SAU 50 NĂM HUẾ 1968 - CAO MỴ NHÂN

Thứ Ba, 06 Tháng Hai 20186:00 SA(Xem: 6180)
SAU 50 NĂM HUẾ 1968 - CAO MỴ NHÂN
          636534582247224480zzzasas

      SAU 50 NĂM HUẾ 1968   -   CAO MỴ NHÂN 

 

Thảm hoạ Tết Mậu Thân 1968, thì kể từ sau đó, năm nào Tết đến Xuân về các đài truyền hình VNCH cũng đều chiếu lại cái cảnh Việt Cộng giết chóc dã man dân chúng các thành phố miền nam.

Cho tới mùa xuân năm 1975, mặc dầu chiến trận khốc liệt, truyền thông báo chí VNCH vẫn duy trì công tác nhắc nhở dân chúng miền nam, cảnh giác bọn Việt cộng nằm vùng và cộng sản bắc việt ngoan cố xâm lấn lãnh thổ Việt Nam Tự Do. 

 

Song csvn với sự hà hơi tiếp sức của cộng sản Nga Tàu, chúng xé rách hiệp định Paris, vượt qua ranh giới quốc cộng , cướp chiếm miền nam, nên kể từ 1976, cuốn phim đau buồn Tết Mậu Thân tạm dẹp bỏ.

Dân chúng miền nam sống trong oán thù Việt cộng, các gia đình có thân nhân bị VC (Việt cộng) thảm sát Tết Mậu Thân 1968 phải cúng giỗ trong thù hận, không thể nào quên . 

Mặt khác, hàng trăm ngàn quân cán chính VNCH bị đi tù tập trung nơi các trại tù ma thiêng nước độc từ nam ra bắc . 

 

Tết Mậu Thìn 1988, tức là 20 năm sau Tết Mậu Thân 1968 nêu trên, csvn tổ chức một đêm gọi là " 20 năm Tết Mậu Thân " ở Nhà Văn Hoá Thanh Niên thành Hồ. 

Đêm ôn nhớ Tết Mậu Thân, thanh niên, sinh viên, học sinh vv...tới Nhà Văn Hoá ấy, để nghe các nhân chứng sống với " lịch sử đỏ" trình bầy cuộc tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân vào các thành phố miền nam như thế nào. 

Tất nhiên các tên tuổi phản chiến xưa ở Saigon trước 30-4-1975 như Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Miên Đức Thắng, Lê Văn Nuôi vv...thì có mặt rồi. 

Nhưng phải kể 3 nhân vật làm nền cho lâu đài quỷ ám, thần sầu quỷ khốc, linh hồn của buổi ôn nhớ Tết Mậu Thân HUẾ,  là bộ ba tên tuổi khiếp đảm hơn mấy người nêu trên , đó là Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn Đắc Xuân . 

 

Một sự tình cờ, như tôi đã kể nhiều lần, rằng sau khi đi tù cải tạo về, tôi không có vốn liếng để buôn bán sạp chợ như số đông quý vị sĩ quan hậu cải tạo, buôn bán và chờ vượt biên hay bảo lãnh.

Cho nên tôi phải học một khoá tổng hợp các phương pháp Thể dục Dưỡng Sinh, để hướng dẫn các vị cao niên cũ mới, các vị bịnh kinh niên, phòng ngừa bịnh vv...tại Câu Lạc Bộ Dưỡng Sinh Viện Y Dược Học Dân Tộc, do Bác sĩ Trương Thìn bấy giờ làm viện trưởng . 

Bác sĩ Trương Thìn vốn trước 1975 là y sĩ trung uý của Quân Lực VNCH. Nhưng y sĩ trung uý Trương Thìn cũng trong danh sách sinh viên phản chiến. Ông là bạn của Hoàng Phủ Ngọc Tường . 

 

Do đó buổi trưa ngày tổ chức 20 năm Tết Mậu Thân đương nêu, nhà thơ hoàng phái Vĩnh Mạnh Thường Quân có bữa ăn trưa mời vài ba người chuyên xướng hoạ thơ Đường tới tư thất ông bà dùng bữa. 

Tôi là một trong số bạn thơ của thi sĩ Vĩnh Mạnh hoàng phái nêu trên, cũng được mời. 

Hôm đó nơi bàn tiệc, có sự hiện diện của " hung thần ' Hoàng Phủ Ngọc Tường, đi cùng với một ông tên Đài . 

Tới đó, nhà thơ Vĩnh Mạnh Thường Quân giới thiệu tôi là một sĩ quan chế độ cũ, đã xong tù cải tạo, và là bạn thơ bình thường của thi sĩ Vĩnh Mạnh, hoàng phái chủ nhà. 

Hoàng Phủ Ngọc Tường cười một cách " Huế dĩ vãng ", nói : 

"Cao Mỵ Nhân mà lâu nay tôi cứ tưởng... tra lắm tê..." 

Tôi bình thản trả lời trống không: 

"Người ta nói anh em ông làm vỡ mộng bao cô gái Huế..." 

 

Ý tôi muốn nói Hoàng Phủ Ngọc Tường và Hoàng Phủ Ngọc Phan đã làm dân Huế chết chóc thảm khốc thế nào, khiến bao cô gái Huế xưa, đã bị vỡ mộng. 

Hoàng Phủ Ngọc Tường lụp chụp lắc đầu: 

"Rứa có biết thằng Phan suýt chết ở Bao Vinh vì máy bay Mỹ không?" 

Mặc dầu là sĩ quan đi cải tạo về, tôi cũng chẳng ngán gì, Hoàng Phủ Ngọc Tường nhờ tôi cùng qua viện gặp bác sĩ Trương Thìn, "hung thần" mời mọi người nơi bàn ăn trưa hôm đó: 

" Tối ni,tôi sẽ kể Tết Mậu Thân cho mọi người nghe " 

Nhà thơ Vĩnh Mạnh hoàng phái cười: 

" Cô Cao Mỵ Nhân đi nghe thử xem sao! "

Tôi trả lời: " Cách đây 20 năm, tôi đã thấy Tết Mậu Thân Huế về phía VNCH chúng tôi, tối nay tôi sẽ đi coi ông nói gì về Tết Mậu Thân Huế ấy..." 

 

Sau bữa trưa ở nhà thi sĩ hoàng phái nêu trên, Và khi đã đọc trọn bài thơ " Đêm qua" của Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi nói bâng quơ: 

" Tôi thấy trong thơ Đêm Qua của ông( HPNT ) có đoạn 

( Thôi em, cảm tạ con người

Đã thương, đã ghét giữa trời mênh mông 

Đêm qua rơi xuống cội lòng 

Vàng in chiếc lá ngô đồng thiên thu...) HPNT

Như vậy có phải ông đã thấp thoáng nhớ mầu vàng nơi chiếc lá ngô đồng đang bay vào thiên thu đó không? " 

Hoàng Phủ Ngọc Tường lắc đầu quầy quậy: 

" Ôi bây chừ không vàng đỏ  chi hết, tất cả là một thôi. " 

Tôi khẳng định: 

" Là một thế nào được, khó hoà 2 mầu sắc ấy lắm !" 

 

Mới 6 giờ chiều, nhà văn hoá thanh niên đã đông nghẹt người đến nghe Tết Mậu Thân Huế xem thế nào.

Hoàng Phủ Ngọc Tường đứng trên sân khấu nói thật nhiều, gần như khan cả cổ . 

Tường giới thiệu Hoàng Phủ Ngọc Phan và Nguyễn Đắc Xuân, nhưng cả hai đều đứng ở dãy ghế đầu, đưa tay chào, chẳng người nào lên " cứu bồ" HPNT.

Nguyễn Đác Xuân thủa 20 năm Tết Mậu Thân ấy, 1988, tức cách đây 30 năm, tóc đã bạc trắng . 

Cuối cùng chương trình chuyển qua ngâm thơ...

Mà cũng không ngâm thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường nữa, Thuý Vinh và Huyền Trân chia nhau ngâm 2 bài thơ của thi sĩ tiền chiến Hàn Mặc Tử : 

" Đây thôn Vỹ Dạ và Mùa xuân chín " 

Có lẽ ban tổ chức muốn hoá giải những đau thương lỡ lầm của những người phản bội Huế, xé Huế tanh banh mùa xuân Mậu Thân 1968 ấy, mùa xuân thay vì : 

 

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc 

Lá trúc che ngang mặt chữ điền  

   ( Đây thôn Vỹ Dạ - Hàn Mặc Tử ) 

thì đêm 20 năm Tết Mậu Thân đó, 3 hung thần Tường Phan Xuân có ai nhân diện chữ điền đôn hậu, chất phác đâu . 

Khúc sông Hương qua thôn Vỹ Dạ cả tháng giêng năm Mậu Thân đó, xác chết trên bờ, xác chết trôi sông, lám sao có được cảnh: 

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó 

Có chở trăng về kịp tối nay 

  ( Đây thôn Vỹ Dạ -  Hàn Mặc Tử ) 

Chao ôi, Huế vốn thơ mộng từ muôn xưa, những cô gái Huế với những tà áo tím thả mớ tóc thề bên nhau " mượt sức mơ hoa" để rồi : 

Ngày mai trong đám xuân xanh ấy 

Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi

     ( Mùa xuân chín - Hàn Mặc Tử ) 

Thì Tết Mậu Thân 1968 Huế còn chi yên lành nữa, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Nguyễn Đắc Xuân đã làm hoen ố mộng thanh bình của một trời dĩ vãng ...

Sau này những khách chinh yên từ khắp miền đất nước VNCH trở lại Huế, để tiếp tục bảo vệ Huế kiêu sa...

Một trưa nắng gắt mờ hơi khói, hay một chiều mờ nhẹ sương bay ...khách đường xa thoáng thấy bóng ai, áo trắng nhìn không ra, chợt lạnh người trước hình ma bóng quế Tết Mậu Thân, rồi chép miệng nhớ thơ Hàn Mặc Tử: 

Ôi khách đường xa, khách đường xa

Áo ai trắng quá nhìn không ra

Ở đây sương khói mờ nhân ảnh 

Ai biết tình ai có đậm đà ...

  ( Đây thôn Vỹ Dạ  - Hàn Mặc Tử ) 

 

Xưa nay, từ cổ chí kim, từ đông sang tây, đều nghĩ rằng: 

Có ngàn vạn câu hỏi, có muôn triệu lời đáp cho một tình huống nào, mù mờ, rắc rối...mà người tạo ra lỗi lầm, cứ nhất định không nhận sự sai trái của mình ...

Rồi cũng có một ngày, một giờ, thậm chí một phút giây thôi, kẻ mệnh bạc đưa tay sờ nắp quan tài, lặng thầm hối lỗi, lúc đó thì đã muộn, nhưng Thượng Đế vẫn đợi chờ hai tiếng than ôi trên môi người tử biệt...

Chúng ta đang mong mỏi đại sát thủ Hoàng Phủ Ngọc Tường mang tâm hồn tàn bạo đánh Huế Tết Mậu Thân kia, lúc bước vào thiên cổ, hay khi rơi xuống địa ngục, Tường còn có thể cúi chào tạ lỗi dân chúng Huế với tràn đầy nước mắt ăn năn...

 

CAO MỴ NHÂN (HNPD) 

Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn