dã. Đến khi trở lại Mỹ, nó nhắn tin: “Thèm chuột quay lu quá cha ơi”. Có một điều lạ là miền Tây nơi nào cũng có chuột đồng, nhưng không hiểu sao hàng chục năm qua món chuột quay lu vẫn là món độc quyền của dân Cao Lãnh? Họ có bí quyết gì chăng?

a-2
Chuột đồng xào lá cách (báo Cần Thơ)

Chuột được xếp theo hai thành phần: chuột đồng và chuột nhà, chuột đồng là loại phá hoại mùa màng, nhưng ngược lại chúng là món đặc sản của dân ăn nhậu sành điệu. Còn chuột nhà được xem là loại đục khoét, chuyên phá phách nhà cửa và trộm thức ăn của chủ, loại này không ai ăn thịt vì chúng ăn ở mất vệ sinh. Vì thế, chuột đồng và chuột nhà có “tính cách” và số phận khác nhau.

Văn hào Lev Tolstoy từng có câu truyện ngụ ngôn về chuột khá thú vị rằng, một hôm chuột nhà đi thăm chuột đồng, nhìn cảnh đồng ruộng hoang sơ, chuột đồng chỉ ăn những bữa ăn đạm bạc với cỏ non, chuột nhà nói: “Anh sống sao mà khắc khổ quá, theo tôi về nhà tôi đãi anh một bữa”. Chuột đồng theo chuột nhà về nhà, leo lên bàn ăn, chuột đồng rất ngạc nhiên thấy toàn cao lương mỹ vị: “Chao ôi, anh sống sao mà sung sướng quá!”. Chuột nhà hãnh diện nói: “Sống thế mới là gọi sống, hay là anh bỏ đồng ruộng về đây sống với tôi”. Liền khi đó có bóng người đi tới, chuột nhà hốt hoảng dắt chuột đồng chạy xuống hang, chuột đồng ngạc nhiên hỏi: “Sao vậy ?”. Chuột nhà nói: “Đó là thức ăn của người ta, mình chỉ ăn lén thôi”. Chuột đồng vừa bỏ đi vừa nói: “Sống như anh thì nhục quá, thà ăn cỏ, uống nước đồng như tôi mà thanh thản lương tâm”.

Xem ra, loài chuột cũng còn biết thế nào là liêm sỉ!

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn